CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH

Cải cách hành chính ở nước ta - Thực trạng và một số đề xuất
Ngày đăng 24/04/2024 | 16:18  | Lượt xem: 187

Cải cách hành chính ở nước ta được triển khai đồng bộ, bài bản từ khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 136/2001/QĐ-TTg ngày 17/9/2001 phê duyệt Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2001 - 2010 và tiếp theo đó là Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011 - 2020 được ban hành theo Nghị quyết số 30c/NQ-CP ngày 08/11/2011 của Chính phủ.

Gần đây nhất là Nghị quyết số 76/NQ-CP ngày 15/7/2021 của Chính phủ ban hành Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021 - 2030. Kết quả đạt được của công tác cải cách hành chính được thể hiện qua những nội dung sau:

Một là, thể chế, chính sách luôn được quan tâm hoàn thiện, chất lượng ngày càng nâng cao.

Trước hết là thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Chính phủ thường xuyên quan tâm chỉ đạo các bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các địa phương xây dựng thể chế thuộc phạm vi quản lý, chú trọng hoàn thiện thể chế về kinh tế, quyền sở hữu, quyền tự do kinh doanh, nông nghiệp, nông thôn, tài nguyên và môi trường, tổ chức bộ máy hành chính nhà nước, cán bộ, công chức, viên chức và nhiều lĩnh vực khác của đời sống kinh tế - xã hội.

Qua hoàn thiện thể chế hành chính, chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền và trách nhiệm của từng cơ quan hành chính được phân định rõ ràng, khắc phục được sự chồng chéo, trùng lắp về chức năng, nhiệm vụ; phân định rõ hoạt động của cơ quan hành chính với doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp thực hiện dịch vụ công. Thể chế về mối quan hệ giữa Nhà nước với người dân được quan tâm hoàn thiện và triển khai thực hiện, bảo đảm quyền, nghĩa vụ của người dân trong việc tham gia xây dựng bộ máy nhà nước. Cụ thể hóa Hiến pháp năm 2013, Chính phủ đã trình Quốc hội ban hành các đạo luật đề cao quyền con người, quyền tự do, dân chủ của công dân trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội phù hợp với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Thứ hai, đơn giản hóa thủ tục hành chính gắn với việc thực hiện cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông đã mang lại hiệu quả cao.

Cải cách thủ tục hành chính là một trong các nội dung được Chính phủ đặc biệt quan tâm chỉ đạo thường xuyên, sâu sát và quyết liệt. Việc đơn giản hóa thủ tục hành chính gắn với việc thực hiện cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông được triển khai quyết liệt trong giai đoạn 2001 - 2010 và giai đoạn 2011 - 2020 đã đạt được những kết quả tốt đẹp, mang lại hiệu quả cao. Cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông, trung tâm phục vụ hành chính công, bộ phận tiếp nhận và trả kết quả tập trung cấp tỉnh, cấp huyện được triển khai ở các địa phương với nhiều đổi mới về phương thức hoạt động, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, tạo sự chuyển biến rõ nét trong giải quyết thủ tục hành chính đối với người dân, doanh nghiệp.

Việc thực hiện cơ chế một cửa quốc gia và kết nối kỹ thuật một cửa ASEAN đối với một số lĩnh vực đã được các bộ, ngành triển khai mạnh mẽ. Số lượng, chất lượng và hiệu quả cung ứng, giải quyết dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 tại các bộ, ngành, địa phương ngày càng được nâng cao, với số lượng hồ sơ thủ tục hành chính được xử lý trực tuyến ngày càng tăng.

Thủ tục hành chính trong các lĩnh vực đất đai, xây dựng, hộ tịch, đầu tư, đăng ký doanh nghiệp, hải quan, thuế, kho bạc, xuất nhập khẩu… đã loại bỏ những thủ tục rườm rà, phức tạp, tạo niềm tin của người dân và doanh nghiệp vào hoạt động phục vụ của các cơ quan nhà nước. Việc rà soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính, đánh giá tác động của thủ tục hành chính, kiểm tra cải cách thủ tục hành chính... được các bộ, ngành và địa phương nghiêm túc thực hiện; kiểm soát chặt chẽ việc ban hành thủ tục hành chính mới, bảo đảm đơn giản, rõ quy trình, dễ hiểu, dễ thực hiện. Hầu hết thủ tục hành chính được niêm yết công khai tại nơi tiếp nhận, công khai trên Cổng thông tin điện tử của bộ, ngành, địa phương và Cơ sở dữ liệu quốc gia về thủ tục hành chính theo quy định, tạo thuận lợi cho cá nhân, tổ chức truy cập tìm hiểu, thực hiện thuận tiện, chính xác.

Thứ ba, hiệu quả quản lý hành chính nhà nước không ngừng được nâng cao.

Qua tiến hành cải cách, việc phân cấp quản lý giữa cơ quan nhà nước ở Trung ương và địa phương được tăng cường; phương thức làm việc được đổi mới; hiệu lực, hiệu quả hoạt động quản lý hành chính nhà nước không ngừng được nâng cao. Việc sắp xếp, kiện toàn, tinh giản tổ chức hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập ở Trung ương và địa phương được thực hiện có hiệu quả.

Về lĩnh vực tổ chức bộ máy và biên chế, năm 2022, ở bộ, ngành Trung ương giảm 17 tổng cục và tổ chức tương đương tổng cục; giảm 08 cục thuộc tổng cục và thuộc Bộ; giảm 145 vụ/ban thuộc tổng cục và thuộc Bộ. Ở địa phương, tiếp tục giảm 711 tổ chức phòng thuộc cơ quan chuyên môn Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và cấp huyện. Đối với đơn vị sự nghiệp công lập, đến năm 2022, cả nước giảm 7.469 đơn vị (đạt 13,5%) so với năm 2016. Riêng năm 2022, ở bộ, ngành Trung ương đã giảm 22 đơn vị sự nghiệp công lập thuộc cơ cấu tổ chức của Bộ, ngành; ở địa phương giảm 1.020 đơn vị sự nghiệp công lập[1].

Thứ tư, chuyển đổi số trong nền hành chính nhà nước đạt nhiều kết quả tích cực.

Chính phủ đã đẩy mạnh chuyển đổi số, xây dựng Chính phủ số, chính quyền số, từ các chương trình, định hướng của quốc gia, xây dựng đô thị thông minh... Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử; phê duyệt Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, nhằm thực hiện “mục tiêu kép” là vừa phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số; vừa hình thành các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam có năng lực vươn ra toàn cầu. Các bộ, ngành, địa phương đã tập trung đẩy mạnh đầu tư, nâng cấp hạ tầng kỹ thuật, triển khai xây dựng cơ sở dữ liệu nền tảng phục vụ xây dựng và phát triển Chính phủ điện tử theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Triển khai việc gửi, nhận văn bản điện tử giữa các cơ quan trong hệ thống hành chính nhà nước.

Đã triển khai cung cấp thông tin và dịch vụ công trực tuyến cho người dân và doanh nghiệp, triển khai các hệ thống một cửa điện tử. Hiện nay, 63/63 tỉnh, thành phố đã công khai tiến độ xử lý hồ sơ trên Cổng Thông tin điện tử Chính phủ; 83 dịch vụ công trực tuyến giao cho 20 bộ, ngành đến nay đã triển khai được 78/83 dịch vụ công trực tuyến; 44 dịch vụ công trực tuyến giao cho các địa phương, hiện nay có 32/63 địa phương đã triển khai thực hiện[2]. Hệ thống quản lý chất lượng phù hợp TCVN ISO 9001:2008 và TCVN ISO 9001 được triển khai ở các bộ, ngành, địa phương giúp các cơ quan hành chính nhà nước chuẩn hóa quá trình giải quyết công việc, cải tiến phương thức thực thi công vụ với mục tiêu hướng tới sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp; minh bạch hóa các quy trình giải quyết thủ tục hành chính, hướng đến một nền hành chính hiện đại, dân chủ, chuyên nghiệp, minh bạch.

2. Khó khăn, hạn chế trong quá trình cải cách hành chính nhà nước

Bên cạnh kết quả đạt được, công tác cải cách hành chính nhà nước đến nay cũng đang gặp phải một số khó khăn, hạn chế như sau:

Thứ nhất, công tác lãnh đạo, chỉ đạo cải cách hành chính chưa thực sự quyết liệt. Hệ thống pháp luật còn cồng kềnh, phức tạp. Tính đồng bộ, cân đối, khả thi của hệ thống pháp luật tuy đã có nhiều cải thiện nhưng vẫn còn sự chênh lệch, thiếu tính đồng bộ giữa các lĩnh vực. Tình trạng nợ đọng văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh vẫn đang là nguyên nhân hạn chế hiệu lực thực tế của cả hệ thống pháp luật.

Thứ hai, thủ tục hành chính trên một số lĩnh vực còn rườm rà, phức tạp. Số lượng các thủ tục hành chính thực hiện theo cơ chế một cửa liên thông còn ít. Mặc dù mang lại nhiều lợi ích cho người dân, đặc biệt là doanh nghiệp nhưng thời gian qua, số lượng hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ công trực tuyến vẫn còn khá khiêm tốn. Theo thống kê, nếu năm 2020, tỷ lệ người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến chỉ đạt 1,78% thì năm 2021 đã tăng lên 9,51% và 07 tháng năm 2022 đạt gần 18%[3].

Ngoài ra, việc công bố, công khai thủ tục hành chính còn chậm, còn tình trạng công khai thủ tục hành chính đã hết hiệu lực.

Thứ ba, việc đổi mới chức năng, nhiệm vụ của cả bộ máy hành chính nhà nước còn chậm. Bộ máy của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, các sở ở cấp tỉnh và các phòng ở cấp huyện còn cồng kềnh, phức tạp, thiếu ổn định. Thực hiện tinh giản biên chế còn chậm. Phân cấp quản lý nhà nước chưa được thực hiện triệt để, nghiêm túc.

Thứ tư, chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức có nơi chưa đồng đều, còn yếu về năng lực phát hiện vấn đề, tham mưu và đề xuất các biện pháp giải quyết; còn có những hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực. Công tác kiểm tra, thanh tra công vụ và xử lý cán bộ công chức có vi phạm pháp luật chưa thường xuyên, hiệu quả thấp.

Thứ năm, ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan hành chính còn hạn chế. Một số bộ, ngành, địa phương chưa sâu sát trong chỉ đạo triển khai, chưa thực hiện nghiêm các yêu cầu trong việc áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo TCVN ISO 9001:2008. Việc triển khai đầu tư xây dựng trụ sở cơ quan hành chính cấp xã còn hạn chế.

Thứ sáu, hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước từ Trung ương đến địa phương vẫn chưa thực sự thống nhất, thông suốt. Kỷ luật, kỷ cương hành chính chưa được thực hiện nghiêm túc, vẫn còn tình trạng tùy tiện, thiếu quy định rõ ràng về quy trình giải quyết công việc ở các cơ quan hành chính.

Có nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan dẫn đến hạn chế trong quá trình thực hiện Chương trình cải cách hành chính vừa qua, có thể chỉ ra các nguyên nhân chủ yếu sau:

- Cải cách hành chính là công việc khó khăn, phức tạp. Phương pháp tổ chức triển khai thực hiện chưa có nhiều giải pháp tập trung, quyết liệt. Công tác truyền thông phục vụ cho việc triển khai các chương trình, nhiệm vụ cải cách hành chính chưa tạo ra sự thống nhất cao về nhận thức trong toàn bộ hệ thống chính trị cũng như sự đồng thuận trong nhân dân.

- Cải cách hành chính có mối quan hệ hữu cơ với cải cách lập pháp và cải cách tư pháp và đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng. Hiện tại, chưa có giải pháp phù hợp để bảo đảm sự kết nối có hiệu quả các nội dung cải cách, đổi mới của cả hệ thống chính trị. Một số mục tiêu cải cách hành chính xây dựng định tính nên rất khó đánh giá đúng hiệu quả và trách nhiệm của cơ quan, tập thể, cá nhân liên quan trong tổ chức thực hiện.

- Quá trình triển khai cải cách hành chính còn “lúng túng”. Nhiệm vụ đề ra nhiều nhưng chưa thực sự gắn với các biện pháp và điều kiện bảo đảm cần thiết. Việc tổ chức mô hình thí điểm còn có nơi làm chưa đồng bộ, thiếu tổng kết, rút kinh nghiệm kịp thời.

- Nguồn lực và những điều kiện bảo đảm cần thiết cho cải cách hành chính còn nhiều hạn chế. Tính chuyên nghiệp, kỹ năng hành chính của cán bộ công chức còn thấp. Việc áp dụng công nghệ thông tin vào hoạt động hành chính, trang thiết bị công sở còn lạc hậu so với mặt bằng chung trong khu vực và thế giới.

- Vai trò, trách nhiệm người đứng đầu cơ quan hành chính đối với cải cách hành chính tại một số cơ quan, đơn vị còn hạn chế; chưa quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành, chưa đầu tư thời gian, nguồn lực thích đáng cho thực hiện cải cách hành chính.

- Tình trạng cửa quyền, quan liêu, tham nhũng vẫn còn, tính công khai, minh bạch của nền hành chính còn nhiều thách thức, một bộ phận cán bộ công chức suy giảm lý tưởng, lối sống và vi phạm đạo đức công vụ, gây bất bình trong nhân dân.

- Công tác tuyên truyền về cải cách hành chính hiệu quả chưa cao, người dân và doanh nghiệp còn tâm lý e dè khi tham gia hoạt động cải cách hành chính, trình độ sử dụng công nghệ thông tin còn yếu, bên cạnh đó, phần mềm dịch vụ phục vụ cải cách hành chính có những hạn chế nhất định.

3. Một số đề xuất trong thời gian tới

Để đẩy mạnh cải cách hành chính trong thời gian tới, theo tác giả, cần thực hiện một số giải pháp sau:

Một là, tiếp tục hoàn thiện và tổ chức thực hiện tốt các văn bản quy định về văn hóa công vụ trong các cơ quan nhà nước. Nghiên cứu, đề xuất hoàn thiện quy định về văn hóa công vụ trong Luật Cán bộ, công chức và các văn bản hướng dẫn thi hành nhằm phù hợp với yêu cầu của tình hình mới. Đồng thời, các bộ, ngành và địa phương cần rà soát, sửa đổi các quy định liên quan đến văn hóa công vụ trong phạm vi thẩm quyền để triển khai thực hiện phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh đặc thù của cơ quan, tổ chức, ngành, lĩnh vực, địa phương mình; góp phần đưa những quy định về văn hóa công vụ được triển khai đồng bộ, có hiệu quả trong thực tế đời sống hoạt động công vụ từ Trung ương đến địa phương. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện văn hóa công vụ và kiên quyết xử lý nghiêm, kịp thời các hành vi vi phạm.

Hai là, đẩy mạnh thực hiện chương trình tổng thể cải cách hành chính, tập trung đơn giản thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và nhân dân. Ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong hoạt động của các cơ quan nhà nước gắn với việc đổi mới phương thức điều hành, tạo sự công khai, minh bạch trong công tác quản lý nhà nước. Tiếp tục áp dụng đề án đơn giản hóa thủ tục hành chính và hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO trong quản lý hành chính. Tiếp tục cải cách chế độ công vụ, bao gồm công tác quản lý cán bộ, công chức, viên chức, chế độ tiền lương và các chế độ, chính sách khác. Bên cạnh đó, triển khai thực hiện Đề án kiện toàn tổ chức bộ máy của các cơ quan, đơn vị theo Nghị định số 108/2020/NĐ-CP ngày 14/9/2020 của Chính phủ (Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 37/2014/NĐ-CP ngày 05/5/2014 của Chính phủ quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương), bảo đảm tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả. Đẩy mạnh phân cấp gắn với nâng cao năng lực quản lý, điều hành của các cấp, các ngành. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, đề cao trách nhiệm người đứng đầu; nâng cao tinh thần trách nhiệm, đạo đức công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Thực hiện nhanh, quyết liệt, thực chất hơn việc cắt giảm thủ tục hành chính không phù hợp./.