GƯƠNG ĐIỂN HÌNH TIÊN TIẾN - NGƯỜI TỐT VIỆC TỐT GƯƠNG ĐIỂN HÌNH TIÊN TIẾN - NGƯỜI TỐT VIỆC TỐT

Người mang nụ cười cho những người khuyết tạt huyện Thạch Thất
Publish date 15/12/2023 | 18:00  | Lượt xem: 280

Lần đầu gặp cô, ấn tượng đầu tiên trong tôi là một người phụ nữ khuyết tật với đôi chân đi khập khiễng nhưng rất nhanh nhẹn, miệng luôn nở nụ cười. Người tôi đang nói đến chính là cô Nguyễn Thị Sen - Chủ tịch Hội Người Khuyết tật huyện Thạch Thất.

Trong cuộc sống hàng ngày tôi đã nghe rất nhiều các tấm gương về người tốt, việc tốt: Em học sinh không ngại nguy hiểm nhảy xuống dòng nước chảy siết cứu người chết đuối, Anh chiến sỹ công an lao mình vào biển lửa cố gắng giành giật sự sống cho những người trong đám cháy, Cô bán ve chai nhặt được 1 khoản tiền lớn mà cả đời bán ve chai của cô chưa chắc đã kiếm được nhưng đã trả lại người bị mất không chút do dự hay bà lão nông dân hàng ngày dạy bơi miễn phí cho trẻ em nghèo….Tất cả những tấm gương ấy khiến tôi vô cùng cảm phục. Tôi cứ nghĩ những tấm gương ấy chỉ có ở đâu đó rất xa xôi cho đến khi tôi gặp cô đã làm tôi thay đổi suy nghĩ …

Lần đầu gặp cô, ấn tượng đầu tiên trong tôi là một người phụ nữ khuyết tật với đôi chân đi khập khiễng nhưng rất nhanh nhẹn, miệng luôn nở nụ cười. Người tôi đang nói đến chính là cô Nguyễn Thị Sen - Chủ tịch Hội Người Khuyết tật huyện Thạch Thất.

Với tính chất đặc thù của công việc (tôi được giao phụ trách công tác quản lý nhà nước về hội) nên tôi có cơ hội gặp gỡ nhiều người với các hoàn cảnh khác nhau. Năm 2022, Hội Người Khuyết tất huyện Thạch Thất đến nhiệm kỳ tổ chức Đại hội, cô Sen lúc đó là Chủ tịch hội nên tôi thường xuyên có điều kiện gặp cô để hướng dẫn công tác chuẩn bị Đại hội.

Qua hồ sơ của cô tôi được biết cô năm nay đã ngoài 60 tuổi, chồng cô không may mất sớm để lại cho cô 3 đứa con nhỏ, bản thân cô lại là người khuyết tật (khuyết tật chân). Tuy nhiên vượt lên hoàn cảnh cô đã nuôi dạy 3 con khôn lớn, trưởng thành, các con cô hiện nay đều đã yên bề gia thất và có công ăn việc làm ổn định. Cô tham gia sinh hoạt Hội Người Khuyết tật thành phố Hà Nội từ năm 2010. Qua sinh hoạt hội cô thấy mình được mở mang hiểu biết, có cơ hội được giao lưu với nhiều người có cùng hoàn cảnh, được tiếp thu nhiều kiến thức mới. Tự nhiên cô lại nghĩ đến những người khuyết tật ở địa phương mình, cô ước gì cũng có một tổ chức dành cho những người khuyết tật như thế để họ sinh hoạt, cảm thông và chia sẻ cho nhau giữa những người có cùng hoàn cảnh, để họ có thể vơi bớt đi những mặc cảm về những khiếm khuyết của bản thân. Điều đó đã thôi thúc cô tìm hiểu các thủ tục và quy định của pháp luật và đi đến quyết định vận động một số người khuyết tật trên địa bàn huyện Thạch Thất thành lập ra Hội Người Khuyết tật huyện Thạch Thất.

Những ngày đầu thành lập hội biết bao khó khăn, vất vả. Đối với người nông dân bình thường việc tìm hiểu các quy định của pháp luật để có thể thành lập ra một tổ chức đã là một điều quá khó khăn thì đối với cô, một người khuyết tật, ngay cả việc di chuyển của bản thân đã khó khăn rồi thì điều đó lại càng khó khăn gấp bội. Tuy nhiên bằng ý chí, nghị lực của bản thân và trên hết là tấm lòng cao cả luôn nghĩ đến những người yếu thế, chịu nhiều tổn thương thì mọi khó khăn đã được khuất phục. Tháng 10/2010, Hội Khuyết tật huyện Thạch Thất đã chính thức được thành lập.

Hội Người Khuyết tật huyện Thạch Thất ra đời, đây là một niềm vui lớn không chỉ cho cô mà cho tất cả những người khuyết tật trên địa bàn huyện. Sau khi Hội ra đời, niềm vui một phần thì nỗi lo lắng, trăn trở  trong cô vẫn còn 7-8 phần khiến cô hàng đêm vẫn trằn trọc, suy nghĩ. Do hội là một tổ chức xã hội tự nguyện, tự quản và tự trang trải kinh phí hoạt động, hội không có trụ sở hoạt động, vậy kinh phí hoạt động của hội lấy từ đâu, các hội viên sẽ sinh hoạt ở đâu…. Sau nhiều đêm suy nghĩ, đắn đo cô đã bàn với con trai lấy nhà riêng của mình làm nơi sinh hoạt của hội. Tất nhiên con trai cô không đồng ý vì nhà riêng tự nhiên biến thành nơi sinh hoạt của nhiều người lạ làm ảnh hưởng không ít đến cuộc sống,  bản thân anh cũng không muốn mẹ anh phải lao tâm khổ tứ vì sức khỏe mẹ có hạn, anh muốn mẹ có thời gian nghỉ ngơi nhiều hơn. Tuy nhiên sau khi nghe những giãi bày của mẹ, thấy được tấm lòng của mẹ đối với những người cùng hoàn cảnh anh đã siêu lòng và đồng ý với đề nghị của mẹ. Anh đã giành một phần ngôi nhà để phòng phòng làm việc của Hội Người khuyết tật, những lúc rảnh rỗi anh cũng giúp đỡ mẹ trong công tác hội như đưa mẹ đi liên hệ công tác, phục vụ nước nôi những buổi họp của hội. Vậy là vấn đề trụ sở đã được giải quyết. Đối với vấn đề kinh phí, để có kinh phí hoạt động cô đã đi gõ cửa từng doanh nghiệp, từng tổ chức để xin kinh phí hoạt động cho hội, cố gắng mỗi năm có thể tặng được nhiều xuất quà cho các hội viên có hoàn cảnh khó khăn. Hầu như khi thấy được sự nhiệt huyết và tấm lòng của cô nên ai cũng ủng hộ.

Trong quá trình hoạt động, cô nhận thấy Người khuyết tật họ rất khó khăn trong việc tiếp cận Pháp luật nên nhiều khi đã yếu thế lại không có khả năng tự bảo vệ được mình, bản thân cô thấy mình cũng hạn chế về kiến thực pháp luật, vậy là cô lại khăn gói đi học lớp Đại học tại chức ngành Luật học, hiện tại cô đã có có trong tay tấm bằng cử nhân Luật. Cô đã dùng kiến thức mà mình học được để truyền đạt lại cho các Hội viên, trang bị cho họ có kiến thức để có thể bảo vệ chính mình. Hàng năm, cô còn phối hợp với Phòng Tư pháp mở các buổi tọa đàm, phổ biến giáo dục pháp luật cho người khuyết tật. Đối với những người khuyết tật nhẹ, vẫn có khả năng lao động cô động viên họ đi học nghề, trước hết để tự nuôi sống bản thân, sau đó là giúp đỡ gia đình. Nhiều hội viên từ lớp học nghề đó nay đã có thể tự nuôi sống bản thân.  Cô đã liên hệ với Phòng Kinh tế huyện và Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện mở các lớp dạy nghề dành cho người khuyết tật (nghề may, nghề mây tre giang đan…).  Cô đã phối hợp với Ngân hàng chính sách xã hội đã giúp cho 74 hội viên khuyết tật tiếp cận được nguồn vốn vay giải quyết việc làm. Tự bản thân cô đã đi liên hệ với điểm bán vé xe buýt để làm thẻ xe buýt miễn phí cho các hội viên.

Đặc biệt từ ngày gia nhập vào ngôi nhà chung của cô – Hội Người Khuyết tật huyện Thạch Thất, nhiều bạn trẻ khuyết tật từ chỗ tự ti, mặc cảm đã trở nên tự tin và yêu đời, có  những bạn còn tìm được một nửa của mình. Cô khoe với tôi và không giấu được vẻ vui mừng “vậy là nơi đây đã se duyên cho 4 cặp đôi rồi đấy cháu ạ”. Cô tâm sự niềm vui của cô là thấy từng hội viên của mình có thể tự đi lại, tự kiếm tiền và hòa nhập với cộng đồng, mỗi khi có các cháu nên đôi vợ chồng cô vui như chính con mình lập gia đình vậy.

Từ những khó khăn ban đầu, hiện tại Hội Người khuyết tật của cô đã trở thành ngôi nhà của hơn 800 người khuyết tật trên địa bàn huyện. Hội đã thành lập được 4 câu lạc bộ: Câu lạc bộ Phụ nữ khuyết tật, Câu lạc bộ thanh niên khuyết tật, Câu lạc bộ Văn nghệ, Câu lạc bộ Chấn thương cột sống. Các câu lạc bộ hoạt động rất sôi nổi. Với những nỗ lực của bản thân, cô nhiều lần được UBND huyện Thạch Thất và Hội Người Khuyết tật thành phố tặng nhiều giấy khen.

Một số hình ảnh: 

Buổi tổng kết hoạt động công tác Hội Người khuyết tật huyện Thạch Thất năm 2022.
Một buổi giáo giục các kĩ năng phòng chống xâm hại cho người khuyết tật.
Cô Sen, thay mặt Hội Người khuyết tật đi tặng quà cho người khuyết tật tuổi cao
Hội nghị ra mắt Câu lạc bộ Phụ nữ khuyết tật.
Anh Cường – Chị Tuất, một trong những cặp đôi được Hội Người Khuyết tật thành phố Hà Nội tổ chức lễ cưới chung.

Nhìn những hình ảnh vui tươi của những người phụ nữ khuyết tật đang say sưa tập luyện những tiết mục văn nghệ để chuẩn bị chào mừng ngày quốc tế 8-3, những nụ cười hạnh phúc của các cặp đôi được Hội Người khuyết tật giúp đỡ tổ chức lễ cưới hay những đôi bàn tay đang tỉ mỉ tự làm những sản phẩm thủ công, tôi thầm cảm ơn cô người đã mang đến những nụ cười cho người khuyết tật huyện Thạch Thất.