UỶ BAN NHÂN DÂN HUYỆN THẠCH THẤT
Địa chỉ: Thị trấn Liên Quan - huyện Thạch Thất - thành phố Hà Nội.
Số điện thoại: (024)33.842.245
Email: vanthu_thachthat@hanoi.gov.vn
CƠ CẤU TỔ CHỨC:
Chủ tịch, 02 Phó Chủ tịch phụ trách khối:
1. Ông Nguyễn Mạnh Hồng - Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện
2. Ông Phùng Khắc Sơn - UVTV, Phó Chủ tịch UBND huyện
3. Bà Nguyễn Thị Bích Ngọc - UVTV, Phó Chủ tịch UBND huyện
Các ủy viên UBND huyện:
1. Ông Hoàng Anh Phương - UVTV, Trưởng Công an huyện
2. Ông Cấn Đình Trung - UVTV, Chỉ huy trưởng BCH QS huyện
3. Bà Vũ Thị Lệ Quyên - HUV, Trưởng phòng Nội vụ
4. Ông Nguyễn Trường Giang - HUV, Trưởng phòng Tài chính Kế hoạch
5. Ông Phạm Quang Thái - HUV, Trưởng phòng Văn hóa Thông tin
6. Ông Đỗ Toàn Thắng - HUV, Trưởng phòng Giáo dục & Đào tạo huyện
7. Ông Nguyễn Đức Lượng - HUV, Trưởng phòng Tài nguyên & Môi trường
8. Ông Nguyễn Doãn Lũy - HUV, Trưởng phòng Lao động TB&XH huyện
9. Ông Trần Đức Thanh - Trưởng phòng Kinh tế
10. Ông Nguyễn Thành Đoàn - Trưởng phòng Tư pháp huyện
11. Bà Vương Thị Ngọc Diên - Trưởng phòng Y tế huyện
12. Ông Nguyễn Thế Trường - Trưởng phòng QLĐT huyện
Các cơ quan hành chính:
Gồm: 12 phòng hành chính, 05 đơn vị sự nghiệp, 23 xã, thị trấn...
GIỚI THIỆU CHUNG
Quá trình hình thành và phát triển, tổ chức bộ máy của UBND huyện Thạch Thất
a. Quá trình hình thành và phát triển:
Trước Cách mạng tháng 8 năm 1945 huyện Thạch Thất thuộc phủ Quốc Oai tỉnh Sơn Tây. Năm 1948 Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hoà ban hành Sắc lệnh số 46 – 1948 bãi bỏ các danh từ Phủ, Châu, Quận... huyện Thạch Thất thuộc tỉnh Sơn Tây. Năm 1965 hợp nhất hai tỉnh Hà Đông và Sơn Tây thành thành một đơn vị hành chính là tỉnh Hà Tây, Thạch Thất thuộc tỉnh Hà Tây. Năm 1975 hợp nhất 2 tỉnh Hà Tây và Hoà Bình thành tỉnh Hà Sơn Bình, huyện Thạch Thất thuộc tỉnh Hà Sơn Bình. Từ 1978 – 1991 tách huyện Thạch Thất từ tỉnh Hà Sơn Bình sát nhập vào thành phố Hà Nội. Ngày 12/8/1991 tách tỉnh Hà Sơn Bình thành 2 tỉnh Hà Tây và Hoà Bình, huyện Thạch Thất tách từ thành phố Hà Nội sát nhập về tỉnh Hà Tây. Ngày 1/8/2008 đến nay tỉnh Hà Tây sát nhập vào thành phố Hà Nội, huyện Thạch Thất thuộc thành phố Hà Nội, tách 3 xã Tiến Xuân, Yên Trung, Yên Bình của huyện Lương Sơn tỉnh Hoà Bình sát nhập về huyện Thạch Thất. Tính đến nay huyện Thạch Thất có 22 xã và 01 thị trấn.
Cách mạng tháng 8 năm 1945 thành công, Nước Việt Nam dân chủ cộng hoà ra đời-Nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á. Ngày 06/01/1946 cùng với nhân dân cả nước, nhân dân huyện Thạch Thất đã phấn khởi hăng hái tham gia ngày tổng tuyển cử để bầu cử các Đại biểu vào Quốc hội khoá I của Nước Việt Nam dân chủ cộng hoà. Đầu tháng 02 năm 1946, cùng với nhân dân cả nước, nhân dân huyện Thạch Thất lại sôi nổi, hăng hái tham gia bầu cử Hội đồng nhân dân các cấp, cũng từ ngày đó Uỷ ban hành chính cấc cấp được thành lập, trong đó có Uỷ ban hành chính huyện Thạch Thất, Từ đó đến nay UBND huyện Thạch Thất đã trải qua 17 nhiệm kỳ, mỗi nhiệm kỳ là 5 năm, riêng nhiệm kỳ thứ 17 này do Quốc hội có quyết định sẽ bãi bỏ HĐND huyện và HĐND xã do vậy nhiệm kỳ của HĐND và nhiệm kỳ UBND huyện khoá 17 được kéo dài từ năm 2004 – 2011.
Từ năm 1946-1949 cơ quan Uỷ ban hành chính huyện Thạch Thất đóng trụ sở tại thôn Đình – xã Chi Quan (khu vực UBND thị trấn Liên Quan ngày nay). Từ năm 1949 đến 1954 cơ quan UBND huyện Thạch Thất dời vào vùng tự do Tiến Xuân – Yên Quang (nay là huyện Lương Sơn tỉnh Hoà Bình). Từ năm 1954 đến nay cơ quan UBND huyện Thạch Thất đóng trụ sở tại thị trấn Liên Quan huyện Thạch Thất.
Từ ngày thành lập đến nay, gắn bó chặt chẽ với vận mệnh của Tổ quốc qua những chặng đường lịch sử từ đấu tranh chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ, đến hoà bình lập lại và hiện nay trong thời kỳ đổi mới của đất nước, UBND huyện Thạch Thất đã chỉ đạo các ngành chức năng, UBND các xã, thị trấn trong huyện thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế -xã hội, đảm bảo an ninh, trật tự mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện, Nghị quyết HĐND huyện đã đề ra trong từng thời kỳ, góp phần vào việc thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội của toàn thành phố và của cả nước nói chung. Đội ngũ cán bộ, công chức các cơ quan thuộc UBND huyện ngày càng được tuyển chọn chất lượng cao, chặt chẽ, được đào tạo để nâng cao trình độ chuyên môn nhằm tham mưu giúp việc kịp thời, chính xác cho HĐND, UBND huyện để lãnh đạo, chỉ đạo trên tất cả các lĩnh vực kinh tế- xã hội của huyện, góp phần đưa huyện Thạch Thất phát triển, cụ thể như Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện năm 2005 đặt ra là đến năm 2010 cơ bản trở thành một huyện công nghiệp.
b. Cơ cấu, tổ chức bộ máy của UBND huyện Thạch Thất:
UBND huyện Thạch Thất nhiệm kỳ 2011 - 2016 do HĐND huyện nhiệm kỳ 2011 – 2016 bầu ra, là cơ quan chấp hành của HĐND huyện, là cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương, chịu trách nhiệm trước HĐND huyện và UBND thành phố Hà Nội.
Về cơ cấu: Hiện tại, UBND huyện Thạch Thất gồm có 7 thành viên, có Chủ tich UBND huyện, 03 Phó Chủ tịch UBND huyện và 03 Uỷ viên UBND huyện.
- Chủ tịch UBND huyện chịu trách nhiệm thực hiện đầy đủ và nghiêm túc các nhiệm vụ và quyền hạn mà Luật tổ chức HĐND và UBND đã quy định. Chủ tịch UBND huyện lãnh đạo công tác của tập thể UBND huyện, thủ trưởng các cơ quan chuyên môn thuộc UBND huyện, Chủ tịch UBND các xã, thị trấn. Trực tiếp chỉ đạo, điều hành các công việc lớn, quan trọng, các vấn đề có tính chiến lược trên tất cả các lĩnh vực thuộc chức năng, nhiệm vụ của UBND huyện, phụ trách các lĩnh vực sau :
+ Chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội dài hạn, ngắn hạn; công tác quy hoạch, tài chính, tín dụng, địa giới hành chính, tài nguyên môi trường;
+ Công tác đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, quốc phòng, quân sự địa phương,chỉ đạo chung công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân;
+ Công tác cải cách hành chính, công tác tổ chức bộ máy, cán bộ, quy chế lề lối làm việc, chương trình công tác của UBND huyện; những vấn đề chung về công tác thi đua khen thưởng;
+ Công tác đối nội, đối ngoại của huyện;
+ Những giải pháp quan trọng có tính đột phá trong từng thời gian mà Chủ tịch UBND huyện thấy cần trực tiếp chỉ đạo điều hành;
- 01 Phó Chủ tịch thường trực UBND huyện, chủ trì điều phối hoạt động của UBND huyện khi Chủ tịch UBND vắng mặt, phụ trách các lĩnh vực : Xây dựng cơ bản, giao thông vận tải, quản lý đất đai, tài nguyên môi trường, tài chính, tín dụng, chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí,
- 01 Phó Chủ tịch UBND huyện phụ trách các lĩnh vực : Nông nghiệp-PTNT, Lâm nghiệp, Thuỷ lợi, thuỷ sản, Công nghiệp, khoa học công nghệ, thương mại, dịch vụ, cụm, điểm công nghiệp, phụ trách công tác GPMB, trực tiếp làm chủ tịch Hội đồng GPMB các dự án.
- 01 Phó Chủ tịch UBND huyện phụ trách lĩnh vực : Văn hoá xã hội : bao gồm các lĩnh vực : Giáo dục – đào tạo, Y tế, dân số, gia đình và trẻ em, Lao động việc làm, đào tạo dạy nghề, chính sách xã hội, BHXH, Xoá đói giảm nghèo, Văn hoá, thông tin, thể thao, du lịch, Phát thanh truyền thanh, truyền hình, tôn giáo, Dân tộc và các vấn đề xã hội khác.
Về bộ máy : Căn cứ Nghị định số 14/2008/NĐ-CP ngày 04/02/2008 của Chính phủ quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, hiện nay, UBND huyện Thạch Thất có 12 phòng và 06 đơn vị sự nghiệp.
12 phòng chuyên môn là :
1. Văn phòng HĐND-UBND huyện Thạch Thất
2. Phòng Nội vụ huyện
3. Phòng Tài nguyên và Môi trường
4. Phòng Tài chính – Kế hoạch
5. Phòng Giáo dục và Đào tạo
6. Phòng Văn hoá – Thông tin
7. Phòng Tư pháp
8. Thanh tra huyện
9. Phòng y tế
10. Phòng Lao động –TB và xã hội huyện
11. Phòng Kinh tế
12. Phòng Quản lý đô thị
06 đơn vị sự nghiệp thuộc UBND huyện là :
1. Trung tâm Văn hóa thông tin thể thao
2. Hội chữ thập đỏ
3 . Ban bồi thường GPMB
4 . Ban quản lý các dự án ĐTXD huyện
5. Trung tâm giáo dục nghề nghiệp- giáo dục thường xuyên
6.Trung tâm Dân số huyện
- Các phòng chuyên môn thuộc UBND huyện giúp UBND huyện thực hiện chức năng quản lý nhà nước một hoặc nhiều ngành, lĩnh vực trên địa bàn huyện theo quy định của pháp luật và đảm bảo sự thống nhất quản lý của ngành hoặc lĩnh vực công tác từ thành phố đến cơ sở. Phòng chịu sự quản lý, chỉ đạo trực tiếp của UBND huyện, đồng thời chịu sự chỉ đạo và hướng dẫn về chuyên môn nghiệp vụ của Sở quản lý ngành, lĩnh vực của thành phố. Mỗi phòng có Trưởng phòng, có từ 02 đến 03 Phó Trưởng phòng và các cán bộ, công chức chuyên môn. Văn phòng HĐND-UBND huyện có Chánh Văn phòng và 03 Phó Chánh Văn phòng, Thanh tra huyện có Chánh Thanh tra và 02 Phó Chánh Thanh tra.
Các đơn vị sự nghiệp có 01 thủ trưởng và có từ 01 đến 02 phó Thủ trưởng và các viên chức giúp việc
Biên chế của các phòng, đơn vị sự nghiệp được UBND huyện phân bổ nằm trong tổng biên chế của UBND huyện được UBND thành phố giao hàng năm.