LỊCH SỬ HÌNH THÀNH
TÊN GỌI, ĐỊA GIỚI
Địa phận huyện Thạch Thất – Hà Tây (cũ) là vùng chuyển tiếp giữa đồng bằng, thuộc bậc thềm phía tây Hà Nội nên có lịch sử dân cư và tổ chức hành chính từ rất sớm. trải qua hàng ngàn năm, cùng với sự biến đổi về địa giới hành chính, thì tên huyện cũng thay đổi nhiều lần. Nhiều học giả có những đánh giá khác nhau; đến năm Vĩnh Lạc thứ 2 (1404) tên huyện gọi là Thạch Thất.
KHÁI QUÁT TÊN GỌI, ĐỊA GIỚI
Cách đây hàng nghìn năm, địa phận phía tây huyện là những đồi gò, núi thấp, là nơi cư trú của các cộng đồng bộ lạc người Việt cổ vào thế kỷ Hùng Vương – nơi đóng đô của các vua hùng. “Bộ lạc Hùng Vương là bộ lạc lớn, bao trùm cả một phần của tỉnh Yên Bái, Vĩnh Phúc, Tuyên Quang, Phú Thọ, Sơn Tây (Hà Tây cũ) các huyện Bất Bạt, Tùng Thiện, Thạch Thất, Quốc Oai ) là di duệ của những người Lạc Việt”.
Đến thời Hán, địa phận trong sông Tích là những cộng đồng dân cư đông đúc thuộc phía Nam đất huyện Mê Linh - quận Giao Chỉ. Địa phận ngoài sông Tích cổ xưa là những vùng sình lầy, trên những gò đất cao đã hình thành nên những cộng đồng dân cư sinh sống và thuộc Câu Lậu - quận Giao Chỉ. Xét về huyện Câu Lậu, Mục “Thành trì” sách “Đại Việt địa dư toàn biên ” viết “Thành Câu Lậu Tây nam phủ Giao Châu. Đời Hán đặt là huyện Câu Lậu thuộc quận Giao Chỉ. Cát Hồng xin làm quan lệnh huyện Câu Lậu tức chỗ này. Đời Tống, đời Tề vẫn theo như thế. Đến đời Tuỳ thì bỏ huyện ấy – bây giờ huyện Thạch Thất là đất thành Câu Lậu”.
Về huyện lỵ và địa giới huyện Câu Lậu “ Núi Phật Tích ( chùa Thày ) ở huyện Thạch Thất, phía Tây Nam phủ Giao Châu, dưới núi có ao, cảnh vật tươi đẹp, là nơi thắng cảnh của một phương, lại có núi Câu Lậu của huyện Thạch Thất. Tương truyền huyện Câu Lậu đời Hán đóng ở chân núi ấy ( núi này có chùa Tây Phương cổ mà đẹp lắm )”, “Huyện Yên Sơn ( nay là Quốc Oai) là đất Câu Lậu đời xưa”. Như vậy địa giới huyện Câu Lậu từ đời Hán đến đời Tuỳ bao gồm địa phận các xã phía ngoài sông Tích của huyện Thạch Thất ngày nay và một phần của huyện Quốc Oai.
Trước Cách mạng Tháng 8/1945 huyện Thạch Thất thuộc phủ Quốc Oai - tỉnh Sơn Tây, năm 1948 Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hoà ban hành sắc lệnh số 48-1948 bãi bỏ các danh từ phủ, châu, quận…huyện Thạch Thất thuộc tỉnh Sơn Tây. Ngày 21/4/1965 hợp nhất hai tỉnh Hà Đông và Sơn Tây thành một đơn vị hành chính là tỉnh Hà Tây (cũ), Thạch Thất thuộc tỉnh Hà Tây. Ngày 21/12/1975 hợp nhất 2 tỉnh Hà Tây(cũ) và Hoà Bình thành tỉnh Hà Sơn Bình. Ngày 29/12/1978 cắt huyện Thạch Thất sát nhập vào thành phố Hà Nội. Ngày 12/08/1991 tách tỉnh Hà Sơn Bình thành 2 tỉnh Hà Tây (cũ) và Hoà Bình, chuyển huyện Thạch Thất từ Hà Nội về tỉnh Hà Tây (cũ). Năm 2008, tỉnh Hà Tây sáp nhập về thành phố Hà Nội, huyện Thạch Thất hiện nay là một trong 29 quận, huyện của thành phố Hà Nội.
SỰ THAY ĐỔI VỀ ĐỊA GIỚI
Từ khi có huyện Thạch Thất đến nay, địa giới của huyện và các xã trong huyện đã thay đổi rất nhiều.
Đầu thế kỷ 15 địa phận huyện Thạch Thất: phía Đông của huyện bao gồm một phần huyện Quốc Oai ngày nay; phía nam giáp với sông Đáy ( địa phận huyện Chương Mỹ) gần cầu Ninh Kiều. Phía tây địa giới giáp huyện Mỹ Lương ( phủ Quốc Oai ). Theo sách Dư địa chí (Nguyễn Trái) viết năm 1435, lúc này huyện Thạch Thất có 43 xã, thôn phường. Năm Quang Thuận thứ 3 (1462) tổng An Lạc (trước thuộc huyện Mỹ Lương) cắt chuyển về huyện Thạch Thất và địa phận Thạch Thất được được mở rộng về phía Tây Bắc. Trải qua hàng trăm năm sau, cương vực địa giới của huyện có nhiều biến động. Đến đầu thế kỷ 19 huyện Thạch Thất có 49 xã, 7 tổng; năm Tự Đức thứ 2 ( 1849) xã Nhân Mục ( nay là một phần Tân Xã) thuộc tổng Dã Cát ( huyện Mỹ Lương ) nhập vào tổng Cần Kiệm ( lãnh 7 tổng 50 xã thôn phường).
- Năm 1976: Ngày 29/12/1975, Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng Hòa khóa V, kỳ họp thứ 2 ra Nghị quyết hợp nhất 2 tỉnh Hà Tây(cũ) và Hòa Bình thành tỉnh Hà Sơn Bình.
- Năm 1978: Ngày 29/12/1978, kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa VI thông qua Nghị quyết phê chuẩn việc sáp nhập một số huyện, thị xã, xã và thị trấn sau đây: Tỉnh Hà Sơn Bình gồm các huyện: Ba Vì, Phúc Thọ, Thạch Thất, Đan Phượng, Hoài Đức, thị xã Sơn Tây…
- Năm 1991: Ngày 12/8/1991, kỳ họp thứ 9 Quốc hội nước Cộng Hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa VIII, thông qua Nghị quyết điểu chỉnh địa giới của thu đô Hà Nội như sau: Chuyển huyện Mê Linh của thành phố Hà Nội về tỉnh Vĩnh Phú; chuyện thị xã Sơn Tây và 5 huyện: Hòa Đức, Phúc Thọ, Đan Phượng, Ba Vì, Thạch Thất của thành phố Hà Nội về tỉnh Hà Tây(cũ).
- Năm 2008: Ngày 29/5/2008 kỳ họp thứ 3 Quốc hội nước Cộng Hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa VII, thông qua Nghị quyết điều chỉnh địa giới hành chính thủ đô Hà Nội và một số tỉnh liên quan. Tỉnh Hà Tây (cũ) sáp nhập vào thành phố Hà Nội