HOẠT ĐỘNG HUYỆN ỦY - HĐND - UBND HOẠT ĐỘNG HUYỆN ỦY - HĐND - UBND

Đảng bộ huyện Thạch Thất lãnh đạo Nhân dân nhất tề nổi dậy tổng khởi nghĩa, giành chính quyền và xây dựng quê hương giàu đẹp, văn minh
Ngày đăng 08/07/2024 | 17:00  | Lượt xem: 384

Sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, dưới sự lãnh đạo của Đảng; sự chỉ đạo trực tiếp của Tỉnh ủy Sơn Tây, ngày 15/6/1945, Chi bộ Đảng Cộng sản Đông Dương huyện Thạch Thất- tiền thân của Đảng bộ huyện Thạch Thất được thành lập.

Từ 1 chi bộ với 3 đảng viên, đến nay Đảng bộ huyện đã có 72 tổ chức cơ sở Đảng, với 9.500 đảng viên. Đảng bộ huyện đã trải qua 24 kỳ đại hội. Mỗi kỳ đại hội là một mốc son quan trọng, đánh dấu sự phát triển của huyện Thạch Thất. 
79 năm qua, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân huyện Thạch Thất đã chung sức, đồng lòng, anh dũng chiến đấu và lao động sản xuất, khắc phục hậu quả chiến tranh, khôi phục kinh tế, xây dựng quê hương vững mạnh về mọi mặt. 
Vừa mới ra đời, Chi bộ Đảng Cộng sản Đông Dương huyện Thạch Thất đã lãnh đạo nhân dân nhất tề nổi dậy tổng khởi nghĩa và giành chính quyền huyện trong cách mạng tháng 8/1945.
Giành chính quyền chưa được bao lâu, thì giặc Pháp với dã tâm xâm lược, đã quay lại cướp nước ta một lần nữa. Trước tình thế đó, Đảng ta đã sáng suốt đề ra đường lối lãnh đạo đúng đắn để bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ nhân dân. Đảng ra lời kêu gọi “Toàn quốc kháng chiến”, với tinh thần “Thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”, nhân dân huyện Thạch Thất lại cùng với cả nước đoàn kết chuẩn bị mọi mặt, sẵn sàng bước vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.
Trong thời điểm ấy, mặc dù nhiều xã trên địa bàn huyện bị địch tạm chiếm, lập tề, chúng tổ chức hàng trăm đợt càn quét, vây bắt cán bộ, đảng viên, tra tấn, đánh đập nhân dân, nhưng không khuất phục được tinh thần yêu nước, bản lĩnh cách mạng kiên cường của quân và dân trong huyện chúng ta.  
Vừa kháng chiến, vừa kiến quốc, Huyện ủy đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo nhân dân đẩy mạnh tăng gia sản xuất, khai hoang phục hóa, diệt “giặc đói”, “giặc dốt”, đồng thời tăng cường công tác xây dựng Đảng, củng cố Chính quyền, xây dựng lực lượng kháng chiến cứu quốc với 3 thứ quân: bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và dân quân du kích; đã có 919 thanh niên tình nguyện ra nhập bộ đội chủ lực, xung phong đi chiến đấu ở khắp các chiến trường. 
Đầu năm 1947 lực lượng vũ trang của huyện được thành lập, mỗi xã có từ 2- 3 đại đội chiến đấu, toàn Huyện huy động trên 5.000 người tham gia lực lượng dân quân du kích, vận động nhân dân đào đắp hàng trăm km giao thông hào, xây dựng hàng nghìn căn hầm bí mật để nuôi giấu cán bộ, bộ đội, du kích; thực hiện rào làng và tiêu thổ kháng chiến, tiêu biểu như các xã: Cẩm Yên, Hạ Bằng, Đồng Trúc, Cần Kiệm, Hương Ngải, Lại Thượng, Yên Trung, Yên Bình. Huy động hàng vạn lượt người tham gia dân công hỏa tuyến và lực lượng phục vụ chiến đấu tại chỗ, quyên góp tiền, vàng và hàng trăm tấn lương thực ủng hộ kháng chiến.
Với phương châm tiến hành chiến tranh du kích kết hợp đấu tranh chính trị; du kích các xã đã phối hợp với bộ đội chủ lực tổ chức chống lại nhiều trận càn quét lớn của địch. Thực dân Pháp đi đến đâu cũng vấp phải sự chống trả quyết liệt của dân quân du kích. Tiêu biểu là trận chống càn diễn ra tại làng Cẩm Bào - xã Cẩm Yên ngày 9/5/1948; trận đánh ngày 26/1/1949 tại xã Hạ Bằng và Đồng Trúc; thực dân Pháp tổn thất nặng nề; ngày 11/3/1954 chúng tập trung 2 binh đoàn chủ lực, có pháo binh, xe tăng yểm trợ tấn công càn quét vào các xã Tân Xã, Hạ Bằng, Cần Kiệm, chiến sự diễn ra ác liệt trên toàn khu vực nhất là xóm Bờ Sông - Tân Xã và Núi Nứa - Cần Kiệm. Quân và dân trong huyện ta đã anh dũng đánh lui 11 đợt tấn công của địch, tiêu diệt hơn 200 tên địch, bắt sống 68 tên, phá hỏng 2 xe tăng và thu giữ nhiều vũ khí quân trang, quân dụng,… Thực dân Pháp bị thất bại nặng nề, chúng điên cuồng đàn áp các cơ sở cách mạng, càn quét các thôn, xóm nhưng không khuất phục được tinh thần yêu nước, bản lĩnh cách mạng kiên cường của quân và dân Thạch Thất.
Những chiến công oanh liệt và mất mát hy sinh của nhân dân trong Huyện đã góp phần chia lửa với chiến trường chung của cả nước, làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu. Từ đó những địa danh “Cẩm bào mồ chôn giặc Pháp”, “Núi Nứa anh hùng”, “Hạ Bằng quật khởi” mãi mãi đi vào lịch sử truyền thống đấu tranh anh dũng của quê hương, như những trang sử hào hùng nhất của thời kỳ chống thực dân Pháp ở huyện Thạch Thất chúng ta. 
Sau chiến thắng Điện Biên Phủ ngày 7/5/1954, hầu như ngày nào cũng có lính ngụy mang vũ khí về đầu hàng, nhiều Ban tề mang Triện và sổ sách nộp cho Ủy ban kháng chiến. Thời cơ đã đến, ngày 13/7/1954, dưới sự lãnh đạo của Huyện ủy và Mặt trận Việt Minh từ mọi ngả đường quân, dân các xã trong Huyện, với khí thế cách mạng dâng cao, đã đổ về đánh chiếm Bốt Chi Quan - căn cứ đầu não cuối cùng của thực dân Pháp trên địa bàn huyện, đặt dấu chấm hết cho sự tồn tại của chủ nghĩa thực dân và tay sai trên quê hương Thạch Thất, góp phần quan trọng cho ngày giải phóng Thủ đô 10/10/1954. 
Với tinh thần “không có gì quý hơn độc lập tự do”, “tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”, trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước (1954 - 1975), cùng với cả nước, Đảng bộ và Nhân dân trong huyện tiếp tục thi đua lao động sản xuất, phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng hậu phương vững chắc, chi viện sức người, sức của cho chiến trường miền Nam cùng quân dân cả nước đánh thắng giặc Mỹ xâm lược. 
Bước vào thời kỳ đổi mới, Đảng bộ và nhân dân huyện Thạch Thất đã chủ động, sáng tạo đẩy mạnh phát triển kinh tế nhiều thành phần theo định hướng xã hội chủ nghĩa, chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu kinh tế; từ chỗ kinh tế nông nghiệp là chủ yếu, chuyển sang công nghiệp, xây dựng, thương mại, dịch vụ, nông nghiệp.
Đến năm 2023, tăng trưởng kinh tế của huyện đạt 15,1%; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực: công nghiệp, xây dựng chiếm 69,4%; thương mại, dịch vụ 25,5% và nông, lâm nghiệp, thủy sản 5,1%. Thu nhập bình quân đầu người đạt 100 triệu đồng/năm. Công tác quy hoạch, quản lý đất đai, trật tự xây dựng, môi trường, giải phóng mặt bằng được chỉ đạo thực hiện quyết liệt, đồng bộ; cơ sở hạ tầng kỹ thuật được đầu tư nâng cấp; sự nghiệp văn hóa - xã hội có nhiều chuyển biến tiến bộ; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo; tỷ lệ hộ nghèo tiếp tục giảm xuống, chỉ còn 22 hộ nghèo, bằng 0,039%; hộ cận nghèo còn 1.680 hộ, bằng 2,95%. Năm 2020, Huyện được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; đến nay đã có 05 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao: Đại Đồng, Hương Ngải, Dị Nậu, Đồng Trúc, Hạ Bằng, trong đó 03 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiễu mẫu: Đại Đồng, Hương Ngải, Dị Nậu. Công tác xây dựng Đảng, hiệu lực quản lý nhà nước của chính quyền, hoạt động của MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp trong Huyện đạt trong sạch, vững mạnh; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng lên.
Với những thành tựu đạt được, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân huyện Thạch Thất đã vinh dự được Đảng, Nhà nước tặng thưởng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Huân chương Lao động hạng Nhì và Huân chương Lao động hạng Ba, cùng nhiều danh hiệu cao quý khác.  
Tự hào và phát huy truyền thống cách mạng vẻ vang 79 năm qua của Đảng bộ huyện và 70 năm Ngày giải phóng huyện, mỗi tổ chức Đảng, mỗi cán bộ, đảng viên và mỗi người dân trong Huyện càng thấy rõ hơn trách nhiệm của mình, không ngừng phấn đấu vươn lên, tiếp tục nêu cao tinh thần đoàn kết, quyết tâm thực hiện đồng bộ các giải pháp, phấn đấu thực hiện thắng các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị năm 2024, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Huyện lần thứ XXIV, nhiệm kỳ 2020- 2025 đã đề ra, xây dựng quê hương Thạch Thất phát triển, giàu đẹp, văn minh./.