DI TÍCH LỊCH SỬ DI TÍCH LỊCH SỬ

Văn Chỉ Làng Bùng - Thôn Bùng, Xã Phùng Xá huyện Thạch Thất, TP Hà Nội.
Ngày đăng 12/09/2023 | 17:28  | Lượt xem: 772

Văn chỉ làng Bùng là nơi thờ Khổng Tử và ghi danh hội tụ của các nhà khoa bảng những người đỗ đạt trung khoa, tiểu khoa, đại khoa và tiểu khoa là những người con của quê hương làng Bùng, góp phần hiển danh truyền thống hiếu học của quê hương Phùng Xá. Năm 2013 được xếp hạng là di tích lịch sử câp thành Phố. Căn cứ phân loại di tích theo luật Di Sản Văn hóa thì Văn chỉ làng Bùng thuộc loại hình di tích Lịch sử lưu niệm danh nhân.

Văn chỉ làng Bùng tọa lạc sát trực đường làng, rộng khoảng gần 410m2 bao gồm các hạng mục cổng, tiền tế và ban thờ lộ thiên. Các hạng mục đã được xây tường bao ngăn cách khu vực ban ngành.

Di tích bao gồm các hạng mục:

Cổng: là hạng mục khá khiêm tốn, gồm một lối đi chính, phía trên đắp cuốn thư đề ba chữ Hán, phía dưới là bốn đao mác chạy thoải dần xuống phía cánh gà. Lối đi chính được tạo bởi hai trụ biểu vuông đỡ cuốn thư đế thắt cổ bồng. Nối từ hai trụ biểu sang hai bên cánh gà được kết thúc bằng hai trụ biểu nhỏ, đỉnh trụ đắp ô lồng đèn cách điệu.

Tiền tế: Từ cổng theo con đường lát gạch chỉ rộng khoảng 1m là tới sân. Qua bậc 30cm là tới nhà tiền tế ba gian hai chái, mô phỏng kiểu kiến trúc sắc thái thời Lê, mặt trước, mặt sau để trống, nền nhà lát gạch bát tràng, mái lợp ngói ri với bốn đao cong, bờ nóc đắp lưỡng long chầu lá hỏa, đầu bờ nóc là hai con kìm.

Các bộ vì ở đây được làm hai kiểu: Hai bộ vì giữa kết cấu theo kiểu “kèo kẻ” gối lên hai cột, phía trước và phía sau. Hai câu đầu gian giữa làm kiểu bụng lợn ghi chữ Hán “Văn chương quán thế sư” và “Danh lẫm kim bảng thượng”. Hai bộ vì gian bên và gian chái được làm theo kiểu “Thượng cốn rường, hạ kẻ xó” tạo thành bốn mái đao công và hai mái hồi.

Tại gian giữa nhà đại bái treo bức hoành phi đề chữ Hán “ Lịch đại danh khoa”

Bệ thờ lộ thiên: Tiền tế qua khoảng trống khoảng 5m là tới ban thờ lộ thiên được xây bệ lát gạch bát tràng, phía trên là một bát hương đá hình chữ nhật đề bốn chữ Hán “ Thiên thu hương hỏa”, tiếp đến là bệ thờ nhô cao khoảng 10cm. Tại vị trí này đặt tiếp một bát hương đá hình chữ nhật đề “Linh thạch đường dụng”, phía tường của ban thờ lộ thiên ốp 3 tấm bia đá thời Nguyễn, trên có mái nhỏ, mặt bia khắc chữ Hán ghi danh những vị đỗ đại khoa, trung khoa và tiểu khoa của làng.

Tấm bia bên phải ghi tên những vị đỗ trung khoa, tấm bia chính giữ đặt ở vị trí cao nhất ghi chữ Hán niên đại Tự Đức, Tân Tỵ mạnh hạ tạo (Tự Đức 1881), xung quanh diềm trang trí hoa chanh.

Tấm bia bên trái ghi tên những vị đỗ tiểu khoa, xung quanh diềm trang trí hoa chanh. Cả ba tấm bia chữ không được rõ nét, tuy nhiên đó đều là những dấu ấn còn lưu lại những thành tích mà cha ông để lại và ghi danh muôn đời cho con cháu làng Bùng.

Đến nay Văn chỉ làng Bùng vẫn còng lưu giữ nhiều giá trị:

Giá trị lịch sử:

Nằm ở phía Đông Nam huyện Thạch Thất, làng Phùng Xá được biết đến là một vùng đất cổ, Phùng Xá có hai thôn: Thôn Bùng và Vĩnh Lộc, trước kia làng Phùng Xá có 5 cái cổng bao quanh làng Bùng: đó là cổng Phiên Nhất, Phiên Ba, Phiên Tư, Cổng chợ và cổng chợ trên. Theo các cụ cao tuổi trong làng truyền lại: Trước kia Cổng chợ có câu đối:

“An hoa tự cổ truyền non hiệu

Phùng Xá tân thừa cải việt danh”

Nghĩa là:

“Từ xưa lúc đầu tên làn là An Hoa

Sau này, cải tên mới là Phùng Xá”

Theo thần phả hiện ở đình làng chép rằng: khi ngài, tức Hữu tướng công Phùng Thanh Hòa phò mã nhà Lý đánh đuổi quân Lương, trên đường rút quân đi qua An Hoa Trang, các cụ phụ lão và dân làng ra lạy mừng, ngài ở lại, xem xét địa lý thấy chỗ đất đẹp dựng nhà để ở, ngài qua đời vào ngày 15 tháng 8 năm Kỷ Tỵ chỗ ngài qua đời được dựng thành nhà thờ. Trang An Hoa đổi thành Trang Phùng Gia, đến thế kỷ 15 đổi thành Phùng Xá”.

Không chỉ có giá trị lịch sử lâu đời mà Phùng Xá còn nổi danh là quê hương của trạng Bùng và những người còn được lưu truyền trên bia đá văn chỉ của làng.

Giá trị kiến trúc- nghệ thuật:

Căn chỉ làng Bùng là nơi tôn thờ các vị đỗ đạt hiển danh, từ đại khoa đến trung khoa, tiểu khoa và các danh nhân của làng. Đây là di tích thuộc loại hình lưu niệm danh nhân. Văn chỉ thôn Bùng có quy mô kiến trúc truyền thống, giản dị với không gian thoáng, là nơi tưởng nhớ các vị danh nho. Đặc biệt nơi đây còn bảo lưu 3 tấm bia với nội dung ghi tạc lại những vị đỗ đạt làm hiển danh vùng quê xứ Đoài.

Giá trị khoa học

Thông qua lễ hội dân gian, đặc biệt là các điều khoản kế ước của cha ông để lại của làng Bùng, đó là giá trị văn hóa và bản sắc văn hóa dân tộc được lưu giữ, bảo tồn qua hàng nghìn năm lịch sử. Đây là nguồn tư liệu quý giá góp phần vào việc tìm hiểu về lịch sử, phong tục tập quán của địa phương. Nơi đây đã trở thành trung tâm sinh hoạt văn hóa của dân làng, nơi giáo dục tinh thần hiếu học, yêu quê hương cho thế hệ trẻ. Văn chỉ trở thành niềm tự hào về truyền thống văn hóa của cư dân địa phương./.