DI TÍCH LỊCH SỬ DI TÍCH LỊCH SỬ

Di tích Đền Mỹ Tự - xã Tân Xã – huyện Thạch Thất – thành phố Hà Nội
Ngày đăng 28/12/2023 | 17:00  | Lượt xem: 852

Di tích đền Mỹ Tự được xếp hạng là di tích cấp quốc gia thuộc loại hình di tích kiến trúc nghệ thuật, tọa lạc ở thôn Kim Bông, xã Tân Xã, huyện Thạch Thất. Căn cứ vào cuốn thần phả được lưu trữ tại đền do Hàn lâm viện Đông các đại học sĩ Nguyễn Bính soạn năm 1572, được sao lại vào triều vua Khải Định thứ 8 thì đền Mỹ Tự thờ “ Liễu Hạnh thiên tiên công chú”- một vị thần trong “ Tứ bất tử” theo quan niệm dân gian Việt Nam.

Sự tích thần như sau: Dưới triều Lê Thánh Tông ở phủ Nghĩa Hưng có người họ Lê tên Hoằng lấy bà Trần Thị Tía vốn dòng dõi phong lưu, tinh thông nho, y, lí số hai ông bà hiền lành nhưng mãi đến 50 vẫn chưa có con. Một hôm ông vào bảo đài thắp hương cầu nguyện bỗng ngủ thiếp đi. Trong mơ ông được Ngọc Hoàng cho lên trời và được ban cho công chúa xuống đầu thai, ông làm lễ bái tạ. Từ đấy bà mang thai, lúc nào trên thân cũng thơm mùi xạ hương, trên đầu có mây che phủ. Sau 13 tháng vào ngày 16- 6 bà sinh ra một cô gái mặt sáng như ngọc, toàn thân như bạc, quả là tiên nữ chẳng phải người trần ông bà đặt tên con gái là Nguyệt Nương. Năm Nguyệt Nương 3 tuổi thì bố mẹ qua đời, Nguyệt Nương được cậu là Trần Công Uẩn làm quan ngự sử trong triều đem về nuôi dưỡng và đổi tên là Chức Nương. Năm 18 tuổi Chức Nương được gả cho công tử nhà hào phú họ Mai, tên Tuấn 19 tuổi gia đình phụ mẫu song toàn gia đình quý hiển. Sau mấy năm nàng sinh được một cậu con trai, sau 2 năm tự nhiên nàng hóa vào ngày 3 tháng 3 năm Nhâm Thìn lúc 21 tuổi. Nhưng sau 100 ngày tự nhiên nàng lại về bái yết bố mẹ chồng, chăm sóc con thơ được chừng 10 ngày nàng lại tự nhiên mất. Từ đấy xuất hiện thần thánh biến hóa thần thông khắp thiên hạ.

Đền được dựng trên một thế đất cao, cảnh quan khá đẹp dưới con mắt của các nhà phong thủy: đền được làm trên lưng rùa vàng, bên trái đền có thanh long chầu phục, bên phải có bạch hổ vòng ôm, sau lưng đền có một gối đệm tương truyền đó là cái trâm cài đầu.

Theo sự tích đền được xây dựng từ thời Lê gồm Đại đền và thượng điện, đến triều Nguyễn xây dựng thêm Đại bái. Đại bái gầm 3 gian 2 dĩ được làm theo kiểu 4 mái chảy với 4 đầu cong vút, xung quanh có các cột trụ và tường đá bao quanh có các cột trụ và tường bao quanh đá ong. Vì nóc gian giữa kết cấu theo kiểu thượng giá chiêng hạ kẻ chuyền, xà nách. Trên đỉnh là xà nóc, xà này tỳ lực lực trên một đấu hình thuyền. Đấu lại tỳ trên một con rường ngắn, mập, cong lên phía trên- thường gọi là rường “bụng lợn”. Hai đầu rường ăn mộng vào cột trốn. Hai cột trốn đứng trên câu đầu qua hai đấu vuông thót đáy. Phía ngoài hai cột trốn là hai kẻ chuyền trên có ván dong đỡ hoành mái. Câu đầu dưới to, khỏe có hình chữ nhật, lưn và dạ phẳng, hai đầu có thu nhỏ lại chút ít. Nối từ cột cái ra đầu cột quân là một kẻ chuyền và một xà nách. Từ cột quân lại có bẩy vươn ra đỡ hoành và tàu mái. Đầu cá bẩy này được đỡ bởi hệ thống tường đá ong bao quanh.

Đại đền gồm 3 gian, được làm theo kiểu tường xây, hồi bít đốc với hai mái chảy lợp ngói ri, loại bản mỏng mũi có hoa văn. Các vì nóc được làm thống nhất theo kiểu giá chiêng. Hai cột giữa được nối với nhau bằng câu đầu, trên đó là hai cột trốn đỡ một con rường bụng lợn qua những đấu vương thót đáy. Từ cột cái nối ra cột hiên và cột hậu bằng kẻ suốt. Các nghé kẻ được tạc hình đầu rồng nhỏ miệng ngậm hạt ngọc, râu tóc hình đao mác sắc nhọn. Toàn bộ kẻ giống như một con rồng uốn lượn đỡ lấy những khoảng hoành phía trên. Do trang trí như vậy nên thoạt nhìn ta vẫn tưởng đó chỉ là một yếu tố trang trí gắn vào thân cột, nó làm lu mờ đi chức năng thực dụng của đầu dư. Đây là một kết cấu kiến trúc thường gặp trong các di tích được xây dựng vào thời thời Lê.

Từ hai cột cái ở giữa đại đền một vì nóc kiểu giá chiêng nữa được tạo để nối liền đại đền với trung cung và hậu cung. Ở vì nóc này có 1 bức đại tự đề 3 chữ Hán “Anh linh từ”. Trên cùng của vì nóc nơi đặt rường bụng lơn là một tấm ván được chạm nổi hình hổ phù cách điệu, bên trên là hoa cúc mãn khai. Gian ngoài trung cung có đặt một hương án cao 1,58m, dài 1,90m, rộng 1,55m được chạm nổi từng mảng trong khung hình chữ nhật với các đề tài như hổ phù, mây, rồng, sen…

Hậu cung gồm 4 gian, tường xây bằng đá ong với hai mái chảy lợp ngói ri. Gian trong cùng đặt một khám thờ lớn bằng gỗ trên một bệ xây bằng gạch cao, trong khám đặt 03 pho tượng thờ gồm Thiên tiên thánh mẫu và hai tượng nàng hầu. Hậu cung do yếu tố tôn nghiêm – là nơi thời cúng trang trọng nhất nên yếu tố trang trí hầu như rất ít. Toàn bộ vì nóc kiểu giá chiêng, các kẻ… đều được bào trơn bóng đóng bén thiên về bền chắc.Bức cốn trên cùng được điêu khắc theo đề tài “Lưỡng long chầu nguyệt” trung tâm của bức cốn này là một mặt nguyệt tròn, to tỏa ánh sáng rực rỡ ra xung quanh; hai bên là hai con rồng nhỏ, xung quanh là hoa văn mây. Xà ngang bên dưới bức cốn cũng được điêu khắc hình một mặt nguyệt xung quanh là hoa văn mây cách điệu hai bức cốn mê ỏ hai bên cũng được sơn son và sơn then như bức cốn là hình một mặt người hóa rồng với:miệng cười tươi, rộng, hai hàm răng đều tăm tắp. Hai mắt to lồi hẳn ra. Mũi to cao, rộng. Trên đầu có hai cái sừng uốn cong như hai cái tai. Thân rồng uốn lượn xung quanh, hai chân ở hai bên có móng vuốt thon, dài trông như hai tay người đang năm lấy vân mây mang phong cách nghệ thuật thời Lê.

Đền Mỹ Tự được xây dựng vào thời Lê là công trình kiến trúc có giá trị về kiến trúc nghệ thuật điêu khắc.Nghệ thuật trang trí điêu khắc thể hiện rõ nét qua các mảng chạm trên toàn bộ khung nhà. Các bức chạm có niên đại ra đời từ thời Lê đến Nguyễn. Tuy sớm muộn khác nhau nhưng chúng vẫn hòa nhập với nhau trong một tổng thể chung thống nhất. Đề tài trang trí chủ yếu là các con vật linh thiêng như: Phượng, rồng, hổ phù, vân mây, lá lật, đao mác…nhưng bằng những nét đục chạm tinh tế, mạch lạc, người nghệ sỹ dân gian xưa đã mang lại sự gợi cảm, khỏe khoắn cho các đồ án hoa văn. Đặc biệt các các bức chạm trên bộ vì trước gian hậu cung là những hiện vật có giá trị độc đáo tiêu biểu cho nghệ thuật điêu khắc Việt Nam thế kỷ XVII.