DI TÍCH LỊCH SỬ DI TÍCH LỊCH SỬ

Lễ đón nhận Quyết định công nhận điểm du lịch di tích Quốc gia đặc biệt Chùa Tây phương và khu du lịch sinh thái Hoàng Long
Ngày đăng 10/10/2022 | 17:30  | Lượt xem: 1268

Hòa trong không khí vui tươi, phấn khởi chào mừng kỷ niệm 68 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954-10/10/2022), hôm nay (10/10/2022), Huyện ủy – HĐND - UBND - Ủy ban MTTQ Huyện tổ chức Lễ đón nhận quyết định công nhận điểm du lịch Di tích Quốc gia đặc biệt Chùa Tây Phương và khu du lịch sinh thái Hoàng Long.

Dự buổi Lễ có đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội phụ trách Huyện; đại diện lãnh đạo các sở, ngành liên quan; lãnh đạo Huyện ủy - HĐND - UBND Huyện; Chủ tịch UBND các xã, thị trấn; lãnh đạo Đảng ủy - HĐND - UBND - Ủy ban MTTQ Việt Nam, Trưởng, phó các đoàn thể chính trị - xã hội, công chức văn hóa - xã hội xã Thạch Xã; các đồng chí Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn, Trưởng ban công tác Mặt trận các thôn trên địa bàn xã Thạch Xá.

Sở Du lịch thành phố Hà Nội tặng hoa chúc mừng
Ban trị sự Phật giáo huyện tặng hoa chúc mừng

Chùa Tây Phương có tên chính là Sùng Phúc Tự, nằm trên núi Câu Lậu thuộc xã Thạch Xá, cách trung tâm thành phố Hà Nội khoảng 30km về phía Tây. Tục truyền chùa Tây Phương được dựng từ thời Đời Đường, khi Cao Biền làm đô hộ sứ. Do chùa được xây dựng vào "địa linh" nên đến đời nhà Tấn, Cát Hồng khi làm lệnh doãn ở quận Giao Chỉ đã chọn núi Câu Lậu Tây Phương để luyện thuốc tiên.

Đồng chí Trần Trung Hiếu- Phó Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội thừa ủy quyền của UBND thành phố trao quyết định công nhận 2 điểm du lịch cho lãnh đạo UBND huyện và Công ty TNHH Hoàng Long

Chùa Tây Phương có cấu trình hình chữ tam, xây dựng biệt lập, bưng kín, xung quanh điểm các ô cửa hình tròn tượng trưng cho thái cực âm - dương. Các chùa được tiếp nhau bằng thiên Tỉnh (Giếng trời) để đón không khí và ánh sáng. Cả 3 chùa Thượng, Trung, Hạ đều có kiến trúc "Chồng diêm" 2 tầng, 8 mái với 24 đầu đao cách điệu được gắn tứ linh bằng sành nung tinh xảo và thanh thoát. Về điêu khắc, nhiều nơi trong chùa được trạm khắc rồng 5 móng, các đường soi trau chuốt và trang trí hoa lá, rất đẹp, hài hoà. Các chân cột đều được kế bằng các phiến đá xanh trạm khắc hoa sen tinh xảo. Trên mái đều có mộng để đặt rui, mái lợp bằng ngói xanh, đỏ, vàng. Về tượng phật, chùa Tây Phương có 62 pho, được tạc bằng gỗ mít và sơn son thiếp vàng, pho nào cũng tinh xảo, sống động. 8 pho Kim Cương và pho Vi Đà Thiện tướng quân đứng 4 góc chùa được coi là điển hình về nghệ thuật diễn tả dung mạo. Ngoài các pho tượng Tam thế, Thích ca mâu ni thì 18 pho phật tổ (La Hán) được coi là sinh động hơn cả. Trong đó 2 tượng phật: Tuyết Sơn và La Hầu La là những tác phẩm điêu khắc có giá trị cao về kỹ thuật và mỹ thuật tôn giáo. Lạ Đánh giá về chùa Tây Phương, địa chí tỉnh Hà Tây viết: "Chùa Tây Phương là một viên ngọc sáng của nền kiến trúc cổ truyền Việt Nam và của đất "trăm nghề Hà Tây" với giá trị đặc sắc về kỹ thuật xây dựng, về nghệ thuật kiến trúc, điêu khắc, trạm trổ và tạc tượng".

Phó Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Trần Trung Hiếu phát biểu tại buổi lễ

Khu du lịch sinh thái Hoàng Long - xã Thạch Xá, cách trung tâm thành phố Hà Nội khoảng 30km (cách di tích Quốc gia đặc biệt Chùa Tây Phương 800m), với quy mô tọa lạc trên diện tích khoảng 70.000m2, gồm nhiều hạng mục các công trình du lịch như: Khuôn viên cây xanh, hệ thống villa, nhà hàng cao cấp, khách sạn tiêu chuẩn, bể bơi, bar - cafe, sân tennis…

Được khởi công xây dựng năm 2004 và đi vào hoạt động từ tháng 10/2011, với tổng mức đầu tư trên 500 tỷ đồng, khu du lịch sinh thái Hoàng Long đã giải quyết việc làm cho 70-80 lao động là người địa phương. Thu nhập bình quân của người lao động từ 7 triệu đến 8 triệu đồng/01 tháng. Hiện nay, khu du lịch sinh thái Hoàng Long đã và đang cung cấp rất nhiều các dịch vụ như: Nghỉ dưỡng cao cấp; Khu khách sạn; Khu biệt thự hiện đại, gần gũi với thiên nhiên; Hệ thống phòng họp sang trọng; Chuỗi nhà sàn dân tộc Tây Bắc, nhà gỗ cổ truyền Bắc Bộ; chuỗi nhà hàng với các món ăn kết hợp giữa truyền thống với hiện đại, cùng với nhiều loại hình dịch vụ vui chơi, giải trí, thể dục thể thao khác.

Đồng chí Nguyễn Mạnh Hồng- Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện phát biểu tại buổi lễ

Với những lợi thế về du lịch, khả năng thu hút khách cũng như sự quan tâm đầu tư của huyện Thạch Thất, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội đã quyết định điểm du lịch di tích Quốc gia đặc biệt Chùa Tây Phương (Quyết định số 2475/QĐ-UBND, ngày 15/7/2022) và khu du lịch sinh thái Hoàng Long (Quyết định số 1352/QĐ-UBND, ngày 22/4/2022) là điểm du lịch cấp thành phố.

Trước đó, ngày 28/4/1962, Bộ Văn hóa đã ra quyết định số 313/VHVP công nhận chùa Tây Phương là Di tích lịch sử - văn hóa quốc gia. Đến năm 2014, được xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt. Năm 2015, bộ tượng Phật giáo chùa Tây Phương thời Tây Sơn, niên đại cuối thế kỷ XVIII đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận là bảo vật quốc gia.

Lễ đón nhận quyết định công nhận điểm du lịch di tích Quốc gia đặc biệt Chùa Tây Phương và khu du lịch sinh thái Hoàng Long là điểm du lịch cấp thành phố, không chỉ góp phần đa dạng hóa các sản phẩm du lịch của huyện Thạch Thất mà còn tạo ra một điểm đến du lịch hấp dẫn, thu hút ngày càng đông khách du lịch đến với địa bàn; đồng thời, là dịp để nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và Nhân dân trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch; từng bước xây dựng điểm du lịch di tích Quốc gia đặc biệt Chùa Tây Phương và khu du lịch sinh thái Hoàng Long là điểm du lịch hấp dẫn của Thủ đô./.