VĂN HÓA - XÃ HỘI VĂN HÓA - XÃ HỘI

Tăng cường công tác quản lý góp phần quảng bá, “làm đẹp” hình ảnh của di tích quốc gia đặc biệt Chùa Tây Phương và con người Thạch Thất trong mắt du khách trong nước và quốc tế
Ngày đăng 28/02/2025 | 14:00  | Lượt xem: 148

Thực hiện sự chỉ đạo của UBND huyện, thời gian qua, Trung tâm VHTT&TT huyện đã tăng cường đẩy mạnh công tác quản lý các hoạt động tại di tích Quốc gia đặc biệt Chùa Tây Phương. Qua đó, đã góp phần làm đẹp hình ảnh di tích trong lòng nhân dân địa phương và du khách thập phương.

Chùa Tây Phương là một trong những ngôi chùa cổ kính và độc đáo nhất Việt Nam

Nằm trên đỉnh núi Câu Lâu thuộc xã Thạch Xá, huyện Thạch Thất, Hà Nội, chùa Tây Phương là một trong những ngôi chùa cổ kính và độc đáo nhất Việt Nam. Không chỉ là một di tích lịch sử quan trọng, chùa còn là điểm đến tâm linh và nghệ thuật nổi bật với những pho tượng Phật tuyệt mỹ cùng lối kiến trúc mang đậm dấu ấn văn hóa dân tộc.

Chùa Tây Phương được xây dựng từ thời nhà Mạc (thế kỷ XVI) và trùng tu vào thời Lê Trung Hưng (thế kỷ XVIII). Ngôi chùa mang phong cách kiến trúc độc đáo với ba nếp chùa nằm trên ba tầng cao dần, gồm chùa Hạ, chùa Trung và chùa Thượng. Để lên đến chùa, du khách phải vượt qua 239 bậc đá ong – một đặc trưng của vùng đất Thạch Thất.

Toàn bộ công trình sử dụng vật liệu truyền thống như gỗ lim, đá ong và gạch nung, tạo nên vẻ đẹp cổ kính, bề thế nhưng vẫn hài hòa với thiên nhiên. Đặc biệt, hệ thống mái chùa được thiết kế theo kiểu chồng diêm hai tầng tám mái, với các đầu đao cong vút mang đậm nét kiến trúc cổ Việt Nam. Các cột và kèo chùa được chạm khắc tinh tế, thể hiện hoa văn rồng, phượng và các họa tiết truyền thống, tạo nên một công trình mang tính nghệ thuật cao.

Chùa Tây Phương nổi tiếng với hệ thống tượng Phật bằng gỗ sơn son thếp vàng, được coi là kiệt tác điêu khắc của nghệ thuật tôn giáo Việt Nam. Đặc biệt, 18 bức tượng La Hán được tạc từ gỗ mít vào thế kỷ XVIII với những đường nét chạm khắc sống động, thể hiện rõ thần thái và tâm trạng của từng vị La Hán. Những bức tượng này không chỉ có giá trị nghệ thuật cao mà còn phản ánh tư tưởng Phật giáo sâu sắc.

Điểm độc đáo của những pho tượng La Hán là sự kết hợp giữa hiện thực đời sống và yếu tố tâm linh. Mỗi bức tượng mang một sắc thái cảm xúc riêng, từ trầm tư, suy ngẫm đến vui vẻ, thanh thoát. Đôi mắt sâu thẳm, những đường nét khuôn mặt khắc khổ hay ánh nhìn đăm chiêu đều toát lên vẻ đẹp của triết lý nhân sinh và tư tưởng Phật giáo.

Bên cạnh đó, chùa còn lưu giữ nhiều hiện vật quý như chuông đồng, hoành phi câu đối, bia đá cổ ghi lại lịch sử xây dựng và trùng tu chùa qua các thời kỳ.

Bên cạnh giá trị tôn giáo, chùa Tây Phương còn đóng vai trò quan trọng trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống. Chùa là nơi diễn ra nhiều hoạt động tín ngưỡng và lễ hội, đặc biệt là lễ hội chùa Tây Phương vào ngày 6/3 âm lịch hàng năm. Lễ hội này không chỉ mang ý nghĩa tâm linh mà còn góp phần giữ gìn những nét đẹp văn hóa dân gian với các hoạt động như rước kiệu, hát chèo, múa rối nước, thu hút đông đảo người dân và du khách tham gia.

Ngoài ra, chùa Tây Phương còn có ảnh hưởng lớn đến văn học và nghệ thuật. Nhà thơ Huy Cận đã từng lấy cảm hứng từ những pho tượng La Hán để sáng tác bài thơ "Các vị La Hán chùa Tây Phương", một tác phẩm có giá trị lớn về mặt tư tưởng và nghệ thuật. Sự hòa quyện giữa triết lý Phật giáo và nghệ thuật điêu khắc trong chùa đã tạo nên một kho tàng văn hóa vô giá cho hậu thế.

Với dấu ấn nổi bật, năm 2014, Chính phủ đã công nhận chùa Tây Phương là Di tích Quốc gia đặc biệt về giá trị kiến trúc nghệ thuật. Năm 2015, Bộ tượng Phật giáo chùa Tây Phương thời Tây Sơn, niên đại cuối thế kỷ XVIII đã được công nhận là Bảo vật Quốc gia.

Đồng chí Đặng Văn Võ – HUV - Giám đốc Trung tâm Văn hoá Thông tin và Thể thao huyện (Trung tâm VHTT&TT huyện) cho biết: “Nhằm làm tốt công tác quản lý di tích mang đến cho du khách những trải nghiệm thú vị, quảng bá hình ảnh tốt đẹp về người Thạch Thất hiếu khách, hiền hoà, văn minh, lịch sự tới du khách trong nước và quốc tế, Trung tâm VHTT&TT huyện đã tăng cường quản lý chặt chẽ các hoạt động trong và ngoài khu vực di tích theo hướng quy củ, bài bản, như: làm việc, phối hợp với UBND xã Thạch Xá và họp với các hộ dân xung quanh di tích tổ chức quản lý chắc, chặt, đúng các hộ kinh doanh, dịch vụ; bốc thăm, bố trí điểm buôn bán, trông xe khu vực di tích; hoạt động của các cá nhân dịch vụ xe ôm... Bên cạnh đó, Trung tâm đã triển khai họp và phân công nhiệm vụ cụ thể cho thành viên trong Tổ lý di tích; thường xuyên cử cán bộ các tổ chuyên môn khác trong Trung tâm phối hợp hỗ trợ trong dịp lễ, Tết, cuối tuần; cử cán bộ trực 24/24h đảm bảo công tác an ninh trật tự, PCCC tại di tích.”

Chùa Tây Phương trở thành điểm đến của rất nhiều du khách dịp đầu năm

Trên cơ sở đó, các hoạt động tại di tích quốc gia đặc biệt Chùa Tây Phương đã đi vào nề nếp: Khu vực bãi đỗ xe được quy hoạch hợp lý; công tác bán vé tham quan di tích được thực hiện nhanh, gọn, chính xác; các hộ kinh doanh buôn bán tuân thủ bán hàng đúng địa điểm, đảm bảo vệ sinh; các cá nhân làm dịch vụ xe ôm tại di tích phải đeo băng đỏ, bảng tên, niêm yết giá dịch vụ và chấp hành nghiêm quy định Luật giao thông đường bộ; không xảy ra hiện tượng chèo kéo khách, mất trộm, cướp giật … để lại nhiều dấu ấn tốt đẹp trong lòng du khách, được nhân dân và du khách thập phương ghi nhận, đánh giá cao. Ngoài ra, Trung tâm còn trang trí khu tiểu cảnh chụp hình lưu niệm bằng chính sản phẩm của làng nghề quê hương Thạch Thất như mẹt, nơm, tre … để du khách có những bức ảnh đẹp, gần gũi với con người, mảnh đất di tích quốc gia đặc biệt chùa Tây Phương.

Trung tâm trang trí khu tiểu cảnh chụp hình lưu niệm bằng sản phẩm của làng nghề quê hương Thạch Thất

Theo số liệu thống kê của Trung tâm VHTT&TT huyện Thạch Thất, từ đầu năm 2025 đến nay, Chùa Tây Phương đã đón trên 80 nghìn lượt khách tới tham quan, vãn cảnh chùa.

“Tây Phương phong cảnh hữu tình

Rủ nhau trẩy hội có mình có ta

Nhớ ngày mùng sáu tháng ba

Ăn cơm với cà trẩy hội chùa Tây”

Đây là những câu ca đã in sâu vào tâm hồn bao người dân xứ Đoài. Theo thời gian, với bao bộn bề mưu sinh, nhưng cứ mỗi độ tháng 3 âm lịch, người dân lại háo hức đón chờ ngày trẩy hội Chùa Tây Phương.

Lễ hội chùa Tây Phương diễn ra hàng năm, ngày chính hội là 6/3 Âm lịch, được tổ chức tại Di tích quốc gia đặc biệt chùa Tây Phương, xã Thạch Xá, huyện Thạch Thất. Lễ hội gồm phần lễ và phần hội với các nghi thức dâng lễ, cúng Phật; rước kiệu và diễu hành của phường Rối nước; dâng lễ vật của lãnh đạo UBND các xã, thị trấn trên địa bàn huyện…

Phần hội có các trò chơi dân gian như: ném còn, đi cà kheo, cây đu; biểu diễn Múa Rối nước, biểu diễn văn nghệ, diễn xướng cồng chiêng; giao lưu vật dân tộc,… Bên cạnh đó, còn diễn ra khu vực trưng bày, bán các sản phẩm đặc sản của huyện Thạch Thất.

Hội Chùa Tây Phương được công nhận là Di sản văn hoá phi vật thể quốc gia

Theo đồng chí Đặng Văn Võ – HUV - Giám đốc Trung tâm VHTT&TT huyện chia sẻ thêm: “Năm 2025, là một năm có ý nghĩa đặc biệt, là năm di tích quốc gia đặc biệt chùa Tây Phương đón nhận thêm một vinh dự lớn, đó là Lễ hội truyền thống được ghi danh công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia. Đồng thời, đây cũng là năm kỷ niệm tròn 10 năm Bộ tượng Phật giáo chùa Tây Phương thời Tây Sơn, niên đại cuối thế kỷ XVIII đã được công nhận là Bảo vật Quốc gia. Hiện nay, Trung tâm VHTT&TT huyện đang xây dựng kế hoạch tổ chức lễ hội truyền thống chùa Tây Phương năm Ất Tỵ. Lễ hội năm nay hứa hẹn mang đến cho nhân dân, du khách thập phương những ấn tượng khó quên với nhiều hoạt động phong phú, hấp dẫn và mang đậm bản sắc văn hoá truyền thống. Qua đó, tiếp tục lan toả, quảng bá mạnh mẽ hơn nữa về hình ảnh di tích quốc gia đặc biệt Chùa Tây Phương, đồng thời, khơi dậy và nêu cao lòng tự hào dân tộc, tiếp tục giáo dục cho các thế hệ hôm nay và mai sau biết tôn trọng và giữ gìn nét đẹp văn hóa truyền thống quê hương, phát huy truyền thống lịch sử, truyền thống yêu nước, tinh hoa văn hóa của dân tộc./.