VĂN HÓA - XÃ HỘI VĂN HÓA - XÃ HỘI

SỞ LAO ĐỘNG – THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI HÀ NỘI KIỂM TRA VIỆC THỰC HIỆN CÔNG TÁC PHÒNG CHỐNG XÂM HẠI TRẺ EM TRÊN ĐỊA BÀN HUYỆN THẠCH THẤT
Ngày đăng 01/11/2024 | 14:00  | Lượt xem: 88

Chiều ngày 31/10/2024, Đoàn công tác Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội do đồng chí Đỗ Thị Hải Đường - Trưởng phòng Bảo vệ chăm sóc trẻ em và Bình đẳng giới làm Trưởng đoàn đã kiểm tra việc thực hiện công tác phòng chống xâm hại trẻ em trên địa bàn huyện Thạch Thất.

Đồng chí Nguyễn Thị Bích Ngọc - Uỷ viên Ban thường vụ Huyện ủy - Phó Chủ tịch UBND huyện; thành viên Ban chỉ đạo công tác trẻ em cấp huyện. Đại diện các ngành, đoàn thể: Phòng Y tế, Công an huyện, Phòng Giáo dục và Đào tạo, Huyện đoàn; Phòng Tư pháp, Phòng Văn hóa - Thông tin, Văn phòng HĐND và UBND huyện; lãnh đạo, chuyên viên Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội Huyện, tiếp và làm việc với đoàn. 

Đ/c Lê Thị Lâm - Phó trưởng Phòng LĐTBXH Huyện báo cáo

 

Báo cáo kết quả thực hiện công tác phòng, chống xâm hại trẻ em năm 2023 và 9 tháng đầu năm 2024 trên địa bàn huyện Thạch Thất do đồng chí Lê Thị Lâm - Phó trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện trình bày tại hội nghị cho thấy: UBND huyện Thạch Thất thường xuyên kiện toàn Ban chỉ đạo chương trình Quốc gia bảo vệ trẻ em giai đoạn 2021-2025. Mỗi năm, Huyện ban hành 15 văn bản chỉ đạo, triển khai công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em và phòng, chống xâm hại trẻ em. Hàng năm, UBND Huyện chỉ đạo Phòng Giáo dục và đào tạo huyện, các trường học trên địa bàn tăng cường tập huấn, thực hiện công tác phòng chống xâm hại trẻ em. Công tác tập huấn, truyền thông, bồi dưỡng, nâng cao nhận thức, kiến thức, kỹ năng sống cho thanh thiếu niên, tình nguyện viên, cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em về phòng chống xâm hại, bạo lực đối với trẻ em được Huyện quan tâm tổ chức thường xuyên. Trên địa bàn huyện có 23 hòm thư tố giác tội phạm tại các xã, thị trấn và tiếp nhận qua phản ánh của tổng đài 111, qua phản ánh của Trung tâm công tác xã hội Hà Nội, trực tiếp từ cán bộ làm công tác trẻ em các xã, thị trấn. Về tình hình trẻ em, 9 tháng đầu năm 2024, toàn huyện có 61.924 trẻ em thường trú, 1.431 trẻ em tạm trú. Trong đó có 416 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, có 393 trẻ em khuyết tật, 11 trẻ em mồ côi cả cha lẫn mẹ. Có 1.122 trẻ em có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt.

Đ/c KIều Cao Thân - Phó chủ tịch UBND xã Đại Đồng phát biểu

 

Theo báo cáo của xã Đại Đồng, thời gian qua, Xã đã chú trọng tuyên tryền nâng cao nhận thức, năng lực về phòng chống xâm hại trẻ em. Năm 2023, trên địa bàn xã đã xảy ra 1 vụ bạo lực học đường. UBND xã Đại Đồng tiếp nhận thông tin từ nhà trường, chỉ đạo cán bộ làm công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em cấp xã thực hiện đầy đủ, đúng quy trình các văn bản theo Nghị định 56 của Chính phủ. Các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị từ Xã, Huyện đến Thành phố đã có nhiều hoạt động hỗ trợ, can thiệp, trợ giúp kịp thời đối với trẻ em bị bạo lực. Năm 2024, trên địa bàn xã Đại Đồng có 1 trẻ em bị bỏ rơi, UBND xã đã thực hiện đầy đủ các bước theo đúng quy định của pháp luật, đến nay, bé đã được nhận nuôi và đã được làm giấy khai sinh.

Đoàn kiểm tra Sở LĐTBXH thành phố phát biểu ý kiến 

 

Sau khi nghe báo cáo, các thành viên đoàn công tác Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội đã thảo luận làm rõ một số nội dung liên quan đến kết quả thực hiện công tác phòng chống xâm hại trẻ em, đã triển khai thực hiện trên địa bàn huyện Thạch Thất.

Đ/c Nguyễn Thị Bích Ngọc - Uỷ viên BTV HU - Phó chủ tịch UBND Huyện phát biểu

 

Tại buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Thị Bích Ngọc – UVBTV - Phó Chủ tịch Huyện đã thông tin thêm một số hoạt động trong việc thực hiện phòng chống xâm hại trẻ em trên địa bàn huyện.

Đ/c Đỗ Thị Hải Đường - Trưởng Đoàn công tác Sở LĐTBXH phát biểu

 

Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Đỗ Thị Hải Đường - Trưởng đoàn công tác của Sở LĐ-TB và XH Hà Nội ghi nhận sự chuẩn bị chu đáo và những kết quả mà huyện Thạch Thất và xã Đại Đồng đã triển khai thực hiện trong thời gian qua, đồng thời chỉ ra một số hoạt động cần tập trung  thực hiện trong thời gian tới, như: Làm tốt công tác quản lý trẻ em trên phần mềm. Kiện toàn, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác bảo vệ trẻ em; tổ chức giao ban với các cộng tác viên dân số các xã, thị trấn. Khi phát hiện vụ việc, chủ động tích cực, phối hợp, hỗ trợ để xử lý, giải quyết, giúp đỡ cho trẻ. Đẩy mạnh tuyên truyền để mọi người hiểu và thay đổi hành vi trong chăm sóc, bảo vệ trẻ em, từ gia đình, đến các em học sinh. Phối hợp chặt chẽ giữa các ngành: Công an, Lao động Thương binh và xã hội, Phòng Giáo dục đào tạo, Đoàn thanh niên, Phòng Văn hoá- Thông tin… để bảo vệ trẻ em, phòng chống xâm hại trẻ em. Đoàn kiểm tra cũng yêu cầu Huyện Thạch Thất bổ sung, hoàn thiện số liệu cho báo cáo và gửi về Sở Lao động - Thương binh và Xã hội trước ngày 10/11/2024./.