TUYÊN TRUYỀN, PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT
Tuyên truyền về việc thực hiện nghĩa vụ quân sự của công dân theo Luật Nghĩa vụ quân sự
(Tin: ngày 23/02/2013)
Bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa là nghĩa vụ thiêng liêng và quyền cao quý của mỗi công dân. Công dân có bổn phận làm nghĩa vụ quân sự và tham gia xây dựng quốc phòng toàn dân.
Để phát huy truyền thống yêu nước và chủ nghĩa anh hùng cách mạng của dân tộc, góp phần xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam chính quy và hiện đại, tăng cường quốc phòng, bảo đảm hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc và xây dựng Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, Luật Nghĩa vụ quân sự đã được Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoá VII, kỳ họp thứ 2 thông qua ngày 30/12/1981 và được sửa đổi, bổ sung các năm 1990, 1994, 2005.
Tại Điều 3 Luật Nghĩa vụ quân sự quy định: “Công dân nam, không phân biệt dân tộc, thành phần xã hội, tín ngưỡng, tôn giáo, trình độ văn hoá, nghề nghiệp, nơi cư trú, có nghĩa vụ phục vụ tại ngũ trong Quân đội nhân dân Việt Nam”. Về độ tuổi gọi nhập ngũ, theo quy định tại Điều 12 Luật Nghĩa vụ quân sự là từ đủ 18 tuổi đến hết 25 tuổi. Đối với những công dân nam đến 17 tuổi nếu có nguyện vọng phục vụ lâu dài trong quân đội và có đủ tiêu chuẩn theo quy định của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng thì có thể được nhận vào học ở trường quân sự và được công nhận là quân nhân tại ngũ.
Thời hạn phục vụ tại ngũ của hạ sỹ quan và binh sỹ theo quy định tại Điều 14 Luật Nghĩa vụ quân sự là 18 tháng, khi cần thiết Bộ trưởng Bộ Quốc phòng được quyền giữ hạ sỹ quan và binh sỹ phục vụ tại ngũ thêm một thời gian không quá 06 tháng.
Vào tháng 4 hàng năm theo lệnh gọi của Chỉ huy trưởng quân sự huyện, công dân nam đủ 17 tuổi trong năm đó phải đến cơ quan quân sự để đăng ký nghĩa vụ quân sự theo quy định tại Điều 20 Luật Nghĩa vụ quân sự. Công dân được gọi nhập ngũ phải có mặt đúng thời gian và địa điểm ghi trong lệnh gọi nhập ngũ, nếu có lý do chính đáng không thể đến được đúng thời gian và địa điểm thì phải có giấy xác nhận của UBND xã, thị trấn nơi cư trú.
Trong thời gian tại ngũ theo quy định tại Điều 49 Luật Nghĩa vụ quân sự: Quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan, binh sĩ tại ngũ và dự bị có nghĩa vụ: Tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, nhân dân và Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, nêu cao tinh thần cảnh giác cách mạng, sẵn sàng chiến đấu hy sinh bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa và hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao; Tôn trọng quyền làm chủ tập thể của nhân dân, kiên quyết bảo vệ tài sản xã hội chủ nghĩa, bảo vệ tính mạng, tài sản của nhân dân; Gương mẫu chấp hành đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, điều lệnh, điều lệ của quân đội; Ra sức học tập chính trị, quân sự, văn hoá, kỹ thuật, nghiệp vụ, rèn luyện tính tổ chức, tính kỷ luật và thể lực, không ngừng nâng cao bản lĩnh chiến đấu.
Bên cạnh việc thực hiện nghĩa vụ quân sự, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sỹ quan, binh sỹ tại ngũ và dự bị nếu có thành tích trong công tác huấn luyện thì tuỳ theo công trạng mà được tặng thưởng huân chương, huy chương, danh hiệu vinh dự Nhà nước hoặc các hình thức khen thưởng khác. Trong thời gian tại ngũ, quân nhân chuyên nghiệp được hưởng chế độ lương, các khoản phụ cấp theo lương và các quyền lợi khác; được đảm bảo cung cấp kịp thời, đủ số lượng, đúng chất lượng về lương thực, thực phẩm, quân trang, thuốc phòng bệnh, chữa bệnh, được bảo đảm chỗ ở, phụ cấp hàng tháng và nhu cầu về văn hoá, tinh thần phù hợp với tính chất, nhiệm vụ của quân đội theo chế độ, tiêu chuẩn, định lượng; Từ năm thứ 2 trở đi, được nghỉ phép theo quy định của pháp luật; Từ tháng thứ mười chín trở đi được hưởng thêm 200% phụ cấp quân hàm hiện hưởng hàng tháng, từ tháng thứ hai mươi lăm trở đi được hưởng thêm 250% phụ cấp quân hàm hiện hưởng hàng tháng; Được tính nhân khẩu ở gia đình khi gia đình được cấp hoặc điều chỉnh diện tích nhà ở, đất xây dựng nhà ở và đất canh tác; Được tính thời gian phục vụ tại ngũ vào thời gian công tác; Được ưu tiên mua vé khi đi lại bằng các phương tiện giao thông thuộc các thành phần kinh tế; Được ưu đãi về bưu phí theo quy định của Chính phủ.
Ngoài việc bản thân quân nhân chuyên nghiệp được hưởng các quyền lợi nêu trên thì gia đình họ cũng được hưởng các quyền lợi như: Bố hoặc vợ được tạm miễn tham gia lao động công ích trong những trường hợp gia đình thực sự có khó khăn và được Uỷ ban nhân dân cấp xã chứng nhận; Bố, mẹ, vợ và con được hưởng chế độ trợ cấp khó khăn đột xuất theo chính sách chung của Nhà nước; được miễn viện phí khi khám bệnh và chữa bệnh tại các bệnh viện của Nhà nước; Con gửi ở nhà trẻ, học tại các trường mẫu giáo, trường phổ thông của Nhà nước được miễn học phí và tiền đóng góp xây dựng trường.
Tại Điều 55, Điều 56 Luật Nghĩa vụ quân sự quy định: Quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan và binh sĩ khi xuất ngũ được cấp tiền tàu xe, phụ cấp đi đường, được hưởng trợ cấp xuất ngũ, trợ cấp tạo việc làm; Hạ sĩ quan và binh sĩ phục vụ tại ngũ đủ thời hạn hoặc trên hạn định, khi xuất ngũ về địa phương, được chính quyền các cấp giải quyết ưu tiên trong tuyển sinh, tuyển dụng, hoặc trong việc sắp xếp việc làm; Hạ sĩ quan và binh sĩ trước lúc nhập ngũ làm việc ở cơ quan, cơ sở kinh tế nào thì khi xuất ngũ, cơ quan, cơ sở kinh tế đó có trách nhiệm tiếp nhận lại. Nếu cơ quan, cơ sở cũ đã giải thể, bị đóng cửa hoặc phá sản, thì cơ quan cấp trên trực tiếp có trách nhiệm giải quyết việc làm. Trường hợp cơ quan cấp trên cũng đã giải thể, hoặc không có cơ quan cấp trên trực tiếp, thì cơ quan Lao động - Thương binh và Xã hội cấp tỉnh có trách nhiệm chủ trì phối hợp với các cơ quan Nhà nước khác, các tổ chức kinh tế, các tổ chức xã hội để giải quyết việc làm; thực hiện chế độ, chính sách cho hạ sĩ quan, binh sĩ nói trên theo quy định của pháp luật về lao động và các lĩnh vực khác có liên quan; Hạ sĩ quan và binh sĩ, trước lúc nhập ngũ đã tốt nghiệp các trường dạy nghề, trung học chuyên nghiệp, cao đẳng hoặc đại học, nhưng chưa được phân phối công tác, thì khi xuất ngũ được ưu tiên phân phối công tác và được miễn chế độ tập sự; Hạ sĩ quan và binh sĩ, trước lúc nhập ngũ có giấy gọi vào học ở các trường dạy nghề, trung học chuyên nghiệp, cao đẳng hoặc đại học, thì khi xuất ngũ được vào học ở các trường đó. Điều 57 Luật Nghĩa vụ quân sự còn quy định: Quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan, binh sĩ tại ngũ và dự bị, nếu bị thương, bị bệnh hoặc chết trong khi làm nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc hoặc thực hiện nhiệm vụ quân sự, thì bản thân và gia đình được hưởng chế độ ưu đãi theo quy định của Chính phủ.
Bên cạnh quyền lợi và nghĩa vụ nêu trên, Luật Nghĩa vụ quân sự và các văn bản khác có liên quan còn quy định cụ thể các chế tài nghiêm khắc đối với các trường hợp không chấp hành nghĩa vụ quân sự. Điều 69 Luật Nghĩa vụ quân sự quy định: Người nào vi phạm các quy định về đăng ký nghĩa vụ quân sự, tuyển chọn và gọi công dân nhập ngũ, gọi quân nhân dự bị tập trung huấn luyện; lợi dụng chức vụ, quyền hạn làm trái hoặc cản trở việc thực hiện các quy định trên đây hoặc vi phạm các quy định khác của Luật này, thì tuỳ theo mức độ nhẹ hoặc nặng mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; Quân nhân nào vi phạm các quy định về việc tuyển chọn và gọi công dân nhập ngũ, về việc xuất ngũ của hạ sĩ quan, binh sĩ, về chế độ, quyền lợi của quân nhân hoặc vi phạm các quy định khác của Luật này, thì tuỳ theo mức độ nhẹ hoặc nặng mà bị xử lý theo Điều lệnh kỷ luật của quân đội hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Hành vi và hình thức xử phạt cụ thể được quy định tại Nghị định số 151/2003/NĐ-CP ngày 09/12/2003 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quốc phòng như sau:
Điều 6: Phạt cảnh cáo đối với hành vi không chấp hành đúng quy định về đăng ký nghĩa vụ quân sự mà người từ đủ 17 tuổi trong năm thuộc diện phải đăng ký nghĩa vụ quân sự; Điều 7: Phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với hành vi vắng mặt khi có giấy gọi kiểm tra hoặc khám sức khoẻ thực hiện nghĩa vụ quân sự mà không có lý do chính đáng; Phạt tiền từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng đối với hành vi gian dối hoặc mua chuộc nhân viên y tế để làm sai lệch các yếu tố về sức khoẻ nhằm trốn tránh nghĩa vụ quân sự; Điều 8: Phạt tiền từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng đối với hành vi không có mặt đúng thời gian hoặc địa điểm quy định đã ghi trong lệnh gọi nhập ngũ mà không có lý do chính đáng (bản thân bị ốm, tai nạn; thân nhân đang bị ốm nặng hoặc nhà cửa nằm trong vùng đang bị thiên tai, bão, lụt, lở đất, động đất, dịch bệnh, hoả hoạn làm ảnh hưởng đến đời sống…). Các trường hợp này phải có xác nhận của UBND cấp xã hoặc bệnh viên, trạm y tế cấp xã.
Thực hiện Kế hoạch nhập ngũ năm 2013 của UBND huyện Thạch Thất, UBND huyện đã chỉ đạo Hội đồng nghĩa vụ quân sự huyện tổ chức việc tuyển chọn và gọi công dân nhập ngũ tại địa phương, bảo đảm công khai, dân chủ và công bằng đúng thời gian, đủ số lượng, đúng tiêu chuẩn theo quy định của pháp luật. UBND xã, thị trấn, cơ quan, đơn vị, các tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội và các đơn vị cơ sở khác có trách nhiệm tổ chức tiễn đưa và bảo đảm cho công dân của cơ sở mình có mặt đúng thời gian, địa điểm quy định. Chính quyền nhân dân các cấp trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm thực hiện chế độ, chính sách đối với gia đình quân nhân.
Nghĩa vụ quân sự là nghĩa vụ vẻ vang của công dân phục vụ trong Quân đội nhân dân Việt Nam, vì vậy mọi công dân đến tuổi nhập ngũ phải có trách nhiệm làm tròn nghĩa vụ quân sự theo quy định của pháp luật./.
PHÒNG TƯ PHÁP HUYỆN THẠCH THẤT
THÔNG BÁO
- Công ty Đấu giá Hợp danh số 5 - Quốc gia thông báo Danh sách người không đủ điều kiện tham gia đấu giá đối với các thửa đất tại khu Đồng Ngà (GĐ3), xã Hương Ngải, huyện Thạch Thất, Tp Hà Nội.
- Công ty Đấu giá Hợp danh số 5 - Quốc gia thông báo mời tham gia đấu giá quyền sử dụng đất ở tại thôn Bình Xá, xã Quang Trung ( ký hiệu BP01), huyện Thạch Thất, TP Hà Nội.
- Phòng PC 07 - Công an thành phố Hà Nội đăng tải công khai danh sách các cơ sở kinh doanh không đảm bảo các điều kiện an toàn PCCC&CNCH trên địa bàn huyện Thạch Thất
- Công khai danh sách các cơ sở, công trình vi phạm quy định về PCCC trên địa bàn huyện Thạch Thất