TUYÊN TRUYỀN, PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT TUYÊN TRUYỀN, PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

Ngày pháp luật nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam
Ngày đăng 06/11/2015 | 16:41  | Lượt xem: 28

Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật (có hiệu lực ngày 01/01/2013) quy định ngày 09/11 hàng năm là ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam nhằm động viên toàn dân nâng cao nhận thức, ý thức thượng tôn pháp luật, tự giác chấp hành, tích cực tham gia bảo vệ Hiến pháp và pháp luật...

Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật (có hiệu lực ngày 01/01/2013) quy định ngày 09/11 hàng năm là ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam nhằm động viên toàn dân nâng cao nhận thức, ý thức thượng tôn pháp luật, tự giác chấp hành, tích cực tham gia bảo vệ Hiến pháp và pháp luật.

 

Quốc hội chọn ngày 09/11 là ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam vì đây là ngày Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã thông qua bản Hiến pháp đầu tiên của nước ta năm 1946, Hiến pháp năm 1946 đã thấm nhuần, thể hiện triệt để tinh thần, tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về xây dựng Nhà nước pháp quyền của dân, do dân, vì dân, là sự khẳng định mạnh mẽ các giá trị dân chủ, dân quyền, thượng tôn pháp luật và còn tồn tại bền vững cho đến ngày hôm nay. Các giá trị đó thể hiện tập trung nhất tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về Nhà nước và pháp luật, được kế thừa trong các bản Hiến pháp năm 1959, 1980, 1992, 2013.

 

Ngày Pháp luật khơi dậy trong mọi cá nhân công dân ý thức về trách nhiệm, bổn phận và quyền lợi của mình mà tham gia một cách tích cực vào các sinh hoạt của đời sống chính trị và đời sống xã hội. Do vậy, ngày Pháp luật có ý nghĩa giáo dục sâu sắc trong việc đề cao giá trị pháp luật trong Nhà nước pháp quyền, hướng mọi tổ chức, cá nhân tích cực tham gia với hành vi, thái độ xử xự pháp luật đúng đắn, đề cao quyền cũng như trách nhiệm, nghĩa vụ của cá nhân công dân trong học tập, tìm hiểu pháp luật và tự giác chấp hành pháp luật. Qua đó góp phần nâng cao ý thức và niềm tin pháp luật, từng bước xây dựng và củng cố các giá trị văn hóa pháp lý trong cuộc sống xã hội. Đồng thời đây còn là mô hình để vận động, khuyến khích, kêu gọi toàn thể nhân dân chung sức, đồng lòng vì sự nghiệp xây dựng và hoàn thiện Nhà nước, phát huy triệt để tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc cùng tích cực hành động vì một Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

 

Năm 2013 là năm đầu tiên tổ chức thực hiện Ngày pháp luật trong phạm vi toàn quốc và cũng là năm ghi nhận một sự kiện rất quan trọng trong đời sống chính trị - pháp lý của đất nước, đó là việc toàn dân tích cực tham gia đóng góp ý kiến xây dựng Hiến pháp (sửa đổi) của thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, hội nhập quốc tế. Năm 2013, chủ đề của ngày Pháp luật được xác định là: “Toàn dân xây dựng, thi hành và bảo vệ Hiến pháp vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

 

Năm 2014, là năm đầu tiên triển khai thi hành Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Hiến pháp của thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế của đất nước. Chủ đề của ngày Pháp luật năm 2014 được xác định là: “Toàn dân tích cực tìm hiểu và nghiêm chỉnh thi hành Hiến pháp, pháp luật vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

 

Năm nay, ngày Pháp luật với chủ đề: “Thực hiện Hiến pháp và pháp luật góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; bảo vệ quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân” có ý nghĩa rất quan trọng, vừa làm sâu sắc hiểu biết về nội dung, tinh thần Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, đồng thời nâng cao ý thức trách nhiệm của công dân trong việc tham gia xây dựng, thực hiện các Luật, Pháp lệnh, văn bản pháp luật mới ban hành nhằm triển khai thi hành Hiến pháp, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh; đảm bảo ngày Pháp luật thực sự phát huy hiệu lực, hiệu quả trong đời sống chính trị-pháp lý của đất nước, góp phần khẳng định những thành quả 70 năm xây dựng và hoàn thiện của Nhà nước và pháp luật dân chủ nhân dân.

 

Việc tổ chức ngày Pháp luật hàng năm nhằm tuyên truyền, phổ biến pháp luật, nâng cao ý thức trách nhiệm, nghĩa vụ công dân, ý thức pháp luật, tự giác chấp hành, thực thi pháp luật vì tương lai của mỗi người và tiền đồ của đất nước. Đây chính là yếu tố tạo nên sự bền vững của ý thức pháp luật, của kỷ cương, phép nước. Mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức phải gương mẫu chấp hành Hiến pháp, pháp luật, nêu gương sáng về đạo đức cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư như Bác Hồ đã dạy.

 

Thủ đô Hà Nội vừa tổ chức thành công Đại hội Đảng bộ thành phố Hà Nội lần thứ XVI đúng vào dịp thành phố tăng cường các hoạt động kỷ niệm ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2015. Việc nghiêm túc triển khai thực hiện ngày Pháp luật trên địa bàn thành phố nói chung và trên địa bàn huyện Thạch Thất nói riêng thể hiện quyết tâm của các cấp, các ngành và nhân dân thủ đô trong xây dựng, tổ chức thi hành, bảo vệ Hiến pháp và pháp luật. Đây cũng là việc làm thiết thực của chính quyền và nhân dân thành phố góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu “Đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa; xây dựng thủ đô ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại” của Đảng bộ thành phố Hà Nội và Đảng bộ huyện Thạch Thất giai đoạn 2015-2020.

Phòng Tư pháp tổng hợp