TUYÊN TRUYỀN, PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT TUYÊN TRUYỀN, PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

BÀI VIẾT TUYÊN TRUYỀN VỀ DỰ THẢO SỬA ĐỔI HIẾN PHÁP NĂM 1992
Ngày đăng 26/02/2013 | 07:26  | Lượt xem: 41

Nhân dân có vai trò rất quan trọng trong việc xây dựng Hiến pháp và sửa đổi Hiến pháp - một công việc hệ trọng của quốc gia. Trong lịch sử lập hiến, việc xây dựng, ban hành hoặc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp đều tiến hành tổ chức lấy ý kiến nhân dân./p>

BÀI VIẾT

TUYÊN TRUYỀN VỀ DỰ THẢO SỬA ĐỔI HIẾN PHÁP NĂM 1992

 

          Hiến pháp có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng trong hệ thống pháp luật. Hiến pháp được ban hành bởi cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất là Quốc hội. Hiến pháp là bản văn ghi nhận ý chí của nhân dân, xác lập một cách tập trung nhất, đầy đủ nhất và cao nhất sự lựa chọn chính trị của nhân dân. Chính vì lẽ đó mà Hiến pháp được coi là đạo luật cơ bản của Nhà nước, có hiệu lực pháp lý cao nhất, quy định các vấn đề cơ bản nhất như chế độ chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội, quốc phòng, an ninh, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, cơ cấu, nguyên tắc tổ chức và hoạt động của các cơ quan nhà nước. Sự hiện diện của Hiến pháp là điều kiện quan trọng nhất bảo đảm cho các yếu tố cơ bản của Nhà nước pháp quyền được tạo lập.

          Xuất phát từ vị trí, vai trò và tầm quan trọng đặc biệt của Hiến pháp trong đời sống kinh tế, văn hoá, xã hội…và nhằm khắc phục những hạn chế, thiếu sót của Hiến pháp năm 1992, ngày 23 tháng 11 năm 2012 Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam ban hành Nghị quyết số 38/2012/QH13 tổ chức lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 bắt đầu từ ngày 02 tháng 01 năm 2013 và kết thúc vào ngày 31 tháng 3 năm 2013. Ngày 15 tháng 01 năm 2013, Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 04/KH-HĐND và ngày 31/01/2013, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 24/KH-UBND về tổ chức lấy ý kiến nhân dân thành phố Hà Nội về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.

          Trên cơ sở Kế hoạch của HĐND và UBND thành phố Hà Nội, HĐND và UBND huyện đã ban hành Kế hoạch tổ chức lấy ý kiến nhân dân trên địa bàn huyện về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 là một đợt sinh hoạt chính trị quan trọng, rộng lớn trong toàn Đảng, toàn dân và hệ thống chính trị nhằm phát huy quyền làm chủ, trí tuệ, tâm huyết của các tầng lớp nhân dân, các cấp, các ngành trên địa bàn huyện tham gia góp ý kiến vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp.

          Việc lấy ý kiến về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 theo các nội dung sau:

          1. Lấy ý kiến về toàn bộ Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, bao gồm: lời nói đầu; chế độ chính trị; quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân; kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ và môi trường; bảo vệ tổ quốc; bộ máy nhà nước; hiệu lực của Hiến pháp và quy trình sửa đổi Hiến pháp; kỹ thuật trình bày các quy định của Hiến pháp.

          2. Căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, đơn vị, địa phương mình tập trung các ý kiến sâu về những nội dung liên quan trực tiếp đến phạm vi lĩnh vực hoạt động của cơ quan, đơn vị, địa phương mình và những vấn đề mà cơ quan, đơn vị, địa phương quan tâm.

          Hình thức lấy ý kiến:

          1. Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 được đăng tải toàn văn trên Cổng thông tin điện tử của UBND huyện (www.thachthat.gov.vn) và được gửi vào địa chỉ hòm thư công vụ của các cơ quan, đơn vị, UBND các xã, thị trấn trên toàn huyện để các cơ quan, đơn vị, các xã, thị trấn nghiên cứu cho ý kiến góp ý.

          2. Góp ý trực tiếp hoặc bằng văn bản gửi về UBND huyện (qua Phòng Tư pháp) theo địa chỉ: Phòng Tư pháp huyện Thạch Thất, thị trấn Liên Quan, huyện Thạch Thất, thành phố Hà Nội và địa chỉ hòm thư công vụ: ptp_thachthat@.hanoi.gov.vn

          3. Thảo luận tại các hội nghị, hội thảo, toạ đàm.

          Hiến pháp là văn bản chính trị - pháp lý, là đạo luật cơ bản, luật gốc của Nhà nước. Hiến pháp phản ánh ý chí, lợi ích của toàn dân tộc. Thông qua Hiến pháp, tư tưởng quyền lực thuộc về nhân dân được khẳng định; nhân dân trao quyền cho các cơ quan Nhà nước, bảo đảm tính hợp pháp cao nhất của việc thực hiện quyền lực Nhà nước. Hiến pháp đã tạo cơ sở chính trị - pháp lý quan trọng cho việc thực hiện công cuộc đổi mới. Trước tình hình mới của đất nước và quốc tế, việc sửa đổi Hiến pháp năm 1992 nhằm bảo đảm đổi mới đồng bộ cả về kinh tế và chính trị, xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, bảo đảm tốt hơn quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân...

          Nhân dân có vai trò rất quan trọng trong việc xây dựng Hiến pháp và sửa đổi Hiến pháp - một công việc hệ trọng của quốc gia. Trong lịch sử lập hiến, việc xây dựng, ban hành hoặc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp đều tiến hành tổ chức lấy ý kiến nhân dân. Đây là cách thức dân chủ, tạo điều kiện cho người dân có thể thể hiện các quan điểm, chính kiến về toàn bộ bản Hiến pháp nói chung cũng như đối với từng điều khoản cụ thể.

          Mọi ý kiến đóng góp trực tiếp hoặc bằng văn bản của các tổ chức, cá nhân, các cơ quan, đơn vị về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 xin gửi về UBND huyện (qua Phòng Tư pháp) theo địa chỉ: Phòng Tư pháp huyện Thạch Thất, thị trấn Liên Quan, huyện Thạch Thất, thành phố Hà Nội và địa chỉ hòm thư công vụ: ptp_thachthat@.hanoi.gov.vn để Phòng tổng hợp báo cáo Sở Tư pháp thành phố Hà Nội và UBND thành phố Hà Nội.

Xem bản dự thảo sửa đổi hiến pháp tại đây.

          Trân trọng cảm ơn!

 

PHÒNG TƯ PHÁP