HƯỚNG VỀ QUÊ HƯƠNG THẠCH THẤT HƯỚNG VỀ QUÊ HƯƠNG THẠCH THẤT

Chùa Tây Phương- di tích quốc gia đặc biệt- phần 5: Bài trí tượng phật ở chùa Tây Phương
Ngày đăng 06/04/2015 | 09:43  | Lượt xem: 1381

Trên Phật điện, bộ tượng Tam Thế Phật được xếp ngồi ngang nhau (cũng có khi pho giữa được đặt cao hơn) ở vị trí cao và sâu nhất, đó cũng là chỗ ngồi ổn định cho mọi cách sắp xếp phổ biến ở các thời sau...

3. Mô tả về sự bài trí tượng Phật:

Bộ tượng Tam thế: Bộ tượng Tam thế có tên đầy đủ là Tam Thế Thường Trụ Diệu Pháp Thân (Tam Thế: 3 thời, quá khứ gọi là Trang Nghiêm đại kiếp, Hiện tại gọi là Hiền kiếp, Vị lai gọi là Tinh tú kiếp. Mỗi đại kiếp xấp xỉ  bằng 1.344.000.000 năm; Thường trụ: là tồn tại vĩnh hằng; Diệu: đẹp đẽ, linh thiêng, nhiệm mầu; Pháp Thân: cái thân chân thực không biến đổi, không lệ thuộc vào hình - danh - sắc - tướng, không sinh không diệt, tức cái đạo thể/Phật thân). Một tên khác là Tam Thế Tam Thiên Phật, có nghĩa là ba nghìn vị Phật nối nhau giáo hoá chúng sinh trong ba đại kiếp. Như vậy, Tam thế Phật không phải là A Di Đà Phật, Thích Ca Mâu Ni Phật và Di Lặc Phật như nhiều người đã lầm tưởng…

 

Trên Phật điện, bộ tượng Tam Thế Phật được xếp ngồi ngang nhau (cũng có khi pho giữa được đặt cao hơn) ở vị trí cao và sâu nhất, đó cũng là chỗ ngồi ổn định cho mọi cách sắp xếp phổ biến ở các thời sau. Nét chung cơ bản dễ nhận thấy nhất ở các pho này là hình khối cân đối, vững chắc theo bố cục hình tháp, không cao, không bệ vệ… Hầu như tất cả các tượng đều mang nhiều nét khái quát theo quy định chung của tượng Phật, nhưng bộ mặt nào cũng phảng phất nét chân dung nữ tính, thuần hậu không cường điệu mà gần gũi mặt cùng da thịt của tượng bằng Vàng kim. Nhìn chung mặt tượng Tam Thế có hình thức trái xoan, phần sọ khá nở, má chưa xị xuống. Nguyệt mi (lông mày cong hình trăng lưỡi liềm) nối với sống mũi trong vẻ đẹp thánh thiện. Mắt khép hờ nhìn xuống đỉnh mũi trong sự soi rọi nội tâm, trầm mặc sâu lắng (tượng Trung Hoa cùng thời thường có nét áp chế với cách nhìn ti hí, rõ con ngươi). Miệng mỉm cười tự nhiên. Môi hơi thu ngắn lại và cũng chưa dầy lên chút ít. Có thể nghĩ được rằng nụ cười của tượng Tam Thế chùa Thầy được coi như một trong không nhiều nụ cười đẹp của tượng Việt. Tai dày và dài, chưa đeo hoa. Cổ tượng vừa phải, cân xứng, đeo anh lạc đè trên ngực. Anh lạc là phần trang trí chính trên tượng là một chứng tích rõ rệt nhất để nhận biết về niên đại và làn nền cho chữ Vạn.

Bộ tượng Phật điện và tượng Tổ truyền đăng: Trước thời Tây Sơn, không Phật điện nào có nhiều tượng cùng một niên đại như ở chùa Tây Phương. Thời Tây Sơn đã bổ sung cho chùa Tây Phương một số tượng mà trước đó không có hoặc rất hiếm. Nổi lên là các bộ tượng Di Đà Tam Tôn, Tuyết Sơn, Di Lặc, Kim Cương và các vị tổ kế đăng.

 

Trên chính điện, là sự hội tụ của một số vấn đề gắn với Phật học, với xã hội và tạo hình và trung tâm là tượng Tuyết Sơn. Pho này được nổi lên trong khắc khổ của sự diệt dục. Đầu tượng không tóc, trán rộng vừa phải với vài nếp nhăn, mắt lõm sâu nhìn xuống, thái dương hõm nổi vài đường gân… Nhìn chung bộ mặt có nét chân dung, nhấn mạnh sự gầy guộc để nêu bật sự trăn trở suy tư trong khổ hạnh. So với tượng Tuyết Sơn chùa Bút Tháp thì tượng này ở một thái cực khác, có khuôn mặt nhân hậu, con mắt không có nét dữ tợn mà như toát ra một sự tập trung tư tưởng cao độ trong khắc khoải xót xa vì đời. Cái gày guộc của cơ thể và cách ngồi "nghỉ ngơi" rất đời, chân khoanh chân chống, tay tì trên gối tự nhiên cùng quần áo đơn giản với các nếp hằn sâu đã phối hợp với nhau, vừa đủ, để nhấn mạnh thần thái của Thích Ca khi Người còn tu theo kiểu ép xác của dòng Bà La Môn ở núi Tuyết… Trong tư cách này Người chưa thành Phật, chưa an trụ trong cõi Niết Bàn, nên Người chưa ngồi trên tòa sen và đầu cũng chưa nổi "Nhục kháo". Trên Phật điện, chỉ tượng A Di Đà được đứng trên đài sen mà thôi, bởi Người đã ở thế giới giác ngộ, giải thoát hoàn toàn khỏi dục vọng. Ở trường hợp này, do chúng sinh bị chìm đắm quá sâu vào tục lụy, xã hội lìa tan… nên hình thức Di Đà đứng lên để biểu hiện sự cứu độ một cách gấp gáp. Đây là một trong không nhiều pho Di Đà đứng ở nước ta. Trên bàn thờ của chùa Tây Phương tượng này được đặt sau pho Tuyết Sơn, ở vị trí cao nhất, dưới dạng bụt ốc. Khuôn mặt còn theo phong cách tượng giữa thế kỷ XVII, ít nhiều có nét chân dung. Tượng mặc áo thụng dài nhiều nếp to chảy xuôi mạnh, với đặc điểm khác thời trước là gấu áo nhẹ bay loe ra trong hình thức lượn sóng… Trong thế đứng, với tay trái kết ấn cam lồ (các ngón để thẳng, ngón cái giữ viên ngọc Pháp) co trước bụng, tay phải duỗi thẳng trong thế cứu độ chúng sinh, tượng còn có tên là "Di Đà Phát Quang".

 

Ngồi dưới hàng Tuyết Sơn là Di Lặc, tượng có hình thức đối nghịch với Tuyết Sơn, trong một thân hình béo tốt quá cỡ, đầu và mặt tròn không tóc, miệng cười hỉ hả vô lo vô nghĩ. Tượng mặc áo cà sa ít nếp hơn các tượng khác, ngồi hơi ngửa ra sau một cách vững chãi biểu hiện của tịnh lạc viên mãn, bụng lớn tròn để hở, hai vú to xệ, ngăn cách giữa ba khối nổi này chỉ đôi ba đường nhăn lượn song hàng đã phá đi cái đơn điệu một cách khéo léo. Như mọi tượng Di Lặc của Việt và Nam Trung Hoa, tượng ngồi chân khoanh chân chống, khuỷu tay tì trên túi "hậu thiên"… tượng này mang hình thức với nhiều biểu hiện "hài hước", đường nét khá đẹp, trong thế tự nhiên không bị gò bó với quy luật đăng đối, vẻ đẹp còn được tăng lên ở ý nghĩa giải thoát viên mãn không bị ràng buộc bởi lục căn lục trần. Di Lặc Phật còn được gọi là đấng Từ Tôn, luôn độ cho đời dưới yếu lý Đại thừa. Người việt đã coi người như một chúa cứu thế (Di Lặc xuất thế Thiên hạ thái bình). ở chùa Tây Phương có "Di Đà Phát Quang" và Di Lặc cùng trên chính điện, đã như một kết quả tất yếu được sinh ra qua một thời dài chiến tranh và đói khổ, ở thế kỷ XVIII thời kỳ mà các mẫu hình tư tưởng chính thống bị đổ vỡ, xã hội trở nên bức bối… Như thế, các tượng kể trên được ra đời như đã mang ý nghĩa tố cáo sự xấu xa, nhiễu nhương của xã hội đương thời.

 

Loại tượng thứ hai đáng quan tâm ở chùa Tây Phương là tượng các vị tổ kế đăng và một số bồ tát. Trên chính điện kèm hai bên A Di Đà là Quan Thế Âm Bồ Tát và Đại Thế Chí Bồ Tát, hai bên Tuyết Sơn là hai tôn giả Ca Diếp mặt già và A Nan mặt trẻ. Hai bên Di Lặc là Bồ Tát Pháp Hoa Lâm và Đại Diệu Tường. Ngoài ra ở hậu đường còn mười sáu pho tượng tổ khác cũng cùng một phong cách. Có thể nghĩ rằng một trọng tâm nghệ thuật tạo tượng ở chùa Tây Phương thường được tập trung vào các vị tổ kế đăng, bao gồm 18 pho.

Tượng Ma Ha Ca Diếp: là tổ thứ nhất, một trong mười đệ tử của Phật - dung nghi trang nhã gốc dòng Bà La Môn, sớm lĩnh hội được "Bản thể chân tâm", chủ xướng kết tập Tam Tạng Kinh (Kinh, Luật, Luận của Phật giáo). Hình tượng: già với vài nếp nhăn trên trán, mặt mang nét chân dung (tương tự như tượng chùa Kim Liên), khắc khổ nhưng dịu hiền, nổi lên là đôi mắt triết học chứa đựng một tư tưởng mênh mông xa thẳm, ở đó lộ rõ một nghị lực siêu phàm trong trì giới của kiếp tu.

Tượng A nan đà:  A Nan Đà là Tổ thứ hai, một Đại Thính Văn (nghe Phật giảng đạo lý, đã thuộc hơn ai hết), em họ Phật, theo hầu làm thị giả Phật trên hai mươi năm, là người đứng đầu trong việc kết tập bộ kinh (Sỷtras), đó là hệ thống Phật pháp đầu tiên được biên soạn. Hình tượng: trẻ, mặt đẫy đà tươi vui, miệng cười hớn hở, biểu hiện đúng tính chất hoan hỉ (nghĩa của tên Ananda). Tay chắp trước ngực dưới ấn Liên Hoa, biểu hiện lý và trí, phàm và thánh… cùng một thể một nguồn cội.

Tượng Thương Na Hòa Tu: Tổ thứ ba, gốc thương nhân, trước tu tiên ở núi. Khi sinh ra đã có áo mặc sẵn, đó là thứ áo tùy hình, lớn theo người - cũng gọi là áo Tăng Già Lê (pháp phục) được Thương Na Hòa Tu lưu truyền mãi mãi. Tổ là người khởi đầu việc du hóa truyền bá đạo Phật. Hình tượng: ngồi buông chân trên chiếc ghế gồ ghề (giả đá) mặt gày, trán cau; mắt đăm chiêu nhìn thẳng đầy suy tư, má nhiều nếp nhăn, môi mỏng… Động tác tay chân hờ hững phối hợp cùng khuôn mặt để đề cao sự lao động của trí óc…

Tượng Đề Đa Ca: Tổ thứ năm - người hữu ngạn sông Hằng, nơi Phật truyền đạo. Tổ phát huy việc truyền đạo vào vùng Trung ấn. Hình tượng: Mặt trầm tư, thông minh và trán rộng, sơn căn (giữa hai mày) cau lại, biểu hiện sự tập trung cao độ để suy nghĩ, mũi thẳng hơi bạnh; môi mỏng cong phẳng phất nét kiêu kỳ.

Tượng Bà Tu Mật: Tổ thứ bảy - người Bắc ấn hiện thân của hồn thơ, rượu và ca hát, lúc nào cũng vui tươi, lang thang vào xóm làng, lớn tiếng kêu gọi… Hình tượng: đứng, trán dô thấp, đội một vành khăn nhỏ nổi, mắt khép hờ, sống mũi cong, miệng há vừa phải, cười hớn hở, môi mỏng, cằm nhọn nhô ra để nhấn mạnh nụ cười bản chất, hai tay chắp, giơ cao trong kiểu ấn Mật phùng. Nhìn chung tượng lột tả được nét hồ hởi sởi lởi rất sống động.

Tượng Đà Nan Đề: Trí thông minh tuyệt vời, biện luận mau lẹ và vô ngại. Sau khi đắc pháp ngài đã đưa đồ chúng đi du hóa khắp nơi.

Hình tượng: được thể hiện béo tốt và cách ngồi gần như tượng Di Lặc, đầu hơi nghiêng hợp với tay phải giơ cao như đang ngoáy tai, má nổi khối tròn, miệng cười sởi lởi khoái cảm, khiến mép nhiều nếp nhăn. Vú xệ tròn, bụng nở căng đều, để hở.

Tượng Đà Mật Đa: cũng gọi Phục Đà Mật Đa. Tổ thứ chín. Tục truyền năm mươi tuổi chưa nói một lời, chưa đi một bước (không nói biểu hiện đạo không tịch, không đi biểu hiện pháp không đến đi). Công lớn trong việc truyền giáo, nhất là ở vùng Trung ấn. Có tài biện luận Phật Pháp.

Hình tượng: ngồi buông chân, béo vừa phải, sọ nở cao lên ở nửa phía sau, mặt nổi khối ở má, trán rộng có sống nổi dọc ở giữa, lông mày nổi hằn, mũi hơi khoằm, miệng cười hé mở, môi mỏng. Tay phải giơ cao như trong thế chống gậy (trong sách Thiền Uyển Kế Đăng Lục, hình ảnh rất giống có chống gậy).

Tượng Hiếp Tôn Giả: Tổ thứ mười. Người Trung ấn. Tục danh là Nan Sanh (do vì nghiệp lực mà ở trong bào thai mẹ hơn sáu mươi năm). Vốn rất uyên thâm đạo Bà La Môn. Sau quy Phật, ngài cần mẫn tu học, không hề nằm ngồi nghỉ lúc nào nên có tên Hiếp Tôn Giả (Hiếp: là hông - chỉ hông không dính chiếu). Ngài rất hăng hái vân du để truyền Phật pháp. Ngài mang tư cách chuyển tiếp từ đạo Phật Tiểu Thừa sang Đại Thừa.

Hình tượng: đứng tỳ cây. Sự thông minh được thể hiện ở chiếc sọ rất nở, trán cao rộng. Mắt nhìn ra xa mà như nhìn vào chính tâm mình, trong nét suy tư sâu thẳm. Gò má nổi, hàm thon, miệng mím nhẹ… tất cả các chi tiết đó phối hợp lại làm nổi cao hơn những gì mà tôn giả đang trăn trở.

Tượng Bồ tát Mã Minh: Tổ thứ mười hai. Là con nhà Bà La Môn ở miền sông Hằng. Có tài thuyết pháp, đến nỗi ngựa nghe cũng hiểu mừng mà kêu ré lên. Vì thế ngài có tên Mã Minh (ý nói Phật tánh có ở mọi loài). Ngài có tài bẻ mọi tà thuyết, là người đầu tiên thắp sáng đuốc Đại Thừa dưới thời vua Kanishka. Soạn được ba bộ luận nổi tiếng.

Hình tượng: ít nhiều như Phật đà Mật Đa, miệng cười nhẹ, mép không có nếp nhăn, mắt nhìn ngang như đang biện thuyết. Vai trái để trần, áo tụt xuống cánh tay co ngang, tay phải chống thẳng phía sau. Ba bộ kinh được trưng bằng ba cuốn sách bó lại với nhau do rồng đội, đặt ở phía trước.

Tượng Ca Tỳ Ma La : Tổ thứ mười ba - Gốc là dân ngoại đạo, giỏi pháp thuật huyền bí. Quy Phật, có công truyền bá đạo Phật vào phía Tây và Nam ấn. Hình tượng: đứng, đầu nổi biếu, trán rộng, mắt nhỏ nhìn nghiêm nghị, sống mũi cong miệng mím, môi mỏng… Vòng quanh dưới hông là một con rồng, một chúng sinh được Ca Tỳ khuất phục thành đồ đệ.

Tượng Long Thụ Tôn Giả : Tổ thứ mười bốn. Gốc theo dòng Bà La Môn, rất thông minh, giỏi địa lý sấm ký… Sau thấy đời vô thường, buồn chán vào núi tu, gặp Ca Tỳ Ma La mà quy Phật. Có công truyền  bá Phật pháp Đại Thừa ở Nam ấn, được người đời coi là Phật sống. Hình tượng: Ngồi tĩnh tu, tay chân đều ẩn trong áo cà sa. Bộ mặt của người có tuổi, khắc khổ đầy suy tư. Đầu nổi bướu gần với nhục kháo, trán lớn với ba nếp nhăn, mắt nhìn xuống soi rọi nội tâm, mũi lớn, môi mím mỏng cong lên. Tất cả hợp lại mang bóng dáng một bộ mặt và cơ thể của kiếp tu khổ hạnh. Do được coi là Phật sống nên chỉ tượng này được ngồi trên đài sen.

Tượng La Hầu La Đa : Tổ thứ mười sáu. Cùng một quê với Phật, con nhà trưởng giả, nhưng có chí cầu xuất gia. Đi du hóa ở thành Xá Vệ (Crâvasti). Ngài có tài hùng biện, khá thông minh, có công chú thích bộ Trung Luận của Long Thụ.

Hình tượng: ngồi nghỉ, cầm gậy chống phía trước, bên cạnh có con hươu. Mặt tượng nghiêm chỉnh, ngay ngắn, rõ nét chân dung, trán rộng, mắt nhìn vào khoảng không suy nghĩ, mày gồ, gò má nổi, má hóp, miệng mím môi mỏng… Tượng đội khăn, phủ chảy đều xuống hai vai, các ngón tay có móng dài. Nhìn chung tượng đẹp, mang bóng dáng thư thái của một người tầng lớp trên.

Tượng Tăng Già Nan Đề : Tổ thứ mười bảy. Là hoàng tử, có công xưng tán Phật pháp, đề cao pháp nhập định, báo hiệu những yếu tố đốn ngộ (khoát nhiên đại ngộ). Hình tượng: ngồi tì cằm trên hai bàn tay để trên đầu gối; chân chống, ghi lại tích tu trong động đá. Mặt trầm tư, suy nghĩ. Đỉnh đầu nổi bướu, trán rộng nở không nếp nhăn, mắt nhìn lơ đãng, mũi lớn đẹp tướng, miệng cười nhẹ phúc hậu.

Tượng Già Da Đa Xá:. Tổ thứ mười tám, có tài luận thuyết, nhất là về Tâm. Hình tượng: Trong Thiền uyển Kế Đăng Lục mang hình vẽ du tăng, đang bước đi, gió thổi bay áo về phía trước, vai vác tích trượng, tay vòng lên trên gậy. Tay trái giơ cao một đĩa tròn tượng trưng bánh xe luân hồi. ở chùa Tây Phương cũng tương tự, nhưng gậy đã mất. Mặt tượng tươi vui, trán rộng đứng, mắt nhìn thẳng, miệng cười mở rộng, cằm vuông vức… ở đây tượng thể hiện đứng tại chỗ.

Tượng Cưu Ma La Đa : Tổ thứ mười chín. Con nhà Ba La Môn; hoằng hóa đạo Phật ở phía Bắc ấn, có tài thuyết pháp. Hình tượng: khá giống với tượng Di Lặc trong cả cách ngồi và thân hình. Có nụ cười tự nhiên, cởi mở thoát tục, nụ cười ánh lên cả mắt. Tay phải cầm tích trượng chống xuống.

Tượng  Xà Dạ Đa : Tổ thứ hai mươi. Người bắc ấn, trí tuệ thâm sâu, có công hoằng dương Phật pháp, là người phù dương đốn giáo (Dạy thành tựu tức khắc, bằng giáo pháp vắn tắt Đại Thừa).

Hình tượng: Thể hiện thân hình gày guộc, lộ xương cốt, gần như Tuyết Sơn, mặt khắc khổ, hình ảnh của kiếp tu khổ hạnh, sọ rất nở, mắt nhiều suy tư, trán và má nhiều nếp nhăn. Ngồi chân chống chân co, tay trái để trên gối, tay phải giơ cao quặt ra sau trong thế cầm que gãi lưng…

Tượng  Bát Nhã Đa La :  Tổ thứ hai mươi bảy, du hóa ở Nam ấn, có tài diễn giảng về "Ma Ha Bát Nhã Ba La Mật Đa" nên có tên là Bát Nhã Đa La, ngài sống vào thời mạt pháp, có ý thức chuyển Phật giáo sang phương Đông.

Hình tượng: tay cầm viên ngọc Pháp Phật đưa ra thử Bồ Đề Đạt Ma. Mặt rất tươi vui, đỉnh trán nổi u nhỏ, mắt nhìn thẳng nheo theo miệng cười. Tượng có dáng dấp tự nhiên, vui và gần gũi.

Tượng Bồ Đề Đạt Ma : Tổ thứ hai mươi tám. Hoàng tử, ở Nam ấn, có công truyền bá Phật giáo sang Trung Hoa, trở thành sơ tổ Đông độ của phái Thiền - Lúc đầu không được Lương Võ Đế tin theo, ngài phải về chùa Thiếu Lâm (nước Ngụy) ngó vách mà Thiền Định. Ngài có nhiều đồ đệ, nổi nhất là Huệ Khả.

Hình tượng: Trán rộng thông minh, mắt nhìn vào tâm, miệng hé mở như đang thuyết pháp, đặc điểm ấn với bộ râu quai nón. Tượng được thể hiện ngồi chân co chân chống, nhưng theo tích nên ngài chỉ có một chiếc giày (khi viên tịch, Đạt Ma được chôn ở núi Hùng Nhĩ, sau ba năm có người thấy ngài quẩy một chiếc giày đi về ấn Độ).

Nhìn chung các tượng tổ chùa Tây Phương đều thống nhất trong một phong cách, đều có lối mặc giống nhau với các bộ áo cùng một kiểu, song nếp áo của các vị được thể hiện theo dáng ngồi, đứng khác nhau mà tạo các nếp, đường lượn khác nhau. Các nếp áo đã thống nhất với cơ thể và bộ mặt của mỗi con người để cùng đề cao sự tích nổi bật của từng vị. Dưới bàn tay của những người thợ bậc thầy, điêu luyện trong kỹ thuật, đã tạo tác một cách thoải mái những khối hình đầy chất điêu khắc, tượng nào cũng thanh thoát, sống động mang một vẻ đẹp không thừa, không thiếu. Người nghệ sĩ đã chạm được cả nội tâm của từng nhân vật, để nói lên những khắc khoải của con người thực ngoài đời.

Mặt khác các vị tổ được chọn ở đây là những nhân vật đại diện cho mọi thành phần của xã hội, nhằm nói lên tính chất rộng mở hòa đồng, trên cơ sở Đại Từ Đại Bi, lấy giác ngộ Phật pháp làm trung tâm ứng xử. Đồng thời các vị tổ này cũng đại diện cho những khâu phát triển cốt yếu của lịch sử Phật giáo.

- Tượng Hộ Pháp: cũng là những tượng rất đẹp của chùa Tây Phương. Bao gồm tám pho đặt tại tòa tiền đường, với tên là: Thanh Trì Tai, Tích Độc Thần, Hoàng Tùy Cầu, Bạch Tịnh Thủy, Xích Thanh Hỏa, Đinh Trì Tai, Tử Hiền, Đại Lực Thần. Bằng vào những nhát đục khoáng đạt, rất chắc tay, nhuần nhuyễn bậc thầy, mà người đương thời đã để lại cho chúng ta những tác phẩm mang đúng tính chất của các vị kim cương quắc thước. Đây là mẫu hình đích thực của các võ tướng với nhiều dáng vẻ trong một nguyên tắc thể hiện giống nhau, xây dựng trên cơ sở "âm dương" luận. Cụ thể là các động tác tay của tượng trong hình thức bao giờ cũng một cao một thấp, một động một tĩnh… để biểu hiện sự điều hòa của hai lực đối đãi nhau, tạo thành một cường lực xung mãn trong các thế võ của Kim Cương.

Kim Cương thần có đặc tính kiên quyết, cứng rắn và trong sáng, như kim cương (nên gọi là Kim Cương), như thế mới có khả năng bảo hộ được Phật pháp (vì thế cũng gọi là Hộ Pháp). Các vị thường cầm chùy, dùi, pháp giới đao, gậy… vũ khí này đều gắn với việc khuyến thiện trừng ác, đó cũng là chức năng của thần. ở đây thần trừng ác thì khuôn mặt diễn tả dưới dạng gồ ghề của các bộ phận, nhằm tạo sự cương quyết cứng rắn, sự phẫn nộ trước tội ác. Các thần khuyến thiện có bộ mặt êm ả tròn đầy hơn nhiều. Nhưng nhìn chung qua hình khối vững chắc, đường chạm mạch lạc, dứt khoát, mạnh mẽ… mà ở các thần đều lộ ra một cách thống nhất về sức mạnh "vũ trụ" kết hợp nhuần nhuyễn với sức mạnh phàm trần. Các thần đều đội mũ Kim Khôi có bổ sung các vật linh ở đỉnh (bình nước cam lồ, cái giản ba mũi, đầu voi…). Tượng chỉ cao xấp xỉ khoảng 2m, với thân hình to mập khác thường, bụng nổi tròn căng như biểu hiện một tiềm lực vô hạn của các đô lực sĩ. Tuy nhiên không vì thế mà tượng tỏ ra thô kệch, mà động tác cùng nghệ thuật đã tạo cho tượng có sự cân đối riêng. Tượng nào cũng mặc áo giáp của võ tướng xưa, bó sát lấy người làm căng phồng các bộ phận cơ thể bên trong tạo nên những khối mạnh chắc to nhỏ sung mãn. Các bộ phận của áo như cánh tay, vạt, gấu và hoa văn đều được tạo khối mập, rành mạch nhất quán cùng cơ thể. Chiếc áo này của thần Kim Cương được gọi là áo giáp "Nhẫn nhục", bằng áo này thần có thể tránh được mọi mũi tên của dục vọng (tham, sân, si, ái, ố, hỉ, nộ), để tâm luôn sáng như Kim Cương mà bảo vệ Phật pháp.

 

Xem lại: "Chùa Tây Phương- di tích quốc gia đặc biệt- phần 4: Khảo tả di tích: Giới thiệu tổng quan và mô tả chi tiết về di tích"

Xem tiếp: "Chùa Tây Phương- di tích quốc gia đặc biệt - phần cuối: Giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học, thẩm mỹ của di tích"

 

Nguồn: Hồ sơ di tích quốc gia đặc biệt chùa Tây Phương