HƯỚNG VỀ QUÊ HƯƠNG THẠCH THẤT
Chùa Tây Phương có tên chữ là “Sùng Phúc tự”, đã được Bộ Văn hoá (nay là Bộ văn hoá, Thể thao và Du lịch) xếp hạng là di tích Quốc gia ngày 28 tháng 4 năm 1962 tại Quyết định số 313 VH/VP. Người dân xã Thạch Xá và du khách thập phương khi trẩy hội thường gọi với cái tên dân dã là đi “chùa Tây”, bởi theo Phật sử và kinh sách thì Tây Phương chính là cõi tịnh độ, an lạc của đức Phật A Di Đà, tức cõi Tây Phương cực lạc...
I. TÊN GỌI DI TÍCH
1. Tên gọi di tích được thống nhất sử dụng trong hồ sơ khoa học di tích:
Ngày 06 tháng 5 năm 2014, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch có văn bản số 1395/BVHTTDL -DSVH về việc lập hồ sơ xếp hạng di tích Quốc gia đặc biệt Chùa Tây Phương. Chùa Tây Phương là tên gọi chính thức của di tích.
2. Các tên gọi khác của di tích (nếu có) và nguồn gốc của tên gọi đó:
Chùa Tây Phương có tên chữ là “Sùng Phúc tự”, đã được Bộ Văn hoá (nay là Bộ văn hoá, Thể thao và Du lịch) xếp hạng là di tích Quốc gia ngày 28 tháng 4 năm 1962 tại Quyết định số 313 VH/VP. Người dân xã Thạch Xá và du khách thập phương khi trẩy hội thường gọi với cái tên dân dã là đi “chùa Tây”, bởi theo Phật sử và kinh sách thì Tây Phương chính là cõi tịnh độ, an lạc của đức Phật A Di Đà, tức cõi Tây Phương cực lạc.
II- ĐỊA ĐIỂM VÀ ĐƯỜNG ĐI ĐẾN DI TÍCH
1. Địa điểm di tích:
1.1. Trước đây:
Thạch Thất là huyện thuộc trung du đồng bằng Bắc bộ, nằm phía tây bắc thành phố Hà Nội, từ tọa độ 20058’23’’ đến 21006’10’’ vĩ độ Bắc, từ 105037’22’’ đến 105038’22’’ kinh độ Đông, các trung tâm thủ đô khoảng 40km.
Cực Bắc của huyện là làng Minh Đức (xã Đại Đồng), cực Nam là Đồng Táng (xã Đồng Trúc), khoảng cách hai cực Nam - Bắc là 22km, cực Đông là làng Bùng Thôn (xã Phùng Xá), cực Tây là thôn 10 (xã Thạch Hòa), khoảng cách giữa hai cực Đông – Tây là 16km. Phía bắc huyện giáp thị xã Sơn Tây, phía tây giáp huyện Lương Sơn (tỉnh Hòa Bình), phía Đông và phía Tây giáp huyện Quốc Oai.
Đây là vùng chuyển tiếp giữa miền núi và đồng bằng, thuộc bậc thềm phía tây Hà Nội nên có lịch sử dân cư và tổ chức hành chính từ rất sớm.Cách đây hàng nghìn năm, địa phận phía Tây huyện là những đồi gò, núi thấp, là nơi cư trú của các cộng đồng bộ lạc người Việt Cổ. Vào thời kì Hùng Vương, địa phận phía Tây huyện thuộc về bộ lạc Hùng Vương – nơi đóng đô của các vua Hùng. “Bộ lạc Hùng Vương là bộ lạc lớn, bao trùm cả một phần tỉnh Yên Bái, Vĩnh Phúc, Phúc Thọ, Sơn Tây) là di duệ của những người Lạc Việt”.
Đến thời Hán, địa phận trong sông Tích là những cộng đồng dân cư đông đúc thuộc phía Nam đất huyện Mê Linh – quận Giao Chỉ. Địa phận ngoài sông Tích cổ xưa là những sình lầy, trên những gò đất cao đã hình thành nên những cộng đồng dân cư sinh sống và thuộc huyện Câu Lậu – quận Giao Chỉ.
Xét về huyện Câu Lậu, mục “Thành trì” sách “Đại Việt địa dư toàn biên” viết “Thành Câu Lậu Tây nam phủ Giao Châu. Đời Hán đặt là huyện Câu Lậu, thuộc quận Giao Chỉ. Cát Hồng xin làm quan lệnh huyện Câu Lậu tức chỗ này. Đời Tống, đời Tề vẫn theo như thế. Đến đời Tùy thì bỏ huyện ấy – bây giờ huyện Thạch Thất là đất thành Câu Lậu”.
Về huyện lị và địa giới huyện Câu Lậu “Núi Phật Tích (chùa Thày) ở huyện Thạch Thất, phía tây nam phủ Giao Châu, dưới núi có ao, cảnh vật tươi đẹp, là nơi thắng cảnh của một phương, lại có núi Câu Lậu cũng ở huyện Thạch Thất. Tương truyền huyện Câu Lậu từ đời Hán đóng ở chân núi ấy (búi này là chùa Tây Phương cổ mà đẹp lắm)” , “huyện Yên Sơn (nay là Quốc Oai) là đất Câu Lậu đời xưa”. Như vậy, địa giới huyện Câu Lậu từ đời Hán đến đời Tùy bao gồm địa phận các xã phía ngoài sông Tích của huyện Thạch Thất ngày nay và một phần của huyện Quốc Oai.
Như vậy đến đời Hán địa phận huyện Thạch Thất ngày nay thuộc vào hai huyện Mê Linh (sau này gọi là Phong Khê) và huyện Câu Lậu, đều thuộc quận Giao Chỉ. Đời Ngô (Trung Quốc) năm 244, sách “ Đất nước Việt Nam qua các đời” có trích dẫn sách “ sử học bị khảo” và bình: “Ngô cắt đất Mê Linh (của nhà Hán) mà đặt quận Tân Hưng ( Tấn đổi là Tân Xương), cắt các huyện Phong Khê, Chu Diên mà đặt quận Vũ Bình, như thế quận Vũ Bình phải gồm các miền đất Hà Đông, Hà Nam và giữa sông Hồng, sông Đáy. Quận ấy gồm cả huyện Phong Khê đời Hán thì nó bao gồm cả miền Nam Vĩnh Phú, ở Tả ngạn sông Hồng và các miền Thạch Thất, Kỳ Sơn, Lương Sơn (Hòa Bình).
Như vậy đến đời Ngô quận Giao Chỉ của nhà Hán được chia thành 3 quận: quận Tân Hưng (6 huyện), quận Giao Chỉ (14 huyện) trong đó có huyện Câu Lậu, quận Vũ Bình (7 huyện) trong đó có huyện Phong Khê, 2 huyện này thuộc vào miền đất của huyện Thạch Thất ngày nay.
Thế kỷ thứ X (thời kỳ 12 sứ quân) : một phần nhỏ phía Nam huyện Thạch Thất thuộc vào sứ quân Đỗ Cảnh Thạc (sứ quân mạnh nhất lúc bấy giờ). Phần lớn phía Tây, Bắc huyện thuộc lãnh địa của sứ quân Ngô Nhật Khánh (Ngô Lãm Công).
Đời Tống “Tống chia Việt Nam thành 4 phủ”, địa phận huyện thuộc vào đại thông phủ (Đại Thông phủ bao gồm các miền Sơn Tây, Hòa Bình). Đến đời nhà Lý (1010 – 1225) chia nước ta thành 24 lộ, địa phận Thạch Thất thuộc vào lộ Quốc Oai – phủ Đại Thông. Đến thời nhà Trần (1225 – 1400), năm Quang Thái thứ 10 (1397) sửa lại lộ làm trấn, lộ Quốc Oai thành trấn Quảng Oai. Nhà Hồ (1400 – 1407) với cải cách hành chính của Hồ Quý Ly, tên nhiều huyện, trấn thay đổi…trong đó có sự xuất hiện của tên huyện Thạch Thất từ đây. Sách “Đại Việt địa dư toàn biên” chép lại lịch sử Trung Quốc viết : “Phủ Giao Châu tức là Đông Đô của An Nam. Năm Vĩnh Lạc thứ 2 đổi đặt làm phủ Giao Châu, thống trị 5 châu là Từ Liêm, Phúc An, Uy Man, Lợi Nhân, Tam Đới và 13 huyện là Đông Quan, Từ Liêm, Thạch Thất, Phù Lưu, Thanh Đàm”…, Châu Từ Liêm lĩnh hai huyện Đan Sơn và Thạch Thất và tên huyện Thạch Thất có nhiều nghĩa khác nhau.
Dưới thời thuộc Minh, năm Vĩnh Lạc thứ 6 (1408) Thạch Thất vẫn thuộc châu Từ Liêm, lệ vào lộ Đông Đô. Đời Lê năm 1428 vua Thái Tổ chia nước ta làm 5 đạo, vùng Sơn Tây thuộc vào Tây Đạo, đến năm Quang Thuận thứ 7 (1466) gọi là Quốc Oai thừa tuyên. Năm Quang Thuận thứ 10 (1469) định lại bản đồ cả nước, chia nước ta thành 12 thừa tuyên, thừa tuyên Sơn Tây (gồm 24 huyện, 6 phủ) Thạch Thất thuộc vào phủ Quốc Oai, thừa tuyên Sơn Tây. Năm Hồng Đức thứ 21 (1490) Sơn Tây thừa xuyên đổi thành xứ Sơn Tây, từ năm 1509 gọi là trấn Sơn Tây. Năm Minh Mệnh thứ 12 (1832) mới gọi là tỉnh Sơn Tây. Năm Minh Mệnh thứ 13 (1832), huyện Thạch Thất và Đan Phượng tách ra làm phân phủ thống hạt, đến năm Tự Đức thứ 5 (1852) bỏ phân phủ thống hạt, Thạch Thất lệ vào phủ Quốc Oai. Năm 1892 Sơn Tây còn 2 phủ với 4 huyện: Thạch Thất, Quốc Oai, Tùng Thiện và Quảng Oai, đến năm 1908 phủ Quốc Oai còn 2 huyện: Thạch Thất và Yên Sơn (nay là huyện Quốc Oai).
Theo sách “Các trấn, tổng, xã danh bị lãm” thì xưa kia tổng Thạch Xá là một trong những tổng thuộc huyện Thạch Thất, phủ Quốc Oai, trấn Sơn Tây. Cũng theo tài liệu này thì khi ấy, tổng Thạch Xá bao gồm các xã, thôn như: Hữu Bằng, Phú Ổ, Đặng Xá (sau đổi thành Bình Xá), xã Nguyễn Xá (gồm 3 thôn: Nguyễn Thôn, Chàng Thôn, Chiền Thôn). Về sau, Chiền Thôn thuộc tổng Lủa Chùa, huyện Thạch Thất, tỉnh Sơn Tây, và sau nữa, có tên gọi là làng Yên Thôn, sau ngày Cách mạng Tháng 8.
Năm 1948, Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa ban hành Sắc lệnh số 48-1948 bãi bỏ các danh từ phủ, châu, quận… huyện Thạch Thất thuộc tỉnh Sơn Tây. Ngày 21/4/1965 hợp nhất 2 tỉnh Hà Đông và Sơn Tây thành một đơn vị hành chính là tỉnh Hà Tây thì huyện Thạch Thất thuộc tỉnh Hà Tây. Ngày 21/12/1975, hợp nhất Hà Tây và Hòa Bình thành tỉnh Hà Sơn Bình, huyện Thạch Thất thuộc tỉnh Hà Sơn Bình. Ngày 29/12/1978, cắt huyện Thạch Thất sáp nhập vào thành phố Hà Nội. Ngày 12/8/1991 tách tỉnh Hà Sơn Bình thành 2 tỉnh Hà Tây và Hòa Bình,huyện chuyển Thạch Thất từ Hà Nội về tỉnh Hà Tây thì thôn Yên Thôn, xã Thạch Xá vẫn thuộc huyện Thạch Thất đến ngày 31 tháng 7 năm 2008.
1.2. Hiện nay:
Chùa Tây Phương thuộc thôn Yên Thôn, xã Thạch Xá, huyện Thạch Thất, thành phố Hà Nội.
2. Đường đi đến di tích:
Từ trung tâm thành phố Hà Nội xuôi theo các tuyến đường, phố như Hàng Bông, Cửa Nam, Khâm Thiên, Nguyễn Chí Thanh rẽ trái xuôi theo đại lộ Thăng Long qua ngã tư hướng Chùa Thầy rẽ phải đi khoảng 5km, sau rẽ trái đi chừng 1 km là tới di tích.
Đường đi phù hợp với các loại giao thông đường bộ.
III. PHÂN LOẠI DI TÍCH
1. Loại hình di tích:
Căn cứ kết quả khảo sát, nghiên cứu về di tích, theo quy định tại Điều 11 Nghị định 98/2010/NĐ – CP ngày 21 tháng 9 năm 2010 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Di sản Văn hoá và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hoá thì di tích chùa Tây Phương thuộc loại hình: Kiến trúc – nghệ thuật.
2. Niên đại:
Theo TS.Phạm Quốc Quân, Uỷ viên BCH Hội DSVH Việt Nam thì lịch sử xây dựng chùa Tây Phương đến nay vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau.Tương truyền thì chùa Tây Phương có từ thời Cao Biền làm Tiết độ sứ quận Giao Chỉ ( 864-868 ). Song chùa ban đầu ra sao và thời gian dài về sau không có tài liệu nào nói tới, với bao lần trùng tu sửa chữa. Ý kiến khác lại cho rằng chùa được xây dựng vào thời Mạc, cuối thế kỷ 16, với căn cứ là tấm bia Sùng Phúc tự thạch bi, dẫu không có niên đại nhưng hoa văn trang trí thuộc phong cách nghệ thuật cuối thế kỷ 16, đầu thế kỷ 17.
Tuy nhiên, những ghi chép còn khá rõ trên bia đá thì niên điểm trùng tu, tôn đạo và thay mới ngôi chùa này đã được định dạng. Năm 1632, vua Lê Thần Tông đã cho xây ở đây thượng điện 3 gian và hậu điện cùng 20 gian hành lang. Khoảng những năm 1657-1682, Tây Đô vương Trịnh Tạc cho phá chùa cũ, xây lại chùa mới và tam quan. Đến năm 1794, nhà Tây Sơn tu bổ lớn và đổi tên là Tây Phương cổ tự. Đó là những gì còn lại đến nay mà Phật tử hành hương và du khách viếng thăm còn có thể chiêm bái. Bước đầu, có thể khẳng định rằng, chùa Tây Phương có niên đại khởi dựng vào thế kỷ 17-18.
3. Những lần trùng tu sửa chữa:
Trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, chùa bị giặc Pháp chiếm đóng và bắn đại bác vào chùa, cùng với sự xâm thực của thiên nhiên, ngôi chùa đã bị xuống cấp trầm trọng và trải qua những lần thu bổ như sau:
- Năm 1958, Ty Văn hóa Sơn Tây cùng Vụ Bảo tồn bảo tàng – Bộ Văn hóa tổ chức tu sửa chùa do các ông Bùi Chí Quang và Nguyễn Văn Cẩn phụ trách. Đợt tu sửa này được kéo dài từ năm 1958 đến năm 1960 mới xong. Đã tu bổ lại như cũ những chỗ hư hỏng mục nát, xây lại Tam quan do các tay thợ nổi tiếng của Yên Thôn và Chàng Thôn thi công
- Từ năm 1968 đến năm 1976, chùa tiếp tục được tu bổ. Đợt này do Vụ Bảo tồn bảo tàng cấp kinh phí, Ty Văn hóa Sơn Tây do ông Nguyễn Đức Bảng phụ trách. Trong đợt này đã tổ chức làm phiên bản thạch cao những pho tượng có giá trị lớn như Tuyết Sơn, Kim Cương, La Hán... để bài trí ở chùa, còn tượng gốc đưa đi sơ tán trong một số hang núi, gửi ở nhiều chùa khác để bảo vệ, tránh chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ, xây lại dốc lên chùa với 237 bậc đá ong, làm nhà khách phía dưới tam quan, làm lại nhà tổ, chuyển tháp mộ ở sườn chùa phía Nam sang sườn chùa phía Bắc để qui hoạch tổng thể chùa có bố cục cân đối hợp lý hơn.
- Từ năm 1992 đến năm 1994, xưởng sửa chữa phục chế Bộ Văn hóa trùng tu Tiền đường, Trung đường, Thượng điện do ông Hoàng Đạo Kính phụ trách, ông Nguyễn Văn Hường – người xóm Tây Phương làm tổ trưởng tổ thợ mộc của xưởng tham gia. Lần tu sửa này áp dụng phương pháp thay thế những bộ phận hư hỏng bằng cách nối ghép, chắp vá... bảo tồn lại những mảng, những phần, những chi tiết chạm trổ nguyên gốc.
- Từ năm 1995 đến nay, dựa vào nguồn kinh phí xã hội hóa, nhà chùa đã từng bước tu bổ, làm thêm nhà khách, nhà bếp, mở đường xuống chùa Thanh Am, đổ bê tông đường sườn đồi lên chùa. Hiện xe máy có thể lên tận sân chùa dễ dàng.
Xem tiếp phần 2: "Sự kiện, nhân vật lịch sử, đặc điểm của di tích"
Nguồn: Hồ sơ di tích quốc gia đặc biệt chùa Tây Phương
THÔNG BÁO
- Hội đồng thi tuyển viên chức làm việc tại Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng năm 2024 Thông báo triệu tập thí sinh dự khai mạc và dự thi vòng 1 kỳ thi tuyển viên chức!
- Hội đồng thi tuyển viên chức làm việc tại Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng năm 2024 Thông báo danh sách thí sinh đủ điều kiện, tiêu chuẩn dự thi viên chức làm việc tại Ban Quản lý Dự án đầu tư xây...
- Hội đồng thi tuyển viên chức làm việc tại Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng năm 2024 Thông báo Lịch tổ chức tuyển dụng viên chức làm việc tại Ban Quản lý Dự án ĐTXD huyện Thạch Thất năm 2024!
- UBND huyện Thạch Thất thông báo thay đổi lịch tiếp công dân định kỳ tháng 11 năm 2024!