HƯỚNG VỀ QUÊ HƯƠNG THẠCH THẤT HƯỚNG VỀ QUÊ HƯƠNG THẠCH THẤT

Bảo vật quốc gia ở chùa Tây Phương- phần 2:Tượng Tuyết Sơn và bộ tượng Di Lặc Tam Tôn
Ngày đăng 31/03/2015 | 16:00  | Lượt xem: 290

Ở chùa Tây Phương, đức Thích Ca thành đạo được thay bằng tượng Tuyết Sơn, tức Thích Ca đang tu khổ hạnh trên núi cao, chưa đạt được sự giác ngộ. Tuyết Sơn chưa thành Phật, chưa có nhục kháo, không ngồi trên tòa sen...

Tượng Tuyết Sơn và bộ tượng Di Lặc tam tôn (gồm có tượng Di Lặc, tượng Pháp Hoa Lâm Bồ Tát và Đại Diệu Tường Bồ Tát) được bài trí trong phật điện của chùa.

 

- Tượng Tuyết Sơn:

 

Ở chùa Tây Phương, đức Thích Ca thành đạo được thay bằng tượng Tuyết Sơn, tức Thích Ca đang tu khổ hạnh trên núi cao, chưa đạt được sự giác ngộ. Tuyết Sơn chưa thành Phật, chưa có nhục kháo, không ngồi trên tòa sen. Các nhà điêu khắc xưa đã tạc tượng Tuyết Sơn mang hình chân dung một ông già quê ngồi nhàn tản, chân khoanh, chân chống, tay tì tự nhiên trên gối, đầu hơi nhô về trước, khuôn mặt nhân hậu, dáng trầm ngâm. Toàn thể thu về một khối tĩnh lặng, nhưng với khối đầu tròn căng mà má hóp, hốc mắt sâu, cổ ngẳng, ngực và tay nhô đủ bộ xương, các mạch máu hằn nổi rõ lại toát ra sự sôi động ngầm bên trong. Cùng với các khối lõm trên thân là chủ đạo, vạt áo với nhiều nếp nhăn vặn cũng toát lên một nội tâm đau khổ, dằn vặt, không lối thoát. Đây là pho tượng duy nhất sơn toàn thân một màu đen ánh nâu, tạo bóng tối cũng gợi cái chết hình thức bao trùm cái sống thuộc bản thể. Phong cách tạc tượng ở đây, với lối tả thực trên cơ sở nắm vững khoa học giải phẫu và đi sâu vào tâm lý nhân vật, tượng Tuyết Sơn mang đậm chất chân dung “giống và sống”, chỉ có thể là sản phẩm nghệ thuật của thời Tây Sơn hiển hách và sôi động.

 

- Tượng Di Lặc

 

Di Lặc là một trong tám vị Đại Bồ Tát, nhưng đã được đức Phật hiện tại báo trước ngài sẽ thành Phật trong tương lai. Khi nào “Di Lặc xuất thế, thiên hạ thái bình” nên hình tượng ngài được nghệ sĩ xây dựng bằng niềm hy vọng và sự trông chờ: Con người béo tốt, đẫy đà, toàn thân cười hỉ hả, khuôn mặt rạng rỡ… có nghĩa đầy đủ cả về vật chất và tin thần, không còn đòi hỏi gì hơn. Với tinh thần đó, tượng được xây dựng bằng những khối căng tròn, thân hình phốp pháp, ngồi khoanh chân chống ngả đằng sau rất thoải mái, tay phải để úp nhẹ trên đùi, tay trái tì khuỷu lên chiếc gối hậu thiên phồng to, áo mặc mở phanh, hở cả ngực và bụng. Tham gia vào tạo hình cùng với khối còn có những đường cong dường như song hành ở ngấn bụng, ở cổ tay áo, ở gấu quần càng làm tăng sự chuyển động ngầm trong một khối đóng kín tĩnh. Toàn thân tượng được sơn màu xanh xám như đồng càng chắc nịch. Từ pho tương này luôn toát ra cái sinh khí của thời đại Tây Sơn đầy những tự hào. Đây là pho tượng Di Lặc thuộc loại sơm nhất hiện còn, là hình mẫu cho nhiều tượng cùng tính chất ở thời Nguyễn phỏng theo. Phong cách tạc tượng ở đây đã kết hợp được sự tinh tế của nghệ thuật với sự chuẩn xác của giải phẫu và tâm sinh lý thuộc khoa học thời Tây Sơn (thế kỷ XVIII).

 

- Tượng Pháp Hoa Lâm Bồ Tát (Phổ Hiền Bồ Tát)

 

Tượng Bồ tát Pháp Hoa Lâm được tạc ở tư thế đứng thẳng trên bệ hình chữ nhật giật cấp. Hai tay tượng chắp trước ngực theo thế kết ấn “liên hoa hợp chưởng”: Duỗi thẳng mười ngón tay rồi chắp lại như bông sen hé nở. Kiểu ấn này là tay người khi còn ở bào thai, dó đó có tên là ấn Bản Tam – muội – da, biểu thị sự bất nhị, không chia hai của lý trí. Khi con người ra đời thì hai tay tách ra và nắm bàn tay lại tạo ra vô số nghiệp. Tượng có khuôn mặt trẻ dáng trầm ngâm, mắt hơi khép, mày cong, má mịn, miệng mím tự nhiên, môi đỏ, tai chảy dài, cổ cao có ngấn. Tượng tạc trong thế đứng yên mà như nhích bước nhẹ nhàng, áo cà sa nhiều lớp, dài trùm chân với những nếp gấp chảy rất sóng, càng làm cho tượng chững chạc, vươn cao. Bệ tượng bổ ô ở bốn mặt cạnh, chạm nổi hình hoa lá cách điệu, diềm hình khánh, chạm nổi hình dây lá cách điệu, bốn chân chạm kiểu chân quỳ dạ cá. Phong cách tạc tượng ở đây đã kết hợp được sự tinh tế của nghệ thuật với sự chuẩn xác của giải phẫu và tâm sinh lý thuộc khoa học thời Tây Sơn (thế kỷ XVIII).

 

- Tượng Đại Diệu Tường Bồ Tát (Văn Thù Bồ Tát)

 

Tượng Bồ tát Đại Diệu Tường được tạc ở tư thế đứng thẳng trên bệ hình chữ nhật giật cấp. Hai tay đưa về trước ngực nắm lại, tay trái bọc ra ngoài tay phải như cái Định giữ yên cho cái Tuệ, được gọi là kiểu kết ấn Mật phùng. Tượng tạc người đã cao tuổi, trán có mấy nếp nhăn, mặt xương xương, ngực và tay lộ rõ các giải xương, da thịt khô, miệng mím tự nhiên, môi đỏ, tai chảy dài, toàn thân biểu thị sự khắc khổ, chậm chạp. Tượng tạc trong thế đứng yên, áo cà sa nhiều lớp, với một số nếp chảy xuôi, vạt vải mềm mại như có gió thổi bay về trước. Cổ đeo tràng hạt, dáng nghiêm túc. Bệ tượng bổ ô ở bốn mặt cạnh, chạm nổi hình hoa lá cách điệu, diềm hình khánh, chạm nổi hình dây lá cách điệu, bốn chân chạm kiểu chân quỳ dạ cá. Hai pho tượng Bồ tát Pháp Hoa Lâm và Đại Diệu Tường có cấu trúc cân đối, được nghiên cứu kỹ cả giải phẫu và tâm lý, mang tính chất chân dung sống động, thuộc phong cách nghệ thuật thời Tây Sơn (thế kỷ XVIII). Có thể liên tưởng Đại Diệu Tường với Diệu Cát Tường là một pháp danh khác của Văn Thù Sư Li tức Bồ tát Văn Thù. Như thế, có thể nghĩ Bồ tát Phổ Hiền được nói đến nhiều trong kinh Pháp Hoa và phép tu Pháp Hoa Tam muội là Bồ tát Pháp Hoa Lâm.