DANH NHÂN VĂN HÓA - TRẠNG BÙNG PHÙNG KHẮC KHOAN DANH NHÂN VĂN HÓA - TRẠNG BÙNG PHÙNG KHẮC KHOAN

Tư tưởng Phùng Khắc Khoan
Ngày đăng 15/10/2013 | 02:29  | Lượt xem: 223

Nguyễn Bỉnh Khiêm có nhiều học trò, nhưng trong số đó chỉ có một số người nổi tiếng. Vũ Khâm Lân, một nhà nho ở đầu thế kỷ XVIII trong bài “Phả ký Bạch Vân am cư sĩ Nguyễn Văn Đạt” (tức Nguyễn Bỉnh Khiêm), có đoạn nói: “Nguyễn Bỉnh Khiêm có nhiều học trò, nhưng chỉ có Phùng Khắc Khoan, Lương Hữu Khánh, Nguyễn Dữ và Bùi Thì Cử là giỏi hơn cả. Khắc Khoan và Hữu Khánh thì tinh thông số học, là trung hưng danh thần nước ta,...”. Lương Hữu Khánh và Bùi Thì Cử thì bút tích còn lại không bao nhiêu. Chỉ có Nguyễn Dữ và Phùng Khắc Khoan thì vừa có tác phẩm vừa có những ghi chép của người khác về thân thế của họ còn truyền lại.

TƯ TƯỞNG PHÙNG KHẮC KHOAN

 

GS.TS Nguyễn Tài Thư

Viện Triết học - Viện KHXH Việt Nam

 

Nguyễn Bỉnh Khiêm có nhiều học trò, nhưng trong số đó chỉ có một số người nổi tiếng. Vũ Khâm Lân, một nhà nho ở đầu thế kỷ XVIII trong bài “Phả ký Bạch Vân am cư sĩ Nguyễn Văn Đạt” (tức Nguyễn Bỉnh Khiêm), có đoạn nói: “Nguyễn Bỉnh Khiêm có nhiều học trò, nhưng chỉ có Phùng Khắc Khoan, Lương Hữu Khánh, Nguyễn Dữ và Bùi Thì Cử là giỏi hơn cả. Khắc Khoan và Hữu Khánh thì tinh thông số học, là trung hưng danh thần nước ta,...”. Lương Hữu Khánh và Bùi Thì Cử thì bút tích còn lại không bao nhiêu. Chỉ có Nguyễn Dữ và Phùng Khắc Khoan thì vừa có tác phẩm vừa có những ghi chép của người khác về thân thế của họ còn truyền lại.

Phùng Khắc Khoan là người nắm được kiến thức đương thời, vừa là người làm quan có tâm huyết, ít nhiều nắm được thực tế xã hội, và như vậy có điều kiện để nhìn nhận xã hội và thời cuộc một cách sâu xa, có điều kiện để nói lên được tiếng nói chung của thời thế. Ông là danh sĩ triều Lê Trung hưng, một lòng phục vụ triều đại này đến cùng. Phùng Khắc Khoan là người tiêu biểu cho một khuynh hướng tư tưởng của một vùng đất nước, với một xã hội quan và một nhân sinh quan riêng. Qua tư tưởng của ông có thể thấy được phần nào bộ mặt tư tưởng của xã hội Việt Nam ở cuối thế kỷ XVI - đầu thế kỷ XVII.

...

Phùng Khắc Khoan (1528 - 1613), tục gọi là Trạng Bùng, hiệu là Nghị Trai, tự là Hoằng Phu. Ông sinh năm 1528 ở xã Phùng Xá (còn gọi là làng Bùng), huyện Thạch Thất, tỉnh Sơn Tây (nay là Hà Nội). Năm mười bảy tuổi (1545), ông sang Hải Dương thụ nghiệp Nho với nhà lý học nổi tiếng đương thời là Nguyễn Bỉnh Khiêm. Năm ông hai mươi ba tuổi (1550) thì Lê Bá Ly, một trọng thần của triều Mạc đem bộ thuộc vào quy thuận triều Lê ở Thanh Hóa, đã gợi trong ông một vấn đề chọn triều đại để phò vua giúp đời. Năm hai mươi sáu tuổi (1553) ông vào Thanh Hóa quy thuận triều Lê. Năm hai mươi chín tuổi ông đỗ đầu khoa thi Hương ở Thanh Hóa. Năm năm mươi ba tuổi (1580), ông thi đỗ Tiến sĩ. Năm bảy mươi tuổi, ông được cử làm Chánh sứ đi sứ Trung Quốc. Ông mất năm tám mươi lăm tuổi (1613). Ông đã từng trải qua các chức Đô cấp sự, Hữu thị lang bộ Công, Thừa chính sứ Thanh Hoa, Tả thị Lang bộ Công, v.v…

Tác phẩm của ông có Nông sự tiện lãm, Nghị Trai thi tập, Ngư phủ nhập Đào Nguyên, Ngôn chí thi tập, Mai lĩnh sứ Hoa tùng vịnh, v.v..

 

GS.TS Nguyễn Tài Thư đọc tham luận tại Hội thảo khoa học Trạng Bùng Phùng Khắc Khoan- Cuộc đời và sự nghiệp

tại huyện Thạch Thất năm 2012- Ảnh VHTT

Phùng Khắc Khoan sống cùng thời Nguyễn Bỉnh Khiêm. Lúc bấy giờ đất nước bị chia cắt, chiến tranh giữa các tập đoàn phong kiến xảy ra liên miên, đời sống của người dân vô cùng khổ cực. Cũng là người ưu thời mẫn thế như Nguyễn Bỉnh Khiêm nhưng lý tưởng vào đời của ông khác, nên tư tưởng của ông cũng khác.

Ở thời loạn, người ta có nhiều con đường tiến thân khác nhau. Có người bằng võ hiệp, có người bằng văn nghiệp. Võ nghiệp thì có nhiều điều kiện để thăng quan tiến chức, có nhiều cơ hội để có quyền cao chức trọng. Phùng Khắc Khoan không lựa chọn con đường võ mà bằng con đường văn, con đường của nghiệp nho. Ông  tin tưởng vào ý nghĩa của con đường này: “Đợi đến lúc thái bình, dân tình tốt, lúc bấy giờ mới tin rằng đọc sách là điều cao quý (“Đãi đắc thái bình dân tiết hảo, thử hồi phương tín độc thư cao” - Loạn thế tự thán”). Và ông đã chứng tỏ nghiệp nho trên cả hai phương diện: nhà tư tưởng và nhà hoạt động xã hội.

Trên phương diện nhà tư tưởng, ông thấy có trách nhiệm truyền đạo và hành đạo. Ông khẳng định vai trò quan trọng của đạo trong việc tu thân và hoạt động xã hội, ông nêu lên tính chất bền vững của đạo, và đòi hỏi có những người đứng ra để truyền bá đạo. Ông nói “Tính chất và công dụng của đạo thật lớn thay! Dùng đạo để tu thân, tề gia thì thân ta được sửa sang mà nhà ta được chỉnh tề; dùng đạo để trị quốc, bình thiên hạ thì nước được thịnh trị mà thiên hạ được an bình. Ai đắc đạo là bậc thánh bậc hiền, ai khinh bỏ đạo là kẻ ngu kẻ bất tiếu. Mưa gió có lúc tối tăm mờ mịt thế mà đạo không hề thay đổi; vận đời có lúc thịnh, lúc suy, thế mà đạo không hề chuyển dời. Đạo ta ở trong trời đất chưa từng có một ngày nào ngưng nghỉ cả! Thế nhưng cái đạo ấy nhất định phải có người rồi sau mới hiển dương lên được” (“Đề Hoằng đạo thư đường”).

Đạo đó là đạo gì? Phùng Khắc Khoan nêu lên hai đối tượng phải tôn thờ, đó là quân, thân (vua và cha): “Bình sinh chí lớn để cả vào vua cha” (sinh bình tráng trí tại quân thân - “Tòng quân ngộ phong hàn ngẫu tác”). Đồng thời có hai nghĩa vụ: với vua thì phải trung, với cha thì phải hiếu: “Ân thi thư kịp đến, biết ta may mắn, trung hiếu danh thành mong con gánh vác” (Thi thư trạch cập tri dư hạnh, Trung hiếu danh vọng nhữ kham - “Tự hạ nam sinh”), “Chỉ một tấm lòng giữ tròn trung hiếu, làm cho công danh được mãi mãi về sau” (Đản tương tâm địa tồn trung hiếu/ Lưu thủ công danh cửu viễn khan -  “Lữ ngụ thư hoài”). Mặt khác, ông nêu lên thái độ và nghĩa vụ đối với dân, đó là nhân nghĩa: “Ở nhân noi nghĩa là việc của nhà Nho ta, giúp đời yên dân chí khí hùng mạnh” (Cư nhân do nghĩa nho sự/ Tế thế khang dân chí khí hùng - “Đề Hoằng Đạo thư đường”). Những nghĩa vụ, những khái niệm quân thân, trung hiếu, nhân nghĩa là của nhà Nho. Phùng Khắc Khoan muốn truyền bá và thực hành đạo Nho. Nhưng trong lịch sử có nhiều loại Nho. Có Nho Khổng Mạnh, Nho Hán, Nho Tống v.v… đạo Nho mà Phùng Khắc Khoan nói ở đây là Nho Tống. Về tình cảm, ông rất có hứng thú với thơ từ và tư tưởng của Trình Di, một nhà thơ lớn của thời Tống, ông có bài họa vần thơ của Trình Di; về nội dung học thuyết thì ông nói đến đích danh lý học, tức Nho học thời Tống: “Giảng đường Hoằng đạo mở nền lý học/ Tập thơ đi sứ Trung Quốc còn để đời” (Hoằng đạo giảng đường khai lý học, Sứ Hoa thi tập tại nhân gian - “Đề Hoằng Đạo thư đường); về khái niệm và sự vận dụng thì hoàn toàn theo kiểu Tống Nho: “Ham muốn ít thì thân ta thư thái đến đâu cũng yên vui, Lòng dục của con người lắng xuống thì thiên lý hiện ra” (Dục quả thân nhiêu đáo xứ an. Nhân dục tĩnh thời thiên lý hiện - “Miễn học giả”). Các khái niệm “quả dục”, “nhân dục” “thiên lý” là của Tống Nho.

Đương thời, Tống Nho có ảnh hưởng lớn ở Việt Nam. Các danh Nho như Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Dữ đều là người học Tống Nho. Nhưng Phùng Khắc Khoan khác họ. Ở Nguyễn Bỉnh Khiêm thì Nho kết hợp với đạo Lão - Trang, ở Nguyễn Dữ thì Nho kết hợp với Đạo Giáo. Còn ở Phùng Khắc Khoan thì đó là Nho thuần lý, Nho không pha tạp với các học thuyết khác.

Trên phương diện nhà hoạt động xã hội, Phùng Khắc Khoan muốn trở thành con người mưu lược tài giỏi như những người hiền tài trong lịch sử Trung Quốc. Tâm sự đó được thổ lộ ở nhiều nơi. Có lúc cho thấy chỉ chờ dịp là có thể ra làm tướng quốc, làm quân sư cho vua chúa như Y Doãn, Phó Nham, Gia Cát Lượng: “… Ngọa Long (Gia Cát Lượng) hãy vì sinh dân mà đứng lên, sao cứ ngồi ôm đầu gối mà ngâm nga mãi ở đất Nam Dương” (… Ngọa Long ưng vị thương sinh khởi/ Khẳng cửu Nam Dương bão tất ngâm - “Vọng cũ”). Có lúc cho thấy nếu có dịp thi tài thì còn hơn cả Trương Lương, một mưu sĩ, một công thần khai quốc thời Hán: “Nếu có cơ hội ra làm thì công thành vị tất đã kém Trương Lương” (Nhược ngộ khả vi cơ hội xứ, Công thành vị tất thiểu Trương Lương - “Khiển muộn”).

Nhưng lúc bấy giờ muốn trở nên nhà tư tưởng hay nhà mưu lược đều rất khó. Một là Nho giáo đang tỏ ra bế tắc, rất khó làm cho nó có sức sống, hai là các vua Lê kế nghiệp do Mạc Đăng Dung xếp đặt ở đầu thế kỉ  XVI như Lê Uy Mục, Lê Tương Dực đã làm mất lòng dân, khó bề gây lại được tín nhiệm của người dân đối với triều đại này. Vì vậy, Phùng Khắc Khoan đề cập đến một số điều kiện chủ quan, xem như là tiền đề của tư tưởng và hành động tiếp theo của mình.

Những điều kiện đó là niềm tin và chí khí. Ông tin rằng một khi thời đến thì công danh của mình sẽ rạng rỡ: “Điềm báo vận tốt của trời đất đã tới/ Thời đến thì công danh lớn của ta sẽ rạng rỡ” (Triệu thủy hân phùng thiên địa thái/ Thời lai hiển ngã đại công danh - “Nguyên Đán”). Tin rằng sức chịu đựng của mình sẽ như là cây tùng, cây bách trong mùa đông, chí khí của mình sẽ như là cá kình, cá nghê không chịu được nơi chật hẹp:

“Cây tùng, cây bách lẽ nào lại chịu hàng phục

                                      trước mùa đông giá rét.

Cá kình, cá nghê đâu chịu luyến tiếc

                                         vũng nước nông hẹp.

Biển Nam từng trông thấy cá côn

                            hóa thành chim bằng cất cánh

Bay bổng cao ngang sông Hà, sông Hán”

(Tùng bách khởi kham hàng tuyết đống,

Kình nghê na khẳng luyến sầm đề.

Nam minh tằng kiến côn bằng phấn,

Vũ dực siêu thăng dữ Hán tề)

                                          (Tự thuật)

Không những thế, ông còn tin ở tài trai chí lớn của mình: “Làm trai mà có thể làm nên danh giá, thì lẽ nào chỉ là một đấng trượng phu ngang tàng” (Nam nhi tự hữu hiển dương sự, Khẳng tác ngang tàng nhất trượng phu - “Tự thuật”). Chính niềm tin và chí khí đó đã là những động lực thúc đẩy ông vươn lên không ngừng, bất chấp những khó khăn, trở ngại.

Giữa thế kỉ XVI, một lớp nhà nho sống trong vùng thống trị của họ Mạc nhưng chán ghét họ Mạc và hướng về nhà Lê. Họ có tài năng, có chí khí. Chính tư tưởng và hành động của họ đã góp phần khôi phục triều Lê, lập nên triều Lê Trung hưng. Phùng Khắc Khoan tiêu biểu cho lớp người này.

Như các nhà nho khác, Phùng Khắc Khoan thừa nhận có mệnh trời. Điều này là có lý do. Sự vận động của thế giới bên ngoài con người, nhất là trong lĩnh vực xã hội thì vô cùng phức tạp, con người ta không thể nào hiểu hết được, hoạt động của họ không phải lúc nào cũng phù hợp với hoàn cảnh khách quan, và mong muốn của con người không phải lúc nào cũng được thỏa mãn. Nhất là trong lúc bấy giờ, sự hiểu biết của con người về thế giới tự nhiên, xã hội và tư duy còn rất hạn chế, nên tin vào mệnh trời là điều tự nhiên. Nhưng có điều là Phùng Khắc Khoan khác với truyền thống, cũng khác với nhiều người đương thời. Ông không vì thừa nhận mệnh trời mà bi quan, chán nản, trái lại vẫn lạc quan tin tưởng. Tuy ông không nêu lên được tư tưởng “Điều khiển mệnh trời mà dùng lấy” (chế thiên mệnh nhi dụng chi) của Tuân Tử, nhưng ông tin rằng sức mình có thể thay đổi. Cho nên mỗi khi ông đề cập đến mệnh trời thì đằng sau nó không phải là lời than thở, mà là một nghị lực, một niềm tin xoay chuyển. Chẳng hạn sau câu: “Sự hiển vinh do mệnh trời sắp đặt sẵn” (Vinh tiến an bài thiên mệnh định) là đến câu “Xưa nay trong mái nhà tranh lẽ nào lại không có công khanh?” (Cổ lai bạch ốc khởi công khanh? - “Bệnh trung thư hoài”). Hay là sau hai câu thừa nhận sự sắp xếp của trời: “Việc đời xem ra tựa bọ giấm/ Sự sắp xếp giầu sang mặc kệ trời” (Thế sự nhàn khan tự úng kê/ An bài phú quý nhậm thiên nghê) là đến ngay hai câu bình thản, lạc quan: “Chẳng phải trách trong mái nhà tranh khó bề sinh sống/ Vẫn vui vì có chiếc thang để bắc lên mây xanh” (Bất hiềm bạch ốc nan vi dưỡng/ Duy hỷ thanh vân thượng hữu thê! - “Tự thuật”). Hoặc là sau hai câu yên với mệnh, với thời: “Lúc cùng, lúc thông đều yên với mệnh, lúc mất đi, lúc lớn lên đã tùy theo thời” là hai câu mừng vui, tin tưởng: “Thiệu Tử sinh con trai chính là trong năm này, trời mà giúp cho thì ắt sẽ làm nên” (Thiệu Tử sinh nam chính thị niên/ Sở kỳ thiên hậu nghi tức độ - “Nhâm Thân niên thoái thụ Bính khoa cấp sự trung, ngẫu chiếm”).

Từ những điểm trên cho thấy tư tưởng về mệnh trời của Phùng Khắc Khoan không phải là một quan niệm đòi hỏi con người phải nhất nhất nghe theo ý trời, thụ động ngồi chờ mà là ở đó vẫn có vai trò quan trọng của sức người, qua tư tưởng mệnh trời nói chung, người ta vẫn thấy được một chủ thể hành động, một nhân cách đang vươn lên sáng tạo trước vô vàn những khó khăn phức tạp của cuộc sống.

Về tình hình xã hội lúc bấy giờ, Phùng Khắc Khoan thấy không thể bằng lòng. Ở đó, hiện thực trái với lý tưởng, hiện tại trái với quá khứ huy hoàng. Cái hiện tại càng đau khổ bao nhiêu thì càng khiến ông nóng lòng hướng về cái lý tưởng bấy nhiêu. Ông mong xuất hiện ngay cảnh trị bình như thời Nghiêu Thuấn: “Kỳ vọng đời này mở ra cuộc trị bình/ Để may mắn được thấy trời Nghiêu, ngày Thuấn” (Sở kỳ tư thế trị bình khai/ Hạnh tái đổ Nghiêu thiên, Thuấn nhật - “Hành niên”). Mong năm mới sẽ được thái bình: “Năm mới lại được vui đón phúc mới/ Cảnh thái bình lại càng được vui chơi thỏa chí” (Tân niên tái hỷ sinh tân phúc/ Hảo hảo ưu du lạc thái bình - “Sinh niên tự thuật”).

Làm thế nào để có được cảnh thái bình? Phùng Khắc Khoan thấy trách nhiệm của mình trước cảnh khổ cực do chiến tranh đưa lại: “Chiến tranh liên miên người dân ly tán khốn khổ/ Làm cho người anh hùng phải suy nghĩ mãi” (Can qua lạc lạc khổ lưu ly/ Trường sử anh hùng mạn tự tư - “Thương loạn”). Ông thấy chiến tranh là vô lý, là trái với Nho đạo: “Tranh hùng tranh bá liên miên không ngớt/ Ai biết được chí khí hào hùng của nhà nho ta/ Văn chiến không coi trọng việc đánh nhau/ Đã là vì lao lực mà vứt bỏ lao tâm” (Tranh hùng cử thế mạn thao thao/ Thùy thức ngô nho chí khí hào/ Văn chiến bất sùng đồ vũ chiến/ Lực lao tự sính vật tâm lao - “Loạn thế tự thán”). Ông cho chỉ có đường lối nhân nghĩa của Nho gia là thích hợp. Và ông đã giương lên ngọn cờ nhân nghĩa để mong cứu được thời, dẹp được loạn.

Vì sao phải chủ trương đường lối nhân nghĩa? Theo ông, đó là công việc của nhà nho, nhà nho thì phải làm theo điều nhân, noi theo điều nghĩa: “Dựa vào điều nhân, giữ lấy điều nghĩa là công việc của nhà Nho ta, có thế thì cứu đời và yên dân mới có chí khí hào hùng” (Cư nhân do nghĩa ngô nho sự/ Tế thế khang dân chí khí hùng - “Đề thơ ở nhà Hoằng đạo”). Thứ hai là nhân nghĩa phải trở thành đường lối để nhà vua cứu dân, cứu nước: “Như nói đến phương sách cứu nước, cứu dân, thì nhân nghĩa là vị thuốc xin dâng lên nhà vua” (Nhược ngôn y quốc y dân thủ, nhân nghĩa vi đan thướng thánh hoàng - “Đoan ngọ dược”). Ông còn nói rõ nguồn gốc làm nên sức mạnh của nhân nghĩa, đó là được trời giúp, dân theo: “Xưa nay người sáng nghiệp công đức đầy đặn, càng nghiệm rõ trời giúp người có đức và dân thân với người có nhân” (Tự cổ tác tiền công đức hậu, Dũ trưng thiên hựu dữ dân thân - “Quá Lam Sơn miếu hữu cảm”).

Vai trò của nhân nghĩa như trên, nhưng nội dung của nhân nghĩa là gì? Phùng Khắc Khoan không giải thích. Nhưng qua thơ văn của ông, ta cũng hiều được đôi điều cơ bản. Đường lối nhân nghĩa có nguồn gốc từ Khổng Tử và hoàn chỉnh ở Mạnh Tử. Trong lịch sử, đường lối nhân nghĩa hay nói như Mạnh Tử là nhân chính, đã được mọi thời đại thừa nhận như là: tạo cho dân một tài sản nhất định, thu của dân có mức độ, nhẹ tô thuế, bớt hình phạt, dạy đạo đức trung hiếu, lễ nghĩa cho dân, tạo cho xã hội một sự hòa hợp… Nội dung ấy với đương thời đã được mặc nhiên thừa nhận, nên Phùng Khắc Khoan không cần phải trình bày mà người ta vẫn có thể hiểu được. Hơn nữa, tương truyền, ông đã có nhiều việc làm có ích cho dân, nhất là đối với dân quê hương, như hướng dẫn cho dân đào mương lấy nước, hướng dẫn nghề dệt lụa, đem hạt giống ngô về cho làng trồng v.v… Những điều đó chứng tỏ ông đã có tấm lòng và việc làm nhân nghĩa đối với dân. Và do đó được dân tôn sùng, yêu kính, tôn lên làm trạng nguyên, mặc dù ông đậu thứ hai trong hàng ngũ tiến sĩ lúc bấy giờ. Do đó tư tưởng nhân nghĩa của ông về cơ bản giống như tư tưởng nhân nghĩa theo hướng tích cực của truyền thống. Nhà Lê không phải chỉ dùng nhân nghĩa mà lấy lại được thiên hạ. Họ đã dựa vào họ Trịnh tiến hành các cuộc chiến tranh quyết liệt chống họ Mạc. Lê - Trịnh cũng có những hành động kiểu bá giả như họ Mạc. Nhưng nhờ kết hợp với đường lối nhân nghĩa mà Phùng Khắc Khoan là người tích cực chủ trương, nên dần dần được lòng dân và trở nên có sức mạnh lấn át họ Mạc. Tư tưởng của Phùng Khắc Khoan trên thực tế đã phát huy được tính tích cực của nó.

Phùng Khắc Khoan là người có đức, có nhân, có tư tưởng nhân nghĩa và có cuộc sống trong sạch, đã hoạt động tích cực cho vị khôi phục đất nước thống nhất lúc bấy giờ. Ông xứng đáng có một vị trí quan trọng trên lĩnh vực tư tưởng của xã hội Đại Việt ở cuối thế kỷ XVI - đầu thế kỷ XVII.        

 Bài viết được lấy trong cuốn sách

"Trạng Bùng Phùng Khắc Khoan thân thế- cuộc đời và sự nghiệp"

NXB Hội Nhà văn