DANH NHÂN VĂN HÓA - TRẠNG BÙNG PHÙNG KHẮC KHOAN
Người đời quý trọng Phùng Khắc Khoan, tôn vinh ông là Trạng Bùng, tức ông Trạng làng Bùng. Một danh nhân kiệt xuất, để lại nhiều giai thoại trong dân gian, đến nay vẫn còn được truyền ngôn, đó chính là một vinh dự ít người có được. Phùng Khắc Khoan tên chữ là Hoằng Phu, hiệu Nghị Trai, sinh năm Mậu Tí 1528 tại làng Phùng Xá, huyện Thạch Thất, tỉnh Sơn Tây, nay là Hà Nội. Ngài quy tiên vào tháng 9, năm 1613, hưởng thọ 86 tuổi. Phùng tiên sinh cất tiếng khóc chào đời, khi Mạc Đăng Dung đã giành được chính quyền từ triều Lê, lúc bấy giờ đã suy tàn, rệu rã (1527).
PHÙNG KHẮC KHOAN
THI NHÂN VÀ DANH SĨ
Nhà thơ Vũ Bình Lục
Người đời quý trọng Phùng Khắc Khoan, tôn vinh ông là Trạng Bùng, tức ông Trạng làng Bùng. Một danh nhân kiệt xuất, để lại nhiều giai thoại trong dân gian, đến nay vẫn còn được truyền ngôn, đó chính là một vinh dự ít người có được. Phùng Khắc Khoan tên chữ là Hoằng Phu, hiệu Nghị Trai, sinh năm Mậu Tí 1528 tại làng Phùng Xá, huyện Thạch Thất, tỉnh Sơn Tây, nay là Hà Nội. Ngài quy tiên vào tháng 9, năm 1613, hưởng thọ 86 tuổi.
Nhà thơ Vũ Bình Lục đọc tham luận tại Hội thảo khoa học Trạng Bùng Phùng Khắc Khoan- Cuộc đời và sự nghiệp năm 2012
tại huyện Thạch Thất- Ảnh VHTT
Phùng tiên sinh cất tiếng khóc chào đời, khi Mạc Đăng Dung đã giành được chính quyền từ triều Lê, lúc bấy giờ đã suy tàn, rệu rã (1527). Cuộc đảo chính của Mạc Đăng Dung, nhìn một cách khách quan, thì đó cũng là một cuộc cách mạng, có ý nghĩa thúc đẩy sự phát triển của xã hội, như một tất yếu lịch sử, không thể khác. Nhà Mạc thời kỳ đầu có những cải cách về kinh tế, văn hoá, giáo dục… khá tiến bộ. Vì thế ở thời nhà Mạc, sử chép, có thời kỳ “ban đêm không có trộm cướp”, bách tính yên ổn cấy cày… Theo học ông thầy nổi tiếng, Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, đồng thời, với ý chí và nghị lực lớn lao, Phùng Khắc Khoan đã có một hành trang kiến văn sâu rộng, có thể đem ra giúp đời, dựng xây nghiệp lớn. Chính ông cũng đã viết trong bài thơ Tự thuật:
Nam nhi tự hữu hiển dương sự,
Khẳng tác ngang tàng nhất trượng phu
(Nam nhi có bổn phận làm nổi tiếng thơm,
vẻ vang cho cha mẹ
Đâu chịu làm một đấng trượng phu ngang tàng
mà không có sự nghiệp gì!)
Sinh ra, lớn lên, học hành ở đất Mạc, nhưng Phùng Khắc Khoan cũng không ra giúp nhà Mạc như người thầy khả kính của mình. Căn cứ vào nội dung thơ văn, ta biết rằng, lúc đầu Phùng tiên sinh còn băn khoăn tìm hướng đi cho cuộc đời mình, theo Mạc hay phù Lê? Ông viết:
Tế thời tố hữu hiền nhân chí,
Trách chủ do tàm trí giả minh.
(Ta sẵn có cái chí người hiền ra giúp đời
Nhưng còn thẹn vì thiếu cái chí của người không biết chọn chúa)…
Một số nhà nghiên cứu cho rằng Phùng Khắc Khoan không ra giúp nhà Mạc, là chủ kiến của ông. Quả có thế! Tuy nhiên, tôi trộm nghĩ thêm, rằng việc Phùng không ra giúp Mạc, chắc chắn có sự góp ý, chỉ dẫn của Nguyễn Bỉnh Khiêm. Thực tế thì Nguyễn Bỉnh Khiêm làm quan cho nhà Mạc cũng chỉ có 8 năm, rồi xin cáo quan về nghỉ, vì vua Mạc Phúc Hải không nghe lời tấu của Trạng Trình, đề nghị chém 18 viên lộng thần tham nhũng. Đó là năm Nguyên Hoà thứ 10, 1542. Nguyễn Bỉnh Khiêm về nhà dạy học, dựng quán Trung Tân để làm nơi giao du với những bậc hiền giả trong thiên hạ. Mãi 11 năm sau đó, Phùng Khắc Khoan mới lên đường theo hàng thần Lê Bá Ly, bỏ Mạc vào Thanh Hoá, mong giúp nhà Lê Trung hưng. Năm ấy, Phùng Khắc Khoan cũng đã 26 tuổi (1553), chưa có danh vọng gì. Sự thất vọng của Nguyễn Bỉnh Khiêm về sự yếu kém của nhà Mạc lúc bấy giờ, không thể không ảnh hưởng đến cậu học trò thông minh như Phùng Khắc Khoan. Có lẽ vì thế mà Phùng không theo Mạc, bởi chỗ tiền đồ nhà Mạc không lấy gì làm sáng sủa, thế thôi. Và Phùng vào Thanh Hoá, theo Lê Trung hưng là một cách chọn chúa có tính toán kỹ càng, không thể không có sự gợi ý của Tuyết Giang Phu Tử!
Lại nữa, khi đã vào Thanh Hoá rồi, nhưng Phùng cũng không vội vàng “xin việc” ngay, mà ông còn chọn nơi tá túc, dạy học nuôi thân ở đất Vạn Lại, để nghe ngóng tình hình. Lê Bá Ly là một trọng thần, bỏ Mạc theo Lê, có thể tiến cử Phùng Khắc Khoan ngay từ lúc mới vào, nhưng Phùng không vì thế mà vội vàng, còn chờ cơ hội chăng? Mãi đến năm 1557, nhà Lê ở Thanh Hoá (hồi ấy gọi là Thanh Hoa, sau nhà Nguyễn vì kiêng huý, đổi là Thanh Hoá) mở khoa thi hương, Phùng mới ra thi và đỗ đầu khoa này. Có lẽ bấy giờ mới có tiếng tăm, Trịnh Kiểm cho gọi Phùng, trao cho chức quan nhỏ, chức ký lục, trong bộ máy quan chức tham mưu của mình. Tuy nhiên, chẳng bao lâu, do có ý kiến gì đó không vừa lòng vua, hoặc Trịnh Kiểm, nên Phùng bị cách chức, đày vào Thành Nam, một vùng rừng núi hoang vu, thuộc huyện Con Cuông Nghệ An. Đó là những tháng năm buồn bã nhất của Phùng Khắc Khoan. Nhưng cũng vì thế mà Phùng viết được một số tác phẩm văn chương có giá trị, ví như cuốn Lâm tuyền vãn, một tập thơ viết theo thể lục bát, chủ yếu nói về nghề canh nông và những sản vật của nghề nông…
Lận đận mãi, đến năm 1580, nhà Lê Trung hưng ở Thanh Hoá mở khoa thi tiến sĩ đầu tiên, Phùng Khắc Khoan đi thi, đỗ thứ nhì. Bấy giờ Phùng tiên sinh cũng đã 53 tuổi. Được bổ một chức quan thường thôi, nhưng năm 1582, Phùng Khắc Khoan lại cáo quan về Vạn Lại. Năm sau (1583) thì lại được vời ra làm quan, phẩm hàm được tăng lên một chút, ở hàng ngũ phẩm, rồi cứ thế thăng dần lên đến chức thượng thư. Phải trải qua ba chục năm thử thách, Phùng Khắc Khoan mới thực sự có cơ hội thi thố hết tài năng của mình, giúp vua trị nước an dân. Phùng Công chỉ thực sự được tin dùng khi Trịnh Kiểm đã mất, Trịnh Tùng thay thế cầm quyền. Người thầy của Phùng là Trạng Trình cũng đã qua đời (1586). Sở dĩ có sự thiếu tin tưởng như vậy, vì một số quan lại, sĩ phu Bắc Hà bỏ Mạc theo Lê trước đây, chỉ mấy năm sau, do những bất đồng chính kiến nào đó, lại bỏ Lê quay về với Mạc, như anh em danh tướng Nguyện Quyện, Nguyễn Miễn, Nguyễn Khắc Thận, rồi cả Đặng Huấn, Lại Thế Mĩ, Vũ Sư Thước, Nguyễn Sư Doãn… nên Trịnh Kiểm chưa tin tưởng Phùng, cũng là điều dễ hiểu. Vua Mạc kém tài, lại kém cả đức, không cố kết được nhân tài, đến năm 1592 thì triều Mạc tan rã, tàn quân phải chạy lên Cao Bằng, cố thủ ở vùng núi biên giới, vài chục năm sau mới chấm dứt. Số gia quyến thân tộc rải rác ở các địa phương thì thay tên đổi họ, lẩn trốn vào núi rừng hoặc hoà lẫn vào dân gian. Một số họ lớn ở Nghệ An, như họ Hoàng, họ Nguyễn Đăng, Phan Đăng, họ Phạm, họ Thái, Lê Đăng… đều là hậu duệ của họ Mạc cả đấy!
Tài năng của Trạng Bùng biểu hiện rõ nhất là ở phương diện ngoại giao, khi nhà Lê Trung hưng đã giành lại chính quyền từ nhà Mạc. Và cũng chỉ được thi thố thành công ở lần sau đó (1597), khi sứ đoàn do Phùng Khắc Khoan dẫn đầu được diện kiến vua Vạn Lịch nhà Minh, rồi gặp gỡ giao lưu với sứ đoàn Triều Tiên, đồng thời với việc Phùng Công đã quan hệ tốt với dân Trung Quốc, đem về một số giống cây như ngô đậu và kỹ thuật dệt may để truyền dạy cho dân làng, góp phần phát triển nghề nông tang và kỹ nghệ ở nước ta thời ấy. Đánh giá về cống hiến quan trọng của Phùng Khắc Khoan ở lĩnh vực ngoại giao, Lê Quý Đôn viết: “Phùng Khắc Khoan phụng mệnh đi sứ, tuổi đã ngoài bảy mươi (70), không những biện bạch quang minh chính đại, đạo đạt được mệnh lệnh của vua, làm mạnh mẽ được thể chế trong nước, đến như ba mươi vần thơ dâng mừng thánh tiết và hơn mười vần thơ đáp lại chánh phó sứ thần Triều Tiên, tài tứ chứa chan, cách điệu tươi đẹp, y như lúc còn trẻ tuổi. Như thế chả phải là được linh khí núi sông giúp đỡ đấy ư?”…
Lược qua những điểm chủ chốt về hành trạng của danh nhân Phùng Khắc Khoan như vậy, để thấy rằng con đường tiến thân, giành lấy một chỗ đứng xứng đáng trong thời buổi bốn phương tranh hùng tranh bá, loạn ly liên miên, non sông tan nát,… đâu phải là chuyện dễ dàng, xuôi chèo mát mái! Bậc trí giả thông tuệ như Phùng Công, hơn người ở chỗ lý tưởng kiên định, ý chí vững bền, mặc dù ông cũng là một nhà Nho ôm ấp tư tưởng trung dung, lý tưởng đại dụng, hiểu rõ lẽ “xuất xử” như những nhà Nho khác. Nhập thế để hành đạo, nhưng khôn khéo ở việc tuỳ thời. Chính Phùng tiên sinh từng viết: “Vui vẻ hành được đạo thì ra giúp đời, ưu nguy không hành được đạo thì ẩn cư. Thanh nhân không việc gì không thuận theo thời…”. Quan điểm này, cũng chẳng phải là quan điểm của thầy Nguyễn Bỉnh Khiêm, và của nhiều nhà Nho khác đấy sao?...
Chỉ xét riêng về sáng tác văn chương, Phùng Khắc Khoan cũng xứng đáng là một tác gia lớn. Thơ Trạng Bùng còn lại đến nay, khoảng 500 bài. Chúng tôi chọn giới thiệu mấy bài, ở những thời điểm khác nhau, để bạn đọc cùng thưởng lãm.
Phiên âm:
TỰ THUẬT
Tài danh tiếu ngã lưỡng toàn sơ,
Do hỉ tiên nhân trạch hữu dư.
Truyền đạo giáo thừa tam thế nghiệp,
Mãn doanh hồng thắng vạn kim trừ.
Thế phùng loạn cực ưng hoàn trị,
Thiên hậu ngô sinh tất bất hư.
Tự cổ, khởi thân danh tướng giả,
Phúc trung toàn yếu hữu thi thư.
Dịch nghĩa:
THUẬT CHÍ HƯỚNG MÌNH
Tự cười mình tài và danh đều kém cả,
Chỉ mừng còn có phúc thừa của ông cha để lại.
Đạo thánh hiền truyền dạy cho, được thừa kế
nghiệp Nho đã ba đời liền,
Hơn hẳn nghìn lượng vàng đỏ ối chứa đầy hòm.
Đời gặp buổi loạn đến cùng cực,
tất sẽ quay lại cảnh bình trị,
Trời dành cho đời ta đầy đủ phúc trạch,
điều đó quyết không sai.
Từ xưa đến nay những người làm nên khanh tướng,
Chỉ cốt là trong bụng có nhiều khí vị thi thư.
Dịch thơ:
Cười ta danh mọn lại tài sơ
Mừng được ông cha để phúc thừa.
Truyền đạo ba đời dư nghiệp thánh,
Hơn vàng muôn lạng chất trong kho.
Đời qua loạn cực rồi sang trị,
Trời đãi đời ta ắt chẳng hư.
Tự cổ lập thân khanh tướng ấy
Ai hay trong bụng có thi thư.
Vũ Bình Lục dịch
(nhuận sắc từ bản dịch của Phan Văn Các)
Nguyên văn:
Cười ta danh mọn lại tài sơ,
Mừng được ông cha để phúc thừa.
Truyền đạo ba đời thừa nghiệp thánh,
Hơn vàng muôn lạng chứa rương thờ.
Đời khi loạn cực rồi sang trị,
Trời đãi đời ta ắt chẳng hư.
Tự cổ lập thân khanh tướng ấy,
Đều nhờ trong bụng có thi thư.
Phan Văn Các dịch
Bài thơ chữ Hán, thất ngôn bát cú luật Đường, có lẽ Phùng Khắc Khoan viết khi còn trẻ, để “thuật” cái chí hướng nam nhi của mình. Hai câu đầu (thừa), tự nói về mình, tự cười mình một cách khiêm cung. Rằng Ta danh mọn lại bất tài, cả danh và tài đều kém cả! Thế thì còn có thể làm được việc gì lớn nữa đây? Nhưng mà chỉ vì may mắn mà hưởng được phúc trạch của các vị tiền nhân để lại! Khái quát là vậy. Những bậc trí giả biết mình biết người, thường nói như thế, khiêm nhường ở bề ngoài, giấu đi cái mạnh mẽ ở bên trong. Tự cười mình, nhưng thực chất là tự tin, tự tại, thật đáng nể trọng!
Truyền đạo giáo thừa tam thế nghiệp,
Mãn doanh hồng thắng vạn kim trừ.
(Đạo thánh hiền truyền dạy cho,
được thừa kế nghiệp Nho đã ba đời liền,
Hơn hẳn muôn lạng vàng đỏ ối chứa đầy hòm!)
Đấy là hai câu thực (3 và 4), cụ thể hoá cái phúc trạch mà tổ tiên để lại đã nói ở trên kia. Là gì vậy? Chẳng phải là đạo thánh hiền ư? Chẳng phải là nghiệp Nho ư? Mà chẳng phải ít đâu, những ba đời liền rồi kia! Thế thì phúc ấy là lớn, là dày, là bền vững, là vô giá, chứ còn sao nữa? Mà nếu đem so sánh với những thứ vật chất sang trọng khác, như vàng như bạc chẳng hạn, thì “tài sản” mà tổ tiên ta để lại cho ta, còn hơn hẳn muôn lạng vàng đỏ ối chứa đầy trong rương trong hòm nữa kia! Đó là một sự so sánh, nhưng là so sánh để khẳng định, thật thú vị. So sánh cái trừu tượng (Phúc trạch, đạo Nho) với cái cụ thể (Muôn lạng vàng đỏ ối), để tôn vinh cái trừu tượng, như một giá trị phi vật thể, để tự tin, tự hào, tự vui… Quả là niềm vui của bậc trí giả, người trần mắt thịt sao thấy được! Sách “ấu học ngũ ngôn thi” của ta ngày xưa viết: “Dĩ tử kim mãn doanh / Hà như giáo nhất kinh” (Để cho con đầy thùng vàng / Sao bằng dạy cho con một quyển sách?) Là bởi vì trong sách có vàng ngọc (thư trung hữu kim ngọc), bao giờ cho cạn! Còn như để lại cho con đầy thùng vàng, chúng cứ thế mà tận hưởng, thì đến núi cũng lở mà thôi. Thật là sâu sắc và chí lý lắm thay!
Hai câu 5 và 6, luận về thời thế, và khẳng định tương lai tốt đẹp của mình. Tác giả viết:
Thế phùng loạn cực ưng hoàn trị,
Thiên hậu ngô sinh tất bất hư!
(Đời gặp buổi loạn đến cùng cực,
tất sẽ quay lại cảnh bình trị,
Trời dành cho ta đầy đủ phúc trạch,
điều đó quyết không sai)!
Luận về thế cuộc, nắm vững quy luật “Vật cùng tắc biến”, nghĩa là loạn đến cực điểm, sau loạn thì trời đất sẽ trở lại thanh bình, không thể khác. Tương truyền, Phùng Khắc Khoan được Tuyết Giang Phu Tử truyền dạy về lý học, đã thu được nguồn mạch của lý số, giải nghĩa tinh thông Kinh Dịch, nên hiểu rõ việc đời và hiểu rõ cơ trời, nên đã bền gan vững chí theo đuổi lý tưởng của mình, nắm chắc sẽ thành công. Tác giả cho rằng Trời dành cho ta đầy đủ phúc trạch, điều đó quyết không sai! Tin tưởng như thế, nên hoạn lộ gặp phong ba, tiên sinh họ Phùng vẫn bền gan vững chí. Thực tế đã chứng minh điều mà ông Trạng làng Bùng đã khẳng định dứt khoát! Chẳng phải là thông tuệ lắm sao?
Tự cổ khởi thân danh tướng giả,
Phúc trung toàn yếu hữu thi thư.
(Từ xưa đến nay, những người làm nên khanh tướng
Chỉ cốt là trong bụng có nhiều khí vị thi thư!
Hoá ra là thế! Đấy là một sự đúc kết, từ trong sách vở và cả trong thực tế sinh động ở cõi người. Lại thêm một lần nữa khẳng định giá trị của trí tuệ, có được từ trong sách vở và thực tiễn. Rằng xưa thế mà nay cũng thế, những người làm nên danh vọng vẻ vang, để lại tiếng thơm cho đời, ai mà chẳng có đầy khí vị thi thư trong bụng? Đỗ Uông, một người đồng liêu, đã không tiếc lời ngợi ca Phùng tiên sinh: “…vốn có tài hào kiệt, đĩnh đạc vào bậc tướng văn tướng võ”, rồi “là nhân vật đệ nhất trong nước” đương thời. Chính Thi Thánh Cao Bá Quát đời sau, cũng bảo rằng văn chương ông Trạng làng Bùng “Lừng đất Bắc, chính sự vững trời nam”, kể cũng không quá lời đâu!
Phiên âm:
TÂY ĐÔ HIỂU QUÁ
Tây vọng đô thành thự sắc khai,
Hiểu lai quá thử hứng tần thôi.
Ngọc câu thuỷ nhiễu trừng kim kính,
Thạch bích đài xâm phúc lục nhai.
Thảo mộc kinh thu trần cổ tích,
Giang sơn tuỳ bút nhập khâm hoài.
Tiền Hồ phụ tử kim hà tại?
Duy hữu thanh phong dữ ngã giai!
Dịch nghĩa:
SÁNG SỚM QUA TÂY ĐÔ
Từ phía Tây trông vào đô thành, trời đã rạng sáng,
Sáng sớm qua đây, cảm hứng dạt dào.
Ngòi ngọc nước vòng quanh,
trong như gương đồng sáng,
Tường đá rêu bám, phủ lên một màu xanh.
Cỏ cây trải qua bao mùa thu để lộ dấu vết xưa,
Non sông theo ngọn bút, cảm thấu đến tận tâm hồn.
Cha con họ Hồ ngày xưa giờ nơi đâu?
Chỉ có gió mát cùng ta mà thôi.
Bài này có lẽ Phùng Khắc Khoan viết khi còn trẻ, trên đường vào Thanh Hoá theo nhà Lê Trung hưng. Theo một số tài liệu nghiên cứu, nước ta xưa vốn có đường sạn đạo ở phía tây, ven theo dãy Trường Sơn. Một thời, vua Chiêm là Chế Bồng Nga cũng theo đường này mà tiến quân đánh phá Đại Việt từ phía tây kinh thành Thăng Long, khi nhà Trần ở giai đoạn suy yếu. Có lẽ Phùng Khắc Khoan từ Thạch Thất, theo đường sạn đạo này mà vào Thanh, nên mới đi qua thành nhà Hồ?... Chắc là đêm trước Phùng nghỉ trọ ở đâu đó quanh vùng Vĩnh Lộc, rồi sáng sớm đi tiếp. Mở đầu bài thơ Sáng sớm qua Tây đô, tác giả viết:
Tây vọng đô thành thự sắc khai,
Hiểu lai quá thử hứng tần thôi.
(Từ phía tây trông vào đô thành, trời đã rạng sáng,
Sáng sớm qua đây, cảm hứng dạt dào).
Thế là đã rõ. Thi nhân họ Phùng từ phía tây thành nhà Hồ mà trông vào đô thành, có nghĩa là thi nhân vào Thanh theo đường núi phía tây đô thành, khi trời mới rạng sáng. Quan sát thành đô từ phía xa, trong một sáng sớm đẹp trời, khiến thi nhân dạt dào cảm xúc. Làm sao mà không cảm xúc, khi mà trước mắt là một địa danh lịch sử, gắn với một sự kiện đau lòng của quá khứ chưa xa lắm ở thời nhà Hồ, vẫn còn đứng đó như một chứng nhân lịch sử, vừa kiêu hãnh, lại vừa đau thương tủi nhục?... Người thường cũng có thể như thế, huống chi là một thi sĩ, một trí thức nặng lòng với đất nước quê hương?
Hai câu tiếp theo, tả thực quang cảnh đô thành cũ, với vài điểm nhấn quan sát từ bên ngoài:
Ngọc câu thuỷ nhiễu trừng kim kính
Thạch bích đài xâm phúc lục nhai
Ngòi nước chảy vòng quanh thành, trong như ngọc. Ấy là nhìn dòng nước dưới nắng ban mai, phản chiếu long lanh sắc hồng tươi buổi sớm. Thiên tạo hay là nhân tạo? Ngòi ngọc điểm tô cho phong cảnh, mà trong thực tế lịch sử, đó còn là hào nước bao quanh bức thành, cũng là vật cản bước tiến công từ bên ngoài của đối phương. Thành cao, và hào sâu, giờ đây như thể chỉ có ý nghĩa như một sự vẽ vời thêm cho cảnh mà thôi… Trải mấy trăm năm, bức thành đá hoang tàn, phủ đầy rêu, tạo ra một màu xanh cổ kính. Chỉ vài chi tiết tiêu biểu thế thôi, đủ thấy hiện lên cả quá khứ sục sôi, bây giờ chìm trong hoang lạnh, như thể ngày xưa đang rì rầm những tiếng gươm khua trống dồn, tiếng voi gầm ngựa hí, dường như còn thảng thốt quanh quẩn đâu đây, trong làn nước biếc, trong thâm thẫm màu rêu trườn trên vách thành đá…
Trước cảnh, thi nhân như cảm thấy quá khứ xa xăm đang cuồn cuộn đổ về, lòng bỗng trào lên những nỗi cảm hoài:
Cỏ cây trải qua bao mùa thu để lộ dấu vết xưa,
Non sông theo ngọn bút cảm thấu đến tận tâm hồn
(Thảo mộc kinh thu trần cổ tích,
Giang sơn tuỳ bút nhập khâm hoài)
Quan sát, xúc cảm, nghĩ suy, trước một chứng nhân lịch sử, trải mấy trăm năm giờ đây vẫn “trơ gan cùng tuế nguyệt”, kẻ hậu sinh không thể không ngậm ngùi thương cảm. Người xưa đang nói gì? Non sông quay cuồng trong binh lửa, dưới vó ngựa giặc Minh, người anh hùng phải ôm mối hận đến ngàn năm sau, biết bao giờ nguôi? Tác giả cảm thấy như quá khứ đang cựa quậy dưới cỏ cây, dưới những mảng rêu xanh treo trên bức thành vỡ, dưới làn nước trong veo cổ tích, như thể đang rần rật chảy theo ngọn bút mà cảm thấu đến tận tâm hồn. Hơn thế, là cả giang sơn như đang theo ngọn bút mà tuôn trào, dâng lên đến tận tâm hồn, khiến thi nhân không sao cưỡng được, không sao kìm nén được, đến nỗi phải nghẹn ngào thốt lên, xa xót:
Cha con họ Hồ ngày xưa giờ ở nơi đâu?
Hỏi, là hỏi lịch sử. Gọi, là gọi hồn quá khứ. Nỗi nhục mất nước, nỗi nhục vua tôi cha con họ Hồ thua trận, bị bắt làm tù binh, vong quốc, hồn phiêu bạt ở nơi nào? Anh hùng di hận kỷ thiên niên (Nguyễn Trãi). Trước đô thành hoang lạnh này, chỉ còn ta với làn gió mát mà thôi!
Sáng sớm qua Tây đô là một bài thơ được xây dựng theo mạch cảm hứng lịch sử. Những ước ao, những cố gắng sửa sang lại đất nước của cha con họ Hồ, chưa có đủ thời gian thực thi, lòng dân chưa định, nên thất bại trước họa xâm lăng. Mối nhục ấy, vài chục năm sau mới được rửa sạch, nhưng lịch sử vẫn còn đây, thành cũ nhà Hồ vẫn còn đây, kẻ thất phu còn phải lo nghĩ, huống hồ kẻ sĩ có trách nhiệm với đời, với giang sơn đất nước như thi sĩ làng Bùng, danh nhân kiệt xuất Phùng Khắc Khoan?
Hà Nội - Xuân 2012
Bài viết được lấy trong cuốn sách
"Trạng Bùng Phùng Khắc Khoan thân thế- cuộc đời và sự nghiệp"
NXB Hội Nhà văn
THÔNG BÁO
- UBND huyện Thạch Thất thông báo về việc thay đổi lịch tiếp công dân định kỳ tháng 04 nắm 2025 của Chủ tịch UBND huyện!
- Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Thạch Thất thông báo Kết quả lựa chọn tổ chức hành nghề đấu giá tài sản!
- UBND huyện Thạch Thất ban hành Hướng dẫn Tổ chức lấy ý kiến Nhân dân và thông qua HĐND cấp xã, HĐND huyện về sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn huyện Thạch Thất!
- Hội đồng nhân dân huyện Thạch Thất thông báo về Nội dung, thời gian và công tác chuẩn bị tổ chức kỳ họp thứ 21 (Kỳ họp chuyên đề) HĐND huyện Thạch Thất khóa XX, nhiệm kỳ 2021-2026