DANH NHÂN VĂN HÓA - TRẠNG BÙNG PHÙNG KHẮC KHOAN
1. Trong một bài viết (cùng với hai cộng sự khác) đã được đăng tải trên tạp chí năm nay, tôi có đặt lại vấn đề xác định danh châu Đường Lâm, tiếp tục làm sáng tỏ mối nghi ngờ khởi lên từ cố giáo sư Đào Duy Anh. Với những tài liệu mà chúng tôi khảo sát, thì việc coi làng Đường Lâm ở Sơn Tây hiện nay là “quê hương của hai vua” - Phùng Hưng và Ngô Quyền - là một khẳng định chưa đủ sức thuyết phục. Cùng thời gian vừa qua, hội thảo về cuộc khởi nghĩa Mai Thúc Loan do Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam chủ trì đã cung cấp thêm nhiều bằng chứng khẳng định rằng những người tham gia cuộc khởi nghĩa này, trong đó có một yếu nhân họ Phùng, rất khó có khả năng là người sinh trưởng quanh vùng duới chân núi Ba Vì./p>
MẤY ĐIỀU NGHĨ THÊM/ NGHĨ LẠI
VỀ THÂN THẾ VÀ HÀNH TRẠNG PHÙNG KHẮC KHOAN
Phó Giáo sư Trần Ngọc Vương
1. Trong một bài viết (cùng với hai cộng sự khác) đã được đăng tải trên tạp chí năm nay, tôi có đặt lại vấn đề xác định danh châu Đường Lâm, tiếp tục làm sáng tỏ mối nghi ngờ khởi lên từ cố giáo sư Đào Duy Anh. Với những tài liệu mà chúng tôi khảo sát, thì việc coi làng Đường Lâm ở Sơn Tây hiện nay là “quê hương của hai vua” - Phùng Hưng và Ngô Quyền - là một khẳng định chưa đủ sức thuyết phục. Cùng thời gian vừa qua, hội thảo về cuộc khởi nghĩa Mai Thúc Loan do Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam chủ trì đã cung cấp thêm nhiều bằng chứng khẳng định rằng những người tham gia cuộc khởi nghĩa này, trong đó có một yếu nhân họ Phùng, rất khó có khả năng là người sinh trưởng quanh vùng duới chân núi Ba Vì. Vậy nên, ý tưởng giả định rằng có mối liên hệ trực tuyến giữa những danh nhân họ Phùng từ Phùng Thanh Hòa (Thế kỷ thứ VI), người theo Lý Nam Đế tham gia vào cuộc khởi nghĩa chống ách đô hộ nhà Lương qua Phùng Hạp Khanh - Phùng Hưng (người châu Đường Lâm, thế kỷ thứ VIII), người cất quân đánh đuổi Đô hộ nhà Đường Cao Chính Bình, để nối thông tới Phùng Khắc Khoan (thế kỷ XVI - XVII) là một ức thuyết khó tin cậy. Châu Đường Lâm, theo thư tịch địa chí - lịch sử cổ mà học giả Trung Quốc ghi chép, hẳn rằng phải nằm ở miền thượng du Nghệ Tĩnh ngày nay mới là hợp lẽ. Cũng như rất nhiều tộc danh khác, không thể cứ những người mang chung một họ nhất thiết phải chung một gốc (một thủy tổ) ban đầu. Ngành phả học (Genealogy, Généalogie) hay hẹp hơn, lịch sử gia tộc (familyhistory) dạy ta suy nghĩ theo cách khác. Họ Trần chẳng hạn, không thể chỉ xuất phát từ một gốc duy nhất là cụ Trần Hấp, Trần Kinh, … họ Nguyễn không chỉ từ cụ Nguyễn Bặc, họ Trịnh càng không phải chỉ từ Trịnh Kiểm… và họ Phùng, dĩ nhiên không phải chỉ từ Bố Cái Đại Vương. Dân gian đã chẳng phê bình tập quán ứng xử không xác đáng đó sao: “Thấy người sang bắt quàng làm họ”.
2. Danh nhân Việt Nam nói chung có đội ngũ hùng hậu, nhưng danh nhân Việt Nam vào hai thế kỷ XVI - XVII thì lại chưa được thừa nhận nhiều. Một trong những lý do (thuộc về nhận thức, đúng hơn, thuộc quan niệm về lịch sử, nói khác, thuộc lịch sử quan, và ở cấp độ khác, quán tính ứng xử) để vào thế kỷ này bị coi là “vắng anh hùng” là bởi từ sau năm 1427 cho tới tận 1788 (360 năm) nước Việt không mắc nạn ngoại xâm. Sử gia Việt Nam, nhất là sử gia thời hiện đại, bắt đầu từ và kể cả Trần Trọng Kim, cơ hồ “không có hứng thú” đề cao những nhân vật kiệt xuất trong nước nếu họ không phải là “anh hùng chống ngoại xâm”. Nhưng “người anh hùng thời loạn” - xuất hiện trong những thời nội chiến - và những bậc hiền thần trị nước giỏi trong thời bình lại chưa phải là đối tượng được quan tâm đúng mức của giới sử học nước nhà! Rủi thay, Phùng Khắc Khoan thuộc “nhóm” danh nhân như thế!
Bộ quốc sử đồ sộ duy nhất biên chép lại lịch sử Việt Nam từ khởi nguyên cho tới cuối Lê Trung hưng là Đại Việt sử ký toàn thư (kể cả phần tục biên), sau này, Việt sử thông giám cương mục cũng thừa kế hầu như trọn vẹn những nội dung trong đó. Ai cũng biết, tác giả của bộ sử này, qua các thế hệ, các triều đại khác nhau, vẫn chỉ là nhà nho. Bên cạnh những ưu điểm không thể chối bỏ của đội ngũ sử gia này, giờ đây, cần vạch rõ những lệch lạc, những thiên kiến, những sai sót khuyết thiếu cả trong lịch sử quan, cả trong phương pháp luận sử học của họ. Một trong những hạn chế lớn nhất của các bộ sử dưới thời chuyên chế chính là trạng thái thấm nhuần tư tưởng chính thống, theo cả hai bình diện: chính thống theo đạo lý Nho gia và chính thống theo vương chế. Gọi Phùng Khắc Khoan là “trạng”, “trạng Bùng”, đó chỉ là một uyển ngữ vay mượn từ khẩu ngữ dân gian. Một lậu ngữ, chắc chắn không hiện hữu trong sử sách quan phương thời chuyên chế. Nhưng chính đây là chỗ cần làm rõ: lý do gì “dân đen” khăng khăng rằng ông là “trạng”, ít nhất là “của họ”? Ông là “trạng” của người bình dân, cũng như Trần Quốc Tuấn, với dòng văn quan phương thì là Thượng phụ - Quốc công Tiết chế - Hưng Đạo Đại vương, chứ đâu phải là Đức Thánh Trần? “Đức Thánh Trần”, đó là tín niệm của quần chúng!
3. Cho dù trong chính sử, nhất là về sau, có ghi nhận “tầm quan trọng hàng đầu” của Phùng Khắc Khoan đối với cơ nghiệp của tập đoàn Lê Trịnh, bản thân người viết những dòng này không nghĩ thế, nhất là ở thời đoạn 1554 - 1592. Chia sẻ với nhà sử học Nguyễn Minh Tường rằng việc Phùng Khắc Khoan bỏ Mạc theo Lê (Trịnh) chủ yếu xuất phát từ hai lý do: một là sự chi phối của tư tưởng chính thống và hai, là khát vọng “làm lớn”, “làm nên đấng anh hùng đâu đấy tỏ” như kiểu tuyên ngôn về sau này của Nguyễn Công Trứ, nhưng tôi cho rằng trong thực tế, vào giai đoạn vua tôi Lê - Trịnh đang còn ở trong tình cảnh “lưu lạc giang hồ”, Phùng Khắc Khoan chưa bao giờ lọt được vào danh sách chí ít ra là vài ba chục nhân vật quan trọng nhất của cái triều đình ấy. Vị trí của ông trong hàng ngũ tập đoàn Lê - Trịnh sau khi “theo vào” ngót ba chục năm vẫn còn khá mờ nhạt. Đọc Đại Việt sử ký toàn thư suốt từ năm 1554 đến tận năm 1592 tôi không bắt gặp một lần nào tên của Phùng Khắc Khoan được nhắc tới. Mãi tới tận năm 1597 với trọng trách là chánh sứ sang chúc thọ vua Minh và cầu phong cho vua Lê, tên tuổi của Phùng Khắc Khoan mới lần đầu “lưu danh sử sách”. Đi sứ về, ông mới được chức Tả Thị lang (tức tương đương hàm thứ trưởng) bộ Công, tước Mai Lĩnh hầu. Cần nói thêm rằng, một bạn đồng khoa với ông (1580), kém ông về niên kỷ, đỗ kém ông một bậc, là Đỗ Uông, vào thời điểm đó đã kịp thăng tiến đến chức Hộ bộ Thượng thư, Đông Các Đại học sĩ, tước Thông Quận công rồi.([1])
Giải thích sự “chín muộn” ấy thế nào?
Có thể có nhiều sự lý giải khác nhau. Về phần mình, khi đọc sâu và ngẫm kỹ sử liệu những năm tháng ấy, đối chiếu với những thư tịch chép về Phùng Khắc Khoan, nhất là cảm nhận kỹ văn chương của ông, tôi đánh bạo mà cho rằng, Phùng Khắc Khoan là một trong những nhà nho chính thống điển hình bậc nhất của thời đại đó. Vậy nên, trái với khát vọng thời trẻ của mình, Phùng Khắc Khoan không phải là người sinh ra để làm “anh hùng thời loạn”, ngược lại, chắc chắn lại có thể làm nổi chức phận của một “bề tôi lương đồng” thời “trị bình”. Cố giáo sư Trần Đình Hượu, người mà sự nghiệp chính cả đời là những thành tựu nghiên cứu Nho giáo, đã thật chí lý khi tổng kết rằng: “Trong lịch sử, Nho giáo cũng chỉ giúp được các ông vua thủ thành - giữ lấy ngai vàng, chứ không giúp được cả những ông vua sáng nghiệp hay cần cải cách”. Để làm anh hùng thời loạn phải quyền biến, đa mưu túc trí, cũng không thể thiếu sự tàn độc và gian xảo. “Bất độc bất anh hùng” - đó là triết lý chính trị xuyên suốt lịch sử các quốc gia chuyên chế.
Phùng Khắc Khoan, như cảm nhận của tôi, không phải là người có bản tính như vậy, có cố cũng không bao giờ thành được một người như vậy: ông quá nhân hậu, quá chính trực, và cầu anh linh ông đại xá, chứ nói thật lòng, ông quá thực thà! Ông không phải là mẫu người kiểu Đào Duy Từ, Nguyễn Hoàng, càng không phải mẫu người “chọc trời khuấy nước” xuất hiện dày đặc vào thế kỷ tiếp sau.
4. Thế nên, xét đến những lời khen tặng, dù là tương truyền từ cửa miệng của Thái sư Trịnh Kiểm, hay dưới ngòi bút của các bậc đại khoa như Hoàng giáp Đỗ Uông, Bản nhãn Lê Quý Đôn, cho tới lời bình nghị của vô số hậu nhân khác, thì cũng cần cân nhắc kỹ càng sao cho nhất quán với các tín bản chủ yếu khác. Cả chuyện bị biếm trích, bị trách phạt cũng vậy. Người như Phùng Khắc Khoan khó mà gây ra những lỗi lầm đến mức làm các đấng bề trên đùng đùng nổi giận. Trong hoàn cảnh thời chiến, một ông quan cỡ lục, thất phẩm, nếu đã bị trách phạt, thì may lắm cũng đưa đi làm “tiền quân hiệu lực”, chứ ai còn dùng vào việc cai quản một phương đất phương dân? Mà nếu coi Lâm tuyền vãn là sản phẩm văn chương được trước tác trong hoàn cảnh bị biếm, bị đày, thì thật quá ngạc nhiên về khả năng che giấu tâm sự và cảm xúc thật của con người thuần khiết, thực thà này: tịnh không một dòng, một câu, một chữ nào, dẫu bóng gió xa xôi, dẫu lắt léo hoa mỹ, tỏ ra oán hận hay bực bội, bất mãn. Ngược lại, trong đó không thiếu những nụ cười, những biểu hiện của sự tự hài lòng, đi kèm với những lối ví von, hài hước dân dã. Nhân thể, theo tôi hiểu, “vãn” là một thể văn gần với thể “hứng”, hiểu nôm na là ngâm nga vui vẻ.
Chưa có dịp đọc kỹ hơn, sâu hơn về con người gần trọn cuộc đời sống trong cửa công mà lòng dạ giăng mắc dày đặc mối tơ vương với cuộc sinh tồn nơi thảo dã này, xin được trình bày ra chỉ bấy nhiêu những suy ngẫm tản mạn. Hy vọng ít nhiều được sẻ chia hay cùng bàn luận.
Làng Võng, cuối thu 2012
Bài viết được lấy trong cuốn sách
"Trạng Bùng Phùng Khắc Khoan thân thế- cuộc đời và sự nghiệp"
NXB Hội Nhà văn
([1]) Xem Đại Việt sử ký toàn thư, Nxb Văn hóa Thông tin 2000, t3, tr.302.
THÔNG BÁO
- UBND huyện Thạch Thất thông báo về việc thay đổi lịch tiếp công dân định kỳ tháng 04 nắm 2025 của Chủ tịch UBND huyện!
- Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Thạch Thất thông báo Kết quả lựa chọn tổ chức hành nghề đấu giá tài sản!
- UBND huyện Thạch Thất ban hành Hướng dẫn Tổ chức lấy ý kiến Nhân dân và thông qua HĐND cấp xã, HĐND huyện về sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn huyện Thạch Thất!
- Hội đồng nhân dân huyện Thạch Thất thông báo về Nội dung, thời gian và công tác chuẩn bị tổ chức kỳ họp thứ 21 (Kỳ họp chuyên đề) HĐND huyện Thạch Thất khóa XX, nhiệm kỳ 2021-2026