LÀNG NGHỀ TRUYỀN THỐNG LÀNG NGHỀ TRUYỀN THỐNG

Thực trạng phát triển làng nghề huyện Thạch Thất
Ngày đăng 09/07/2010 | 07:47  | Lượt xem: 346

Huyện Thạch Thất gồm 22 xã và 01 thị trấn. Hệ thống giao thông chính có quốc lộ 32 (phía Bắc), quốc lộ 21 (phía Tây), đường cao tốc Láng - Hoà Lạc (phía Nam), tỉnh lộ 419, 420 chạy qua huyện đã tạo ra mạng lưới giao thông thuận lợi cho sự phát triển kinh tế xã hội của huyện...

Ảnh Xương cơ kim khí - nguồn internet

Huyện Thạch Thất gồm 22 xã và 01 thị trấn. Hệ thống giao thông chính có quốc lộ 32 (phía Bắc), quốc lộ 21 (phía Tây), đường cao tốc Láng - Hoà Lạc (phía Nam), tỉnh lộ 419, 420 chạy qua huyện đã tạo ra mạng lưới giao thông thuận lợi cho sự phát triển kinh tế xã hội của huyện, là một huyện được nhà nước quy hoạch các dự án lớn như Đại học Quốc Gia Hà Nội, Khu Công nghệ cao Hoà Lạc, Khu Công nghiệp Bắc Phú Cát và nằm trong chuỗi đô thị Miếu Môn, Xuân Mai, Hoà Lạc, là huyện có tiềm năng lớn về phát triển kinh tế, nhất là kinh tế công nghiệp - TTCN và thương mại, dịch vụ. Các làng nghề truyền thống như: Cơ kim khí Phùng Xá; Mây tre đan Bình Phú; Mộc, May Hữu Bằng; Mộc Chàng Sơn ngày càng phát triển mạnh, khai thác tốt những tiềm năng, lợi thế của làng tạo nên nhịp độ sản xuất sôi động và có xu hướng phát triển. Hiện nay giá trị sản xuất Công nghiệp - TTCN của 9 làng nghề chiểm trên 70% giá trị sản xuất Công nghiệp - TTCN của huyện.     

 

Làng nghề cơ kim khí ở Phùng Xá có tổng số 1350 hộ, dân số 5660 người, trong đó có 2547 lao động . Trên địa bàn xã hiện có 101 doanh nghiệp cơ kim khí với 1935 lao động làng nghề, chiếm 76% tổng số lao động. Với những sản phẩm được sản xuất đa dạng về mẫu mã mặt hàng và chủng loại, thiết bị dây chuyền sản xuất hiện đại, năng suất lao động ở làng nghề Phùng Xá ngày càng cao, sản phẩm sản xuất tiêu thụ ở thị trường rộng lớn, thu hút được nhiều lao động ở trong và ngoài địa phương tham gia với mức thu nhập bình quân là 1.700.000 đồng/1người/ 1tháng.

 

Xã Bình Phú  nổi tiếng với những sản phẩm mây giang đan xuất khẩu. Bình Phú có 3 làng nghề là  Phú Hòa, Thái Hòa và Bình Xá. Hiện nay trên địa bàn xã có 16 doanh nghiệp mây giang đan, thu hút 890 lao động trên tổng số 1952 lao động, chiếm 45,6%. Các sản phẩm mây giang đan đa dạng về mẫu mã, mặt hàng, nguồn nguyên liệu được khai thác rất thuận lợi, lao động tập trung đông, tận dụng được hết thời gian nhàn rỗi, tạo được nguồn thu nhập đồng đều, trung bình 1.100.000 đồng/1 người/1tháng.

 

Sản phẩm chế biến lâm sản, sản xuất đồ gỗ, trang trí nội thất ở Chàng Sơn, Thạch Xá, Bình Phú, Canh Nậu, Dị Nậu, Hương Ngải. Nguyên liệu gỗ được nhập về Hữu Bằng, Chàng Sơn, Thạch Xá từ đó được chế biến thành sản phẩm thô và được sản xuất thành sản phẩm đồ gỗ, đồ trang trí nội thất ở các làng nghề, sản phẩm sản xuất ra đa dạng phong phú được tiêu thụ ở thị trường nội địa rộng lớn. Nghề mộc dân dụng ở Thạch Thất thu hút nhiều lao động nhất trong các nghề truyền thống. Hiện có tổng số 72 doanh nghiệp sản xuất mộc dân dụng trên địa bàn các xã Canh Nậu, Dị Nậu, Chàng Sơn trong đó Canh Nậu có 18 doanh nghiệp, thu hút 2700 lao động trên tổng số 5931 lao động, chiếm 46,7%; Dị Nậu có 11 doanh nghiệp với 1100 lao động trong nghề mộc dân dụng chiếm 37% tổng số lao động; Chàng Sơn có 43 doanh nghiệp sản xuất đồ gỗ, trang trí nội thất thu hút 1700 lao động trên tổng số 3922 lao động, chiếm 43,3%. Thu nhập bình quân của lao động làm nghề mộc dân dụng khoảng từ 1.200.000 đồng đến 1.400.000 đồng/1 người/ 1tháng.

Hữu Bằng là một làng nghề tiêu biểu của huyện Thạch Thất với các sản phẩm mộc dân dụng và dệt may. Trên địa bàn xã hiện có 50 doanh nghiệp sản xuất đồ gỗ, trang trí nội thất và dệt may công nghiệp thu hút số lượng lớn lao động, khoảng 4950 lao động chiếm 73,4% tổng số lao động. Thu nhập bình quân của lao động làng nghề ở xã Hữu Bằng khoảng 1.500.000 đồng/1 người/1 tháng.

 

Sản phẩm chè lam - đặc sản Thạch Thất -  là sản phẩm của làng nghề Thạch Xá. Chè lam được sản xuất với những bí quyết riêng tạo nên hương vị đặc trưng, được tiêu thụ trên thị trường rộng lớn ở miền Bắc. Trên địa bàn xã có 12 doanh nghiệp sản xuất chè lam với 570 lao động trên tổng số 1035 lao động.Thu nhập bình quân của lao động làng nghề chè lam Thạch Xá khoảng 1.100.000 đồng/1 người/ 1 tháng.

 

Sản phẩm mây tre giang đan song mây ở Hạ Bằng, Cần Kiệm, Chàng Sơn và một số sản phẩm phụ ở các xã Lại Thượng, Bình Yên, Thạch Hoà cũng đã có bước phát triển. 

Tin do Phòng Công thương huyện cung cấp