LÀNG NGHỀ TRUYỀN THỐNG LÀNG NGHỀ TRUYỀN THỐNG

Làng nghề Mộc – May Hữu Bằng: đáp ứng thị yếu khách hàng
Ngày đăng 05/03/2013 | 07:45  | Lượt xem: 515

Đến thăm làng nghề truyền thống Mộc – May Hữu Bằng – xã Hữu Bằng - huyện Thạch Thất – TP. Hà Nội trong những ngày đầu năm chúng tôi không khỏi ngạc nhiên trước không khí tấp nập, sôi động nơi đây. Không giống như những làng nghề khác khi phải trăn trở tìm đường “Hướng ngoại”, nổi trội về nhiều ưu thế nên các sản phẩm tại làng nghề đã và đang chiếm lĩnh thị trường tại nhiều tỉnh, thành trên cả nước.

Làng nghề Mộc – May Hữu Bằng: đáp ứng thị yếu khách hàng

Đến thăm làng nghề truyền thống Mộc – May Hữu Bằng – xã Hữu Bằng - huyện Thạch Thất – TP. Hà Nội trong những ngày đầu năm chúng tôi không khỏi ngạc nhiên trước không khí tấp nập, sôi động nơi đây. Không giống như những làng nghề khác khi phải trăn trở tìm đường “Hướng ngoại”, nổi trội về nhiều ưu thế nên các sản phẩm tại làng nghề đã và đang chiếm lĩnh thị trường tại nhiều tỉnh, thành trên cả nước.

Hữu bằng là một trong những địa phương thu hút nhiều lao động làm nghề nhiều nhất trên địa bàn huyện. Từ khi có nghề đến nay, nghề mộc và may của xã ngày càng phát triển cả về số lượng và chất lượng, hàng năm thu hút hàng ngàn lao động, tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động trong xã và một số xã lân cận góp phần tăng thu nhập gia đình, thúc đẩy nền kinh tế làng nghề phát triển bền vững. Số lao động làm nghề là 5.742/7.818 lao động trên địa bàn xã. Làng nghề Hữu Bằng phát triển nổi tiếng là nghề Mộc và May.

 

Ghế sofa bằng da-Ảnh VHTT

Khác với nhiều làng nghề chúng tôi đã từng đặt chân tới, đến thăm Hữu Bằng vào dịp đầu năm, tưởng rằng tiếng máy cưa, tiếng máy xẻ…sẽ bớt sôi động. Tuy nhiên do các sản phẩm tại đây có nhiều ưu thế nên mới chỉ đầu năm mà các đơn đặt hàng đã nhiều, vào giờ nghỉ trưa mà tiếng máy cưa máy xẻ vẫn vang lên khắp đường làng ngõ xóm. Các mặt hàng sản xuất chủ yếu ở đây là bàn, ghế, tủ, kệ, giường, ghế sofa, bàn kính… Các sản phẩm đa phần đều được sản xuất từ gỗ ép nên không gặp khó khăn trong việc nhập nguyên liệu, lại phong phú về mặt mẫu mã và chủng loại. Công việc sản xuất không đòi hỏi tay nghề cao, người thợ chỉ cần học nghề trong thời gian ngắn là có thể làm việc thành thạo. Vì thế có thể thu hút nhân công ở nhiều tầng lớp, nhiều lứa tuổi khác nhau. Máy móc dùng để sản xuất cũng không cần hiện đại lắm, chủ yếu là máy cưa, máy xẻ, máy soi... Theo số liệu thống kê của UBND xã Hữu Bằng năm 2012 làng nghề đã giải quyết việc làm cho 5.742 lao động trong xã và hàng nghìn lao động tại các địa phương lân cận.

Bàn ghế học sinh-Ảnh VHTT

Nhờ lợi thế về lao động và nguyên liệu dồi dào mà các sản phẩm tại đây có mẫu mã đẹp mà giá thành lại khá rẻ là ưu thế tiếp cận, đáp ứng nhu cầu của những người có thu nhập trung bình. Với một bộ bàn ăn có hình thức bắt mắt chỉ có giá khảng 2 – 4 triệu đồng. Các sản phẩm tại đây đa số được sản xuất theo hướng công nghiệp nên sản phẩm được hoàn thành hàng loạt nên giá thành rẻ, tiếp cận được nhu cầu của nhiều người. Nếu là xưởng lớn (khoảng 40 - 60 người ) thì có thể làm tất cả các công đoạn, từ sơ chế đến thành phẩm, nhưng số lượng những xưởng lớn ở Hữu Bằng không nhiều. Nếu là xưởng nhỏ (khoảng dưới 10 người) thì có thể đảm nhận một hoặc hai công đoạn rồi lại giao cho xưởng khác hoàn thành công đoạn tiếp theo. Cứ như vậy làng nghề Hữu Bằng được sản xuất như một dây chuyền khép kín.

Bàn ghế ăn bằng gỗ tự nhiên-Ảnh VHTT

Lượng công việc nhiều, sản xuất mang tính công nghiệp nên thu nhập của công nhân làm việc tại đây luôn được đảm bảo. Tùy vào công việc cụ thể mà mỗi người thợ sẽ được hưởng những mức lương khác nhau, tiền công một người thợ nam trung bình khoảng 4 đến 5 triệu đồng/ tháng, lao động nữ từ 2 đến 3 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, nếu là thợ phun sơn, công việc vất vả hơn, đòi hỏi trình độ cao hơn thì mức lương có khi lên tới 6-7 triệu/1 tháng. Không chỉ có người trong làng mà còn rất nhiều người từ các huyện các tỉnh khác cũng đến với Hữu Bằng với mục đích mưu sinh, có một đặc điểm chung là ai đã làm nghề ở Hữu Bằng một thời gian thì đều sẽ hoàn thành tốt công việc một cách nhanh chóng, hiệu quả.

Bàn kính uống nước phòng khách-Ảnh VHTT

Đến thăm xưởng sản xuất của gia đình anh Hợp - chủ cơ sở sản xuất đồ nội thất Hợp Vân. Tại xưởng sản xuất chủ yếu dựa theo nhu cầu của thị trường, những mặt hàng giá rẻ đáp ứng nhu cầu của nhiều khách hàng trong nước. Thành phẩm được giao cho các đại lý thông qua đơn đặt hàng và bán đi khắp các nơi trong cả nước."Hiện giờ đi đến hầu hết các tỉnh phía Bắc đều có sản phẩm của xã Hữu Bằng chúng tôi, mẫu mã đẹp, sản xuất nhanh và rẻ nên nhiều người mua".

Rời xưởng sản xuất Mộc chúng tôi có dịp tới thăm xưởng may Minh Phượng - nằm trong con ngõ nhỏ đi sâu vào trong làng. Theo chị Phượng - chủ cơ sở may Minh Phượng cho biết “Gia đình tôi mở xưởng may đã nhiều năm nay với các mặt hàng chủ yếu là quần, áo trẻ em. Hiện giờ xưởng may nhà tôi có khoảng 30 lao động làm việc quanh năm với mức lương từ 3 – 4 triệu đồng/1 người/1 tháng”.

 Xưởng dệt may Hữu Bằng - Ảnh VHTT

Nếu ai đã từng một lần đặt chân tới làng nghề truyền thống Mộc – May Hữu Bằng thì chắc hẳn sẽ khó có thể quên được không khí tấp nập, sôi động của nhịp sống làng nghề. Thật khó có thể diễn tả hết cái không khí làm việc khẩn trương của những người thợ nơi đây. Chúng tôi ra về trong khi tiếng máy cưa, máy xẻ vẫn râm ran khắp các thôn, xóm, tiếng còi xe inh ỏi ngoài đường, tiếng cười nói rộn rã hòa với dòng người hối hả ngược xuôi…

 

VHTT