KINH TẾ - CHÍNH TRỊ KINH TẾ - CHÍNH TRỊ

Giải ngân cho hộ gia đình có người chấp hành xong án phạt tù tại xã Cần Kiệm
Publish date 26/11/2023 | 08:43  | Lượt xem: 388

Ngay sau khi Quyết định số 22/2023/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ quy định về chính sách tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù (CHXAPT) có hiệu lực từ ngày 10/10/2023. Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) huyện Thạch Thất đã triển khai thực hiện tốt các văn bản, hướng dẫn, chỉ đạo của thành phố, huyện và làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền, hướng dẫn với cấp ủy, chính quyền địa phương triển khai tốt chính sách tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù theo quy định trên địa bàn 22 xã, 01 thị trấn.

Để chính sách sớm đi vào cuộc sống, phát huy hiệu quả, Chi nhánh Ngân hàng chính sách huyện đã phối hợp với Công an huyện và cấp ủy, chính quyền các xã, thị trấn, các tổ chức hội đoàn thể được ủy thác vay vốn đến các hộ gia đình đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền hướng dẫn, phổ biến chính sách tín dụng mới đến người dân, để người dân nắm bắt và hiểu rõ hơn về chính sách ưu đãi mới của Đảng, Nhà nước giúp người chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương sớm hòa nhập cộng đồng, làm lại cuộc đời, cùng gia đình phát triển kinh tế vươn lên trong cuộc sống.

Sau khi xem xét Giấy đề nghị vay vốn kiêm phương án sử dụng vốn vay và giấy ủy quyền của người đứng tên vay vốn gửi đến Tổ tiết kiệm và vay vốn; Tổ tiết kiệm và vay vốn đã tổ chức họp bình xét cho vay dưới sự giám sát, chứng kiến của Trưởng thôn và người đại diện tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác xã, phường, thị trấn. Trường hợp người đứng tên vay vốn chưa là tổ viên Tổ tiết kiệm và vay vốn thì Tổ tiết kiệm và vay vốn tổ chức họp kết nạp bổ sung tổ viên. Lập danh sách tổ viên đề nghị vay vốn NHCSXH kèm bộ hồ sơ vay vốn của người đứng tên vay vốn và biên bản họp Tổ tiết kiệm và vay vốn trình UBND cấp xã xác nhận. Trên cơ sở căn cứ bộ hồ sơ vay vốn do Tổ TK&VV gửi tới, UBND cấp xã sau khi xác nhận trên danh sách tổ viên đề nghị vay vốn NHCSXH, sau đó gửi Tổ TK&VV để gửi NHCSXH nơi cho vay.

Với phương thức cho vay thông qua đại diện hộ gia đình của người chấp hành xong án phạt tù là người đứng tên vay vốn và giao dịch với Ngân hàng Chính sách xã hội. Gia đình anh Cấn Văn Tính được vay tổng số tiền là 100 triệu đồng, trong thời gian 36 tháng với lãi suất cho vay 6,6%/năm, bằng lãi suất cho vay đối với hộ nghèo.

Trao đổi với chúng tôi, anh Cấn Văn Tính cho biết: Sau khi chấp hành tốt án phạt tù, trở về địa phương gia đình anh rất vui mừng và phấn khởi khi được cấp ủy, chính quyền và các tổ chức hội đoàn thể thường xuyên quan tâm, động viên và giúp đỡ gia đình anh rất nhiều. Với quyết tâm cùng gia đình làm lại cuộc đời, với số tiền được vay, gia đình anh dùng để sủa lại gia nhà để mở quán giải khát cùng với mua thêm các vật dụng phụ vụ cho quán nhằm phát triển kinh tế gia đình.

Để thực hiện tốt Quyết định 22/2023/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ trong thời gian tới, Phòng giao dịch NHCSXH huyện tiếp tục phối hợp chặt chẽ cùng Công an huyện, Hội đoàn thể nhận ủy thác, UBND các xã, thị trấn tăng cường hơn nữa công tác thông tin, tuyên truyền nội dung chính sách và triển khai thực hiện tốt các quy trình, thủ tục cho vay, đảm bảo chặt chẽ, đúng đối tượng, đúng quy định, tạo điều kiện thuận lợi nhất để người chấp hành xong án phạt tù và các cơ sở sản xuất kinh doanh có sử dụng người lao động là người chấp hành xong án phạt tù có nhu cầu vay vốn và đủ điều kiện sớm được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi này.

Tiếp tục phối hợp với các đơn vị địa phương rà soát, nắm bắt nhu cầu vay vốn của người CHXAPT để xây dựng kế hoạch tín dụng báo cáo về NHCSXH bố trí nguồn vốn cho vay đảm bảo đúng quy định. Đồng thời cũng thường xuyên kiểm tra, giám sát việc sử dụng nguồn vốn của các đối tượng vay vốn để kịp thời định hướng và hướng dẫn người vay vốn sớm phát huy hiệu quả nguồn vốn vay, nâng cao giá trị sản phẩm và chất lượng cuộc sống.

Có thể thấy, chính sách tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù mới của Đảng, Nhà nước đã đi vào cuộc sống ở huyện Thạch Thất nói riêng, thành phố Hà nội nói chung, là cơ hội để người chấp hành xong án phạt tù có cơ hội tái hòa nhập cộng đồng, được vay vốn để sản xuất, kinh doanh, làm lại cuộc đời, làm giàu chính đáng trên mảnh đất quê hương mình.