CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH

Quyết tâm thực hiện cải cách hành chính, nâng cao chất lượng phục vụ người dân trên địa bàn huyện Thạch Thất
Ngày đăng 21/09/2023 | 10:48  | Lượt xem: 482

UBND huyện Thạch Thất tiếp tục cải cách hành chính nhà nước, đáp ứng yêu cầu xây dựng nền hành chính dân chủ, chuyên nghiệp, hiện đại, hiệu lực, hiệu quả. Điều này khẳng định rõ quan điểm, đổi mới, nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp phải trở thành hành động tự giác của mỗi tập thể, cá nhân trong các cơ quan hành chính và phải đem lại giá trị thiết thực.

Công tác cải cách hành chính trên địa bàn huyện Thạch Thất những năm qua đã đạt được kết quả khá toàn diện và nổi bật, tạo động lực mạnh mẽ cho phát triển bền vững kinh tế - xã hội, góp phần quan trọng nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước.

Công tác tuyên truyền về cải cách hành chính, việc xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền từ huyện tới cơ sở. Nhận thức của đa số cán bộ, đảng viên và nhân dân về xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số ngày càng rõ nét hơn, ứng dụng công nghệ thông tin, xử lý công việc trên môi trường mạng phổ biến hơn.

Đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức được đào tạo trình độ tin học cơ bản; công chức chuyên trách và đầu mối CNTT ở các cơ quan, đơn vị thường xuyên được đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Công tác tuyên truyền, hỗ trợ người dân tham gia, sử dụng phương tiện, ứng dụng công nghệ thông tin được theo dõi chặt chẽ để kịp thời định hướng xã hội, tạo đồng thuận cao giữa chính quyền và người dân.

Nhiều phần mềm dùng chung được triển khai đưa vào sử dụng phát huy hiệu quả. Trang thiết bị CNTT và hệ thống phần mềm đã trở thành phương tiện làm việc không thể thiếu đối với lãnh đạo và cán bộ chuyên môn ở các cơ quan, đơn vị.

Tuy nhiên vẫn còn tồn tại một số hạn chế cần khắc phục:  Trình độ áp dụng công nghệ thông tin của một bộ phận người dân chưa theo kịp được sự thay đổi ứng dụng công nghệ thông tin. Nhận thức của một bộ phận người dân, thói quen sử dụng tài liệu giấy vẫn chưa được khắc phục triệt để. Cơ sở vật chất, trang thiết bị của người dân còn khó khăn, tỷ lệ người dân chưa dùng điện thoại thông minh, máy vi tính cá nhân, ipad chiếm tỷ lệ còn cao. Một số cơ quan, đơn vị, xã, thị trấn chưa quyết liệt chỉ đạo ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động quản lý, chỉ đạo, điều hành.

Để khắc phục những hạn chế còn tồn tại, UBND huyện Thạch Thất đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo về việc cải thiện các chỉ số cải cách hành chính. Đặc biệt, thực hiện các văn bản của UBND thành phố Hà Nội:  Quyết định số 4190/QĐ-UBND về việc ban hành Chỉ số cải cách hành chính của các sở, cơ quan tương đương sở và UBND các quận, huyện, thị xã thuộc thành phố Hà Nội giai đoạn 2023-2030. Bộ tiêu chí xác định Chỉ số cải cách hành chính gồm 8 nội dung nhằm theo dõi, đánh giá thực chất và khách quan kết quả thực hiện cải cách hành chính hằng năm của các đơn vị. Quyết định số 4239/QĐ-UBND về việc phê duyệt danh mục 318 thủ tục hành chính đáp ứng yêu cầu triển khai tái cấu trúc quy trình, cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình, một phần trong tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường điện tử thành phố Hà Nội năm 2023 và các năm tiếp theo. Đó còn là Văn bản số 2596/UBND-KSTTHC về việc chấn chỉnh, phòng ngừa sai phạm trong giải quyết thủ tục hành chính trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Theo đó, UBND huyện yêu cầu đặt ra là phải có sự thống nhất nhận thức và hành động của các cán bộ CC-VC-NLĐ. Mấu chốt là cần sự chủ động, tự giác đổi mới, nâng cao chất lượng phục vụ người dân và doanh nghiệp; coi đây là bổn phận và nguyên tắc làm việc, là lương tâm và trách nhiệm của mỗi cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan, đơn vị hành chính. Cần khắc phục triệt để tình trạng chậm trễ trong giải quyết thủ tục hành chính, xử lý trường hợp hồ sơ xử lý quá hạn phải có thư xin lỗi và hẹn lại thời gian trả kết quả...

Huy động mọi nguồn lực, sự tham gia của cả hệ thống chính trị, người dân và cộng đồng doanh nghiệp để tổ chức triển khai và phát huy sức mạnh của 3 trụ cột: Cải cách hành chính - Chuyển đổi số - Đề án 06. Mục tiêu phải đáp ứng yêu cầu là đi vào thực chất, mang lại giá trị thiết thực cho chính quyền, người dân, doanh nghiệp.

Đổi mới, nâng cao chất lượng phục vụ người dân và doanh nghiệp là xu thế tất yếu. Thước đo giá trị, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của một cơ quan hành chính giờ đây phải là sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp, là giá trị thiết thực nhất./.