DANH NHÂN VĂN HÓA - TRẠNG BÙNG PHÙNG KHẮC KHOAN
span style="line-height: 1.8em;">Phùng Khắc Khoan là một thiên tài, một danh nhân văn hóa lớn của dân tộc ta. Trí tuệ, tài năng, phong độ của Trạng Bùng – Phùng Khắc Khoan trong thế kỷ thứ XVI – XVII đã trở thành niềm tự hào, thành huyền thoại của dân tộc Việt Nam./span>/p> p>Năm 1991 nhân dân ta đã kỷ niệm 500 năm sinh Trạng Trình – Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491 – 1585), một người đồng thời với Phùng Khắc Khoan. Trạng Bùng là lớp hậu sinh, chào đời sau Trạng Trình 37 năm và mất sau Trạng Trình 28 năm. Cả hai Ông Trạng với tấm lòng yêu nước sâu sắc đã cùng chứng kiến và theo cách riêng của mình tham gia gỡ những mối rối của một thời đại phát triển khúc khuỷu, nhiễu nhương của chiều Mạc, của chiến tranh Nam – Bắc triều, của thời Vua Lê – chúa Trịnh – chúa Nguyễn, của mâu thuẫn phân lý và chiến tranh Đàng Trong – Đàng Ngoài./p>
PHÙNG KHẮC KHOAN – MỘT TÀI NĂNG,MỘT NHÂN CÁCH VIỆT NAM CAO QUÝ
Phùng Khắc Khoan là một thiên tài, một danh nhân văn hóa lớn của dân tộc ta. Trí tuệ, tài năng, phong độ của Trạng Bùng – Phùng Khắc Khoan trong thế kỷ thứ XVI – XVII đã trở thành niềm tự hào, thành huyền thoại của dân tộc Việt Nam.
Năm 1991 nhân dân ta đã kỷ niệm 500 năm sinh Trạng Trình – Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491 – 1585), một người đồng thời với Phùng Khắc Khoan. Trạng Bùng là lớp hậu sinh, chào đời sau Trạng Trình 37 năm và mất sau Trạng Trình 28 năm. Cả hai Ông Trạng với tấm lòng yêu nước sâu sắc đã cùng chứng kiến và theo cách riêng của mình tham gia gỡ những mối rối của một thời đại phát triển khúc khuỷu, nhiễu nhương của chiều Mạc, của chiến tranh Nam – Bắc triều, của thời Vua Lê – chúa Trịnh – chúa Nguyễn, của mâu thuẫn phân lý và chiến tranh Đàng Trong – Đàng Ngoài.
Nguyễn Bình Khiêm và Phùng Khắc Khoan, cả thầy và trò đều là những tầm vóc lớn, những nhà chiến lược lớn, như những ngôi sao lớn tỏa sáng vào lịch sử Việt Nam đương thời, kể cả hiện tại và tương lai.
Sách Đại Nam nhất thống trí viết “Phùng Khắc Khoan người xã Phùng Xá, huyện Thạch Thất, lúc còn trẻ nổi tiếng văn học, chí khí cao thượng, không chịu ứng thế với nhà Mạc. Khi nhà Lê bắt đầu Trung hưng lẻn vào Thanh Hóa…”.
Đầu năm Mậu Tý 1528, dân chúng và triều nội Thăng Long hoang mang trước việc thoán đoạt ngôi vua của Mạc Đăng Dung, việc ông cho giết vua Lê Cung Hoàng (1522 – 1527) và thái hậu họ Trịnh và Mạc Đăng Dung tự xưng là vua, tôn lập miếu điện. Triều đình nhà Lê sau 100 năm bỗng tan tác, kẻ thì gian nịn đầu hàng, chốn lủi, các trung thần thì tử tiết. Nguyễn Kim tìm lập con cháu nhà Lê tính cuộc Trung hưng. Đất nước ngả nghiêng, loạn lạc.
Năm 1554 khi Phùng Khắc Khoan vào Thanh Hóa hưởng ứng nghĩa binh phù lê diệt mạc, ông 26 tuổi. Thời gian đầu ông làm nghề dạy học ở Hoằng Hóa, một vùng đất nổi tiếng văn học, nhiều người đỗ đặt cao, nhân dân siêng làm ruộng, diệt lụa, chăn tằm. Sau đó ông dạy học ở Yên Định và tìm được dịp yết kiến vua Lê Trung Tông và Thượng tướng Trịnh Kiểm và được tin dùng.
Thuở thiếu thời ông theo học bậc Thầy đương thời là Nguyễn Bỉnh Khiêm. Tầm kiến thức, uy tín và nhân cách của Nguyễn Bỉnh Khiêm đã ảnh hưởng không nhỏ đến chí khí, hành trạng của Phùng Khắc Khoan sau này. Trong bài thơ “Bệnh trung thư hoài” (Tâm sự lúc ốm) Phùng Khắc Khoan viết:
“Bình sinh chính trực hựu trung thành
Tráng chí cao huyền nhật nguyệt minh…”
(Bình sinh chính trực lại trung thành
Tráng chí cao vợi sáng tự trời, trăng…)
Ông vẫn nghĩ về chí trai phải tự rèn luyện tài năng, đức độ của mình để được Nhà nước, vua cha sử dụng, vượt khỏi những thói thường, vươn tới chìm nổi với đời.
Năm Mậu Ngọ 29 tuổi (1557) ông lều chõng đi thi ở Yên Định Thanh Hóa và đã đỗ thủ khoa. Trong bài “Hành niên tự thuật” Phùng Khắc Khoan đã nhắc đến tuổi 29 của mình; mong chiến bảng rồng và mong nay mai lại có khoa thi để được hiển danh chứ không mong có cỗ bàn yến tiệc. Một mặt giúp Trịnh Kiểm trong công việc triều chính, một mặt tự học, không hề sao nhãng. 23 năm sau, vào năm 1580 (Canh Thìn) ông ứng thí khoa thi Hội và đã đỗ Nhị giáo Tiến sĩ tức là Hoàng Giáp, đứng ngay sau Tiến sĩ Nguyễn Văn Giai. Các tác phẩm Đại Việt sử ký toàn thư, Đại Việt lịch triều đăng khoa lục, Kiến văn tiểu lục của Lê Quý Đôn (1726 – 1781), Vũ Trung tùy bút của Phạm Đình Hổ đều có khảo đến khoa thi Hội vào tháng 8 năm Canh Thìn này.
Có một vấn đề nổi lên trong khoa thi Hội năm Canh Thìn là có một ông quan đi thi. Cứ theo lẽ đời, theo thông lệ thời xưa, đi học đi thi là mong được làm quan. Dĩ nhiên cũng có những vị đỗ đạt cao đã cáo quan để dễ giúp đời hơn. Năm 37 tuổi, trong bài “Hành niên” (Năm qua) ông đã viết:
“…Thanh dĩ dương quan lợi khắc ô
Cần ư tác đức tâm thường dật”
(…Làm quan trong sạch tránh tham quan
Giữ đức chuyên cần không áy náy…)
Sơn Nam dịch
Tham gia quân ngũ của Nam Triều chiến đấu chống nhà Mạc, dưới quyền của Trịnh Kiểm, sau khi đỗ đầu thi Hương (1557) Phùng Khắc Khoan đã lần lượt giữ nhiều chức vụ quan trọng trong bộ máy nam triều như Ngự doanh ký lục, Thiếu phó (32 tuổi), Binh khoa Cấp sự trung (44 tuổi), Lê khoa cấp sự trung (46 tuổi).
53 tuổi, đang giữ Lễ Khoa Cấp sự trung Nam Triều, Phùng Khắc Khoan đi thi Hội. Mộông quan đi thi. May và rủi, vinh và nhục, danh dự và sự nghiệp đều có cả và đều chênh vênh, nhưng không thể nối chí cha, noi gương thầy Trạng Trình trong sự nghiệp lớn: Học để cứu nước, an dân. Tuy vẫn biết lẽ sống sâu xa của kẻ nho sĩ trong hoàn cảnh nhiễu nhương của đất nước bị chia cắt, trước những thống khổ của nhân dân, thích hợp nhất là “an bần lạc đạo”, nhưng vẫn tự tin và ứng thí, phải có danh mới mang được trí ra giúp đời. Thi đỗ Đệ nhị giáp Tiến sĩ ông tâm sự trong bài “Canh thìn đăng đệ tác”:
Kim niên bán bách hựu gia tam
Tự hỷ nhân tình giá vật kham
Tống bảng liên danh tri thị hạnh
Hộ quan điển lễ quí phi am
Sưng vinh đốn giác quân ân dị
Mưu nghĩa hề kham quốc luận tham
Đãn nguyện hoàng thiên phù xã tắc
Trưng quân hạnh hiển Việt thiên nam.
(Năm nay nả trăm thêm ba
Mừng không đến nỗi người ta chê cười
Bảng vàng tên chép đẹp tươi
Phải chăng bộ Hộ, có người chép lại
Ơn vua vinh dự hơn ai
Còn bàn việc nước mình tài kém xa
Chỉ mong trời giúp sơn hà
Chúa tôi làm tỏ nước nhà Việt Nam)
Thái Phương dịch (1)
Việc đi thi Hội của Phùng Khắc Khoan cũng được Phạm Đình Hổ nhắc đến trong sách “Vũ trung tùy bút” “Đầu đời Trung Hưng có Phùng Khắc Khoan đã là bậc công thần tham mưu chốn cơ mật, đã từng giữ những trọng chức ở các bộ, các tự, mà còn phải hạ mình xuống chốn trường thi, cầu lấy đỗ đại khoa mới cho là vinh”. (2)
Xem thế mới biết, việc ứng thi mới một tài năng như Phùng Khắc Khoan đâu có phải là chuyện thường tình, mà là việc hệ trọng, là danh sự của kẻ sĩ thuần kiết ngay cả trong lúc đương chức đương quyền. Đi thi là sự xem xét đánh giá lại kiến thức, nhân cách của mình theo đúng phép nước, đúng trách nhiệm và đòi hỏi cao quí của ông quan thanh bạch để qua sát hạch mong có đủ tài cao, đức trọng để hướng dẫn cho dân, bảo ban dân.
“Ôn cố tri ân”, nếu ngày nay Nhà nước ta biết hàng năm sát hạch lại một cách nghiêm ngặt đội ngũ cán bộ quản lý từ thấp đến cao của các cấp chính quyền, kể cả các nhà khoa học về kiến thức, tâm lý, về tri và hành, về tài năng và phong độ…thì mới có thể chọn lọc được một đội ngũ xứng đáng với bậc chăn dắt dân, như Bác Hồ kính mến hằng chỉ bảo: Cán bộ là người đầy tớ trung thành của nhân dân. Sát hạch như vậy mới có thể dần dần thanh lọc được bọn dối trá, xu nịnh, tham nhũng. Như vậy, bài học của Phùng Khắc Khoan phải chăng mới là hữu ích cho hiện tại và hậu thế soi chung.
Năm 1592 Trịnh Tùng dẫn đại quân ra bắc diệt Mạc, thu phục lại kinh đô Thăng Long, trong sự nghiệp thống nhất sơn hà đó có công lao đóng góp của Phùng Khắc Khoan. Ông đã nhiều lần sử dụng sự hiểu biết và tài trí của mình giải đáp những loại câu “đố chữ” ngang ngược của các sứ thần bành trướng phương bắc cho thấy để “giao tiếp với thiên triều”. Ông đã học hỏi tinh thông văn tự, ngữ nghĩa, triết tự, thi ca, điển tích, văn sách…để tiếp nhận những tinh hoa của văn hoá Trung Hoa để làm giầu cho văn hoá Việt Nam, đồng thời cũng để thông minh, hoà hiếu thiết lập bang giao bình đẳng với nước bạn láng giềng.
Năm 1596 (Bính Thân) Phùng Khắc Khoan đã cũng một số đại thần, kỳ lão đưa vua Lê lên trấn Nam Quan “hội khám” theo đòi hỏi của triều Minh.
“Vua Minh thấy Phùng Khắc Khoan tướng mạo xấu xí, thấp bé, cười nói:
- Ngày trước bọn Mộc Thạch, Trương Phụ ở An Nam về tâu rằng nhân tài răp rắp, hào kiệt ngời ngời. Nay sứ giả Phùng Khắc Khoan đến đây chắc đã được tuyển tinh, chọn kỹ. Nhân tài phồn thịnh có thể thấy được chăng?...Người ở nước Nam làm quan chức gì?
- Đáp: “Thần ở nước Nam thi đỗ Trạng Nguyên, được phong chức Thượng Thư Bộ Hộ.
- Người là Trạng Nguyên nước Nam, hẳn là thông kim bác cổ. Nay trẫm thử hỏi người: Việc trong thiên hạ rất dễ mà rất khó. Vậy thì việc gì dễ nhất và việc gì khó nhất?
Khắc Khoan tâu đáp:
- Người sinh ra trong cõi đời, phàm những chuyện về thiên văn, địa lý, nhân sự, tao giáo, cửu lưu, bách công kỹ nghệ đều là việc rất dễ: Duy chỉ có hai chữ “thanh, sắc” là khó mua, khó cầu, ấy là việc rất khó có được!
Vua Minh lại hỏi:
- Thức ăn món gì ngon nhất? Đồ dùng thứ gì quý nhất?
Khắc Khoan đáp:
- Thức ăn ngon không gì bằng muối trắng, đồ vật quý không gì bằng người hiền. Muối trắng có thể điều hoà cho đủ độ ngọt ngon, cho vừa mặn nhạt…Đó là thức ăn ngon vậy. Người hiền có thể cương, có thể nhu, có thể giúp phò xã tắc, có thể chuyên loạn thành trị, biến chuân thành hanh, bồi dưỡng mệnh mạch, nước nhà đạt đến thăng bình, thịnh vượng, giúp rập cơ đồ dài lâu…Ấy là của báu chân chính…
…Các quan văn võ triều Minh tấm tắc khen ngợi không ngớt. Vua Minh nói:
- Sứ giả nước Nam mặt mũi xấu xí nhưng đối đáp trôi chảy. Ta phải thử hỏi như thế để biết rõ tài năng…”(1).
Vua Minh bèn ban yến. Sau đó vua Minh còn cho thợ giỏi làm chim sẻ đặt giả trên bụi trúc trước điện, cho mời Phùng Khắc Khoan đến hỏi. Xem xong Trạng xuống thềm chộp lấy chim, ném xuống đất vỡ thành mảnh và thản nhiên tâu:
“Trúc là hạng quân tử, ví như mình rồng của Thiên tử. Sẻ là hạng tiểu nhân, ví như kẻ phàm phu tục tử, lẽ đâu lại để cho tiểu nhân đứng trên quân tử? Thế là các quan thượng quốc đã khinh mạn thiên tử vậy. Nước thần tuy nhỏ nhưng còn biết phân biệt lẽ vua tôi, đạo cha con, nghĩa anh em, rạch ròi kẻ trên người dưới, chứ không ôn tập, lộn ngược dưới trên. Lẽ như thế, chứ đâu phải thần không biết nó là con chim giả đâu! (2)
Và biết bao chuyện đối đáp nhanh trí như vậy (như chuyện xem ngựa mẹ, con giống nhau…). Có thể là thực, có thể thêm lời thêu dệt vì sự cảm phục tài trí Phùng Khắc Khoan. Các câu chuyện và văn bản còn lưu được về mối quan hệ bằng hữu của Trạng Bùng với sứ thần Triều Tiên, Nhật Bản, về sứ Hoa thi tập v.v…
Tựu trung để nói đến tài năng, dũng khí và tấm lòng ưu ái vì nước, vì dân của thiên tài dân tộc “Lưỡng quốc Trạng Nguyên” Phùng Khắc Khoan.
Đó là một nhà trí thức lớn, uyên bác thế kỷ XVI – XVII mà tầm vóc, bóng cả và sự uyên bác của Phùng Khắc Khoan còn in đậm vào nhiều thế kỷ trước kia, hiện nay và tương lai của dân tộc ta.
Tiến sĩ Đỗ Uông, người đồng thời với ông đã thông qua lời đề tựa tập thơ Sứ Hoa của Phùng Khắc Khoan đánh giá:
…“Phùng Khắc Khoan hào kiệt tài cao, khoa giáp nổi tiếng…Ông là nhân vật đệ nhất nước Nam…Đó là nhờ ông tự hàm dưỡng…Ông có đại tài, sức học dồi dào, đạo đức đầy đủ, phân nghĩa sâu xa điều đó đủ để giúp nước bình trị, vỗ về dân chúng. Lòng ông rộng rãi, khí độ hiên ngang, đủ sức xoay trời, chuyển đất thao túng vũ trụ…
…Tôi biết ông là người có tước danh xứng với thực tài, đức độ ở đời của ông càng lâu càng sáng…(3)
Một lời nhận xét được viết từ năm 1599 của Tiến sĩ, Binh bộ Thượng thư Đỗ Uông đã ngót 400 năm như tạc vào sông núi và giúp ta hình dung như thấy ngay trước mắt một cây đại thụ Phùng Khắc Khoan sừng tài cao, trí lớn, đức rộng, do tự hàm dưỡng cùng với cái vốn do trời phú mà có. Lời nhận xét đó về Phùng Khắc Khoan như bày ra một tấm gương trong để mọi bậc hữu trách soi bóng vào và tự vấn mình với non sông đất Việt thiêng liêng, mà bao bậc tài trí như Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Phùng Khắc Khoan đã dày công vun đắp.
Thật khó có thể nói đủ trong một bài viết về một thiên tài kiệt xuất như Phùng Khắc Khoan. Gìn giữ lại di tích của Trạng Bùng ở Kẻ Bùng, Phùng Xá, Hà Tây là nhiệm vụ của chúng ta để muôn đời lưu truyền cho con cháu các thể hệ tương lai.
Nhà thờ Hoằng đạo thư đường và các di tích còn lại của Phùng Khắc Khoan, nhất là hai bức tranh truyền thần lớn vẽ chân dung cụ cần được gìn giữ nguyên vẹn bằng phương pháp khoa học (một bức nguyên gốc, một bản sao 1,5 x 2m). Được biết Viện nghiên cứu năng lượng nguyên tử và Trung tâm chiếu xạ hạt nhân đang áp dụng phương pháp mới vào bảo quản vật liệu. Cần nhanh chóng liên hệ với Viện và Trung tâm này để bảo vệ cấp bách hai bức truyền thần để chống sự tự huỷ hoại đáng tiếc do thời gian và thời tiết, khí hậu gây ra. Hiện nay, ở Thanh Hoá, nơi Phùng Khắc Khoan đã chịu ơn dân, lộc triều đình và phục vụ khá dài, hiện nay có nghề chạm trạm tranh truyền thần trên đá (ở phố Voi), có thể mời các nghệ nhân đất Thanh ra Phùng xem xét tạc lại bức chân dung Trạng Bùng bằng đá lớn theo mẫu tranh truyền thần lớn đã có phải chăng là việc làm cần thiết và hữu ích.
Năm 1993 là năm kỷ niệm 465 năm sinh và tròn 380 năm mất (24/9/Quý Sửu, 1613) của Phùng Khắc Khoan, với công lao, tài đức của Ông về chính trị, quân sự, ngoại giao, kinh tế, đặc biệt là văn hóa đối với đất nước và những công đức của ông đưa dệt lược, giống ngô, khai mương, chữa cày, dạy nghề nông, dạy trẻ việc nông trang trong Đào Nguyên hãnh…thiết nghĩ nên đề nghị lập Uỷ ban Quốc gia và Quốc tế (UNESCO) kỷ niệm danh nhân văn hoá Phùng Khắc Khoan.
Đến ngày đó, để tôn tạo đền thờ, lăng mộ Trạng Bùng, cũng nên tạo cho các di tích thiêng liêng của Phùng Khắc Khoan một môi trường thoáng đãng, có cây xanh, cổ thụ, tượng đài một Ông Trạng nhỏ bé, xấu xí mà trí tuệ, tài đức rộng lớn cao vời, thiết nghĩ đó là một hành động thiết thực hưởng ứng Thập kỷ phát triển văn hoá, bảo vệ bản sắc dân tộc tốt đẹp của dân tộc Việt Nam ta.
Phó giáo sư PHAN KHANH
(Bài viết được lấy từ cuốn sách "Phùng Khắc Khoan- Cuộc đời và thời đại"
Kỷ yếu Hội thảo khoa học danh nhân văn hoá Phùng Khắc Khoan 1992)
THÔNG BÁO
- Phòng PC 07 - Công an thành phố Hà Nội đăng tải công khai danh sách các cơ sở kinh doanh không đảm bảo các điều kiện an toàn PCCC&CNCH trên địa bàn huyện Thạch Thất
- Công khai danh sách các cơ sở, công trình vi phạm quy định về PCCC trên địa bàn huyện Thạch Thất
- Công khai danh sách các cơ sở, công trình vi phạm quy định về PCCC trên địa bàn huyện Thạch Thất
- Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Thạch Thất thông báo về kết quả lựa chọn tổ chức hành nghề đấu giá tài sản!