TIN TỨC - SỰ KIỆN TIN TỨC - SỰ KIỆN

Thạch Thất: Hơn 800 đại biểu dự Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai Nghị quyết số 66 và Nghị quyết số 68 của Bộ Chính trị
Publish date 18/05/2025 | 15:30  | Lượt xem: 74

Sáng ngày 18/5, Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng tổ chức Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết số 66, ngày 30/4/2025 của Bộ Chính trị về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới và Nghị quyết số 68, ngày 4/5/2025 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân.

Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp tại điểm cầu Hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội và kết nối trực tuyến tới hơn 37.000 điểm cầu bộ, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị trong cả nước, với hơn 1,5 triệu đại biểu tham dự. Đồng thời, Hội nghị được truyền hình và phát thanh trực tiếp trên Đài Truyền hình Việt Nam và Đài tiếng nói Việt Nam. 

Điểm cầu tại UBND huyện Thạch Thất

Tại huyện Thạch Thất, Hội nghị được kết nối tới 21 điểm cầu, gồm 1 điểm cầu tại huyện và 20 điểm cầu xã, thị trấn, với sự tham dự của hơn 800 đại biểu. 

Điểm cầu các xã của huyện Thạch Thất

Tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã trình bày chuyên đề “Nội dung trọng tâm, cốt lõi của Nghị quyết số 68, ngày 4/5/2025 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân và kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 68”. Thủ tướng nhấn mạnh, Nghị quyết số 68 được xây dựng, ban hành rất nhanh dưới sự chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm. Sau khi Nghị quyết số 68 được ban hành, trong vòng 13 ngày, Quốc hội, Chính phủ đã ban hành 3 nghị quyết để thể chế hóa và triển khai. Điều này cho thấy sự chuẩn bị kịp thời, nhanh chóng nhưng cũng rất chu đáo, chất lượng, với tinh thần làm việc rất khẩn trương, nghiêm túc, dưới sự chỉ đạo, quan tâm của Bộ Chính trị và đồng chí Tổng Bí thư.  

Cũng tại Hội nghị, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã trình bày chuyên đề “Nội dung trọng tâm, cốt lõi của Nghị quyết số 66, ngày 30/4/2025 của Bộ Chính trị về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới và kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 66”. Chủ tịch Quốc hội cho biết, ngày 17/5, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 197 về một số cơ chế, chính sách đặc biệt tạo đột phá trong công tác xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật để kịp thời thể chế hóa ngay các quyết sách của Nghị quyết 66. Nghị quyết số 197 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2025, kỳ vọng tạo bước đổi mới đột phá, có tính chiến lược, kịp thời, linh hoạt, đáp ứng yêu cầu của công tác xây dựng pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật.  

Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu kết luận Hội nghị

Phát biểu kết luận Hội nghị, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh, bốn Nghị quyết quan trọng của Bộ Chính trị ban hành trong thời gian gần đây: Nghị quyết số 57 về thúc đẩy khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo; Nghị quyết số 59 về chủ động hội nhập quốc tế sâu rộng; Nghị quyết số 68 phát triển mạnh mẽ khu vực kinh tế tư nhân; Nghị quyết số 66 đổi mới toàn diện công tác xây dựng, thi hành pháp luật là những trụ cột thể chế nền tảng, tạo động lực mạnh mẽ đưa đất nước ta tiến lên trong kỷ nguyên mới, hiện thực hóa tầm nhìn Việt Nam phát triển, thu nhập cao vào năm 2045. Điểm đột phá chung của cả bốn nghị quyết là tư duy phát triển mới: từ “quản lý” sang “phục vụ”, từ “bảo hộ” sang “cạnh tranh sáng tạo”, từ “hội nhập bị động” sang “hội nhập chủ động”, từ “cải cách phân tán” sang “đột phá toàn diện, đồng bộ và sâu sắc”. Đây là bước chuyển tư duy căn bản, kế thừa thành tựu đổi mới 40 năm qua và phù hợp với xu thế toàn cầu trong kỷ nguyên số. 

Tổng Bí thư đã chỉ rõ bốn nhiệm vụ trọng tâm trong 5 năm tới (2025-2030): Hoàn thiện thể chế pháp luật hiện đại, đồng bộ, thúc đẩy phát triển; Đột phá trong khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; Tăng tốc hội nhập quốc tế toàn diện, chủ động, hiệu quả; Phát triển khu vực kinh tế tư nhân thực chất, trở thành “một động lực quan trọng nhất” của nền kinh tế quốc gia. 

Ngoài ra, Tổng Bí thư đề nghị toàn hệ thống chính trị khẩn trương thực hiện 8 nhiệm vụ trọng tâm năm 2025: Nhanh chóng hoàn thiện và ban hành các chương trình, kế hoạch hành động quốc gia thực hiện 4 nghị quyết, bảo đảm gắn kết chặt chẽ, xác định rõ mục tiêu, nhiệm vụ, lộ trình và phân công cụ thể; Khẩn trương rà soát toàn diện hệ thống pháp luật, triển khai sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc bãi bỏ các quy định bất cập theo tinh thần Nghị quyết 66; Khởi động ngay các chương trình trọng điểm về khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, phê duyệt, triển khai các chương trình quốc gia, hình thành thêm các trung tâm đổi mới sáng tạo mới, xây dựng khung pháp lý cho mô hình sandbox; Thực hiện đột phá trong cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh: Ưu tiên đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực để triển khai nghị quyết; Đẩy mạnh truyền thông, tạo đồng thuận xã hội;... 

“Kể từ Hội nghị Trung ương X khóa XIII (9/2024) đến nay, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã làm việc ngày đêm tập trung giải quyết nhiều vấn đề cốt lõi, tháo gỡ những “điểm nghẽn”, tạo không gian phát triển mới cho đất nước. Triển khai quyết liệt nội dung Nghị quyết 18 của Ban Chấp hành Trung ương về “một số vấn đề tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”; xây dựng chính quyền địa phương hai cấp; sắp xếp lại đơn vị hành chính để “cất cánh”... những công việc nêu trên không chỉ được cán bộ, đảng viên nghiêm túc triển khai mà điều quan trọng hơn là hầu hết nhân dân trong cả nước theo dõi, đồng tình, ủng hộ, coi đây thực sự là cuộc cách mạng của đất nước trong thời kỳ mới”. Tổng Bí thư cho biết: 

Tổng Bí thư kêu gọi toàn hệ thống chính trị, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân hãy chung sức, đồng lòng, vượt qua mọi khó khăn, biến khát vọng thành hành động, biến tiềm năng thành sức mạnh thực tế, để cùng nhau đưa đất nước ta bước vào kỷ nguyên mới – kỷ nguyên phát triển, thịnh vượng, hùng cường của dân tộc Việt Nam./.