TIN TỨC - SỰ KIỆN TIN TỨC - SỰ KIỆN

Một nhà giáo giàu tâm huyết, vừa làm báo, vừa làm thơ
Publish date 28/11/2012 | 08:11  | Lượt xem: 30

Ở Hương Ngải (Thạch Thất, Hà Nội)- một làng quê hiếu học và giàu truyền thống cách mạng, xã Anh hùng lực lượng vũ trang thời kỳ chống Pháp, có cô giáo- thạc sỹ Nguyễn Thị Thiện, nguyên là phó hiệu trưởng trường THPT Thạch Thất. Sau 34 năm trồng người trên vùng đất quê hương, cô có nhiều học trò đã trưởng thành là tiến sỹ, là cán bộ quản lý ở nhiều lĩnh vực; có người là kỹ sư, bác sỹ, sỹ quan quân đội, là giáo viên, công nhân hay nông dân vẫn luôn nhớ về cô với cả tấm lòng trân trọng./p>

Một nhà giáo giàu tâm huyết, vừa làm báo, vừa làm thơ

 

Ở Hương Ngải (Thạch Thất, Hà Nội)- một làng quê hiếu học và giàu truyền thống cách mạng, xã Anh hùng lực lượng vũ trang thời kỳ chống Pháp, có cô giáo- thạc sỹ Nguyễn Thị Thiện, nguyên là phó hiệu trưởng trường THPT Thạch Thất. Sau 34 năm trồng người trên vùng đất quê hương, cô có nhiều học trò đã trưởng thành là tiến sỹ, là cán bộ quản lý ở nhiều lĩnh vực; có người là kỹ sư, bác sỹ, sỹ quan quân đội, là giáo viên, công nhân hay nông dân vẫn luôn nhớ về cô với cả tấm lòng trân trọng.

 

Em Khuất Văn Phiến, một học sinh nghèo vượt khó học giỏi tiêu biểu của trường THPT Thạch Thất, nay là sinh viên năm thứ tư lớp chất lượng cao K35CA của trường Đại học Công nghệ- Đại học quốc gia Hà Nội- đã phát biểu cảm nghĩ tại Đại hội khuyến học của Huyện lần thứ III (2009- 2014): “Suốt cuộc đời này em sẽ chẳng bao giờ quên hình ảnh của các thầy cô trong trường THPT Thạch Thất. Em sẽ nhớ mãi hình ảnh ân cần của cô giáo Nguyễn Thị Thiện. Mặc dù là Phó hiệu trưởng, phải đảm trách nhiều công việc của trường nhưng cô luôn quan tâm tới học sinh và em luôn cảm thấy vui sướng tự hào khi ngay từ những ngày mới bước chân vào trường đã được cô quan tâm. Đối với em, cô là người mẹ, người bạn, vì trong 3 năm học, ngoài những giờ trên lớp, em luôn được cô gần gũi, cảm thông, giúp đỡ, động viên nhiều mặt, tạo điều kiện cho em học tập”.

 

Trong buổi chia tay cô về hưu, em Cấn Trọng Đạt, học sinh lớp 12A14 đã tâm sự: “ Em thấy rất xúc động khi phải chia tay với cô. Em buồn lắm cô ơi! Vì sân trường, hành lang, lớp học từ mai sẽ không còn nghe thấy tiếng bước chân cô nữa; giờ chào cờ sẽ không còn được nghe những lời giảng, những lời nhận xét ân cần của cô. Không biết nói gì hơn, em chỉ muốn gửi những lời tri ân sâu sắc tới tất cả những gì cô đã dành cho chúng em, dành cho mái trường thân yêu này. Công ơn lớn lao của cô, của các thầy cô trong trường, chúng em nguyện khắc sâu trong tim mình.”

 

Cô giáo Vương Thị Thanh Hương, học trò cũ- đồng nghiệp của cô, đã rất xúc động viết bài thơ quyến luyến tặng cô (đã đăng trên tạp chí Giáo dục thủ đô tháng 3/2012), trong đó có những câu:

…Vắt trái tim mình để có áng văn hay

Cô thổi hồn mình vào những trái tim bé bỏng

Hình thành nhân cách

Lớp người sau mãi ghi nhớ ơn này.

 

Tâm huyết của cô không chỉ với nghề, với trò, không chỉ thể hiện qua các bài giảng trên lớp mà còn thể hiện qua khá nhiều bài báo cô viết về giáo dục. Cô là cộng tác viên tích cực các tờ báo: Giáo dục và thời đại, Giáo dục và thời đại Chủ nhật, báo Hà Nội Mới, An ninh thủ đô, báo Pháp luật, tạp chí Văn học và tuổi trẻ…Đề tài, nội dung đa dạng các bài báo đã chứng tỏ vốn kiến thức phong phú, sâu rộng của cô. Cô đã từng nhận được giải thưởng khuyến khích cuộc thi viết Gương người tốt việc tốt của Báo Hà Tây với bài Đất sỏi có chạch vàng. Một số bài báo của cô không chỉ nêu lên thực trang mà còn đề xuất những giải pháp hay của người trong cuộc, góp phần cải cách giáo dục tại cơ sở nói riêng và của ngành giáo dục nói chung như: Đôi điều về đánh giá chất lượng giáo dục; Công tác quản lý và phê duyệt hồ sơ học bạ cho học sinh; Để khắc phục bệnh thành tích trong giáo dục và thi cử…Nhiều bài viết của cô trên đài truyền thanh Thạch Thất được đông đảo bạn nghe đài đón nhận.

 

          Không chỉ vậy, là thành viên của BCH Câu lạc bộ thơ, cô giáo Nguyễn Thị Thiện còn có năng khiếu viết giới thiệu, viết lời bình nhiều tập thơ, bài thơ của các thi huynh, thi hữu và thơ học sinh. Cô đã được tín nhiệm dẫn chương trình một số buổi giao lưu thơ do huyện Thạch Thất tổ chức nhân dịp chào mừng Đại lễ 1000 năm Thăng Long -  Hà Nội hay nhân Ngày Hội thơ xuân kỷ niệm 484 năm ngày sinh danh nhân văn hoá Trạng Bùng Phùng Khắc Khoan rất thu hút người nghe. Cô còn là tác giả của nhiều bài thơ, nhiều vần thơ rất ấn tượng như:

          Mồ hôi mẹ /mặn chát/ nhỏ xuống đất/ lúa đơm bông.

          Mồ hôi cha/ mặn chát/ rơi xuống đất/ khoai nên vồng.

          Mồ hôi anh/ rơi/ thành những ngôi nhà mới.

          Mồ hôi chị/ rơi/ thành những luống hoa tươi.

          Mồ hôi thầy cô/ rơi/ khai sáng cho em trí tuệ…(1996).

Hay những vần thơ cô vừa viết (3/2012) khi Tạm biệt mái trường:

          Nắng buổi chiều nay bỗng vàng hơn,

          Cánh phượng hồng chợt nhạt nhoà sắc đỏ

          Xa trường rồi! Từ mai đâu còn nữa

          Tiếng trống trường giục giã bước chân ai?

          …………………….

          Dẫu biết rằng sau buổi chia tay

          Là gửi lại phía sau tất cả

          Đồng nghiệp, bạn bè với bao trò nhỏ

          Phấn trắng, bảng đen, bục giảng thân quen…

Và nhìn lại chặng đường dạy học đac đi qua, cô Tâm sự:

          Ba mươi tư năm, quá vạn ngày.

          Chở bao nhiêu chuyến đò đầy sang sông

          Viết bao viên phấn đã mòn

          Nay trang giáo án hãy còn ngẩn ngơ…

 

Một nhà giáo giàu tâm huyết, một báo cáo viên giỏi trong công tác tuyên truyền học tập tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; một đảng viên tiêu biểu đã được Huyện uỷ Thạch Thất khen thưởng trong Hội nghị Sơ kết 5 năm học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh (12/2010) thật đáng trân trọng biết bao./.

 

Trọng Đông