HƯỚNG VỀ QUÊ HƯƠNG THẠCH THẤT HƯỚNG VỀ QUÊ HƯƠNG THẠCH THẤT

Nghệ thuật rối nước làng Ra
Publish date 04/12/2014 | 09:06  | Lượt xem: 677

Theo truyền thuyết, môn rối nước làng Ra do pháp sư Từ Đạo Hạnh truyền nghề cho dân làng từ thế kỷ XI. Sau khi pháp sư Từ Đạo Hạnh về ngự tại chùa Thày (xã Sài Sơn – huyện Quốc Oai), cùng với việc đi truyền giáo cho các làng xung quanh, pháp sư đã dạy nghệ thuật múa rối nước cho dân làng Ra...

(Đăng ngày 04/12/2014)

 

Xã Bình Phú, huyện Thạch Thất là một cộng đồng dân cư cổ. Quá trình sinh sống cũng là quá trình các cộng đồng dân cư trong xã luôn phải đoàn kết để tổ chức sản xuất và đấu tranh, bảo vệ đồng điền, xóm làng, từ đó hình thành nên những truyền thống văn hóa tốt đẹp. Là cộng đồng dân cư tương đối ổn định và phát triển, vì vậy từ cổ xưa, cùng với đời sống vật chất, thì đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân cũng được quan tâm và phát triển; nhiều phong tục tập quán, lễ hội, đình đám còn giữ nguyên bản sắc và có ý nghĩa sâu sắc về văn hóa truyền thống, trong đó phải kể đến nghệ thuật rối nước làng Ra.

Rối nước là môn nghệ thuật đặc sắc còn lưu giữ và phát triển ở trong xã. Từ một nghệ thuật mang yếu tố dân gian, múa rối nước đã trở thành một nghệ thuật truyền thống, có vị trí cao trong nghệ thuật sân khấu. Tinh hoa của nghệ thuật múa rối nước ngày càng nhận được nhiều sự ngưỡng mộ của bạn bè quốc tế, trở thành một sản phẩm nghệ thuật độc đáo.

 Theo truyền thuyết, môn rối nước làng Ra do pháp sư Từ Đạo Hạnh truyền nghề cho dân làng từ thế kỷ XI. Sau khi pháp sư Từ Đạo Hạnh về ngự tại chùa Thày (xã Sài Sơn – huyện Quốc Oai), cùng với việc đi truyền giáo cho các làng xung quanh, pháp sư đã dạy nghệ thuật múa rối nước cho dân làng Ra. Coi là ông tổ truyền nghề cho làng, vì vậy khi mất ông được nhân dân trong làng thờ cúng. Để ghi nhớ công ơn thầy dạy, đến thế kỷ XV nhân dân làng Thày (xã Sài Sơn  - huyện Quốc Oai) đã xây dựng Thủy đình tại hồ Long Trì (trước cửa chùa Thày hiện nay) để hàng năm vào dịp lễ hội mùng 7 tháng 3 (âm lịch) phường rối nước làng Ra sang biểu diễn. Tương truyền pháp sư Từ Đạo Hạnh còn cấp cho làng Ra 3 mẫu ruộng, hàng năm thu hoa lợi để chăm lo, tổ chức biểu diễn rối nước tại hội chùa Thày.

               Thủy Đình là nơi diễn ra những buổi múa rối nước ở làng Ra - Bình Phú vào dịp lễ hội chùa Thày 7/3 (âm lịch)

So với nghệ thuật múa rối thông thường, múa rối nước mang nhiều đặc điểm khác như: dùng mặt nước làm sân khấu; buồng rối nước hay còn gọi là thủy đình với cấu trúc cân đối, tượng trưng cho mái đình của vùng nông thôn Việt Nam là sân khấu biểu diễn trò rối nước.

Riêng đối với những con rối, để làm ra được những “chú rối” phải trải qua rất nhiều công đoạn, đòi hỏi sự tỉ mẩn, khéo léo của những người nghệ nhân. Chất liệu làm nên con rối phải là loại gỗ sung - một loại gỗ dai, nhẹ, dẻo để con rối có thể nổi trên mặt nước và người điều khiển con rối có thể dễ dàng biểu diễn. Những quân rối nước thường được sử dụng trong buổi biểu diễn của phường rối làng Ra gồm có ông Tướng loa, chú Tễu, người đi cày...

Nhưng đặc biệt, sự thành công hay thất bại của con rối nước phụ thuộc phần nhiều vào kỹ xảo điều khiển con rối của người nghệ nhân. Tay nghề điều khiển con rối sẽ tạo ra những cử động linh hoạt và nhiều vẻ của con rối. Sau bức màn che, các nghệ sĩ trình diễn múa rối nước phải đứng suốt trong làn nước lạnh ngang hông để điều khiển các con rối bằng hệ thống dây được bố trí bên ngoài và dưới nước.

Một yếu tố không thể thiếu trong chương trình biểu diễn múa rối nước là âm thanh. Trước đây, biểu diễn múa rối nước thường ở sân khấu ngoài trời giữa ao hồ, nên rối nước cần âm thanh mạnh để giữ tiết tấu và khuấy động không khí buổi diễn. Vì mang tính hoạt náo của hội hè nên có tác dụng mạnh đối với cả người diễn lẫn người xem. Ngoài ra, âm nhạc là sản phẩm của nền văn minh lúa nước đồng bằng Bắc bộ nên âm nhạc và lời ca trong diễn xuất các tích trò được sử dụng các làn điệu chèo đồng bằng Bắc bộ.

Là môn nghệ thuật truyền thống đặc sắc nên rối nước làng Ra được các thế hệ trong làng lưu truyền từ đời này sang đời khác bằng cách tự dạy, học lẫn nhau. Cũng chính vì vậy mà làng Ra thời nào cũng có nhiều nghệ nhân rối nước có tay nghề cao, điêu luyện; các thế hệ sau này đều có những cải tiến về nội dung, hình thức biểu diễn, làm cho môn nghệ thuật này của làng Ra ngày càng phong phú, đặc sắc.

Điều khác biệt với các phường rối nước trên cả nước, rối nước làng Ra điều khiển con rối chủ yếu bằng dây (các phường rối nước khác điều khiển chủ yếu bằng sào); khuôn mặt và trang phục của quân rối mang phong cách tạo tác theo hướng tượng phật; nhiều tích trò chỉ làng Ra mới có như tích Hai Bà Trưng đánh giặc… Ngoài ra, không bắt đầu hình ảnh chú Tễu như thường lệ ở các địa phương bạn, phường rối nước làng Ra sử dụng hình ảnh ông Tướng Loa là chủ đạo và giới thiệu chương trình cho từng buổi diễn còn chú Tễu chỉ để xen trò – Đây là nét đặc trưng riêng của nghệ thuật rối nước làng Ra, tạo nên nhiều điểm độc đáo và bản sắc riêng của mình.

Bởi mang tính bản địa, múa rối nước gần gũi với đời sống thường nhật của người dân, góp phần không nhỏ trong việc truyền bá kiến thức sản xuất, giáo dục tinh thần yêu nước, đạo đức, lẽ sống cho mọi tầng lớp xã hội. Do đó,  những trò rối được dân làng đúc kết từ những kinh nghiệm sản xuất như nhảy qua vòng lửa, xay lúa giã gạo, leo cột cướp cờ, úp nơm đánh cá… những trò chơi này gần gũi với cuộc sống của người nông dân. Nhân vật trong các vở diễn là những con vật gắn bó với người nông dân như con nghé lội ruộng, con trâu đi bừa… để ca ngợi, khích lệ tinh thần làm việc của người nông dân. Ngoài ra, các tích trò rối nước của làng Ra  luôn được đổi mới, nội dung các trò đều kết hợp hài hòa giữa vốn văn hóa cổ truyền với hiện đại. Nhiều tiết mục rối nước cổ tiêu biểu, đặc sắc thường xuyên được biểu diễn như: Vinh quy bái tổ; Tướng Loa, Tướng Trùy; Mời trầu, Tặng hoa; Leo cột cắm cờ, đốt pháo bật cờ; Rước kiệu rời tượng; Múa rồng; Ngựa dần; Cày bừa, chọi trâu; Đi cấy, tát nước; Chăn vịt, rắn; Cá, rùa bơi lượn. Đặc biệt, kho rối của phường hiện còn giữ được những con rối cổ trên trăm năm tuổi.

Với nghệ thuật đặc sắc của môn rối nước, vì vậy phường rối làng Ra đã đi biểu diễn và tham gia nhiều sự kiện long trọng của đất nước, từng được mời đi biểu diễn ở Italia, Đài Loan và dự triển lãm rối nước ở Áo, Singapore, Trung Quốc. Phường rối nước làng Ra đã được Nhà nước, các cấp, các ngành tặng thưởng nhiều huy chương, bằng khen và giấy khen.

Phường rối nước làng Ra tồn tại và phát triển lâu đời, mỗi thời đều có quy định, quy ước hoạt động của phường để ngày càng phát triển. Ngày nay phường rối nước đã được sự quan tâm hỗ trợ của các cấp chính quyền và các tổ chức quốc tế, do đó càng có nhiều thuận lợi duy trì, bảo tồn và phát huy môn nghệ thuật rối nước của làng.

                                                           Vũ Chính

Ban Tuyên giáo huyện ủy Thạch Thất