HƯỚNG VỀ QUÊ HƯƠNG THẠCH THẤT
Hệ thống tượng của chùa khá nhiều, nhưng đặc biệt tiêu biểu là các tượng được tạo tác ở thời Tây Sơn gồm: Bộ tượng Di Đà Tam Tôn, Tượng Tuyết Sơn, bộ tượng Di Lặc tam tôn trên Phật điện ở tòa giữa, tượng Hộ pháp ở tòa ngoài, tượng Tổ Kế Đăng ở tòa sau chùa chính...
Chùa Tây Phương (Sùng Phúc Tự) được xây dựng trên đỉnh núi Câu Lậu có mặt bằng khá rộng, được bao quanh bằng hệ thống cây tự nhiên với ba tòa, bố cục mặt bằng chữ Tam, tòa trước và tòa sau 5 gian, tòa giữa 3 gian, là một sáng tạo độc đáo về kiến trúc thời Tây Sơn (niên đại cụ thể là 1794).
Bằng kiến trúc chùa Tây Phương có sự khác biệt với nhiều chùa khác dẫn đến sự sắp xếp tượng pháp cũng theo lối riêng. Hệ thống tượng của chùa khá nhiều, nhưng đặc biệt tiêu biểu là các tượng được tạo tác ở thời Tây Sơn gồm: Bộ tượng Di Đà Tam Tôn, Tượng Tuyết Sơn, bộ tượng Di Lặc tam tôn trên Phật điện ở tòa giữa, tượng Hộ pháp ở tòa ngoài, tượng Tổ Kế Đăng ở tòa sau chùa chính.
Tượng Tuyết Sơn tại chùa Tây Phương
- Bộ tượng Di Đà Tam Tôn (A Di Đà, Quan Thế Âm, Đại Thế Chí): Tượng A Di Đà được tạc ở tư thế đứng trên đài sen, chân hơi mở, tạo thế chững chạc, vững vàng. Tượng mặc áo dài chạm đất, hai vạt chéo trước bụng, để hở ngực, các nếp áo sống động. Tay phải tượng buông thẳng xuống đất, vừa có ý lấy đất chứng giám, vừa là sự hòa hợp của thiếu dương và thái âm, cũng biểu thị sự tiếp dẫn. Tay trái tượng đặt ngang trước bụng, để ngửa tay hứng viên ngọc biểu thị ánh sáng Phật pháp. Đầu tượng hơi thắt trên đỉnh làm nổi rõ u nhục kháo, trước ngực là chuỗi Anh Lạc có chữ “Vạn” nhỏ ở chính giữa.
Tượng Quan Thế Âm và Đại Thế Chí được tạo tác đứng trên bệ vuông, khá giống nhau, chỉ khác tay phía trong gấp ngang trước ngực, tay phía ngoài gấp đứng, các ngón kết ấn Chuyển pháp luân để hội tụ sinh lực cứu chúng sinh. Tượng có khuôn mặt trái xoan, mắt hơi nhìn xuống, mũi cao, tóc chải hất lên búi trên đỉnh, rồi được chụp lại bằng những chiếc mũ, kết lại bởi các cánh sen cách điệu nổi khối chầu vào vòng sáng đức Phật ở phía trước, tua rủ xuống ngực và vắt qua tay chảy hòa vào nếp áo. Thân tượng cao dong dỏng, áo khoác dài nhưng để tay trần. Cổ và ngực đeo dây Anh Lạc, cánh tay đeo vòng. Khác với các tượng ở các chùa được thếp vàng toàn thân, tượng chùa Tây Phương có mặt và tay sơn màu da, áo màu gụ với các dải và gấu áo bay nhẹ nhàng.
- Tượng Tuyết Sơn: được tạc dưới dạng một người khắc khổ, gầy gò, ngồi trong tư thế tự nhiên thoải mái, đầu hơi nhô về phía trước, chân phải gấp ngang đặt áp sát bệ ngồi, chân trái chống thẳng, tay phải gấp thước thợ, đặt úp bàn tay lên đùi, tay trái hơi gấp, đặt cẳng tay lên đùi. Tượng chỉ khoác hờ mảnh áo trên vai trái, để lộ dường như cả bộ xương với những nếp nhăn, vặn trũng xuống. Đầu tượng là một khối căng tròn, khuôn mặt xương xương, hốc mắt và gò má lõm làm nổi khối đầu, chứa chất một sức sống mạnh mẽ. Nghệ nhân xưa đã nắm rất vững giải phẫu cơ thể để sắp xếp, cấu tạo chuẩn xác cho tượng. Toàn thân tượng được sơn màu nâu đen, lấy bóng tối của khối hình để nổi lên trên toàn cảnh vàng son và khẳng định sự từ tâm nhà Phật, gợi cái chết hình thức để tôn cao cái sống bản thể.
- Bộ tượng Di Lặc tam tôn (Di Lặc, Pháp Hoa Lâm, Đại Diệu Tường):
Tượng Di Lặc là một trong các pho tượng để lại mang phong cách hiện thực sâu sắc và đạt tính khoa học giải phẫu cao, được tạc trong tư thế ngồi hơi ngả lưng về phía sau (như tượng Tuyết Sơn), chân phải chống, chân trái gấp ngang, tay phải úp lên đầu gối, tay trái tựa khuỷu lên chiếc túi Hậu Thiên phồng to, tất cả áp sát nhau thành một khối với những mảng căng phồng nên hiệu quả thẩm mỹ khác hẳn tượng Tuyết Sơn. Tượng mặc áo dài nhưng hai thân trước không khép lại, tuy có thắt túm tà, song phanh hở cả ngực và bụng. Khối đầu căng tròn, khuôn mặt cười rạng rỡ, toàn thân rung lên với niềm phấn khích. Theo kinh Bát Đại Bồ Tát Mạn Đồ La thì tượng Di Lặc phải sơn màu vàng, nhưng ở chùa Tây Phương, tượng được làm như màu đồng hun chắc nịch.
Bồ tát Pháp Hoa Lâm và Đại Diệu Tường (Văn Thù và Phổ Hiền) được tạc ở tư thế đứng, tượng Đại Diệu Tường kết ấn mật phùng với ý nghĩa lấy cái Định giữ yên cho cái Tuệ, mặt xương xương của người già. Tượng Pháp Hoa Lâm tay kết ấn liên hoa hợp chưởng, chắp hai tay trước ngực, duỗi thẳng mười đầu ngón tay như bông sen hé nở, như khi tay người còn ở bào thai, không chia hai của lý – trí, mặt mỡ màng của người trẻ. Cả hai tượng này đều y phục màu nâu đen đanh chắc, còn mặt và tay sơn màu da thịt. Bộ tượng này còn gặp trong nhiều chùa, nhưng bộ tượng sớm nhất, đẹp nhất hiện còn là ở chùa Tây Phương.
- Bộ tượng Hộ pháp (Bát bộ Kim Cương, Thái tử Kỳ Đà):
Hộ pháp là sự ủng hộ chính pháp của Phật và Bồ Tát. Lực lượng ấy, trên từ Phạm Thiên, Đế Thích, Bát bộ quỷ thần, dưới thì từ vua chúa cho tới các người dân đều là người bảo hộ Phật pháp và được gọi là Hộ pháp. Thành công nổi trội về nghệ thuật của bộ tượng Hộ Pháp chính là tượng Thái tử Kỳ Đà và tám pho, hợp thành Bát bộ Kim Cương ở chùa Tây Phương.
Thái Tử Kỳ Đà (còn gọi là Hộ Tam Châu do vâng chỉ đức Phật hộ trì Phật pháp trong ba châu) được tạc ở tư thế đứng trên những đám mây, tư thế trang nghiêm, vững chãi, đội mũ (Kim Khôi), mặc áo giáp (Nhẫn Nhục), thân hình khỏe mạnh. Hai tay chắp trước ngực theo thế kết ấn liên hoa hợp chưởng, gác thanh kiếm trên hai cánh tay ở ngang ngực. Gương mặt hiền hậu, các nếp ảo chảy và bay, các họa tiết trên áo đơn giản, được xếp theo từng mảng. Tượng được bố cục cân đối giữa hai nửa phải và trái, đường nét cơ bản theo chiều dọc, có xu hướng vươn cao. Toàn thể con người có cả sự răn đe đối với điều ác và khuyến khích đối với điều thiện, là tiền đề để cho các giai đoạn sau tổng hợp và tách thành hai pho Hộ pháp là Khuyến Thiện và Trừng Ác.
Bộ tượng Kim Cương còn đủ 08 pho (Thanh Trừ Tai, Tích Độc Thần, Hoàng Tùy Cầu, Bạch Tịnh Thủy, Xích Thanh Hỏa, Định Trừ Tai, Tử Hiền Thần và Đại Lực Thần). Cả tám vị đều là võ tướng, đứng trên mây, kích thước tương tự nhau. Có 05 pho mặt đỏ tay cầm pháp khí biểu hiện sự cương quyết chống cái ác. Ba pho mặt phấn hồng, tay cầm các vật báu của nhà Phật, biểu hiện sự khuyến thiện. Đầu tượng đội mũ Kim Khôi, mình mặc áo giáp có những biểu tượng gắn với tinh tú, sấm chớp như uy lực của vũ trụ. Áo giáp này còn được gọi là áo giáp Nhẫn Nhục để giữ cho thân tâm trong sáng, kiên trì bảo hộ Phật pháp, vững vàng như kim cương, nên được gọi là Kim Cương. Tám vị Kim Cương mang rõ tính người, đẹp ở ngoại hình, lại có nội tâm sống động, phù hợp với phong cách nghệ thuật thời Tây Sơn.
- Tượng Tổ Kế Đăng: Toàn bộ 18 pho tượng Tổ Kế Đăng ở chùa Tây Phương đều là tượng tròn, là trọng tâm nghệ thuật của chùa. Tượng Tổ thứ nhất (Ma Ha Ca Diếp tôn giả) và thứ hai (A Nan Đà tôn giả) được bài trí trên Phật điện, cùng hàng với tượng Tuyết Sơn. 16 pho tượng Tổ còn lại được bài trí tại hai gian bên tả và hai gian bên hữu tòa sau cùng của chùa chính, gồm:
+ Tượng Tổ thứ 3: Thương Na Hòa Tu tôn giả
+ Tượng Tổ thứ 4: Ưu Ba Cúc Đa tôn giả
+ Tượng Tổ thứ 5: Đề Đa Ca tôn giả
+ Tượng Tổ thứ 6: Di Giá Ca tôn giả
+ Tượng Tổ thứ 7: Bà Tu Mật tôn giả
+ Tượng Tổ thứ 8: Phật Đà Nan Đề tôn giả
+ Tượng Tổ thứ 9: Phục Đà Mật Đa tôn giả
+ Tượng Tổ thứ 10: Hiệp tôn giả
+ Tượng Tổ thứ 12: Mã Minh tôn giả
+ Tượng Tổ thứ 13: Ca Tỳ Ma La tôn giả
+ Tượng Tổ thứ 14: Long Thụ tôn giả
+ Tượng Tổ thứ 16: La Hầu La Đa tôn giả
+ Tượng Tổ thứ 17: Tăng Già Nan Đề tôn giả
+ Tượng Tổ thứ 18: Già Da Xá Đa tôn giả
+ Tượng Tổ thứ 19: Cưu Ma La Đa tôn giả
+ Tượng Tổ thứ 20: Xà Dạ Đa tôn giả
Về số lượng Tổ Tây Thiên gắn với Tiểu thừa có 28 và tổ Đông Đô Độ gắn Đại thừa có 6, trong đó Bồ Đề Đạt Ma vừa là Tổ Tây Thiên cuối cùng vừa là Tổ Đông Độ đầu tiên, nên tất cả là 33 vị, nhưng chùa Tây Phương chỉ chọn ra 18 vị để tạc tượng bằng gỗ. Nhìn chung, các tượng đều được tạc theo một phong cách, cùng mặc áo cà sa như nhau, song nếp áo mỗi vị theo dáng ngồi, thế đứng mà tạo nếp và đường lượn khác nhau nhằm đề cao tâm đạo và trí tuệ. Tượng có pho đứng, pho ngồi, có vươn lên, có dàn trải để gây được nhịp điệu. Dưới bàn tay của những nghệ nhân tài ba, tượng nào cũng sống động và thanh thoát. Theo tiểu sử từng vị Tổ, mỗi vị có một cá tính riêng, một cuộc sống riêng tư rất đời thường, có vui, có buồn, có đam mê, có vướng mắc, có hoan hỉ… do đó tượng các vị Tổ đều là sự điển hình hóa, tổng hòa những nét cá biệt theo cùng một hướng để nêu bật cả cái thực và cái thần của tượng.
Đa số tượng Tổ Kế Đăng ở chùa Tây Phương đều được sơn thếp các tông màu chủ đạo là đỏ - đen và nâu - đỏ. Người xưa đã khéo léo lồng kết giữa điêu khắc với hội họa sơn mài để góp phần hình thành nên những pho tượng đầy sức sống.
- Nguồn gốc, xuất xứ:
Căn cứ vào nguồn tư liệu Hán Nôm (văn bia, minh chuông) còn lại tại di tích, chùa Tây Phương có niên đại khởi dựng từ khá sớm. Tuy nhiên, bố cục, kết cấu và trang trí kiến trúc hiện tại của di tích mang phong cách thời Tây Sơn (cuối thế kỷ XVIII). Trong lần hưng công tu tạo lại chùa vào cuối thế kỷ XVIII (1794) đã làm thêm rất nhiều tượng gỗ mà nay vẫn còn, trong đó tiêu biểu có 34 pho tượng như đã nêu trên.
- Hiện vật gốc độc bản: Chùa Tây Phương là ngôi chùa duy nhất ở Việt Nam còn bảo lưu được hệ thống tượng Phật là những kiệt tác của nghệ thuật điêu khắc cổ Việt Nam (hay nói cách khác là điển hình tiêu biểu của nghệ thuật Phật giáo Việt Nam) do các nghệ sĩ tạo hình thời Tây Sơn tạo nên qua những pho tượng tròn tuyệt đẹp. Tất cả đều mang phong cách nghệ thuật thời Tây Sơn hiện thực, sống động, có phong cách khác hẳn tượng các thời khác.
- Hiện vật có hình thức độc đáo: 34 pho tượng Phật ở chùa Tây Phương có nguồn gốc từ Ấn Độ, song đã được Việt Nam hóa, các nghệ sĩ Việt Nam đã khéo léo tổng hợp tính cách nổi trội ở nhiều cá thể để tạo ra một diện mạo điển hình. Các pho tượng đều mang đậm cá tính “giống và sống” lạ thường. Hơn thế nữa, điều nổi trội ở tượng chùa Tây Phương là các nghệ sĩ tạo hình xưa đã nắm rất vững kỹ năng giải phẫu cơ thể học, mối liên quan giữa các bộ phận cơ thể để cùng biểu đạt một trạng thái tâm lý. Do đó, dù những tượng này không nhằm miêu tả một con người cụ thể, song tính chân dung lại chuẩn mực. Ngay cả y phục cũng rất thực, những tà áo uốn lượn như bằng vải lụa, hay những dải tua lượn bay mềm mại, dường như không cần đến sự phụ họa của hình chạm trang trí. Ngoài ra, các vị Tổ được chọn còn là đại diện cho nhiều tầng lớp trong xã hội để nói về tính chất cởi mở, hòa đồng của đạo Phật.
- Hiện vật tiêu biểu cho thời đại Tây Sơn: Phong trào khởi nghĩa nông dân Tây Sơn sau khi lan rộng đã đẩy lên đỉnh cao và dẫn tới lật đổ cả hai tập đoàn thống trị Trịnh – Nguyễn, đập tan các cuộc xâm lược của các thế lực ngoại bang là quân Xiêm và Thanh, lập ra vương triều Tây Sơn thay thế vương triều Lê đã suy tàn. Triều đại nhà Tây Sơn chỉ tồn tại trong một thời gian rất ngắn, nhưng Hoàng đế Quang Trung đã mau chóng khắc phục những mặt khủng hoảng trầm trọng dồn nén từ mấy thế kỷ trước, từng bước ổn định xã hội, đề cao văn hóa dân tộc… Từ thành quả chung này, một số nơi đã dựng lại được những ngôi đình, chùa bị hoang phế (trong đó đặc biệt đúc lại được rất nhiều chuông). Rải rác trong những chùa của thời kỳ này đã tạc được khá nhiều tượng, trong đó chùa Tây Phương vừa tập trung được số lượng tượng vừa lớn, vừa đạt tới đỉnh cao của điêu khắc tượng Phật, từ hệ thống tượng trên phật điện đến bộ tượng Kim Cương, đặc biệt là các pho tượng Tổ Truyền Đăng. Thành công của điêu khắc chùa Tây Phương nói chung, các tượng Tổ Truyền Đăng, tượng Kim Cương nói riêng đã trở thành sự kiện có tính thời đại. Các nhà nghiên cứu thống nhất phong cách tượng chùa Tây Phương là điển hình của phong cách mỹ thuật thời Tây Sơn, phong cách này chưa từng xuất hiện ở các giai đoạn trước và các thế kỷ sau này.
Nguồn: Hồ sơ bảo vật quốc gia
THÔNG BÁO
- UBND huyện Thạch Thất thông báo về việc thay đổi lịch tiếp công dân định kỳ tháng 04 nắm 2025 của Chủ tịch UBND huyện!
- Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Thạch Thất thông báo Kết quả lựa chọn tổ chức hành nghề đấu giá tài sản!
- UBND huyện Thạch Thất ban hành Hướng dẫn Tổ chức lấy ý kiến Nhân dân và thông qua HĐND cấp xã, HĐND huyện về sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn huyện Thạch Thất!
- Hội đồng nhân dân huyện Thạch Thất thông báo về Nội dung, thời gian và công tác chuẩn bị tổ chức kỳ họp thứ 21 (Kỳ họp chuyên đề) HĐND huyện Thạch Thất khóa XX, nhiệm kỳ 2021-2026