HƯỚNG VỀ QUÊ HƯƠNG THẠCH THẤT
Tam Quan có ba nếp mái lợp ngói mũi hài kích thước lớn, bờ nóc và bờ dải được đắp bằng vôi vữa. Hai đầu kìm đắp rồng cách điệu chỉ rõ phần đầu, đuôi được làm dưới hình thức một đao uốn cong hình dấu hỏi. Trên 4 đầu đao cũng đắp những con rồng có hình thức tương tự...
VI. KHẢO TẢ DI TÍCH
1. Giới thiệu tổng thể:
Chùa Tây Phương là ngôi già lam cổ tự tọa lạc ở vị trí “đắc địa” trên đỉnh núi Câu Lậu vi vút gió ngàn. Theo quan niệm của thuật phong thủy thì từ đỉnh Câu Lậu nhìn về hướng đông nam của thềm dãy núi Ba Vì có dãy đất lô xô chạy cùng hướng xuống phía huyện Quốc Oai trông tựa như đàn trâu. Có một quả núi như quay lại đón nước từ dòng sông Tích phát nguyên từ các dòng suối Ba Vì chảy xuống theo thế “Sinh lai hội vượng, vượng khí nghinh sinh” (nước trường sinh gặp nước đế vượng, nước đế vượng đón nước trường sinh). Theo “Đại Nam nhất thống chí” thì “ Núi Tây Phương cách huyện Thạch Thất 3 dặm về phía Nam, có tên là Câu Lậu sơn, huyện lỵ đóng ở chân núi. Núi Câu Lậu có giống trâu lặn ở dưới nước thường lên bờ chọi nhau khi nào mềm lại xuống nước”.
Chùa Tây Phương quay theo hướng Đông, trông ra gò Đồng Sộng và gò Kim Quy (Núi Nủ Rùa), hướng Tây có dòng Tích Giang, hướng Nam có núi Con Voi (xã Cần Kiệm), phía Đông Nam có núi Lý Ngư, phía Tây Bắc có đỉnh Ba Vì. Như vậy, có thể “xem” chùa Tây Phương đã nằm trọn trong thế “Ngưu tượng hợp quần, lý ngư vọng nguyệt”. Chẳng phải ngẫu nhiên mà Cao Biền khi lên núi Tây Phương đã phát hiện long mạch và thốt lên: “vượng khí ở phương nam không thể lường hết được, ta ở lâu ắt chuốc lấy tai vạ”.
Chùa Tây Phương bao gồm các hạng mục như: Tam quan hạ, tam quan thượng, miếu Sơn Thần, Tiền đường, Trung đường,Thượng điện, nhà Tổ - nhà Mẫu và Nhà khách.
2. Mô tả chi tiết:
2.1. Tam quan hạ:
Từ ngã tư hướng vào Ủy ban nhân dân huyện Thạch Thất ở địa phận Cầu Liêu rẽ trái đi chừng 2km là tới ngôi già lam cổ tự chùa Tây Phương. Hạng mục đầu tiên là tam quan hạ, nằm sát ven chân núi. Hạng mục này gồm 3 lối đi dẫn lên phía trên gồm 4 trụ biểu. Hai trụ biểu giữa nhô cao, đỉnh trụ đắp tứ phượng chầu, dưới là ô lồng đèn, thân trụ soi gờ kẻ chỉ, đế thắt cổ bồng. Hai trụ bên kết cấu tương tự nhưng đỉnh trụ đắp búp sen. Toàn bộ 3 mặt để trống, mặt trước đắp đôi câu đối chữ Hán.
Quan lãm kỹ thì thấy hạng mục tam quan hạ có kết cấu khá mềm mại và cân đối vì ở phần trên của tam quan đều có hình tượng một tầng bốn mái đao cong, trên xà ngang của hạng mục này. Tất cả các mái đao mềm mại đã nằm gọn trên kiến trúc cô cứng, tựa cánh võng đung đưa đón chào du khách bước lên cõi “Tây Phương cực lạc”
2.2.Tam quan thượng:
Từ tam quan hạ bước lên lối mòn với những bậc đá ong, hai bên là xối nước chảy cùng những bụi tre và cây xanh của vùng bán sơn địa, đường gập ngềnh khó đi, du khách phải bước 247 bậc mới đến.
Tam quan thượng được xây trên nên kẻ đá ong cao 50cm giật 3 cấp, mặt bằng có kích thước 11,55cm x 4,50cm, nền lát gạch.
Tam quan gồm có 4 cột chính, lớn, xây bằng gạch vữa, hai cột ngoài cùng thấp hơn, trên đỉnh cột có hai búp sen đắp bằng vôi vữa, phía dưới có hai trụ đấu vuông thót đáy. Dưới dấu vuông là một chỏm cong mui luyện đắp cờ nổi dạng “dạ cá” uốn cong ở đầu đao, dưới chỏm cong mui luyện là lồng đèn hình vuông có 4 mặt là những ô hộc, khắc chìm sâu trong lòng cột. Trên mặt trước của hai cột ngoài cùng có viết câu đối chữ Hán:
Quốc sách trùng tu quang cổ điển
Dân tình ngưỡng vọng hoán tân phong.
Nghĩa là:
Quốc sách trùng tu vốn sáng từ xưa,
Dân tình ngưỡng vọng làn gió đổi mới.
Hai cột trụ lớn ở bên trong cao hơn, trang trí cũng khác hơn. Trên đỉnh cột có kết cấu dạng đuôi phượng lá lật, 4 đuôi vuốt ngược lên chụm vào nhau, phía dưới cũng là đấu bẹt hình vuông thót đáy, ở phía dưới cũng bố trí theo thứ tự: chỏm cong mui luyện, lồng đèn, cột trụ… như ở hai cột hai bên. Cả 4 trụ này được đế lớn dạng đấu vuông cổ bồng thót đáy. Các cột được nối với nhau bởi thanh xà bê tông, phía trên có cột trụ trốn, hoành mái trên đặt hoành mái và mái. Như thế, Tam Quan có ba nếp mái lợp ngói mũi hài kích thước lớn, bờ nóc và bờ dải được đắp bằng vôi vữa. Hai đầu kìm đắp rồng cách điệu chỉ rõ phần đầu, đuôi được làm dưới hình thức một đao uốn cong hình dấu hỏi. Trên 4 đầu đao cũng đắp những con rồng có hình thức tương tự.
Ở hai bên hông của Tam Quan có hàng tường bao thấp được trổ lỗ, phía sau cùng là một trụ vuông, trên đỉnh có gắn bông sen, nhưng có kích thước nhỏ hơn hàng cột ở phía trước.
Trên hai cột chính của Tam Quan hiện có hai câu đối:
Câu Lậu lĩnh cứ vân, cổ tự linh am truyền Phật đạo
Chiết Giang tâm ấn nguyệt thanh phong hòa khí bá thần lưu.
Tạm dịch là:
Đỉnh Câu Lậu nương tựa trong mây, chùa cổ, am thiêng là nơi truyền đạo Phật,
Dòng Chiết Giang in hình trăng thanh gió mát, linh khí thần lan tỏa tốt lành.
Phía trước Tam quan chùa Tây Phương, dưới chân gốc đa còn có một tấm bia đá hình chữ nhật, đế được chôn xuống đất, đỉnh hình mui luyện, có chiều cao toàn bộ là 120cm, rộng 51cm, dày 28cm. Bia đã bị rạn vỡ và mờ gần hết, chỉ còn đọc được tên bia: “Thạch kiều mộc quán bi ký”, mặt sau có ghi niên đại của bia là: “Cảnh Hưng nhị thập thất niên cửu nguyệt sơ thập nhất” (ngày mùng 10 tháng 9 năm Cảnh Hưng thứ 27 (1766). Cây cầu đá được nhắc tới trong bia nay không còn nữa, dấu vết của nó còn được lưu lại trên một số cột đá, xà ngang để ở khu miếu Thổ Thần.
2.3. Miếu sơn thần (Đền đức ông):
Ngôi mếu này nằm ở bên trái phía chùa, tách biệt với khu chùa chính. Miếu là một ngôi chùa nhỏ, thấp, có 4 gian, vừa đóng vai trò là miếu Sơn thần, vừa là nơi thờ Đức Ông.
Ngôi miếu này có kích thước 3,78m x 8,76m, xây theo kiểu tiền đao hậu đốc, lợp ngói ri. Do được bố trí ban thờ theo chiều dọc nhà nên hướng chính quay ra sân làm cửa đã được đua thêm mái phụ nhỏ có hai đầu đao cong lên, bờ dải đắp vôi vữa chạy xuôi xuống và cong lên ở đầu đao trong họa tiết vân xoắn đơn giản.
Trên nền cao 44cm so với mặt sân được lát gạch Bát Tràng 20cm x 20cm. Tòa nhà có 12 cột gỗ lim với kích thước nhỏ, thân cột 60cm.
Kết cấu vỉ kèo đơn giản, kiểu kèo kẻ. Nối giữa hai đầu cột là những quá giang hình vuông, bào trơn đóng bén. Trên mỗi quá giang là hai cột trốn xẻ mộng ăn vào vỉ kèo, trên thân kèo cắt khấc để đặt hoành nóc đỡ mái.
Bốn gian thờ bố trí theo chiều dọc được chia làm hai phần. Hai gian ngoài để thông bài trí một hương án và một số đồ thờ tự. Hai gian trong bài trí tượng và ban thờ Sơn Thần, tả hữu ban là hai trợ thủ cùng hoành phi câu đối và bộ bát bửu.
2.3.Tiền đường - Trung đường - Thượng điện:
Tiền đường và Thượng điện được làm theo kiểu ba gian hai chái lớn Trung đường được bố trí thu ngắn chiều ngang, chỉ còn lại một gian hai chái, nhưng lại có mái thượng diêm cao vượt hẳn lên. Phía trước tiền đường bưng cửa gỗ bức bàn ở ba gian giữa, hai gian bên xây gạch Bát Tràng để trần chạy viền theo cả ba tòa chùa theo hình chữ “công” (工). Thềm phía sau của tòa thứ nhất, thềm trước của tòa thứ hai và thềm của tòa thứ ba được bó bằng đá ong là loại vật liệu sẵn có ở địa phương. Kích thước của thềm là 1m x 0,5m x 0,2m
Ba hạng mục chính chùa Tây Phương có kết cấu hai tầng mái. Trong kiến trúc, người ta gọi là kết cấu “chồng diêm”, hai tầng tám mái lá, tầng mái trên nhỏ hơn, nhưng vẫn có đủ hai bờ dải, bờ nóc, bờ guột. Cả hai mái trên và dưới đều có kết cấu “tầu đao lá mái” vừa thanh thoát nhẹ nhàng, lại vững chãi. Khoảng cách giữa hai tầng là phần cổ diêm. Toàn bộ phần cổ diêm ở chùa Tây Phương được bưng kín bằng những tấm ván đố, khi cần, có thể tháo lắp dễ dàng. Kiểu mái này, khi nhìn bề ngoài giống như nhà hai tầng có sàn ngăn cách, nhưng bên trong lại chỉ có một không gian thông thoáng. Kiểu kiến trúc chồng diêm cũng là một sáng tạo mới.
Ở chùa Tây Phương, phần cổ diêm ở tiền đường và thượng điện có kích thước giống nhau và có chiều cao là 1m, còn ở Trung đường có kích thước lớn hơn: cao 1,40m. Chính vì phần cổ diêm cao hơn như vậy nên tuy mái dưới của cả 3 tòa chùa đều cao bằng nhau nhưng mái trên của tòa chùa giữa lại cao hơn hẳn, vì thế, nhìn tổng thể chùa, chúng ta thấy Trung đường cao hơn hẳn. Sự khác biệt của Trung đường không chỉ được thể hiện ở mặt kiến trúc mà còn thể hiện trong bài trí nội thất và trang trí trên kiến trúc.
Tầu mái được làm bằng một hộp gỗ dày, chạy suốt theo chiều dài và chiều rộng của mái. Lá mái là một ván gỗ có bề dày khoảng 3cm, rộng khoảng 20cm, được đặt nằm trên tầu mái và cũng chạy theo suốt độ dài và rộng của mái. Thân tầu mái đặt nghiêng một góc 600 so với mặt đất, các thân tầu đều đục lỗ mộng vuông có gắn các dui câu. Dui câu là một thanh gỗ vuông, dài khoảng 1m, một đầu được làm to để gắn lỗ mộng thân tầu, đầu kia ăn mộng xuyên qua xà hạ có chốt hãm ở phía trong. Dui câu có chức năng giữ cho thân tầu mái không bị ngả quá ra ngoài và không bị xê xích. Nhờ có kết cấu này mà toàn bộ tầu mái còn có tác dụng giằng cho khung kiến trúc không bị xô lệch. Tàu mái được nằm nghiêng trên đầu bẩy và được hãm bởi dui câu. Ở bốn góc mái, các thân tầu lại được khóa giằng lại với nhau theo một góc vuông. Hơn nữa, phía mặt trên của thân tầu được đóng ghép thêm các ván gỗ làm cho thân tầu ở bốn góc càng cao thêm cho điểm khóa giằng với nhau thì vênh lên theo một góc nhất định. Các lá mái chạy viền theo thân tầu nên cũng vì thế mà uốn cong dần lên ở các góc, hàng ngói giọt gianh nằm trên lá mái, càng đi vào góc càng lợp xít hơn, dày hơn, và vì thế độ cao của góc mái cũng được tăng lên. Độ cao này còn được nâng lên bởi bộ phận lưỡi cày, phía trên lưỡi cày là đầu rồng được đắp bằng vữa uốn theo hình cánh cung. Tất cả nhưng chi tiết đó đã tạo nên những đầu đao thanh thoát, nhẹ nhàng và làm nên một vẻ đẹp vốn có trong nghệ thuật kiến trúc cổ Việt Nam. Mái cong ở đây không chỉ mang vẻ đẹp trang trí mà còn là một giải pháp kĩ thuật được tính toán kỹ trong kiến trúc cổ. Bộ phận chịu tải chính trong kiến trúc ở đây là một bộ khung sườn gỗ, trọng lực được truyền thẳng xuống đất, thông qua các hàng chân cột, chính vì vậy, mái cong đã tạo điều kiện để dồn trọng lượng của toàn bộ bộ mái lên khung sườn nhà.
Để cho mái chùa được phẳng, tạo điều kiện tốt cho việc thoát nước, hệ thống dui, mè đỡ ngói được làm rất kỹ, tất cả các thanh dui đều được bào nhẵn thành những ván mỏng có chiều rộng 15cm, rìa cạnh được soi gờ chỉ; mè được cắt thành những khúc ngắn, cũng được soi gờ chỉ và lắp mộng vào các thanh dui tạo thành những ô vuông có mỗi cạnh 15cm. Cả ba tòa chùa đều lợp ngói mũi hài cỡ lớn, mỗi viên nặng 2,5kg, phía dưới là một lớp ngói rất đặc biệt: ở phái trong, các hình ô vuông đều nhau đã làm lộ ra những viên ngói lót nhiều màu tô điểm cho mái chùa thêm đẹp. Người ta sử dụng ở đây 5 màu đặt xen kẽ nhau: đỏ, xanh lá cây, xanh lam, vàng và trắng. Việc sử dụng những viên ngói lót ngũ sắc ở đây vừa có tác dụng trang trí cho mặt trong mái chùa, vừa mang ý nghĩa Phật đạo. Theo chúng tôi, nó vừa tượng trưng cho chiếc áo cà sa, vừa là 5 màu của bông sen thanh khiết. Có lẽ đây là một nét độc đáo của cấu trúc mái chùa Tây Phương mà ở các ngôi chùa khác không có.
Đỉnh của mái trên là bờ nóc được đắp bằng vôi vữa, rêu phong đã tạo nên màu thời gian làm tăng sự cổ kính của ngôi chùa. Hai đầu kìm (đỉnh nóc)có hai dấu vuông thót đáy, lui vào phía trong bờ nóc một chút, người ta đắp nổi đuôi rồng mà mỗi con chỉ có một chiếc đầu cùng hệ thống đuôi theo kiểu vân xoắn cuộn ngược lên phía trên. Kểu trang trí này chúng ta thấy phổ biến trong kiến trúc của người Việt. Nhiều nhà nghiên cứu mỹ thuật và khảo cổ học nhìn thấy ở đây bóng dáng sự hóa thân của quỷ quái macara, một linh vật làm chủ nguồn nước trong huyền thoại Ấn Độ, và có mặt trong nghệ thuật của hầu hết các nước Đông Nam Á. Từ hai đỉnh góc, chạy suốt xuống phía dưới là hai bờ dải. Cũng như bờ nóc, bờ dải cũng được đắp bằng vôi vữa, và thân bờ dải được trổ thủng các hình tròn dẹt xếp xen kẽ nhau thành hai hàng, chúng được làm bằng đất nung thành hình các viên gạch có thiết diện vuông, cao 15cm, dài 30cm, xếp khít lại với nhau dọc theo bờ nóc và các bờ dải, cuối cùng dừng lại ở các con số được làm dưới dạng những con lân đang chạy xuống. Từ chỗ con lân chạy ra các đầu đao là những bờ guột, bờ này chạy theo chiều cong góc mái tạo thành một đường cong vừa độ. Đến gần đầu mái guột, chiếc bờ này được tách ra làm ba tạo thành một mũi guột ghép và một đầu đao. Đầu guột trong được làm dưới hình thức một con rồng đang trong tư thế chạy ngược trở lại với đuôi được làm lớn hơn dưới hình thức các vân xoắn. Guột ngoài được đắp thành bờ lớn bay cong lên. Còn đầu đao lớn nhất được đắp nổi một đối long thể hiện bằng chiếc đầu ngóc cao trong tư thế nhìn vào.
Mái dưới của kiến trúc được lặp lại một phần của mái trên nhưng được làm lớn hơn chút ít.
Vào bên trong là những bộ khung được làm hoàn toàn giống nhau về mặt kiến trúc. Cũng giống như các kiến trúc gỗ khác của người Việt, các tòa nhà ở chùa Tây Phương đều có kết cấu khung gỗ. Chúng có đặc điểm chung là có sự liên kết các vì bởi các hàng xà theo hai chiều ngang và dọc. Kẻ, bẩy, con rường và cột liên kết theo chiều dọc gọi là một bộ vì. Xà thượng, xà trung, xà hạ nối các vì với nhau theo chiều ngang. Việc nối hai chiều ngang dọc đó tạo thành khung nhà. Đầu mối của sự liên kết này là cột, do vậy, toàn bộ sức nặng của tòa nhà rơi vào các chân cột. Trong thực tế, tường chỉ có chức năng ngăn cách mưa nắng, không có tác dụng chịu lực.
Tòa tiền đường và thượng điện tuy có 5 gian, có 6 bộ vì nóc, còn tòa Trung đường 3 gian có 4 bộ. Bộ vì chính được liên kết theo kiểu “chồng rường bẩy hiên” 4 hàng chân cột kết hợp với hai cột trốn được đặt trên xà hạ nhằm mục đích nới rộng lòng nhà. Tất cả các chân cột ở chùa Tây Phương đều được kê trên các chân tảng lớn bằng đá âm dương trên có chạm hình hoa sen. Những viên đá tảng ở đây được làm thành 2 phần: phần đế hình vuông có kích thước 0,88 x 0,88 (m), phần trên được đẽo tròn chạm hình các cánh sen. Cánh sen có 3 lớp, hai lớp cánh to có chiều dài 12cm, rộng 11cm và một lớp cánh nhỏ có chiều dài 7cm, rộng 6cm.
Bộ vì có kết cấu như sau: trên cùng là một “thượng lương” lớn, chạy dọc tòa nhà, bào soi vỏ măng, bụng được bào phẳng để tỳ lực lên một chiếc đấu hình thuyền có chạm nổi đài sen. Đấu này ép bụng lên một đấu đài sen tròn được kê trên lưng của con rường thứ nhất, hai bên của đấu kể trên được bưng ván sát với mái, trên mặt ván được trạm trổ những hoa văn cách điệu: con rường thứ nhất này vươn hai đầu đội chiếc “dép hoành” cũng được làm theo hình thức đấu thuyền để đỡ đôi hoành thứ nhất, đầu rường được gọt tròn và được trang trí bằng các vân xoắn. Con rường này ăn mộng ngoài với hai chiếc đấu tròn có chạm đài sen và tì lực lên con rường thứ 2. Rường dưới cũng được làm tương tự như rường trên và được tháo dỡ theo cách thức như rường một và tỳ lực lên quá giang.
Quá giang là một xà lớn, chắc khỏe, hai đầu ăn mộng én vào đầu hai cột cái, trên đầu mỗi cột đặt một chiếc đấu được làm theo hình đài sen lớn dùng để đỡ đôi hoành thứ ba. Đầu của quá giang chạy ra phía ngoài cột cái tạo thành một bộ phận có tác dụng ổn định sự bền vững của kết cấu và nó cũng được trạm trổ giống như những đầu con rường, đồng thời, nó kết hợp với đuôi của đầu dư và xà nách để trở thành một bộ phận giống như chiếc cốn nhỏ của mái trên. Đầu dư này của nóc chỉ mang tư cách như một chiếc “nghé” nhỏ, nhô ra rất ít để đỡ bụng quá giang rồi cùng ăn mộng én vào cột để đỡ phần đuôi vươn ra ngoài tạo thành một kết cấu giống như con rường cốn, vươn đầu ra đỡ đôi hoành thứ tư thông qua một chiếc “dép” hình thuyền. Hai đầu của chiếc rường này cũng được kê trên một dấu tròn hình đài sen, tì lực lên xà nách. Trong kiến trúc chùa Tây Phương, để phù hợp với kết cấu hai tầng mái, người ta làm chiếc xà nách khá ngắn, khoảng 60cm, xà này có một đầu ăn mộng vào cột cái, đầu kia chạy ra ăn mộng vào cột trốn. Trên đầu chiếc cột trốn này cũng có một chiếc đấu tròn đài sen lớn để đỡ bộ hoành thứ năm. Tại đầu cột trốn phía dưới xà nách, người ta làm một chiếc bẩy ngang ăn mộng én vào cột tạo thành một nghé đội bụng xà nách rồi vươn đầu ra đỡ tầu mái, đồng thời, lưng bẩy đỡ một đấu hình thuyền kép hai tầng cao làm vật kê cho bộ hoành thứ sáu.
Một đặc điểm khác trong kiến trúc chùa Tây Phương là bộ phận khung mái của chùa, cũng giống như chùa Kim Liên, tầu mái đặt khá xa mái giọt tranh mà từ chiếc xà đai của đầu cột trốn, tại mỗi gian đều có hai đòn tay chạy ra ăn mộng với tầu mái rồi nhô ra khá dài làm vật kê cho lá mái để đỡ ngói giọt tranh. Với kiểu kết cấu như vậy đường viền của mái được đẩy ra xa khỏi tầu mái (khoảng 20cm) đến gần sát bờ giọt tranh để đường diềm mái được thẳng hàng. Người xưa đã bố trí xen kẽ vào đó một đấu nhỏ, được gia công một cách công phu bằng các đường nét nghệ thuật khiến cho kiến trúc tránh đi sự khô cứng.
Trên đầu cột trốn của các gian cũng như đầu các cột cái đều được lắp xà, ở quãng 1/3 thân cột lại có một chiếc xà khác, hai xà này hợp lại với nhau thành một bộ xà kép để ken ở giữa một hệ thống vấn đố của phần cổ diêm. Chân cột trốn được đặt trên một đấu lớn, đấu này đứng chân lên chiếc xà nách thứ hai của cột cái, đầu kia chạy ra tỳ lực lên đầu cột quân dưới dạng mộng én. Dưới bụng xà nách là bẩy ngang được làm theo kết cấu như bẩy của mái trên, nhưng lớn hơn, vươn ra để đỡ tầu mái, trên lưng cũng có đấu kép hình thuyền chạm đài sen dùng để đỡ hoành. Mái dưới dược bắt đầu từ chiếc xà ngang ở thân cột trốn chạy ra, tỳ lực lên chiếc xà ở đầu cột quân, tầu của mái đỡ mái đua. Trong kiểu kết cấu này, đáng chú ý ở đây, người thợ làm những chiếc bẩy vuông góc với thân cột quân có chiều dài là 0,91m để đỡ mái hiên. Những chiếc bẩy ngang này có mặt ở tất cả các tòa chùa, chúng ta ít gặp chúng ở các di tích kiến trúc khác (trước thời kỳ này, chúng ta mới chỉ gặp ở kết cấu góc của tòa Thượng điện chùa BútTháp). Đáng chú ý trong kết cấu này, trên lưng bẩy, người ta đặt những con kê dưới hình thức đấu củng để đỡ những đôi hoành cuối cùng của mái. Một điểm đáng lưu ý nữa là bộ vì đốc ở các hạng mục này. Bộ vì này được làm hoàn chỉnh như kết cấu của bộ vì chính, nhưng lực được dồn toàn bộ lên đầu cột trốn ngắn đứng chân trên một chiếc đấu lớn kê trên chiếc xà thượng khá dài. Xà này ăn chân mộng vào vị trí của chiếc xà nách thượng rồi chạy ra tỳ lực lên một chiếc cột trốn khác và vươn ra ngoài như những chiếc xà nách của các gian thông thường. Từ vị trí của chân chiếc cột trốn đội vì nóc đốc có một chiếc xà góc ăn mộng vào xà nách rồi chạy chéo ra, tỳ lực lên trên chiếc cột trốn khác để đỡ góc mái. Cột trốn dưới của đốc là cột trốn góc cũng có hình thức và chức năng như cột trốn nối giữa hai tầng mái của cột trốn gian. Chân của hai cột trốn này tỳ lực lên trên xà đùi và xà góc hạ có kết cấu tương tự như xà đùi và xà góc thượng. Hình thức của cả hệ thống như vừa kể trên là phức tạp, nhưng ít nhiều cũng tạo được sự vui mắt. Cũng như ở chùa Kim Liên, ở chùa Tây Phương, phần ván lá gió chỉ được ghép ở giữa hệ thống xà đùi đấu cột quân. Toàn bộ sức nặng của bộ mái và khung được tập trung vào hệ thống xà đùi đấu cột quân. Toàn bộ sức nặng của bộ mái và khung được tập trung vào hệ thống cột lim có hình thức thượng thu hạ thách. Các cột này có độ lớn vừa phải khiến cho ta có cảm giác kết cấu ít nặng nề. Hình thức này được bắt đầu ở nước ta từ đời Cảnh Hưng- Vĩnh Thịnh (đầu thế kỷ thứ XVIII) và hiệu quả của nó là tạo ra sự trống thoáng trong không gian kiến trúc.
Sau đây là một số kích thước chính:
* Tiền đường và Thượng điện |
| |
- Chiều cao nền nhà: | 0,56m | |
- Chiều cao nhà (từ nền đến thượng lương): | 5,55m | |
- Kích thước gian giữa: | 3,5m | |
- Hai gian bên: | 3,35m | |
- Hai gian trái: | 2,9m | |
- Lòng nhà rộng: | 5,15m | |
- Hiên rộng: | 1,15m | |
Kích thước cột: |
| |
- Cột cái cao: | 4,40m | |
- Chu vi | 1,34m | |
- Cột quân cao | 2,31m | |
- Chu vi cột | 1,13m | |
- Cột trốn đỡ mái trên cao (kể cả đấu trên đấu dưới) | 1.47m | |
Khoảng cách giữa các cột: |
| |
- Giữa cột cái và cột quân: | 1,45m | |
- Giữa cột cái và cột cái: | 2,25m | |
* Trung đường: |
| |
- Chiều cao nền nhà: | 0,56m | |
- Chiều cao nhà (từ nền đến thượng lương): | 6,40 | |
- Kích thước gian giữa: | 3,60m | |
- Hai gian bên: | 3,35m | |
- Rộng lòng nhà: | 5,15m | |
- Hiên rộng: | 1,15m | |
Kích thước cột: |
| |
- Cột cái cao: | 5,15m | |
- Chu vi: | 1,47m | |
- Cột quân cao: | 2,58m | |
- Chu vi cột : | 1,20m | |
- Cột trốn đỡ mái trên cao (kể cả đấu trên đấu dưới) | 2,07m | |
Khoảng cách giữa các cột: |
| |
- Giữa cột cái và cột quân: | 1,67m | |
- Giữa cột cái và cột cái: | 2,65m | |
Kích thước đấu tròn: |
| |
- Đầu đấu cột quân: | 0,15m | |
- Đấu chân cột trốn: | 0,20m | |
- Đấu đầu cột trốn: | 0,15m | |
- Đấu đỡ rường: | 0,10m | |
Ở chùa Tây Phương, cả ba hạng mục tiền đường, trung đường và thượng điện được xây bao bằng một hệ thống tường bao tạo ra một không gian thống nhất trong nội thất chùa chứ không phân rõ thành từng hạng mục. Bức tường gạch này được xây toàn bộ bằng gạch Bát Tràng già, màu đỏ thẫm để trần có kích thước 30x15x8 (cm) không trát áo bên ngoài. Gạch xây có độ nung cao, rắng chắc, được liên kết bằng một loại vữa mạch to và dầy. Tất cả hiện lên như những ô trang trí. Chân tường không ăn móng xuống đất mà chỉ xây trên nền gạch bó nền, như thế, bức tường này không có khả năng chịu lực. Phần chính của tường xây cao gần tới đầu bẩy rồi giật thành 3 cấp thu nhỏ lại ở phía trên sát bụng của bẩy ngang. Ở các mặt, bức tường này xây bao quang ngang hàng cột và ở đây chỉ xây bao đến hết hai gian trái ở hai đầu hồi. Ba gian giữa bưng bằng cửa gỗ bức bàn kích thước của rộng 0,45m dài 1,60m có ngưỡng cửa cao 30cm so với mặt nền, trên tường bao của cả ba tòa chùa người ta trổ 10 ô của sổ tròn sắc không. Những ô cửa sổ này nửa đặc nửa rỗng nối nhau theo những vòng tròn đồng tâm, lệch nhau một nửa vòng, vừa mang ý nghĩa triết lý Phật giáo sâu sắc, vừa là một các trang trí theo mảng vuông, tròn, đặc , rỗng hài hòa, quy củ, ngay ngắn.
Bức tường bao này được xây từ bao giờ? Nó có cùng niên đại với niên đại của chùa hay không, nếu được xây muộn hơn thì vào khoảng thời gian nào?. trong số những người đã từng yêu quý và tìm hiểu về chùa Tây Phương, chưa thấy có ai đặt ra để lý giải.
Như chúng ta đã biết, hiện nay, trong cả nước, chúng ta chỉ thấy có hai ngôi chùa giống nhau như hai an hem sinh đôi đó là chùa Tây Phương và chùa Kim Liên. Năm 1968, Viện Mỹ thuật đã tổ chức khảo sát chùa Kim Liên và trong tài liệu khảo sát này, tác giả Trần Mạnh Phú đã có nhận xét rằng tường bao này không cũng niên đại với kiến trúc. Tuy vậy, tác giả vẫn không đưa ra một niên đại cụ thể nào cho bức tường bao này. Trần Mạnh Phú cho rằng: “Riêng về việc xây gạch trần các bức tường của chùa là một vấ đề khó kiến giải về thời gian xây dựng (xét về mặt kiểu cách xây như vậy và đặc biệt là việc nó che các cửa sổ tròn “sắc không” chúng tôi thấy khó mà gán cho nó một niên đại từ Nguyễn Gia Long về sau 1902), và cũng xét về các mặt trên, chúng ta cũng chưa từng gặp một di tích nào xây theo kiểu gạch ấy và cửa sổ ấy ở thời Lê - Trịnh, nhất là từ đầu thời kỳ Cảnh Hưng (1740) cho đến thời kỳ Tây Sơn từ 1788”. Quả thật điều băn khoăn trên cũng là băn khoăn của chúng tôi. Nếu bức tường bao này có cùng niên đại với kiến trúc thì vì lý do gì mà người ta lại xây tường để che đi phần lớn những mảng trang trí đẹp trên các bẩy ngang đỡ mái? So sánh với chùa Kim Liên, ta thấy bức tường bao này hoàn toàn giống cả về kiểu cách cũng như kích thước, chất liệu. Chẳng lẽ, hai chùa đã giống nhau về kết cấu, kiểu dáng mái và khung chịu lực, lại bắt chước nhau xây thêm bức tường này vào một thời điểm nào đó về sau? Về mặt mỹ thuật, bức tường bao này rất có giá trị để tạo nên vẻ đẹp hài hòa cho kiến trúc. Không có bức tường này, kiến trúc chùa Tây Phương cũng như Kim Liên sẽ giảm hẳn đi giá trị thẩm mỹ.
Từ tất cả những nhận xét đó, chúng tôi cho rằng, bức tường bao này được xây đồng thời với kiến trúc khi chưa có bằng một bằng cớ nào thật cụ thể để khiến chúng ta có thể đặt vấn đề ngược lại, cho dù vẫn còn gợn những băn khoăn về một số điều khó lý giải chung quang vấn đề này.
Trang trí tại 3 hạng mục tiền đường, trung đường và thượng điện là các đề tài vân mây, hổ phù, tứ linh, tứ quý, và những giả đấu ba chạc cánh sen. Mây được biểu hiện ở nhiều vị trí khác nhau, nhiều dạng khác nhau như mây cụm, mây dải được bố trí xen giữa rồng mây. Có nơi mây được bố trí xen giữa hổ phù, phượng và giả đấu.
Đề tài chung thứ hai là cánh sen. Nhìn toàn bộ các đấu kê trên cột trốn, kê trên đầu rường, trên các tảng đá kê trên cột đều có hình cánh sen. Đề tài chung thứ 3 là hình giả đấu ba chạc chạm nổi trên các bức ván gió làm nền cho các đề tài trang trí ở đây.
Các mảng trang trí được thể hiện hầu như ở khắp mọi nơi trên các vì nóc, và mái trên xà bảy dưới dạng ván lá gió, trên diềm mái, vỉ ruồi… Kỹ thuật chạm khắc ở đây theo lối chạm nổi có giá trị nghệ thuật cao
2.5.Nhà tổ - nhà mẫu:
Nhà tổ - nhà mẫu được làm theo kiểu ba gian hai dĩ, kết cấu theo kiểu chữ “Nhị”. Phía bên ngoài thờ Tổ, phía bên trong thờ mẫu. Các vì chính của nhà Tổ được liên kết theo kiểu “vì kèo giá chiêng”. Phía trên cùng là thượng lương tỳ lực lên một con rường ngắn qua một chiếc đấu hình thuyền, hai con rường ăn mộng với hai cột trốn để đỡ đôi hoành thứ nhất ở kết cấu này, con rường về thực chất chỉ có chức năng đỡ thượng lương. Mặt ngoài của cột trốn có một kẻ ngồi ăn mộng vào quá giang chỗ sát đầu cột cái, lưng kẻ đỡ hai chiếc hoành tiếp theo, quá giang cũng được làm như một con rường kết mộng én nối đầu hai cột cái. Từ đầu cột cái nối với cột quân cũng bằng một kẻ ngồi thứ hai và cũng có hình thức tương tự để đỡ bốn khoảng hoành tiếp theo. Nối đầu cột quân với cột hiên là một kẻ chuyền thẳng có lồng ván rong để đỡ bốn khoảng hoành và một tầu mái. Trong cấu trúc này không có lá gió mà chỉ có ván che được điểm xuyết những ô của chấn song ở phía ngoài. Ba gian giữa của nhà Tổ được bưng bằng cửa bức bàn, hai gian chái ở đầu hồi bưng bằng cửa ván đố. Trên bộ vì nóc và cốn được thay bằng kết cấu chồng rường, các con rường này được trang trí hoa lá, đao má cách điệu. Tại bốn chiếc cốn này, người ta chạm nổi hình cây cỏ cùng mai, tùng, cúc, trúc được thể hiện trong các đề tài “mai điểu”, “trúc tước”, “cúc điệp”, “tùng lộc”. Những đề tài này tượng trưng cho bốn mùa xuân, hạ, thu, đông và gắn trên mỗi đề tài trang trí còn điểm xuyết một mặt trời gắn với một câu thơ và gắn với một mùa tương ứng trong kiến trúc này.
2.6. Nhà khách:
Nhà khách là hạng mục nằm ở sườn bên phải của ba tòa tiền đường, trung đường và thượng điện. Hạng mục này mới được phục dựng trong những năm gần đây, với công năng phục vụ du khách nghỉ ngơi khi tới chiêm bái. Từ ba tòa chính, bước qua khoảng sân rộng chừng 10m là tới nhà khách. Nhà khách gồm 7 gian, kết cấu theo kiểu tường hồi bít đốc, mái lợp ngói ri, hai bờ dải thoải dần theo hình tay ngai.
Từ sân lát gạch bước lên chừng 30cm là tới hiên. Các bộ vì hiên là theo kiểu kèo kẻ, bào trơn đóng bén, thiên về độ bền chắc. Các bộ vì bên trong được làm thống nhất theo hai dạng cách: Sáu bộ vì giữa được làm theo kiểu “Giá chiêng kẻ ngồi”, hai bộ vì hồi làm theo kiểu ván mê đố lụa, các họa tiết được trang trí giản lược, toàn bộ hệ thống kiến trúc nghệ thuật của ngôi chùa Tây Phương dường như đã được các nghệ nhân xưa tập trung chủ yếu vào ba tòa chùa Hạ, chùa Trung và chùa Thượng.
Xem tiếp: Chùa Tây Phương- di tích quốc gia đặc biệt - phần 5: Bài trí tượng phật ở chùa Tây Phương"
Nguồn: Hồ sơ di tích quốc gia đặc biệt chùa Tây Phương
THÔNG BÁO
- Hội đồng thi tuyển viên chức làm việc tại Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng năm 2024 Thông báo triệu tập thí sinh dự khai mạc và dự thi vòng 1 kỳ thi tuyển viên chức!
- Hội đồng thi tuyển viên chức làm việc tại Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng năm 2024 Thông báo danh sách thí sinh đủ điều kiện, tiêu chuẩn dự thi viên chức làm việc tại Ban Quản lý Dự án đầu tư xây...
- Hội đồng thi tuyển viên chức làm việc tại Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng năm 2024 Thông báo Lịch tổ chức tuyển dụng viên chức làm việc tại Ban Quản lý Dự án ĐTXD huyện Thạch Thất năm 2024!
- UBND huyện Thạch Thất thông báo thay đổi lịch tiếp công dân định kỳ tháng 11 năm 2024!