HƯỚNG VỀ QUÊ HƯƠNG THẠCH THẤT
Qua nghiên cứu lễ hội ở chùa Tây Phương, chúng ta thấy lễ hội ở đây có những nét tương đồng với lễ hội ở nhiều nơi khác, song cũng có những điều dị biệt mà chỉ ở Tây Phương mới có...
V. SINH HOẠT VĂN HÓA TÍN NGƯỠNG LIÊN QUAN ĐẾN DI TÍCH
Thạch Thất là địa danh cổ, vùng đất văn hiến ở phía Tây của Thủ đô đã được định danh.Với bề dầy lịch sử và chiều sâu văn hiến, vốn đã là vùng đất giàu đẹp, người dân nơi đây không chỉ nói đến “đồng tiền bát gạo” thông thường mà còn là cả bề dầy truyền thống văn hóa tinh thần trong cuộc sống của đông đảo các tầng lớp nhân dân – những người trực tiếp sáng tạo và hưởng thụ những thành quả do chính họ tạo ra, hiển hiện là những công trình tôn giáo tâm linh, những chùa chiền, miếu mạo, đền đài…đã tồn tại và vận động hưng suy cùng lịch sử. Đó là những dịp lễ trọng, hội hè, đình đám…, những hương ước lề luật chặt chẽ trong mối quan hệ tổng trên thôn dưới… và cả những quy định “bất thành văn” trong sự giao lưu “tối lửa tắt đèn” của bà con chòm xóm. Tất cả đã thành quen thuộc thành thông lệ trong sự giao hảo của tình làng nghĩa xóm, và trở nên cần thiết hơn bất cứ nhu cầu mới nào khác. Người dân cần nó như cần miếng cơm manh áo . Đây là nhu cầu nội sinh của cuộc sống xã hội, là sự áp đặt ngoại ép của cả cộng đồng người đối với mỗi cá nhân trong cộng đồng. Trong môi cảnh ấy, lễ hội ở các địa phương vui nhộn, đậm đà hương sắc quê hương là chất tiêu tương phiền muộn, chất kết dính kết cấu những mảnh đời riêng lẻ. Là nhịp cầu tiếp nối quá khứ - hiện tại – tương lai, đưa cuộc sống riêng chung lên tầm cao mới.
Lễ hội chùa Tây Phương năm 2013- ảnh VHTT
Qua nghiên cứu lễ hội ở chùa Tây Phương, chúng ta thấy lễ hội ở đây có những nét tương đồng với lễ hội ở nhiều nơi khác, song cũng có những điều dị biệt mà chỉ ở Tây Phương mới có. Thông thường, những lễ hội ở các ngôi chùa tương đối đơn giản nhưng trang nghiêm với những nghi lễ cúng Phật truyền thống. Có điều này bởi do đạo Phật là tôn giáo đầy nhân bản, cốt ở Tâm không cốt ở Tưởng. Từ - bi – hỉ - xả là nội dung cơ bản của Phật đạo. Mọi phù hoa ngã mạn đều không phù hợp với lối sống của nhà tu hành và đông đảo tín đồ Phật tử.
Chính những ý niệm khởi nguyên như vậy đã theo suốt quá trình phát triển của đạo Phật trên mọi nẻo đường. Là gốc, cội nguồn và cũng là động lực tiềm ẩn cho những lễ nghi Phật giáo nhằm mục đích: “hoằng dương Phật pháp – tế độ quần sinh”.
Ở chùa Tây Phương, lễ hội thường niên diễn ra vào đầu mùa xuân, câu ca dao xưa vẫn lưu truyền quanh vùng:
Tây Phương phong cảnh hữu tình
Rủ nhau trẩy hội có mình có ta
Nhớ ngày mùng sáu tháng ba
Ăn cơm với cà trẩy hội chùa Tây.
Không còn là của riêng nhân dân Thạch Xá nữa, mà đã là của chung nhân dân trong vùng và đông đảo tín đồ, du khách khắp mọi miền đất nước. Nghiên cứu lễ hội chùa Tây Phương, có thể coi lễ hội của chùa thành những dịp chính sau đây: Lễ sám hối vào ngày mùng sáu tháng hai (6/2) và lễ hội chính ngày mùng 6 tháng 3 (6/3).
Lễ sám hối, theo đúng tên gọi của nó nhằm giúp con người ta loại bỏ, quên đi những tội lỗi mà mình gây ra, đề rồi cho lương tâm mình thanh thản, nhẹ nhõm. Hơn thế nữa, cuộc lễ còn nhằm đề cao sự giác lòng từ bi của đạo Phật, kêu gọi mọi người sám hối tránh mọi điều ác… Trong những ngày này, người ta không sát sinh, một lòng thành kính dâng lên Phật đài hương, đăng, trà , quả… tất cả đều trong lành, chay tịnh như ước muốn của người Phật tử.
Chẳng biết tự bao giờ, lễ sám hối bắt nguồn từ câu chuyện được truyền trong dân gian trong vùng. Rằng có một người tên là Quảng Đức vốn là một quan nhỏ của triều đình chuyên trông nom việc thu thuế . Vốn có lòng từ tâm, xót thương trước cảnh khốn khó của những người nghèo khổ. Trong một lần đi thu thuế, do trời mưa phải ở lại gia đình nghèo khó vừa được ông tha tội thuế, ông đã mục kích cảnh gia đình người dân phải giết con gà mái mẹ duy nhất trong nhà để đãi khách quí, để lại đàn gà con mất mẹ bơ vơ… Càng nghĩ ông càng thấy ân hận với những lần khác có lẽ vô tình đã làm tan nát bao cảnh đời tục lụy. Ông giác ngộ, từ bỏ mọi vinh hoa phú quý, gửi mình vào chốn Phật đài nơi chùa Tây Phương. Người ta không biết rằng, ngày sáu tháng hai (6/2) là ngày ông xuất gia đầu Phật hay là ngày ông viên tịch, chỉ biết rằng, sám hối không còn là ý nghĩa của riêng một ai mà là một lễ hội không kém phần quan trọng của nhân dân trong vùng, những tín đồ Phật tử ở chùa Tây Phương.
Tiếp sau kỳ lễ sám hối này, chùa Tây Phương càng ngày càng tấp nập đón những Phật tử, tín đồ đến dâng hương lễ Phật cho tới tận hội chính mùng sáu tháng ba (6/3). Thời gian, lịch sử đã làm đổi thay không ít những phong tục hội hè trên các miền quê đất nước, chùa Tây Phương cũng có những thay đổi như vậy, tuy không nhiều. Do nằm trên một địa bàn có nhiều di tích gắn với tôn giáo tín ngưỡng khác nhau như đình, đền, chùa, quán, miếu, am vv… mà lễ hội chùa Tây Phương trải dài trên một không gian rộng lớn từ chùa Bảo Quang, đình thôn Yên, đền Động Hoa, quán Hồ, chùa Quan Âm, chùa Cực Lạc, chùa Am Thanh, miếu Thổ Thần… trong đó trung tâm điểm là chùa Tây Phương. Trong không gian văn hóa của một vùng đất cổ như vậy, lễ hội chùa Tây Phương thực sự là một sự kết tập lớn những giá trị tinh thần, những tinh hoa của muôn mặt đời sống nhân dân là sự chung đúc cả tâm và tài của đông đảo những thành phần cư dân trong vùng.
Càng gần đến ngày hội chính, việc chuẩn bị càng khẩn trương gấp rút. Trước đây, để tổ chức lễ hội, dân làng bầu ra một “hội đồng trưởng lão” lên tới 48 người, gồm những người có tên tuổi, chức sắc có uy tín trong nhân dân, để điều hành việc chuẩn bị và tiến hành lễ hội. Nay thì không còn nữa, tất cả những việc chuẩn bị này đều bằng công sức tiền của của nhà chùa và chính quyền, nhân dân địa phương đóng góp. Người đến với chùa không hẳn chỉ là : “Trẻ vui nhà, già vui chùa” mà là đến với cả tâm tư ước vọng thiêng liêng thành kính. Đến chốn Thiền lâm, tìm về cõi Phật mong được trở che – trì độ, để cảnh tỉnh, vượt lên những ham muốn, dục vọng của đời thường tục lụy. Đây là nền tảng, bệ đỡ cho Phật giáo phát triển theo suốt chiều dài lịch sử thăng trầm của dân tộc, để rồi Phật giáo trở thành một bộ phận không thể tách ròi của văn hóa Việt Nam.
Cũng như nhiều nơi khác, lễ hội chùa Tây Phương cũng bao gồm hai phần chính là phần Lễ và Hội, với những nghi lễ tế cáo trời đất, những nghi thức cúng Phật truyền thống: mộc dục, chạy đàn, tụng kinh, kể hạnh… và những trò chơi dân dã: hát xứ Đoài, kéo co, đánh cờ, vật, chọi gà, xem múa rối nước… Chuẩn bị cho lễ hội là nghi lễ mộc dục truyền thống. Trước ngày mồng sáu tháng ba (6/3) dân làng do sự điều hành của ban tổ chức rước kiệu ra dòng Chiết giang lấy nước thiêng về tắm Phật. Lễ rước diễn ra khi trang nghiêm, lúc vui nhộn kết hợp kèn trống, đội múa sinh tiền, đôi khi có múa với con đĩ đánh bồng. Nay thì không còn nữa, nước thiêng được lấy ngay từ các “Thiên tỉnh” trong chùa, dùng vào tắm Phật. Mở đầu cho hội, Ban tổ chức cho đặt ở chân đồi gần bậc lên chùa một nhang án lớn, khói hương nghi ngút trên có mâm ngũ quả để tế cáo trời đất. Đặc biệt trước nhang án đặt mô hình thuyền rồng nhỏ chầu lên chùa. Thuyền được làm bằng gỗ sơn đỏ, phủ nhiễu điều. Đứng hai bên là bốn cụ khăn áo chỉnh tề cầm chèo chống xuống đất, theo nhịp hát mà thể hiện động tác như muốn đưa con thuyền Bát Nhã đến bờ giác ngộ. Con thuyền đứng đó mà đang đi vào chốn vĩnh hằng, đi mãi, đi mãi trong câu hát kể hạnh ngân nga. Ngày xưa, con thuyền này dành cho Phật tử, khách thập phương bỏ vào những thứ mang theo ước nguyện của mỗi người: cầu về buôn bán thì bỏ tiền, cầu danh vọng thì bỏ giấy bút, có khi cả vải, gạo… Đây có lẽ cũng là hình thức cúng dàng nguyên thủy sự pha trộn của Phật giáo Tiểu thừa, một hình thức tế nhị của việc từ thiện nhẵm góp vào chùa. Qua nơi đặt thuyền, theo những nấc thang nối tiếp người ta lên đến chùa vào lễ Phật, chứng kiến công sức chuẩn bị quả là không nhỏ, để Phật đài nghiêm trang trong hương trầm lan tỏa, lâu đài điện ngọc vàng son rực rỡ trong nắng gió đưa hương của cỏ cây đồng nội… Đỉnh Câu Lậu như cao hơn, rực rỡ hơn với cây phướn dài, vươn mình trong gió mang trên mình câu ước niệm: “Nam mô Tây Phương cực lạc thế giới đại từ bi A Di Đà Phật” của tín đồ Phật tử. Trong những ngày này, nhà chùa mở cửa liên tục đẻ dân vào dâng hương, Người lễ Phật chạy đàn, kẻ tụng kinh kể hạnh, lễ vật tùy tâm, chẳng kể sang hèn, mọi người hòa với nhau trong sinh hoạt tâm linh cộng đồng.
Có lẽ vui nhất vẫn là các trò hội lễ, kéo người ra trở lại với sinh hoạt đời thường, thưởng ngoạn những giá trị văn hóa truyền thống, câu kết con người với nhau trong tình cộng đồng bằng hữu. Đây còn là nơi đua tài so trí, là nơi phô diễn cả trí tâm và tài nghệ con người. Những hoạt động thường diễn ra dưới chân đồi, nới sới vạt chỗ kéo co, góc xa kia lại là nơi chọi gà thu hút cả những kẻ máu me, hay nhóm hát xứ Đoài làm nao lòng lữ khách. Đông hơn cả vẫn là xem múa rối nước dưới đầm Cầu Đa, đội múa rối của làng sau chuỗi ngày dàn dựng tập luyện nay đem ra cúng diễn những tiết mục đặc sắc được mọi người trầm trồ thán phục. Những con rối trở nên có hồn, sinh động khéo léo uyển chuyển dưới bàn tay của các nghệ sĩ nhân dân. Các tiết mục thể hiện sâu sắc, vui nhộn nhưng mà đời thường của người dân quê, giúp họ xua đi những mệt nhọc lo âu thường nhật. Xa hơn nữa, chúng còn phản ánh tâm tư tình cảm, ước vọng của con người về một cuộc sống tốt đẹp ngày mai…
Xem lại: "Chùa Tây Phương- di tích quốc gia đặc biệt- phần 2: Sự kiện, nhân vật lịch sử, đặc điểm của di tích"
Nguồn: Hồ sơ di tích quốc gia đặc biệt chùa Tây Phương
THÔNG BÁO
- UBND huyện Thạch Thất ban hành Quyết định về việc điều chỉnh số lượng thửa đất tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất ở tại thôn Bình Xá, xã Bình Phú (ký hiệu BP 01) huyện Thạch Thất, TP Hà Nội.
- Hội đồng thi tuyển viên chức làm việc tại Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng năm 2024 Thông báo triệu tập thí sinh dự khai mạc và dự thi vòng 1 kỳ thi tuyển viên chức!
- Hội đồng thi tuyển viên chức làm việc tại Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng năm 2024 Thông báo danh sách thí sinh đủ điều kiện, tiêu chuẩn dự thi viên chức làm việc tại Ban Quản lý Dự án đầu tư xây...
- Hội đồng thi tuyển viên chức làm việc tại Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng năm 2024 Thông báo Lịch tổ chức tuyển dụng viên chức làm việc tại Ban Quản lý Dự án ĐTXD huyện Thạch Thất năm 2024!