HƯỚNG VỀ QUÊ HƯƠNG THẠCH THẤT HƯỚNG VỀ QUÊ HƯƠNG THẠCH THẤT

Bảo vật quốc gia ở chùa Tây Phương- phần 4: Tượng tổ kế đăng: Ma Ha Ca Diếp tôn giả và A Nan Đà tôn giả
Publish date 01/04/2015 | 09:45  | Lượt xem: 330

Toàn bộ 18 pho tượng Tổ Kế Đăng ở chùa Tây Phương đều là tượng tròn, là trọng tâm nghệ thuật của chùa. Tượng Tổ thứ nhất (Ma Ha Ca Diếp tôn giả) và thứ hai (A Nan Đà tôn giả) được bài trí trên Phật điện, cùng hàng với tượng Tuyết Sơn. 16 pho tượng Tổ còn lại được bài trí tại hai gian bên tả và hai gian bên hữu tòa sau cùng của chùa chính...

Toàn bộ 18 pho tượng Tổ Kế Đăng ở chùa Tây Phương đều là tượng tròn, là trọng tâm nghệ thuật của chùa. Tượng Tổ thứ nhất (Ma Ha Ca Diếp tôn giả) và thứ hai (A Nan Đà tôn giả) được bài trí trên Phật điện, cùng hàng với tượng Tuyết Sơn. 16 pho tượng Tổ còn lại được bài trí tại hai gian bên tả và hai gian bên hữu tòa sau cùng của chùa chính, gồm: 

+ Tượng Tổ thứ 3: Thương Na Hòa Tu tôn giả

+ Tượng Tổ thứ 4: Ưu Ba Cúc Đa tôn giả

+ Tượng Tổ thứ 5: Đề Đa Ca tôn giả

+ Tượng Tổ thứ 6: Di Giá Ca tôn giả

+ Tượng Tổ thứ 7: Bà Tu Mật tôn giả

+ Tượng Tổ thứ 8: Phật Đà Nan Đề tôn giả

+ Tượng Tổ thứ 9: Phục Đà Mật Đa tôn giả

+ Tượng Tổ thứ 10: Hiệp tôn giả

+ Tượng Tổ thứ 12: Mã Minh tôn giả

+ Tượng Tổ thứ 13: Ca Tỳ Ma La tôn giả

+ Tượng Tổ thứ 14: Long Thụ tôn giả

+ Tượng Tổ thứ 16: La Hầu La Đa tôn giả

+ Tượng Tổ thứ 17: Tăng Già Nan Đề tôn giả

+ Tượng Tổ thứ 18: Già Da Xá Đa tôn giả

+ Tượng Tổ thứ 19: Cưu Ma La Đa tôn giả

+ Tượng Tổ thứ 20: Xà Dạ Đa tôn giả

 

Chùa Tây Phương là ngôi chùa duy nhất ở Việt Nam còn bảo lưu được hệ thống tượng Tổ Kế Đăng là những kiệt tác của nghệ thuật điêu khắc cổ Việt Nam (hay nói cách khác là điển hình tiêu biểu của nghệ thuật Phật giáo Việt Nam) do các nghệ sĩ tạo hình thời Tây Sơn tạo nên qua những pho tượng tròn tuyệt đẹp. Tất cả đều mang phong cách nghệ thuật thời Tây Sơn hiện thực, sống động, có phong cách khác hẳn tượng các thời khác.

 

18 tượng Tổ Kế Đăng ở chùa Tây Phương có nguồn gốc từ Ấn Độ, song đã được Việt Nam hóa, các nghệ sĩ Việt Nam đã khéo léo tổng hợp tính cách nổi trội ở nhiều cá thể để tạo ra một diện mạo điển hình. Các pho tượng đều mang đậm cá tính “giống và sống” lạ thường. Hơn thế nữa, điều nổi trội ở tượng chùa Tây Phương là các nghệ sĩ tạo hình xưa đã nắm rất vững kỹ năng giải phẫu cơ thể học, mối liên quan giữa các bộ phận cơ thể để cùng biểu đạt một trạng thái tâm lý. Do đó, dù những tượng này không nhằm miêu tả một con người cụ thể, song tính chân dung lại chuẩn mực. Ngay cả y phục cũng rất thực, những tà áo uốn lượn như bằng vải lụa, hay những dải tua lượn bay mềm mại, dường như không cần đến sự phụ họa của hình chạm trang trí. Ngoài ra, các vị Tổ được chọn còn là đại diện cho nhiều tầng lớp trong xã hội để nói về tính chất cởi mở, hòa đồng của đạo Phật.    

 

- Tượng tổ thứ 1: Ma Ha Ca Diếp tôn giả:

 

Tượng tổ thứ 1 – Ma Ha Ca Diếp Tôn Giả (gọi tắt là Ca Diếp, nghĩa là uống ánh hào quang, nên còn gọi là ẩm quang) đứng trên bệ, chân đi hia, tay khoát ở thế chém khẳng định. Tượng ở thế đứng yên nhưng gió thổi cuốn các tà áo và ống tay bay về đằng trước, các nếp áo chảy sóng nuột tạo cho khối vươn lên đĩnh đạc. Đầu nổi bướu gợi sự liên tưởng tới nhục kháo của đức Phật, mắt sáng, gò má nổi cao, mũi to, miệng cười tế nhị, tai dài như tại Phật, đầu hói, lông mày rậm cùng với ria mép và râu cằm vừa gợi nguồn gốc lao động vừa khẳng định tư chất thông minh bác học. Bệ tượng dạng hình hộp vuông, dật cấp, bốn chân kiểu chân quỳ dạ cá, trang trí nổi hình hoa, lá cách điệu.    

 

- Tượng tổ thứ 2: A Nan Đà tôn giả:

Do tượng Ca Diếp đứng nên với tính sóng đôi, A Nan cũng được tạc ở tư thế đứng, dáng trẻ trung, đang kết tập kinh tạng (ôm sách), ánh mắt và khóe miệng cùng cười vui vẻ. Nụ cười hả hê biểu hiện bản chất của nhân vật đã trở thành tên gọi.

 Tượng được tạo dáng đứng thẳng chững chạc, chân đi hia, đứng trên bệ, những nếp áo chảy sóng càng làm tượng vươn lên trong khối chung óng mượt, tỷ lệ các phần cân đối, cả hình dáng và nội tâm đều sáng láng, tất cả biểu thị một nguồn gốc quý phái và sự đôn hậu đến thuần khiết. Bệ tượng dạng hình hộp vuông, dật cấp, bốn chân kiểu chân quỳ dạ cá, trang trí nổi hình hoa, lá cách điệu.   

 

Đa số tượng Tổ Kế Đăng ở chùa Tây Phương đều được sơn thếp các tông màu chủ đạo là đỏ - đen và nâu - đỏ. Người xưa đã khéo léo lồng kết giữa điêu khắc với hội họa sơn mài để góp phần hình thành nên những pho tượng đầy sức sống.

 

Nguồn: Hồ sơ bảo vật quốc gia