HƯỚNG VỀ QUÊ HƯƠNG THẠCH THẤT HƯỚNG VỀ QUÊ HƯƠNG THẠCH THẤT

Bài viết Kỷ niệm 251 năm ngày mất cụ tiến sĩ Vũ Đình Dung và đón bằng công nhận di tích lịch sử văn hóa Đền thờ họ Vũ
Publish date 26/09/2014 | 07:26  | Lượt xem: 657

Cụ Vũ Đình Dung sinh ngày 16/3/1699 năm Kỷ Mão ( Chính Hoà – Lê Hy Tông) tức ngày 15/4/1699 ở phường Thịnh Quang huyện Quảng Đức có quê gốc ở làng  Bùng xã Phùng Xá – huyện Thạch Thất – Sơn Tây (Hà Nội ngày nay). Thủa nhỏ cụ là người thông minh đĩnh ngộ được sự dạy dỗ chu đáo của cha là Ôn Hậu tiên sinh...

(Đăng ngày 26/9/2014)

 

Cụ Vũ Đình Dung sinh ngày 16/3/1699 năm Kỷ Mão ( Chính Hoà – Lê Hy Tông) tức ngày 15/4/1699 ở phường Thịnh Quang huyện Quảng Đức có quê gốc ở làng  Bùng xã Phùng Xá – huyện Thạch Thất – Sơn Tây (Hà Nội ngày nay). Thủa nhỏ cụ là người thông minh đĩnh ngộ được sự dạy dỗ chu đáo của cha là Ôn Hậu tiên sinh. Năm 6 tuổi đến học anh rể ở An Hoa phường lúc đó đang làm Hiến sát phó sứ Hưng Hoá. Năm Vĩnh Thịnh thứ 10 (Giáp Ngọ - 1714) đời Lê Dụ Tông. Cụ Vũ Đình Dung 16 tuổi, thi khảo ở phường đỗ thứ 2; khảo viên ở huyện đỗ thứ 4, ở phủ đỗ thứ 7, văn thơ tinh thông trúng giáo sinh. Năm Vĩnh Thịnh thứ 13 (Đinh Dậu 1717) có khoa thi hương, cụ 19 tuổi, văn sách thông làu, khảo ở Phủ Lỗ thứ 4. Văn hào thi năm ấy trúng tứ trường ( cử nhân ) xếp thứ 2. Năm sau Mậu Tuất 1718, có khoa thi hội, cụ 20 tuổi Nhưng mẹ bị ốm đau, vì lo buồn cụ phải ở nhà trông nom nên không đi thi được. Sau đó cụ lại đến thụ giáo quan Binh bộ thượng thư xã Thượng Trì, huyện Từ Liêm là đệ tam giáp đồng tiễn sĩ xuất thân khoa Đinh Sửu 1697 , họ Đào huý là Thực. Năm Bảo Thái thứ 2 ( 1721) có khoa thi hội Tân Sửu, cụ 23 tuổi đỗ tam trường. Sau đó cụ cùng các cống sĩ tập trung ở Quốc Tử Giám để phân định lại kỳ thi tứ trọng cho yên. Năm Bảo Thái thứ 5  ( Giáp Thìn 1724) lại có khoa thi hội, cụ chỉ đỗ tam trường được bổ huấn đạo.Năm Bảo Thái thứ 8 ( Đinh Mùi 1727) dự thi hội, cụ cũng chỉ đỗ tam trường. Đến năm Vĩnh Khánh thứ 3 (Tân Hợi 1731) cụ 33 tuổi thi vẫn chưa đỗ. Sau bốn lần thi hội vẫn chưa đỗ, theo lời kể thì cụ cùng thân Mẫu phải trở về quê gốc ở làng Phùng Xá Thạch Thất, tạo đất làm nhà , bái tạ Thần hoàng, tổ tiên, Đến năm Long Đức thứ 1 ( Lê Thần Tông) có ân khoa Nhâm Tý 1732, thi trúng tất cả 25 người, cụ đỗ đầu, phúc khảo lại cụ xếp thứ 2. Sau đó cụ cùng thầy dạy  vào Nghệ An chấm thi hương. Năm sau, Quý Sửu 1733 có khoa thi hội chính thức, cụ tham dự và đỗ với 18 người , được sứng danh thứ 7 , chính thức là đệ tam giáp đông tiến sĩ xuất thân, được vua ban yến ở ngự điện Quỳnh Lâm, cấp triếu vinh quy bái tổ.

Con đường khoa cử của cụ rất chật vật, với sức học và sự thông minh từ thủa nhỏ, sau sáu lần thi hội mãi đến năm 35 tuổi cụ mới đỗ tiến sĩ. Sau khi đỗ tiến sĩ cụ làm việc ở hàn lâm viện với chức hiệu thảo. Năm sau 1734  cụ giữ chức Đô cấp sự trung lễ khoa.

-Năm 1736( Vĩnh Hựu thứ 2- Lê Ý Tông) chúa là Trịnh Giang, cụ được cử làm giám sát kỳ thi hội Bính Thìn, sau đó lại ra đài phu huyện Giao Thuỷ. Từ đấy bước đường làm quan của cụ nay đây mai đó chỗ nào khó khăn vua Lê chúa Trịnh lại cử cụ đến.

- Năm 1737 làm Đốc đồng Sơn Nam , rồi lại được lệnh lên Nam Quan đón và bảo vệ đoàn sứ thần.

- Năm 1738 làm giám sát Ngự sử đạo Nghệ An

- Năm 1739 ( Vĩnh Hựu thứ 5) vào Cẩm Thuỷ làm Chấp Đồng để dẹp loạn. Năm này cụ bị ốm nặng phải xin về kinh chữa trị.

- Năm 1740 Cảnh Hưng thứ nhất – Lê Hiển Tông chúa là Trịnh Doanh, cụ được cử về làm việc ở Hàn lâm viện, rồi lại phải ra làm Chấp Đồng đạo Đồng Nam để phòng thủ bảo vệ đất nước.

- Năm 1741 được lệnh về đôn đốc các hạt Thạch Thất, An Sơn, Mỹ Lương để tuyển chọn quân sĩ. Cứ 5 người lấy 2, lập đồn công ngự bọn phiến loạn, xong lại được điều về làm Hiến sát sứ Hải Dương.

- Năm 1742 cụ lại được cử về làm Hiến sát sứ Thanh Hoá. Lúc này Thanh Hoá đang có giặc giã chộm cướp rất nguy cấp, Cụ đã hoàn thành một cách suất sắc.

- Năm 1744 lại vào đạo Cẩm Thuỷ Quảng Bình để đánh dẹp chúa Nguyễn. Cụ lập công nên được tặng Đông các đại học sĩ.

- Năm 1745 lại được cử về Chương Đức , Hoài An để công thảo dân yên. Sau đó được cử lên đốc đồng Cao Bằng, lúc này ở đây đang có giặc Hoàng Sỉ tàn cư của họ Mạc  làm loạn. Cụ được tuỳ cơ mà giải quyết.

 - Năm 1747 bố ốm nặng và qua đời nhưng ở Cao Bằng lúc ấy tình thế như ngàn cân treo sợi tóc , Cụ phải ở lại dẹp giặc và đã diệt được phản loạn thu phục được trấn sở. Dẹp yên giặc giã, cụ được phong Đốc trấn thượng bảo tự khanh, tước là Phùng lĩnh Bá. Ngoài việc dẹp yên dân giã trong nước, nơi biên ải có nhiều việc vô cùng khó khăn phức tạp , cụ phải khéo léo mưu trí để đối phó với bọn quan quân biên giới của Trung Quốc. Có việc kéo dài mấy tháng, để đến tai vua Minh Thanh Cao Tông ( Càn Long 14) cũng phải chấp nhận ý kiến của cụ.

- Năm 1750 ( Cảnh Hưng 11) bọn phiến thần lại mưu phản chúng xúi dục các châu chống lại quan trấn ải. Cụ lại được cử lên Cao Bằng thu phục mới yên. Một năm sau cụ mới được trở về triều.

- Năm 1552 Cụ được cử chuẩn bị kỳ thi hội khoá tới.

- Năm 1753 cụ được cử đi tuần du xứ Sơn Tây, sau đó được cử về làm Thừa chính sứ ty Hải Dương.

- Năm 1755 được cử lên biên giới đón đoàn sứ thần Võ Khâm Lân, Đào Xuân Lan, Vũ Trần Thiệu về nước.

- Năm 1557 được về làm việc ở Hàn Lâm viện, cũng năm này thượng Hoàng Lê Ý Tông băng hà ở điện Càn Thọ, cụ được cử làm hiệu dữ tướng cùng lễ quan Trần Danh Ninh và Hộ lễ quan Bùi Đình Dự lo việc tang lễ. Đến khi lo việc an táng tại lăng ở Thanh Hoá xong mới về kinh.

- Năm 1759 cụ vào làm Bố chính Nghệ An.

- Năm 1762 ( Nhâm Ngọ Cảnh Hưng 23) phụng chỉ cùng quan nội giám Hào Trung Hầu vào xem xét việc phòng thủ ở Quảng Bình . Năm sau Quý  Mùi, tháng 7 phải bẩm về triều kinh theo lệ đã định, tháng 8 năm ấy Cụ bị bệnh hậu bối tại nơi đang làm việc. Đến ngày 9 – 9 Quý Mùi tức ngày 15 – 10 – 1763 cụ qua đời, thọ 65 tuổi( Cảnh Hưng 24) Trấn quan khải bẩm về triều đình được vua cho phép đưa thi hài về quê gốc là làng Bùng xã Phùng Xá,Thạch Thất an táng.

Tháng 11 thì hạ thuyền hồi kinh , đến tháng 12 thì thi hài mới về tới bến Gồ để theo đường bộ về quê. Tháng Giêng năm Giáp Thân 1764 mới cử tang lễ ở Võ chỉ Xứ vườn đôi tại làng Bùng. Sau giỗ hết bài vị được đưa vào kinh thờ phụng.  được tặng phong là Hình bộ Hữu Thị Lang, tước Phùng Lĩnh Hầu, thụỵ là Thuần Nhã, hiệu là Trung Tín Tiên Sinh.

Thi hài của cụ, đầu tiên táng ở xóm Trại cây quýt đầu làng. Đến tháng 10 năm 1775 cải táng đem về xứ Đống Chè. Tháng 12 năm kỷ hợi 1779 rời về xứ Vườn Đôi, gần Võ chỉ. Năm Quý Mão 1783 lại rời về xứ Quan Giải. sau đó lại rời về Đống giỏi. Đến năm đầu Thiệu Trị lại rời về Quan Thiển nhìn xuống Đống Giỏi . Năm 2006 do đất phải thu hồi để làm dự án công nghiệp nên lại di rời về nghĩa trang mới là Quan Thiển hiện nay. lần di dời này do ông Ngô Đình Hoan đảm nhiệm, theo sự chỉ đạo của UBND xã tổ chức.

Ngoài ngôi mộ này ra, hiện nay ở đền thờ còn giữ được một số di vật quý giá :

1 – Hai bức vẽ chân dung bằng bột màu cỡ 50 x 70 . Một bức vẽ giấy lót lụa trong tư thế ngồi, đầu đội mũ cánh chuồn mặc áo thụng xanh, trước ngực có bối tử con cò. Còn một bức cũng cỡ đó, chỉ khác là không lót lụa , xung quanh không vẽ gì , bức này được lồng trong khung kính để thờ Cụ.

2- Mười bốn đạo sắc của các triều Lê , trong đó có 7 đạo sắc của cụ và 7 đạo sắc của bố mẹ , vợ cụ được các triều Lê tấn phong.

3 Một số giấy tờ văn bản ghi chép của dân làng về ngày tế cúng giỗ cụ   ( Cảnh Thịnh thứ 7 Kỷ Mùi 1799)

 

                                                          Thành viên ban di tích làng Bùng

                                                                   Ngô Đình Hoan

( Trích theo tài liệu: TINH HOA PHÙNG XÁ của Phùng Khắc Đồng)