ĐẠI HỘI ĐẢNG BỘ CÁC CẤP ĐẠI HỘI ĐẢNG BỘ CÁC CẤP

ĐẢNG BỘ HUYỆN THẠCH THẤT: DẤU ẤN MỘT NHIỆM KỲ (kỳ1)
Publish date 15/07/2020 | 22:07  | Lượt xem: 339

 Kinh tế tiếp tục phát triển, chuyển dịch đúng hướng và đạt tốc độ tăng trưởng khá  

Nhiệm kỳ 2015 - 2020 của Đảng bộ huyện Thạch Thất kết thúc trong niềm phấn khởi, tự hào của toàn Đảng bộ; niềm hân hoan, tin tưởng của đông đảo các tầng lớp nhân dân. Trong 5 năm qua, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn, thách thức, song Đảng bộ và nhân dân huyện Thạch Thất đã bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương và Thành phố; phát huy truyền thống quê hương văn hiến, anh hùng; sức mạnh đại đoàn kết toàn dân; chú trọng đổi mới phong cách làm việc, lãnh đạo, chỉ đạo, sâu sát, quyết liệt, hướng về cơ sở; tập trung thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp; hoàn thành và hoàn thành vượt mức 12/12 chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội lần thứ XXIII đề ra.

Xác định phát triển kinh tế là nhiệm vụ trọng tâm, căn cứ vào quy hoạch chung của Thủ đô và thực tiễn của huyện, Ban Thường vụ Huyện ủy tập trung nghiên cứu đánh giá đúng tiềm năng, ban hành nhiều chương trình, kế hoạch, đề án phát triển kinh tế để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nên kinh tế tiếp tục phát triển, chuyển dịch đúng hướng và đạt tốc độ tăng trưởng khá. Tổng giá trị sản xuất đến năm 2020 ước đạt trên 25.250 tỷ đồng. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 5 năm 14,92% (mục tiêu Đại hội là 12,68%). Cơ cấu kinh tế: Công nghiệp, TTCN, xây dựng cơ bản chiếm 70,2%; Thương mại, dịch vụ 23,2%; Nông nghiệp 6,6%. Thu nhập bình quân đầu người ước đạt 70 triệu đồng/người/năm, tăng gấp 2 lần so với năm 2015.

 Sản xuất tôn tại cụm công nghiệp Phùng Xá

 Trong lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp đã chỉ đạo triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án số 05 về “Phát triển Công nghiệp - TTCN và làng nghề huyện Thạch Thất giai đoạn 2016 - 2020”; đồng thời tiếp tục quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng, đường làng nghề xã Hữu Bằng - Dị Nậu, mở rộng 2 bên đường 419 đoạn Bình Phú - Phùng Xá tạo điều kiện cho các phương tiện giao thông vận chuyển hàng hóa, xuất, nhập nguyên vật liệu phục vụ sản xuất công nghiệp – TTCN; chỉ đạo tập trung giải quyết các tồn tại về giải phóng mặt bằng ở cụm công nghiệp; quan tâm chỉ đạo khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường; triển khai thực hiện thành lập mới và mở rộng một số cụm công nghiệp: Dị Nậu, Chàng Sơn giai đoạn 2, Hữu Bằng, Bình Phú 1 giai đoạn 2, Hương Ngải, Đám Sào - Canh Nậu giai đoạn 2 để có mặt bằng sản xuất cho các doanh nghiệp, hộ làng nghề.

Sản phẩm nhà gỗ cổ truyền của làng nghề mộc Chàng Sơn

Chỉ đạo các tổ chức tín dụng, ngân hàng tạo điều kiện thuận lợi về nguồn vốn vay cho các doanh nghiệp, các hộ sản xuất làng nghề đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh, mua sắm máy móc, trang thiết bị, cải tiến công nghệ, nâng cao chất lượng, mẫu mã, hạ giá thành các sản phẩm hàng hóa, tăng sức cạnh tranh trên thị trường; đồng thời chỉ đạo tăng cường công tác tuyên truyền, quảng bá giới thiệu các sản phẩm công nghiệp, làng nghề thông qua việc tổ chức triển lãm, trưng bày, tuyên truyền trên trang Website làng nghề truyền thống; hoàn thành việc xây dựng nhãn hiệu tập thể sản phẩm Mộc Chàng Sơn, Chè lam Thạch Xá, cơ kim khí Phùng Xá, chè Kho Đại Đồng...

Đến nay, trên địa bàn Huyện có 01 khu công nghiệp, 9 cụm công nghiệp làng nghề với diện tích 187,5 ha, thu hút nhiều doanh nghiệp, hộ làng nghề vào đầu tư với nguồn vốn lớn, giải quyết việc làm cho hàng ngàn lao động trong và ngoài huyện. Các làng nghề truyền thống tiếp tục được duy trì phát triển; 23/23 xã, thị trấn trong huyện có nghề, trong đó 10 làng được công nhận danh hiệu làng nghề truyền thống; 1.605 doanh nghiệp, hợp tác xã và 20.885 hộ sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp, TTCN. Các doanh nghiệp đã mở rộng quy mô sản xuất, đầu tư công nghệ máy móc hiện đại, tăng cường hợp tác quốc tế, chủ động nhập khẩu nguyên liệu sản xuất, như gỗ, sắt thép và xuất khẩu sản phẩm ra thị trường quốc tế với sản lượng lớn, như đá ốp lát cao cấp, sản phẩm may mặc; các sản phẩm xuất khẩu khẳng định được thương hiệu và có sức cạnh tranh cao trên thị trường. Nhiều ngành nghề truyền thống như: cơ kim khí, chế biến lâm sản, đồ mộc dân dụng, làm nhà gỗ cổ truyền, dệt may, chế biến nông sản... tiếp tục phát triển và hoạt động ngày càng có hiệu quả cao hơn.

Tổng giá trị sản xuất công nghiệp - TTCN đến năm 2020 ước đạt gần 17.522 tỷ đồng, tăng trưởng bình quân 15,5%/năm (vượt 2,3%/năm so với mục tiêu Đại hội). Nhiều sản phẩm công nghiệp, làng nghề đạt mức tăng trưởng khá: cơ kim khí tăng 17,1%/năm; chế biến lâm sản, đồ mộc tăng 18,1%/năm, chế biến lương thực, thực phẩm tăng 16,5%/năm, các sản phẩm khác tăng 13,2%/năm.

Chùa Tây Phương-điểm đến của du lịch Thủ đô

Ngoài ra, Huyện ủy tập trung chỉ đạo, thực hiện tốt “Đề án phát triển thương mại, dịch vụ và du lịch giai đoạn 2016 - 2020”; đầu tư kinh phí cải tạo, nâng cấp hệ thống chợ nông thôn ở các xã theo chuẩn nông thôn mới. Hoạt động xúc tiến đầu tư, trao đổi thương mại của các doanh nghiệp được mở rộng, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn huyện đã hợp tác với các doanh nghiệp trong và ngoài nước để nhập nguyên vật liệu đầu vào và xuất khẩu các sản phẩm hàng hóa; một số doanh nghiệp đã mở rộng quy mô đầu tư cơ sở sản xuất, kinh doanh chế biến lâm sản tại các nước như: Lào, Campuchia, Châu Phi..., trở thành đầu mối cung cấp nguyên vật liệu cho sản xuất đồ mộc... Công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường được thực hiện thường xuyên, kịp thời phát hiện và xử lý các trường hợp buôn bán, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo vệ lợi ích chính đáng cho nhà sản xuất và người tiêu dùng.

Hoạt động du lịch, dịch vụ tiếp tục có bước phát triển, đã phối hợp với Sở Du lịch Hà Nội triển khai các giải pháp nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch trên địa bàn huyện, xác định Thạch Thất là điểm đến trên Bản đồ du lịch Thành phố; chất lượng các sản phẩm du lịch, dịch vụ như: lưu trú, ẩm thực ăn uống được nâng lên, số lượng khách du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch tâm linh, du lịch làng nghề ngày càng tăng, năm 2020 ước đạt trên 200.000 lượt khách du lịch trong nước và quốc tế, tăng gấp 2 lần so với năm 2015. Tổng giá trị thương mại, dịch vụ đến năm 2020 ước đạt gần 5.956 tỷ đồng, tăng bình quân 18,1%/năm (vượt 2,6%/năm so với mục tiêu Đại hội đề ra).

Thực hiện cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp 

Mặc dù sản xuất nông, lâm, thủy sản không phải là thế mạnh, song Huyện ủy cũng đã quan tâm; chỉ đạo triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án “Mở rộng, phát triển mô hình sản xuất nông nghiệp mới có chất lượng và hiệu quả kinh tế cao giai đoạn 2016 - 2020”; chỉ đạo đưa cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp, bằng các nguồn vốn hỗ trợ của Thành phố, của Huyện và nhân dân đầu tư mua sắm máy móc. Đến nay, tỷ lệ diện tích gieo trồng được cơ giới hóa trong khâu làm đất và thu hoạch đạt trên 98%, diện tích tưới tiêu chủ động đạt 95% diện tích canh tác. Tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng; đưa các giống lúa ngắn ngày, có năng suất, chất lượng cao vào 100% diện tích gieo cấy. Chỉ đạo chuyển đổi diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả, kết hợp trồng rừng sinh thái với trồng cây ăn quả, cây dược liệu, đến nay đã có 121 mô hình cho hiệu quả kinh tế cao như: các mô hình giống lúa cao sản chất lượng cao, mô hình trồng hoa, nấm đông trùng hạ thảo, nấm linh chi ở Đại Đồng, mô hình nông nghiệp công nghệ cao ở Tiến Xuân; các vùng sản xuất rau hữu cơ, rau an toàn với diện tích 200 ha ở các xã: Hương Ngải, Dị Nậu, Yên Trung, Bình Yên, Yên Bình cho thu nhập từ 333 - 445 triệu đồng/ha/năm.

Lĩnh vực chăn nuôi tiếp tục phát triển mạnh, đã hình thành các trang trại chăn nuôi tập trung xa khu dân cư với quy mô ngày càng lớn, cơ bản thay thế việc chăn nuôi nhỏ lẻ, manh mún trong dân cư. Toàn huyện hiện có 179 trang trại, mô hình chăn nuôi tập trung theo quy hoạch, đặc biệt mô hình chăn nuôi lợn rừng kết hợp với trồng rau hữu cơ dưới tán rừng và lợn thương phẩm với trên 1.000 lợn nái, mỗi năm cung cấp cho thị trường trên 10.000 con lợn giống tại xã Yên Bình cho thu nhập kinh tế cao.  

Mô hình trồng rau hữu cơ tại trang trại Hoa Viên, xã Yên Bình, huyện Thạch Thất

Đồng thời, chỉ đạo thực hiện tốt việc duy trì, bảo vệ và chăm sóc  2.088 ha rừng/3.449,8 ha đất có rừng; chỉ đạo khai thác có hiệu quả 520 ha diện tích mặt nước nuôi trồng thủy sản... Do đó, tổng giá trị sản xuất nông - lâm nghiệp - thủy sản năm 2020 ước đạt gần 1.708 tỷ đồng, tăng trưởng bình quân là 3,4%/năm (vượt 0,8%/năm so với mục tiêu Đại hội đề ra); trong đó tỷ trọng giá trị ngành trồng trọt chiếm 49,5%, tăng 3,9%/năm; giá trị ngành chăn nuôi chiếm 50,5%, tăng bình quân 3,3%/năm.

Những kết quả quan trọng trong phát triển kinh tế của nhiệm kỳ 2015-2020 đã khẳng định quyết tâm chính trị cao của toàn Đảng bộ và sự nỗ lực, đồng lòng của đông đảo các tầng lớp nhân dân Thạch Thất. Thành công đó sẽ tạo nên xung lực mới, sức sống mới, khí thế thi đua mới trong toàn Đảng bộ và nhân dân trong nhiệm kỳ 2020-2025./.

 

Thu Thủy