AN NINH - QUỐC PHÒNG AN NINH - QUỐC PHÒNG

Chủ động ứng phó bão số 3 để giảm thiệt hại
Publish date 05/09/2024 | 20:00  | Lượt xem: 70

Theo đánh giá của các chuyên gia khí tượng, bão số 3 là một trong những cơn bão mạnh nhất năm 2024 hoạt động trên Biển Đông. Trong 8 năm qua, nước ta chưa ghi nhận cơn bão mạnh nào đổ bộ trực tiếp vào khu vực Bắc Bộ kể từ sau bão số 1 (Mirinae) năm 2016.

Theo thông tin từ Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia; Sáng ngày 5-9, bão số 3 đã mạnh lên thành siêu bão với sức gió mạnh cấp 16, giật cấp 17. Trên đất liền, bão số 3 sẽ gây ra đợt mưa rất lớn tại các tỉnh, thành phố thuộc khu vực Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ từ ngày 7-9; lượng mưa có thể đạt 100-300mm, có nơi trên 500mm. Trên các sông sẽ xuất hiện đợt lũ, nguy cơ lũ quét, sạt lở đất rất lớn.

Đường đi của Bão số 3


Đài Khí tượng thủy văn khu vực Đồng bằng và trung du Bắc Bộ nhận định, hoàn lưu bão số 3 rất rộng, gây mưa lớn, gió mạnh diện rộng trên địa bàn thành phố. Từ chiều 7-9, các quận: Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Đống Đa, Long Biên, Tây Hồ, Cầu Giấy, Hoàng Mai, Thanh Xuân, Hà Đông, Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, và các huyện: Gia Lâm, Hoài Đức, Đan Phượng, Thanh Trì, Thường Tín, Thanh Oai, Mỹ Đức, Ứng Hòa, Phú Xuyên, Chương Mỹ, Đông Anh, Sóc Sơn, Mê Linh có gió mạnh cấp 5, cấp 6, sau tăng lên cấp 7, cấp 8, giật cấp 10. Từ chiều tối 7-9, thị xã Sơn Tây và các huyện: Ba Vì, Thạch Thất, Quốc Oai, Phúc Thọ có gió mạnh cấp 4, cấp 5, sau tăng lên cấp 6, cấp 7, giật cấp 9.
Ngoài gió mạnh, từ ngày 7 đến 9-9, Hà Nội mưa to đến rất to. Lượng mưa tại các quận: Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Đống Đa, Long Biên, Tây Hồ, Cầu Giấy, Hoàng Mai, Thanh Xuân, Hà Đông, Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, thị xã Sơn Tây và các huyện: Gia Lâm, Hoài Đức, Đan Phượng, Thanh Trì, Thường Tín, Thanh Oai, Mỹ Đức, Ứng Hòa, Phú Xuyên, Chương Mỹ, Phúc Thọ, Thạch Thất, Quốc Oai, Ba Vì 200-300mm, có nơi cao hơn 400mm. Các huyện: Đông Anh, Sóc Sơn, Mê Linh 150-250mm, có nơi cao hơn 300mm.
Để chủ động ứng phó với cơn bão số 3 (bão YAGI), UBND huyện yêu cầu Thủ trưởng các phòng, ban, ngành Huyện, Chủ tịch UBND các xã, thị trấn tuyệt đối không được lơ là, chủ quan trước tình hình, diễn biến của bão. Thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các chỉ đạo, hướng dẫn của trung ương, thành phố và huyện trong công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.
Ngoài ra, căn cứ tình hình thời tiết, thiên tai, Thủ trưởng các phòng ban, ngành Huyện, Chủ tịch UBND các xã, thị trấn chủ động rà soát, sẵn sàng triển khai các kế hoạch, phương án ứng phó với thiên tai theo phương châm "4 tại chỗ.
Đồng thời tăng cường công tác kiểm tra an toàn hệ thống cơ sở hạ tầng, công trình tiêu thoát nước, các khu dân cư để kịp thời phát hiện các nguy cơ có thể xảy ra; sẵn sàng sơ tán, có phương án bảo đảm an toàn đối với người dân khu vực nguy hiểm, trong đó đặc biệt lưu ý đối với các xã miền núi.
Các địa phương, đơn vị trực ban nghiêm túc, thường xuyên tổng hợp báo cáo chi tiết, đầy đủ, kịp thời tình hình diễn biến thiên tai, sự cố, các thiệt hại và công tác ứng phó, khắc phục hậu quả; kịp thời tham mưu báo cáo, đề xuất khó khăn, vướng mắc và các nội dung vượt thẩm quyền theo quy định./.