TUYÊN TRUYỀN, PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT TUYÊN TRUYỀN, PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

Một số quy định về cấp ý kiến pháp lý
Publish date 22/09/2015 | 10:42  | Lượt xem: 26

Ý kiến pháp lý là văn bản do Bộ Tư pháp cấp về tính hợp pháp của văn bản được xem xét cấp ý kiến pháp lý...

Ngày 26 tháng 5 năm 2015, lần đầu tiên Chính phủ đã ban hành Nghị định số 51/2015/NĐ-CP về cấp ý kiến pháp lý (Nghị định có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/07/2015), quy định các nội dung quan trọng về nguyên tắc, phạm vi, trình tự, thủ tục cấp ý kiến pháp lý, nội dung cơ bản…của ý kiến pháp lý do Bộ Tư pháp cấp và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức liên quan. Sau đây là những nội dung chính của Nghị Định 51/2015/NĐ-CP:

Ý kiến pháp lý là văn bản do Bộ Tư pháp cấp về tính hợp pháp của văn bản được xem xét cấp ý kiến pháp lý.

*Nguyên tắc cấp ý kiến pháp lý (được quy định tại Điều 3):

1. Ý kiến pháp lý được cấp trên cơ sở và phù hợp với quy định của pháp luật Việt Nam tại thời điểm cấp.

2. Ý kiến pháp lý được cấp sau khi các văn bản được xem xét cấp ý kiến pháp lý đã được ký, phê duyệt, phê chuẩn hoặc ban hành theo đúng quy định của pháp luật.

3. Ý kiến pháp lý không làm thêm, bớt, hoặc thay đổi các quyền và nghĩa vụ của các bên có được theo các văn bản được xem xét cấp ý kiến pháp lý hoặc theo pháp luật được áp dụng vào thời điểm cấp.

*Giá trị của ý kiến pháp lý (được quy định tại Điều 4):

Ý kiến pháp lý là ý kiến chuyên môn độc lập đánh giá về các vấn đề pháp lý của văn bản được xem xét cấp ý kiến pháp lý.

*Đối tượng cấp ý kiến pháp lý (được quy định tại Điều 5):

Bộ Tư pháp xem xét cấp ý kiến pháp lý đối với các văn bản mà Nhà nước, Chính phủ hoặc cơ quan Nhà nước là một bên trong các trường hợp sau:

1. Điều ước quốc tế về vay vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và vay ưu đãi; văn bản liên quan khác mà Nhà nước, Chính phủ hoặc cơ quan Nhà nước là một bên (nếu có);

2. Thỏa thuận vay nhân danh Nhà nước, Chính phủ hoặc Bộ Tài chính;

3. Văn bản bảo lãnh Chính phủ cho các khoản vay được Chính phủ bảo lãnh hoặc văn bản phát hành trái phiếu quốc tế được Chính phủ bảo lãnh;

4. Thỏa thuận phát hành trái phiếu quốc tế của Chính phủ;

5. Dự án đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP) (bao gồm hợp đồng dự án, văn bản bảo lãnh Chính phủ (nếu có), hợp đồng thuê đất và các văn bản khác liên quan đến dự án mà Nhà nước, Chính phủ hoặc cơ quan nhà nước là một bên);

6. Các trường hợp đặc biệt khác theo phân công của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

 

* Cơ quan, tổ chức có quyền yêu cầu cấp ý kiến pháp lý (được quy định tại Điều 6):

1. Cơ quan nhà nước chủ trì đàm phán, ký đối với điều ước quốc tế về vay ODA và vay ưu đãi; thỏa thuận vay của Nhà nước; hợp đồng dự án đầu tư theo hình thức PPP.

2. Tổ chức được bảo lãnh đối với các văn bản bảo lãnh Chính phủ cho các khoản vay được Chính phủ bảo lãnh hoặc văn bản phát hành trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh.

* Điều kiện cấp ý kiến pháp lý (được quy định tại Điều 7):

Bộ Tư pháp cấp ý kiến pháp lý khi đáp ứng đầy đủ các điều kiện sau:

1. Văn bản được xem xét cấp ý kiến pháp lý thuộc đối tượng cấp ý kiến pháp lý theo quy định tại Điều 5 Nghị định này;

2. Có hồ sơ yêu cầu cấp ý kiến pháp lý đầy đủ theo đúng quy định tại Điều 12 Nghị định này và đã được làm rõ, chỉnh lý theo yêu cầu của Bộ Tư pháp quy định tại Điều 14 Nghị định này;

3. Việc đàm phán, ký, phê duyệt hoặc phê chuẩn các văn bản được xem xét cấp ý kiến pháp lý đã được thực hiện đúng thẩm quyền, đúng quy trình, thủ tục theo quy định của pháp luật Việt Nam.

* Ngôn ngữ của ý kiến pháp lý (được quy định tại Điều 9):

Ý kiến pháp lý được cấp dưới hình thức văn bản bằng tiếng Việt hoặc tiếng Anh theo đề nghị của cơ quan, tổ chức yêu cầu cấp ý kiến pháp lý.

* Các nội dung cơ bản của ý kiến pháp lý (được quy định tại Điều 10):

Nội dung ý kiến pháp lý bao gồm các nội dung cơ bản sau đây: Các điều kiện, hoàn cảnh và giả định cần thiết để làm rõ mục đích và phạm vi ý kiến pháp lý; Đánh giá về tư cách pháp lý của bên Việt Nam trong việc ký hoặc ban hành văn bản; Đánh giá về thẩm quyền tham gia ký hoặc ban hành văn bản của bên Việt Nam; Đánh giá về việc tuân thủ quy định của pháp luật Việt Nam về thủ tục đàm phán, ký, ban hành văn bản; Mục đích sử dụng ý kiến pháp lý và việc cung cấp ý kiến pháp lý cho các tổ chức, cá nhân khác. Ngoài các nội dung nêu trên, tùy từng trường hợp cụ thể, ý kiến pháp lý có thể có các nội dung khác nhưng không trái với các nguyên tắc cấp ý kiến pháp lý được quy định tại Điều 3 Nghị Định này. Điều đáng chú ý là nội dung ý kiến pháp lý không đánh giá về các tình tiết, sự kiện hoặc các nội dung không liên quan trực tiếp tới pháp luật Việt Nam.

* Thời hạn cấp ý kiến pháp lý (được quy định tại Điều 15):

Bộ Tư pháp cấp ý kiến pháp lý trong thời hạn tối thiểu 15 ngày đến tối đa không quá 60 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, tùy theo nội dung yêu cầu cấp ý kiến pháp lý.                                                         

* Sử dụng ý kiến pháp lý (được quy định tại Điều 18):

1. Cơ quan, tổ chức yêu cầu cấp ý kiến pháp lý chỉ được sử dụng ý kiến pháp lý cho giao dịch nêu trong văn bản được xem xét cấp ý kiến pháp lý.

2. Cơ quan, tổ chức yêu cầu cấp ý kiến pháp lý chỉ được cung cấp ý kiến pháp lý cho các cá nhân, tổ chức được nêu trong ý kiến pháp lý và chỉ được cung cấp cho cá nhân, tổ chức khác nếu được sự đồng ý bằng văn bản của Bộ Tư pháp.

 

                                                                         PHÒNG TƯ PHÁP