TIN TỨC - SỰ KIỆN TIN TỨC - SỰ KIỆN

Tấm gương về tình thần vượt khó vươn lên của học sinh nghèo khuyết tật
Publish date 25/07/2016 | 16:47  | Lượt xem: 46

Em sinh ra và lớn lên trong một gia đình nông dân, thuộc diện hộ nghèo liên tục trong nhiều năm của địa phương. Bị mắc căn bệnh xương thủy tinh, em phải làm bạn với chiếc xe lăn từ thuở ấu thơ...

Em Trần Thị Hải ở thôn 02 xã Kim Quan là một trong những học sinh nghèo vượt khó tiêu biểu của Trường THPT Thạch Thất.

 

Em sinh ra và lớn lên trong một gia đình nông dân, thuộc diện hộ nghèo liên tục trong nhiều năm của địa phương. Bị mắc căn bệnh xương thủy tinh, em phải làm bạn với chiếc xe lăn từ thuở ấu thơ, mọi việc trong sinh hoạt cá nhân cũng như trong học tập hết sức vất vả, khó khăn. Thế nhưng Hải không hề tự ti, mặc cảm. Trái lại, với ý chí quyết tâm, nghị lực mạnh mẽ, em luôn tự tin, nỗ lực vươn lên trong cuộc sống. Suốt cả 12 năm học, em  phấn đấu và liên tục đạt danh hiệu học sinh Khá và Giỏi. Tham dự kỳ thi quốc gia vừa qua, em mong muốn mình không chỉ tốt nghiệp THPT mà còn  đỗ  vào Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội chuyên ngành Công nghệ  thông tin. Trần Thị Hải đã chia sẻ: “Em quyết định đăng ký thi khoa Công  nghệ thông tin Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội vì ngoài sự yêu thích công việc liên quan đến máy tính  thì  ngành nghề thuộc lĩnh vực công nghệ sẽ rất phù hợp với hoàn cảnh cũng như năng lực bản thân em”.

 

Động  lực  khiến em vượt lên số phận để vươn lên trong học tập, nuôi dưỡng ước mơ trở  thành  một nhà quản trị mạng hay một lập trình viên máy tính trong tương lai như anh trai của mình. Tinh thần lạc quan và nghị lực của em được bồi đắp bởi người bố mà em ngưỡng mộ. Khi kể về bố của mình, Hải chia sẻ: “Bố em cũng bị tật nguyền không di chuyển được bằng đôi chân mình, bố em lại còn không biết chữ do không được đi học, nhưng với lòng quyết tâm và ham học hỏi, bố em đã mày mò tự tìm hiểu về nghề sửa chữa điện dân dụng mà dần dần trở nên thành thạo nghề. Cửa hàng sửa chữa đồ điện tại nhà của bố em lúc nào cũng đông khách. Khách hàng toàn là bà con trong làng  xã và vùng lân cận cả. Nhờ có công việc này cho nguồn thu nhập lớn nên bố em là lao động chính nuôi  cả gia đình. Tất cả cuộc sống trong gia đình  em đều do bố em lo liệu và cáng đáng gần hết vì mẹ em cũng bị khiếm thính, chỉ lo khâu nội trợ là chính”. Mặc dù có hoàn cảnh rất thương tâm và khó khăn, nhưng khi nói về quá trình học tập, em Hải hồ hởi: “Do mắc bệnh và người quá nhỏ nên em đã đi học chậm mất 2 năm. Như thế cũng có cái hay vì em được học cùng lớp với cô em gái của mình. Nhờ đó mà hằng ngày Hải đều được em gái của mình đẩy xe lăn đến trường.         

                  

Tấm gương em Trần Thị Hải vượt lên chính mình để học tập, phấn đấu trở thành người có ích thật đáng quý và nể phục./.

Nguyễn Thị Thiện