HƯỚNG VỀ QUÊ HƯƠNG THẠCH THẤT
Giá trị của di tích là những giá trị mang tính phổ quát, đặc thù, ẩn tàng trong di tích. Đến với chùa Tây Phương với ý thức đầy đủ và cao khiết, con người dễ dàng cảm nhận hiệu quả, điều hướng nhân cách và xu thế khuyến thiện mãnh liệt đối với con người. Đó là bảo vật quốc gia, là tài sản vô giá của hôm qua, hôm nay và mai sau, cần nâng giữ, tôn bồi và thành kính...
VIII. GIÁ TRỊ LỊCH SỬ, VĂN HÓA, KHOA HỌC, THẨM MỸ CỦA DI TÍCH
Giá trị của di tích là những giá trị mang tính phổ quát, đặc thù, ẩn tàng trong di tích. Đến với chùa Tây Phương với ý thức đầy đủ và cao khiết, con người dễ dàng cảm nhận hiệu quả, điều hướng nhân cách và xu thế khuyến thiện mãnh liệt đối với con người. Đó là bảo vật quốc gia, là tài sản vô giá của hôm qua, hôm nay và mai sau, cần nâng giữ, tôn bồi và thành kính.
1. Về giá trị lịch sử:
Chùa Tây Phương nằm trong vùng đất lịch sử của huyện Thạch Thất nói chung và xã Thạch Xá nói riêng trong tổng thể không gian văn hóa xứ Đoài. Đề tài lịch sử này đã được các nhà khoa học quan tâm. Năm 1968, phủ Quốc vụ khanh phụ trách văn hóa Viện Khảo cổ đã công bố tài liệu của Nguyễn Bá Lăng. Sau đó các học giả lần lượt công bố kết quả nghiên cứu của mình về giá trị lịch sử chùa Tây Phương.
Có thể nói lịch sử hình thành chùa Tây Phương diễn ra song hành cùng với quá trình phát triển phật giáo nước nhà và đồng hành cùng dân tộc. Những tấm bia đá, minh văn, hoành phi câu đối và những truyền thuyết dân gian là những phương tiện truyền tải giá trị lịch sử đặc sắc đó, thể hiện tinh thần độc lập dân tộc, bản sắc văn hóa Phật giáo Việt Nam. Năm 864 – 868, Cao Biền lên núi Tây Phương đã phát hiện long mạch ở vùng này và cho rằng, nếu cứ giữ nguyên về nguyên sơ ắt sinh vương. Ông ta liền trấn yểm nhưng vẫn phải thốt lên: “Vượng khí ở phương Nam không thể lường hết được, ta ở lâu ắt tước lấy tai họa”, nên đã cho xây chùa để cắt long mạch, trừ nhân tài nơi địa linh, reo rắc dị đoan cho mọi người. Nhưng với tinh thần độc lập tự chủ của dân tộc, sự phản kháng của người dân, Cao Biền đã không thực hiện được ý đồ của mình.
Giá trị lịch sử của chùa Tây Phương còn được khẳng định bởi ngôi chùa này là một trong những địa điểm đánh dấu sự chuyển biến về hệ tư tưởng Phật – Lão – Nho cuối thời hậu Lê sang nhà Mạc rồi thời Lê Trung Hưng. Biểu hiện rõ nét nhất là ở kết cấu hai tầng tám mái, ở những ô cửa hình tròn biểu tượng cho âm dương ngũ hành, biểu hiện cho sắc sắc không không. Từ đó, “ngắm di sản văn hóa người ta có thể sờ được vào lịch sử. Sự hiện diện của di tích nói về lịch sử xã hội của thời sản sinh ra nó. Người ta có thể đối thoại với di sản văn hóa để hiểu được tiếng nói thì thầm của quá khứ, của tổ tiên. Những ngôi chùa của tổ tiên hãy trả cho tổ tiên và phải giữ gìn nâng niu từng tý một của tổ tiên, bởi vì những dấu tích ấy là tiếng nói của tổ tiên” (PGS.TS Trần Lâm Biền)
2. Về giá trị văn hóa:
Giá trị văn hóa là những giá trị mang tính sáng tạo, biểu hiện những năng lực của con người trong quá trình khai phá và phát triển của tự nhiên, đã được vật thể hóa và khách thể hóa trong hoạt động và trong sản phẩm của hoạt động người. Giá trị văn hóa chùa Tây Phương bao hàm những yếu tố nội tại ấy.
Chùa Tây Phương nằm trên đỉnh núi Câu Lậu cao khoảng 50m so với mực nước niển giữa vùng bán sơn địa của huyện Thạch Thất với những giá tị văn hóa vật thể và phi vật thể dày đặc. Rất nhiều di tích nằm dàn trải và sen đặc trên địa bàn. Nơi đây là một trong những cái nôi của nghệ thuật múa rối nước và nững sản vật địa phương. Điều ấy đã tạo ra không gian văn hóa linh thiêng và hào hoa cho ngôi chùa cổ này.
Chùa được xây dựng trên đỉnh núi với những vật liệu truyền thống của địa phương, tiêu biểu là gạch và đá ong, tạo nên nét văn hóa đặc thù cho di tích. Di tích không chỉ là “bảo vật” của nhân dân địa phương mà đã vượt khỏi không gian làng xã và trở thành địa chỉ văn hóa cho du khách thập phương trong và ngoài nước, Khi quan lãm ngôi chùa, du khách như tựa thả hồn vào tác phẩm kiến trúc nghệ thuật độc đáo với kết cấu kiến trúc, với những họa tiết với những trang trí tinh diệu, hệ thống tượng pháp đã đạt tới trình độ điển mô, không phải ngôi chùa nào nào cũng có.
Nếu quan sát kỹ hệ thống tượng pháp, chúng ta có thể thấy rõ một điều, hệ thống chế tác của chùa Tây Phương, chùa Thấp và chùa Hạ Bằng có những nét tương đồng, hầu như do một tốp thợ ở Chàng Sơn tạo tác. Tuy nhiên, về các bài trí ở ba ngôi chùa này đôi chỗ có điểm khác nhau do không gian và diện tích. Nhưng về cơ bản, những nét chạm là tương đồng, thể hiện giá trị văn hóa đặc sắc.
3. Về giá trị khoa học:
Về giá trị khoa học của chùa Tây Phương, chắc hẳn người xưa đã rất tài tình khi tính toán kỹ lưỡng để xây dựng lên ngôi chùa này, xét trên bình diện khoa học, kiến trúc nghệ thuật đều mang tính đặc thù, tập trung tại ba hạng mục chính: tiền đường, trung đường và thượng điện. Để tạo được hình thức tòa nhà “chồng diêm- tám mái”, các nghệ nhân xưa kia đã sáng tạo bộ vì kết cấu hết sức độc đáo. Chỉ với bốn hàng chân cột nhưng với cấu trúc hai cột cái dâng cao cùng 02 cột trốn đỡ bộ vì mái trên, xà nách đỡ cột trốn kết hợp với hệ đầu bảy nằm ngang đỡ hệ mái dưới, các lá mái gặp nhau tại các góc nhà và được khéo léo vuốt lên bởi các kẻ góc, hàng tầu đã tạo nên những mái đao cao vút, mềm mại. Và như vậy, nội dung kết cấu bên trong đã quyết định nên hình thức kiến trúc ở bên ngoài. Đó là sự minh triết của kiến trúc Việt truyền thống mà các nghệ nhân xa xưa đã chuyển thông điệp tới ngày nay. Về phương diện thẩm mỹ, những bức chạm nông trang trí các cấu kiện chính của chùa, nhìn trên bình diện tổng thể công trình, tỷ lệ mặt đứng kiến trúc chùa Tây Phương cao hai tầng mái là khoảng 3,5m so với chiều cao tường bao là 2,05m, tức gấp khoảng 1,7 lần, là con số rất gần gụi với tỷ lệ vàng trong mỹ học kiến trúc. Tỷ lệ này càng được tôn đẩy khi mái chùa được lợp ngói nên độ dốc của các tầng mái làm cho tỷ lệ kiến trúc của công trình càng nền nã mềm mại. Như vậy, ở khía cạnh mỹ học kiến trúc thì cách xử lý về tỷ lệ hình học của kiến trúc di tích chùa Tây Phương cũng là một đỉnh cao, khó có công trình nào sánh được.
Một thủ pháp kết cấu kiến trúc độc đáo khác mà ta dễ dàng nhận thấy ở di tích chùa Tây Phương là cách sử dụng bộ khung kết cấu gỗ gánh chịu toàn bộ sức nặng của hệ mái của công trình, hệ tường xây không có chức năng chịu lực mà chỉ gánh trọng tải bản thân nên ngoài sự bảo đảm về sự hợp lý trong việc sử dụng vật liệu xây dựng thì đây cũng là hệ kết cấu của các công trình kiến trúc hiện đại ngày nay, đó là: “Hệ kết cấu khung chịu lực, tường bao che linh hoạt”. Do vậy, có thể nói về mặt kết cấu công trình, đây là dạng kết cấu tiên tiến, đi trước thời đại hàng trăm năm mà những nghệ nhân xây dựng xưa kia đã áp dụng cho di tích này. Vì vậy, dù đã trải qua nhiều trăm năm, dù hệ khung gỗ bị mối mọt, mưa nắng khí hậu… xâm thực, nhưng hệ khung kết cấu chính của chùa vẫn vững chãi, gánh vác hệ mái chắc nặng, là điểm tựa cho hệ đao mái …
Về vật lý kiến trúc, ở công trình này cũng cho ta thấy những phương pháp giải quyết rất khoa học thông qua việc xây dựng tách rời các tòa nhà, khoảng cách mỗi tòa là 1,6m tạo nên 02 khoảng sân nhỏ, nên dù dạ tàu mái ở cốt 2,1m là khá thấp, nhưng ánh sáng tự nhiên vẫn tràn được vào không gian các điện thờ, việc chiếu sáng tự nhiên cho chùa còn được bổ khuyết ở hệ cửa sổ “Âm- Dương”… Cùng với ánh sáng của nắng, hệ “sân trời” giữa các tòa và cửa sổ cũng bảo đảm khả năng lưu thông của không khí thông qua gió trời. Những ngày hè oi bức, đứng trong chùa ta vẫn có được cảm giác mát mẻ an lành bởi sự lưu thông không khí nhờ hệ mái ngói lợp dầy, nhờ hệ mái chồng diêm có những khoảng hở thoáng nên giúp lưu thông khí nóng và khói hương, vì vậy, nếu trời càng nắng gắt, hệ mái ngói càng bị nung nóng thì sự đối lưu của không khí càng được bảo đảm. Về việc xử lý âm học kiến trúc, với cấu tạo của lớp tường gạch Bát xây tường và các lớp ngói lợp tương đối dày, mọi âm thanh ồn ào bên ngoài đã được sàng lọc khiến thanh âm trong chùa tĩnh lặng, xứng tầm với chốn cửa Thiền trầm mặc, không bon chen. Như vậy, các giải pháp xử lý đơn giản của kiến trúc chùa Tây Phương đã tạo ra một không gian đặc biệt để đáp ứng, phục vụ những nhu cầu thiết yếu cho những người hành hương thực hiện những lễ nghi tôn giáo – tín ngưỡng và hơn hết tạo dựng được môi trường có tính thiêng, xứng tầm với những vị Bồ tát được thờ trong chùa.
Sẽ là thiếu sót lớn khi không khảo sát kỹ cấu trúc hệ khung kết cấu của di tích trong khi nghiên cứu kiến trúc chùa Tây Phương. Ngày nay, chúng ta đều đã biết về các bộ vì kết cấu 03 tòa là khá đồng nhất về cấu tạo, như phần trên đã lý giải sơ bộ về thủ pháp xử lý cấu tạo hệ mái chồng diêm của chùa, đồng thời hệ cột cái kết hợp với 02 cột trốn đỡ khung vì kèo kiểu chồng rường của mái trên, hệ cột cái này cao khoảng 4,9m, riêng cột cái của tòa trung đường cao khoảng 5,5m, theo bộ vì, từng cặp cột cái được liên kết bởi cấu kiện quá giang, bảy ngang… trên đỉnh của cột cái có đấu tròn, có lẽ công năng của nó là để khóa đầu cột, giữ chắc các mộng của quá giang và bảy ngang. Đặc điểm kết cấu thống nhất ở chùa Tây Phương là các cột gỗ được đặt trên chân tảng đá xanh, đáy hình vuông nhưng trên mặt để đỡ cột được chạm khắc hoa sen, các đấu kê chân cột rốn có hình tròn, xung quanh được chạm cánh sen – chi tiết này được các nhà nghiên cứu lý giải hoa sen ở dưới tượng cho phần “Âm”, còn cột gỗ tròn tượng cho phần “Dương”, cột gỗ đặt trên hoa sen ấy là biểu tượng cho âm – dương đối đãi… thể hiện nhân sinh quan cổ xưa rất hồn hậu, mộc mạc của người Việt. Hệ con chồng (rường), bảy đều nằm ngang, nên guốc hoành được chạm trổ cách điệu theo hình thức của “đấu củng” đều đặt trực tiếp trên con chồng hoặc đầu bảy. Trên các con hoành có tiết diện tròn là hệ rui đỡ ngói, các viên ngói chiếu (lót) đều có sơn các màu sắc của cờ Phật là 5 mầu: xanh lục, trắng, vàng, cam và đỏ. Liên kết dọc chùa có các hệ xà dọc chắc chắn, được bào soi kỹ.
Ngoại trừ hoành, rui, cột không được chạm trổ trang trí, còn lại các cấu kiện đều được trang trí bằng các họa tiết phong phú, hoa văn chủ đạo là vân xoắn, hoa lá, hoa sen… những hình tượng của vũ trụ, bầu trời theo quan niệm của người xưa. Riêng tòa Trung đường, các họa tiết trang trí xoay quanh các mô típ tứ linh, hoa cúc… Các đầu rồng được thể hiện sống động như đang vờn mây cuốn gió. Các con phượng, con lân cũng như đang đùa giỡn với thời gian… và những bông cúc thì như rạng rỡ, chói lọi như mặt trời.
Có thể khẳng định những họa tiết trang trí tại các kết cấu gỗ của chùa đã nói thay những quan niệm, nhân sinh quan, thế giới quan của người Việt cổ, nó bổ khuyết và giúp cho kiến trúc độc đáo của chùa Tây Phương mang những giá trị triết học, nhân sinh quan mà đời nay, các lớp cháu con phải cố gắng gìn giữ.
Những bức ván bưng nằm ở trên xà dọc, dưới hoành thế xà nối các đầu cột quân, có lẽ có chức năng bao che, nhưng lại có chạm hình các “đấu củng”. Vị trí của các ván có chạm khắc các đấu củng này khiến ta liên tưởng đến những di tích còn có loại kết cấu này và đều có niên đại xây dựng sớm thuộc thế kỷ XV - XVI như đình Tây Đằng (Ba Vì), chùa Bối Khê (Thanh Oai). Theo một số nhà nghiên cứu mỹ thuật - kiến trúc, dấu tích “đấu củng” trong công trình kiến trúc ở Việt Nam thường chỉ xuất hiện ở các di tích thuộc thời Lý - Trần trở về trước (thời kỳ Bắc thuộc). Phải chăng đây là hình thức bảo tồn những dấu tích thủa ban đầu của chùa Tây Phương mà các tiền nhân đã cố gắng giành cho hậu thế? Chắc chắn để giải mã điều này cần phải đầu tư nhiều công sức, thời gian và trí tuệ, trong bài viết nhỏ này, chúng tôi chỉ hy vọng khơi gợi được một vài nghi vấn nhỏ để những người quan tâm cùng chiêm nghiệm.
Các chi tiết trang trí bên ngoài của chùa Tây Phương cũng phong phú và đậm đặc những chi tiết của kiến trúc truyền thống. Điều này thể hiện qua hình thức kiến trúc ba toà nhà đều được lợp ngói mũi, ở các góc đều có đắp đầu đao cong vút, bờ nóc, bờ dải đều gắn gạch hoa chanh đắp chỉ nổi, trên đầu đốc đắp con kìm, rồng, phượng, sô (nghê) theo cách gọi dân gian “long quài, phượng mớm, sô đùa” rất sinh động. Nhân dân địa phương quan niệm chùa được tạo tác theo dáng dấp kiểu “thượng sơn lưu đài - hạ sơn lưu thủy”, hình ảnh của công trình chùa chính thấp thoáng trong những tán lá cây lưu niên trên đỉnh núi Câu Lậu thực sự đã tạo nên cảnh trí cõi “Tây Phương cực lạc” của trần thế.
4. Giá trị thẩm mỹ:
Phật giáo Việt Nam dù theo tông phái nào thì trong chùa cũng có tượng, có thể nói bộ tượng ở chùa Tây Phương vừa hiện thực vừa giàu tính nghệ thuật nhất. Vì vậy đã được nhiều nhà nghiên cứu phân tích, giới thiệu trong nhiều tác phẩm nổi tiếng, nhiều nhà thơ lớn như Phan Huy Ích thế kỷ XVIII, Cù Huy Cận thế kỷ XX ghi nhận sự chân thực, huyền bí và đậm chất Thiền của bộ tượng 18 vị La Hán ở đây nhắc đến nỗi đau khổ của tinh thần biểu hiện ở các trạng thái “mắt giương”, “mày nhíu xệch”, “môi cong chua chát” hay “trán như nổi sóng”… mà trong đó từng pho, từng pho tượng là từng tác phẩm riêng biệt, độc bản, có một không hai và gần như có độ hoàn chỉnh về Nghệ thuật tới mức không thừa không thiếu. Đó là, bộ tượng “Bát bộ Kim cương” và Thái tử Kỳ Đà được thể hiện với lối tả chân, đạt độ chân thực đến mức không thể tưởng tượng, theo đó mọi chi tiết ở thần thái, nét mặt và dáng dấp cơ thể mang đậm nét gồ ghề, chân xác ăn nhập một cách hữu cơ với trang phục, vũ khí để nhấn mạnh tình cảm, tính cách cương quyết - uy dũng của từng nhân vật. Hay bộ tượng “Thập bát La hán” đã đi vào huyền thoại. Bộ tượng Tam thế Phật đặt tại tòa trung tượng trưng các thời Quá khứ - Hiện tại - Vị lai của Phật, bộ tượng này cũng rất đẹp, mang tính chuẩn mực cao. Cùng ở tòa này có lẽ pho tượng Tuyết Sơn - hiện thân của Thích Ca thời kỳ khổ hạnh - là mang tính điển hình nhất cho Nghệ thuật tạc tượng “Tả chân” mà thần thái của tượng và nghệ thuật tạo tác đã chuyển tải những khía cạnh sâu lắng của trí tuệ Phật, sự khổ hạnh của kiếp tu và việc truyền thụ những giá trị luân lý cổ xưa tới người đời… bằng hình tượng sống động đến mức “siêu thực”.
Xem lại: "Chùa Tây Phương- di tích quốc gia đặc biệt- phần 5: bài trí tượng phật ở chùa Tây Phương"
Nguồn: Hồ sơ di tích quốc gia đặc biệt chùa Tây Phương
THÔNG BÁO
- UBND huyện Thạch Thất ban hành Quyết định về việc điều chỉnh số lượng thửa đất tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất ở tại thôn Bình Xá, xã Bình Phú (ký hiệu BP 01) huyện Thạch Thất, TP Hà Nội.
- Hội đồng thi tuyển viên chức làm việc tại Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng năm 2024 Thông báo triệu tập thí sinh dự khai mạc và dự thi vòng 1 kỳ thi tuyển viên chức!
- Hội đồng thi tuyển viên chức làm việc tại Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng năm 2024 Thông báo danh sách thí sinh đủ điều kiện, tiêu chuẩn dự thi viên chức làm việc tại Ban Quản lý Dự án đầu tư xây...
- Hội đồng thi tuyển viên chức làm việc tại Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng năm 2024 Thông báo Lịch tổ chức tuyển dụng viên chức làm việc tại Ban Quản lý Dự án ĐTXD huyện Thạch Thất năm 2024!