DANH NHÂN VĂN HÓA - TRẠNG BÙNG PHÙNG KHẮC KHOAN
strong>1. Mở đầu/strong>/p> p>Trong em>Nhân vật chí /em>sách em>Lịch triều hiến chương loại chí/em>, Phan Huy Chú (1782 - 1840) có nêu một trong những công trạng của Phùng Khắc Khoan khi đi sứ là việc biện cãi về hình dáng “người vàng thế thân”. Ông viết: “Năm thứ 20 Đinh Dậu [1597], ông đương làm Tả thị lang bộ Công, được đi sứ Minh. Bấy giờ a title="Nhà Minh" href="http://vi.wikipedia.org/wiki/Nh%C3%A0_Minh">nhà Minh/a> nhận hối lộ của con cháu a title="Nhà Mạc" href="http://vi.wikipedia.org/wiki/Nh%C3%A0_M%E1%BA%A1c">nhà Mạc/a>, không chịu nhận sứ./p>
TÌM HIỂU THÊM VIỆC BIỆN CÃI VỀ “NGƯỜI VÀNG THẾ THÂN” CỦA PHÙNG KHẮC KHOAN VỚI TRIỀU MINH
Tiến sĩ Nguyễn Thanh Tùng(*)
1. Mở đầu
Trong Nhân vật chí sách Lịch triều hiến chương loại chí, Phan Huy Chú (1782 - 1840) có nêu một trong những công trạng của Phùng Khắc Khoan khi đi sứ là việc biện cãi về hình dáng “người vàng thế thân”. Ông viết: “Năm thứ 20 Đinh Dậu [1597], ông đương làm Tả thị lang bộ Công, được đi sứ Minh. Bấy giờ nhà Minh nhận hối lộ của con cháu nhà Mạc, không chịu nhận sứ. Ông lúc còn đợi mệnh [vua Minh], liền đưa thư cho Súy ty nhà Minh, kể rõ việc nhà Mạc cướp ngôi. [Lại nói bây giờ] con cháu nhà Lê tới cửa quan đợi mệnh, mà thiên triều lại giúp nhà Mạc đè nén nhà Lê, thế là về bè với kẻ gian tà, hại người ngay thẳng, lấy gì để tỏ đại nghĩa với thiên hạ, giúp danh giáo cho muôn đời sau. Người Minh khen là có nghĩa mới cho sứ thần qua cửa quan; ông mới được đến [Yên] Kinh. Khi đã đến Yên Kinh, Lễ bộ đường trách về việc người vàng ta đem cống không làm theo mẫu cũ làm cúi đầu, nên lại ngăn không cho sứ vào chầu. Ông cãi lại rằng: “Nhà Mạc cướp ngôi, danh nghĩa là nghịch; nhà Lê khôi phục lại, danh nghĩa là thuận. Nhà Mạc dâng người vàng hình cúi đầu thay mình, đã là may lắm. Còn như đời Lê bao đời làm công thần, kiểu người vàng ngửa mặt, qui chế cũ còn đó. Nay lại bắt theo lệ nhà Mạc, thì lấy gì để khuyên việc chiêu an và trừng giới việc trách phạt được". Việc đến tai vua Minh, cuối cùng lại cho theo thể thức cũ của nhà Lê trước. Bấy giờ ông mới được vào chầu, lĩnh ấn sắc mang về nước,…”(1). Câu chuyện của Phan Huy Chú đã có ảnh hưởng không nhỏ đến việc đánh giá sự nghiệp bang giao của Phùng Khắc Khoan từ đó về sau(2). Vậy sự thực có hẳn là như vậy? Bài viết này sẽ góp phần trả lời câu hỏi trên.
2. Nội dung
Lật lại các trang sử Việt - Hoa xung quanh chuyện cống “người vàng thế thân” lần này, chúng ta sẽ thấy tình hình không đơn giản như vậy. Sự khuyết thiếu, lệch pha giữa các nguồn sử liệu đã tạo điều kiện cho sự nảy nở của các truyền thuyết, giai thoại ca tụng tài năng và tấm lòng của vị sứ thần danh tiếng. Muốn hiểu rõ bản chất của hiện tượng, chúng ta cần trở lại gốc gác của nó trong lịch sử.
Về việc tiến cống người vàng của triều Lê Trung hưng, Đại Việt sử ký toàn thư (Toàn thư) và Khâm định Việt sử thông giám cương mục (Cương mục)(3), hai tư liệu sử Việt quan trọng nhất, ghi chép cũng tương đối nhiều, vì vậy, thật không khó theo dõi diễn biến và sự tham gia của Phùng Khắc Khoan vào sự vụ này. Duyên do là lúc bấy giờ, nhà Lê Trung hưng cơ bản đã đánh đuổi được nhà Mạc khỏi Thăng Long, đề nghị sang Minh cầu phong để “nối lại dòng đã dứt”, thực chất là tìm kiếm sự “công nhận quốc tế” (mà nhà Minh là đại diện có thế lực nhất đương thời). Ban đầu, lễ cống mà nhà Lê Trung hưng dự định dâng là 100 lạng vàng, 1000 lạng bạc và sản vật theo như định lệ tuế cống thông thường trước đây nhà Lê sơ (và nhà Mạc) vẫn làm. Chuyến đi này sử chép có mặt Phùng Khắc Khoan với vai trò khá quan trọng: đàm phán với quan lại “Thiên triều”(4). Nhưng như Nguyễn Vinh Phúc đã thừa nhận: “Đây là lần thứ nhất Phùng Khắc Khoan tham gia công tác ngoại giao (nhưng không có hiệu quả)”(5). Bởi lẽ, nhà Minh không dễ dàng chấp nhận việc “thông hiếu”. Đây là một dịp tốt để họ yêu sách, trục lợi như đã luôn làm với các triều đại nước Đại Việt trước đó. Họ viện cớ nhà Lê bỏ tiến cống đã lâu, hơn nữa không rõ người xin phong có phải là con cháu họ Lê thực không (theo lời tố cáo của nhà Mạc). Vì thế, nhà Minh đòi vua Lê lên biên giới “hội khám”. Việc “hội khám” này cũng diễn ra không dễ dàng bởi hàng loạt những yêu sách của nhà Minh, trong đó chúng lật lại chuyện cống người vàng thế thân các đời trước (chẳng hạn như thời Lê Lợi hoặc thời Mạc Đăng Dung, v.v…) và cũng đòi cống người vàng, người bạc. Sự việc sau đó diễn ra khá quanh co. Toàn thư (Bản kỉ, quyển XVII, tờ 56a-b) chép: “Tháng 2, ngày mồng 1 [năm Bính Thân - 1596], Tả giang binh tuần đạo, Đề hình, Án sát sứ ty phó sứ Trần Đôn Lâm(6) gửi điệp văn đòi vua phải đích thân đến cửa Trấn Nam Giao để hẹn hội khám. Ngày mồng 5, vua đích thân đốc suất bọn Hữu tướng Hoàng Đình Ái, Thái uý Nguyễn Hoàng, Nguyễn Hữu Liêu, Thái phó Trịnh Đỗ và các tướng sĩ, binh tướng gồm hơn 1 vạn đến cửa Trấn Nam Giao hẹn ngày hội khám. Bấy giờ nhà Minh dây dưa thoái thác, đòi lấy người vàng, ấn vàng theo lệ cũ, không chịu đến khám, thành ra quá kỳ hạn. Tháng 3, vua trở về Kinh”(7). Để đạt được mục đích của mình, nhà Lê Trung hưng đã phải chấp nhận yêu sách trên bằng việc chuẩn bị đúc người vàng, người bạc. Toàn thư (Bản kỉ, quyển XVII, tờ 57b) chép: “Tháng 8 nhuận [Bính Thân - 1596], ngày mồng 1, nhật thực. Bấy giờ sai thợ đúc 2 tượng người vàng và bạc, đều cao 1 thước 2 tấc, nặng 10 cân, lại đúc 2 đôi bình hoa bạc, 5 chiếc bình hương nhỏ bằng bạc, lại sắm sẵn lụa thổ quyến và các vật cống để phòng sang sứ phương Bắc”. Sau khi chuẩn bị xong, “Tháng 12 [Bính Thân - 1596]…, sai bọn Hộ bộ thượng thư kiêm Đông các học sĩ Thông quận công Đỗ Uông làm quan hầu mệnh, cùng với Quảng quận công Trịnh Vĩnh Lộc mang hai người vàng người bạc và các vật cống tới thành Lạng Sơn để đợi nhà Minh hội khám. Bấy giờ viên thổ quan Long Châu của nhà Minh nhận nhiều của đút lót của bọn họ Mạc, vì thế vào bè với chúng mà thoái thác, nên việc không xong, lại vừa gặp tết Nguyên đán, bọn Đỗ Uông, Vĩnh Lộc lại trở về Kinh”(8). Lại một lần nữa, việc “hội khám” thất bại. Mãi đến tháng 4 năm Đinh Dậu (1597), sau nhiều lần qua lại, việc hội khám mới được hoàn tất. Toàn thư (Bản kỉ, quyển XVII, tờ 58a-b) chép: “Tháng này [tức tháng 4 năm Đinh Dậu - 1597 - NTT chú], nhà Minh lại sai viên quan ủy nhiệm là Vương Kiến Lập tới nước ta đòi lễ cống và giục hội khám. Điệp văn tới Kinh sư, triều đình nghị bàn việc khởi hành. Ngày 28, vua đích thân đốc suất bọn Hữu tướng Hoàng Đình Ái, Thái uý Nguyễn Hoàng, Nguyễn Hữu Liêu, Thái phó Trịnh Đỗ cùng 7, 8 viên tả hữu đô đốc và 5 vạn binh tướng, đem theo cả viên quan ủy nhiệm của nhà Minh Vương Kiến Lập cùng đi, lên cửa Trấn Nam Quan ở Lạng Sơn. Tháng 4, ngày mồng 10, vua chỉnh đốn binh tượng, qua cửa Trấn Nam Quan, cùng với quan nhà Minh là bọn Tả giang tuần đạo, Án sát phó sứ Trần Đôn Lâm và quan các phủ Tư Minh, Thái Bình, các châu Long Châu, Bằng Tường tỉnh Quảng Tây cử hành hội khám. Trong lễ giao tiếp, hai bên đều vui vẻ mừng nhau. Từ đấy, hai nước Nam Bắc lại trao đổi với nhau”(9). Theo ghi chép của Toàn thư, ta không thấy sự có mặt của Phùng Khắc Khoan trong cuộc “hội khám” này(10). Nhưng từ kết quả của cuộc “hội khám” đó, Phùng Khắc Khoan được cử lên đường sang Yên Kinh tiến cống người vàng, người bạc trong cùng tháng và nhà Lê Trung hưng bắt đầu được nhà Minh thừa nhận. Toàn thư (Bản kỉ, quyển XVII, tờ 59b-60a) chép tiếp: “Sai Công bộ tả thị lang Phùng Khắc Khoan làm chánh sứ, Thái thường tự khanh Nguyễn Nhân Thiệm làm phó sứ sang tuế cống nhà Minh và cầu phong. Khắc Khoan đến Yên Kinh, vừa gặp tiết Vạn Thọ của vua Minh, dâng 30 bài thơ lạy mừng. Anh Vũ điện Đại học sĩ, Thiếu bảo kiêm Thái tử thái bảo Lại bộ thượng thư nhà Minh là Trương Vị đem tập thơ Vạn Thọ ấy dâng lên. Vua Minh cầm bút phê rằng: Người hiền tài ở đâu mà không có. Trẫm xem thơ, thấy hết lòng trung thành của Phùng Khắc Khoan, rất đáng khen ngợi. Liền sai đưa xuống khắc in để ban hành trong nước. Khi ấy, sứ Triều Tiên là Hình tào tham phán Lý Toái Quang viết tựa cho tập thơ”(11). Toàn thư (Bản kỉ, quyển XVII, tờ 70-71) cũng chép thêm về kết quả chuyến đi sứ: “Ngày mồng 6 [tháng 12 năm Đinh Dậu - 1597], Tiết chế Trịnh Tùng sai quan hầu mệnh là bọn Đỗ Uông chuẩn bị nghi chú, lễ vật đến cửa Trấn Nam Giao đón tiếp Bắc sứ. Trước đây, sứ thần là bọn Phùng Khắc Khoan mang vật cống cùng người vàng thay thân mình, trầm hương, ngà voi đến Yên Kinh, dâng biểu xin theo lễ cống. Vua Minh xem biểu rất mừng, lại xuống chiếu phong vua làm An Nam đô thống sứ ty đô thống sứ, quản hạt đất đai nhân dân nước Nam, và ban cho một quả ấn An Nam đô thống sứ ty bằng bạc, sai bọn Phùng Khắc Khoan mang sắc thư về nước. Khắc Khoan bèn dâng biểu rằng: “Chủ của thần, họ Lê là dòng dõi của An Nam quốc vương, giận nghịch thần họ Mạc tiếm ngôi, cướp nước, không chịu được mối thù ngàn năm, mới nằm gai nếm mật, lo thu phục lại cơ nghiệp của tổ tông để nối theo dấu cũ của tông tổ. Họ Mạc kia vốn là bề tôi của họ Lê nước An Nam, giết vua, cướp nước, thực là tội nhân của thượng quốc, mà lại ngầm xin chức Đô thống. Nay chủ của thần không có tội như họ Mạc, mà lại phải nhận chức như họ Mạc là nghĩa thế nào, xin bệ hạ xét cho”. Vua Minh cười nói: “Chủ của người tuy không ví như họ Mạc, nhưng vì mới lấy lại được nước, sợ lòng người chưa yên, hãy cứ nhận đi, sau sẽ gia phong tước vương cũng chưa muộn gì. Ngươi hãy kính theo, chớ có từ chối”. Khoan liền bái nhận ra về. Trước đây, Khắc Khoan qua cửa quan vào tháng 4 năm Vạn Lịch thứ 25 [1597], đến tháng 10 tới Yên Kinh bái yết vua Minh, ngày mồng 6 tháng 12 từ biệt vua Minh về nước, trước sau cộng 1 năm lẻ 4 tháng, đường đi sứ mới thông. Ngày 15 [Mậu Tuất - 1598], Khắc Khoan về đến cửa Trấn Nam Quan, quan Tả Giang nhà Minh sai viên quan ủy nhiệm Vương Kiến Lập đem công văn đến Kinh sư. Tiết chế Trịnh Tùng sai Hữu tướng Hoàng Đình Ái và Thái bảo Trịnh Ninh sửa soạn nghi vệ đón tiếp sứ Minh Vương Kiến Lập và bọn Khắc Khoan. Ngày 25, vua qua sông sang bến Bồ Đề bái lạy chiếu thư đón sứ Minh về nội điện. Tiết chế Trịnh Tùng cùng với các đại thần văn võ vào nội điện triều yết. Khi tuyên đọc sắc thư xong, thấy quả ấn ban cho nói là bằng bạc mà lại là đồng, bèn cùng với văn võ đại thần bàn gửi thư phúc đáp trách nhà Minh, do viên quan ủy nhiệm của nhà Minh là Vương Kiến Lập mang về nước đệ tâu vua Minh”(12).
Sử Việt như vậy là đã bỏ qua nội dung chi tiết của cuộc “hội khám” (đây là nguyên nhân quan trọng để các giai thoại nảy nở và phát triển)(13). Nhưng sử Trung Hoa thì ghi rất rõ về nội dung của lần hội khám đó (diễn ra vào tháng 4 đúng như sử Việt đã chép, nhưng về tên tuổi có hơi khác, mà theo chúng tôi có lẽ sử Việt chép nhầm). Sách Minh sử 明 史(14) chép: “Năm thứ 25 [niên hiệu Vạn Lịch - 1597], [An Nam] sai sứ hỏi kì hẹn [hội khám], [Dương] Dần Thu báo rằng tháng Tư. Đến hẹn, Duy Đàm đến ngoài cửa quan, người dịch hỏi về “sáu việc”. Đầu tiên là việc tự ý giết Mạc Mậu Hợp, đáp: “Vì việc phục thù gấp gáp, không kịp xin mệnh lệnh”. Lại hỏi đến chi phái của Duy Đàm, đáp: “[Tôi] là cháu, tổ là Huy, đã được Thiên triều sắc mệnh”. Lại hỏi đến Trịnh Tùng, đáp: “Đây là bề tôi nhiều đời của họ Lê, không phải kẻ làm loạn nhà Lê”. [Lại hỏi:] “Nếu đúng vậy thì cớ gì lại lẩn trốn [việc tiến cống]?” Đáp: “Vì lễ vật không dạy cho như thế nào, chứ không dám trốn”. Hỏi: “Vì sao lại dùng ấn chương của vương hầu?” Đáp: “Vì quyền nghi mà phỏng theo, lập tức sẽ cho niêm phong”. Dụ bảo: “Hãy cắt đất Cao Bằng cho họ Mạc, để nó còn duy trì không tuyệt”. Lại dụ rằng: “[Thiên triều] đều coi [Lê, Mạc] là cống thần cả. Ngày xưa họ Lê có thể ở sông Tất Mã, sao Mạc không ở riêng Cao Bằng được sao?” [An Nam] bèn theo mệnh. Lại đưa cho nghi tiết nạp khoản ở cửa quan, sai tập cho quen đi. Duy Đàm sai bề dưới nhập cửa quan bái yết ở nhà ngự, theo nghi lễ cũ như Đăng Dung. [Sứ giả] lui lại yết Dần Thu, xin dùng lễ chủ khách, Thu không cho, bèn vái bốn vái rồi lui. An Nam đã yên định, chiếu nhận Duy Đàm làm Đô thống sứ, ban lịch vào dâng cống; y như chuyện cũ của họ Mạc. Ban đầu, Lê Lợi và Mạc Đăng Dung dâng người vàng thế thân, đều là đầu tóc như tù, tay trói quặt về sau. Duy Đàm cho rằng khôi phục chính thống, đúc tượng người vàng tự do, mặt nghiêm trang. Việc này [Thiên triều] sợ rằng có sự ngông ngạo, ra lệnh sửa đổi, bèn làm thành hình cúi đấu, khắc vào lưng rằng: “Cháu họ Lê nước An Nam thần Lê Duy Đàm không được bò cúi ở cửa trời, cung kính dâng người vàng thế thân, hối lỗi xin ban ơn”. Từ đó, An Nam lại thuộc về nhà Lê, mà họ Mạc chỉ giữ được một quận Cao Bằng”(15) (Tạm dịch). Tờ Hịch Giao Nam quốc Lê Duy Đàm 檄 交 南 国 黎 维 潭 của Dương Dần Thu 杨 寅 秋(15) (người có vai trò quan trọng trong cuộc hội khám này) cũng chép rằng: “Một điều nữa là phải tiến người vàng thay thân. Xét họ Mạc tự xưng, vì tiếm soán ngôi vị, phiền nhiễu đến quân nhà vua nên phải có người vàng thay mình [chuộc tội]. Họ Lê là chính phái khôi phục lại, so với họ Mạc sự thể có khác nhau, ấy là một nhẽ. Nhưng các ngươi chẳng nhớ: Họ Mạc tập phong đã 60 năm, triều cống không ngớt. Về đạo mà xét thì đó là cống thần của Thiên triều vậy. Nước ngươi thì thác việc khôi phục mà tự ứng mệnh; không cúi xin mệnh ở cửa khuyết mà tự hưng binh chuyên ý giết người họ ấy, giết hết sạch. Những bề tôi của họ ấy lại không giỏi, nếu giỏi thì đã không tha [cho các người]. Được [đúc] người vàng thay mình làm mừng thì có phương hại đến mệnh lệnh chăng? Vả thay mình chẳng riêng từ Mạc Đăng Dung mà có từ các triều trước. Nay riêng không như thế, nếu như oai trời uy nghi hỏi đến, khiến cho có thể chấp nhận tờ tấu, thì hà cớ làm sao lại từ chối? Tra xét trước đây thấy người vàng đều tạng thành dáng đầu tóc rũ rượi như tù, trói quỳ dâng biểu. Tội của nước ấy so với Mạc nặng nhẹ có khác nhau, thì cho hình trạng cúi đầu xin ơn, khắc chữ “Cháu họ Lê nước An Nam thần Lê Duy Đàm không được bò cúi ở cửa trời, cung kính dâng người vàng thế thân, hối lỗi xin ban ơn” vào mặt, mới mong được trông thấy rõ thiên nhan. Tam viện cũng đã làm việc linh hoạt, chuyển mời dụ nước ấy được phép tự viết biểu văn kê khai sổ sách, còn gì tiện hơn việc này nữa. Hãy nhanh chóng mưu việc ấy” (Tạm dịch)(17).
Qua ghi chép của Minh sử, Lâm Cao văn tập (đối chiếu với sử Việt), chúng ta thấy có mấy vấn đề cần nhìn nhận lại về câu chuyện mà Phan Huy Chú đã viết.
Trước hết, việc biện cãi về người vàng không phải diễn ra ở Yên Kinh mà diễn ra ở Trấn Nam Quan. Theo lệ mà xét thì việc Phùng Khắc Khoan tranh biện về người vàng tại Yên Kinh là không thể xảy ra. Vì sao? Là bởi đối với một sự kiện quan trọng trong bang giao 2 nước (như việc nhà Lê Trung hưng xin công nhận) thì việc nộp cống cái gì, nộp cống như thế nào (và những việc khác) đã phải được bàn thảo, dàn xếp từ trước chứ không đợi đến khi sứ thần mang cống vật sang “nạp khoản” mới tiến hành. Việc này là để tránh những sơ suất, những phát sinh ngoài ý muốn của cả 2 bên. Việc bàn thảo này thường là được quan chức hai bên (thậm chí bên Đại Việt phải có cả vua) thảo luận tại vùng biên giới (ở đây là ải Nam Quan). Sau khi đã thảo luận xong xuôi, sứ thần mới lên đường hoàn thành sứ mệnh (đúng như sử hai bên đã ghi). Việc đi sứ chỉ là nghi thức cuối cùng (nhiều khi mang tính thủ tục, nếu không có những việc phát sinh do ý muốn của một bên nào đó). Sự thực là sử Việt và sử Trung Hoa đều ghi rõ hai bên đã trải qua một quá trình đàm phán, thương lượng kéo dài đến cả năm trời mà chủ yếu là do sự kẻ cả, yêu sách ngang ngược của nhà Minh. Và mọi việc chỉ thực sự ổn thoả, “hai bên đều vui vẻ mừng nhau”, khi cuộc hội khám (vào tháng 4) hoàn thành(18).
Thứ hai, việc biện cãi về người vàng không chỉ có Phùng Khắc Khoan (và sứ đoàn của ông). Bên cạnh Phùng Khắc Khoan còn có nhiều nhân vật khác từ chóp bu là Lê Duy Đàm (tức Lê Thế Tông) đến các tướng văn tướng võ như: Hữu tướng Hoàng Đình Ái, Thái uý Nguyễn Hoàng, Nguyễn Hữu Liêu, Thái phó Trịnh Đỗ, Hộ bộ thượng thư kiêm Đông các học sĩ Thông quận công Đỗ Uông làm quan hầu mệnh, cùng với Quảng quận công Trịnh Vĩnh Lộc, v.v… Việc Phùng Khắc Khoan tham gia biện cãi như thế nào không được nói đến cụ thể. Thậm chí, trong chuyến “hội khám” (tháng 4 năm Đinh Dậu), sử Việt không chép tên Phùng Khắc Khoan mà chỉ chép thời điểm ông nhận lệnh đi sứ. Tất nhiên, là một người uyên bác, thông thạo văn hoá Trung Hoa như Phùng Khắc Khoan thì việc được giao để ứng đối là có khả năng. Hoặc ông tham gia vào cả quá trình đó chứ không chỉ trong một sự kiện cụ thể. Nhưng có thể nói, từ chủ trương cho đến lời nói, việc làm trong vấn đề “người vàng thế thân” đều là sản phẩm của tập thể.
Thứ ba, quan trọng nhất là, nội dung quá trình biện cãi về người vàng như thế nào? Có thể tóm tắt quá trình đó như sau: Khởi đầu, nhà Lê trung hưng dự định đúc người vàng “đứng tự do, mặt nghiêm trang”. Nhưng nhà Minh cho rằng như vậy là có ý “kiêu ngạo” nên bắt phải đổi về hình dạng cũ. Tuy nhiên, nhà Lê Trung hưng (trong đó có sự tham gia của Phùng Khắc Khoan) đã tranh biện rất nhiều, trong đó có ý đại khái rằng không thể đồng nhất người vàng của họ Lê (Trung hưng) với họ Mạc được (một bên là chính thống, một bên là tiếm nghịch). Cuối cùng, hai bên đồng ý ở hình trạng “cúi đầu” như là một cách để phân biệt người vàng của họ Lê [Trung hưng] với người vàng của họ Mạc. Bên cạnh đó, đằng sau pho tượng phải khắc 26 chữ: “An Nam Lê thị thế tôn, thần Lê Duy Đàm bất đắc bồ phục thiên môn, cung tiến đại thân kim nhân, hối tội khất ân”. Bài Hịch Giao Nam quốc Lê Duy Đàm của Dương Dần Thu (kẻ làm chủ việc hội khám lần này) đã chứng thực hình trạng người vàng được hai bên thoả thuận là: “cúi đầu xin ân điển”(19). Như vậy, câu chuyện của Phan Huy Chú chỉ đúng ở dự định ban đầu của nhà Lê Trung hưng khi đúc người vàng ngửa mặt, diện mạo nghiêm trang với ý độc lập, tự chủ. Nhưng dưới sức ép của nhà Minh, không còn cách nào khác, nhà Lê Trung hưng đã phải sửa lại hình chế người vàng: từ ngửa mặt thành cúi mặt. Phan Huy Chú cũng kể rằng Phùng Khắc Khoan đã đấu tranh để cuối cùng “hình chế” của người vàng thế thân “thể thức cũ của nhà Lê trước”. Nhưng như Minh sử đã chép, hình chế người vàng thời Lê sơ và thời Mạc là giống nhau, “đều là đầu tóc như tù, tay trói quặt về sau”. Điều này cũng được một số tư liệu khác của Trung Hoa xác nhận. Chẳng hạn, sách Minh triều tiểu sử 明 朝 小 史 chép về người vàng do Mạc Đăng Dung tiến cống cung cấp một hình trạng có khác đôi chút nhưng ý nghĩa không khác, đó là: “trang phục người tù, hai tay trói quặt đằng sau”(20). Sách còn gọi thẳng “người vàng” là “phạm” (kẻ có tội). Bài Hịch Giao Nam quốc Lê Duy Đàm (đã dẫn) của Dương Dần Thu cũng cung cấp hình trạng người vàng thời Mạc như sau: “đầu tóc rũ rượi như người tù, bị trói quỳ, dâng biểu tấu”(21). Điều này tương ứng với ghi chép của sử Trung Hoa (và Đại Việt) về việc Mạc Đăng Dung phải lên biên giới để “xét khám” với bộ dạng “đầu tóc rũ rượu, đi chân không, bò mà khấu đầu trên đàn, dâng biểu xin hàng”(22). Nếu nhà Lê Trung hưng muốn quay về “thể thức cũ của nhà Lê trước” chẳng hoá ra lại quay về với hình dạng không mấy đẹp đẽ đó! Rõ ràng, nhà Lê Trung hưng không chấp nhận quay trở lại thể thức cũ, nhưng cũng không thể giữ kiểu dáng đúc người vàng ban đầu (mà theo Toàn thư là được đúc vào tháng 4 năm 1596).
Vậy thì câu chuyện của Phan Huy Chú xuất phát từ đâu?
Chúng ta thấy, trước hết câu chuyện đó được gợi cảm hứng từ chính sự thực lịch sử: ban đầu nhà Lê Trung hưng quả có ý đúc người vàng ngẩng mặt, nghiêm trang. Hẳn Phan Huy Chú đã trực tiếp hay gián tiếp tham khảo sử Trung Hoa nên mới lượm nhặt được những chi tiết người vàng “cúi mặt”, “ngẩng mặt” như thế. Chỉ có điều, câu chuyện của Phan Huy Chú đã bỏ cái kết cục cuối cùng, đồng thời sửa đổi cả hình dạng người vàng thời Lê sơ và thời Mạc để cho phù hợp với diễn biến câu chuyện; đồng thời hợp với cái ý: người vàng thời Lê Trung hưng nhất quyết phải khác người vàng thời Mạc mà trong cuộc hội khám cũng có nhắc đến; đồng thời cũng muốn phân biệt tượng vàng thời Mạc với tượng vàng thời Lê sơ, qua đó phân biệt chính - tà; chân - nguỵ. Lời đối đáp của Trạng Bùng về người vàng được Phan Huy Chú chép cũng na ná về lí lẽ như lời biện cãi của Phùng chánh sứ về việc phong tước cho vua Lê và “nguỵ Mạc” được chép trong Toàn thư và Cương mục. Như vậy, hẳn Phan Huy Chú còn căn cứ vào lời lẽ của chính sử để phác hoạ ngôn ngữ cho nhân vật sứ thần Phùng Khắc Khoan trong Nhân vật chí.
Thứ hai, lần tra các tư liệu viết về Phùng Khắc Khoan trước (và cả sau) đó, ta thấy hầu hết đều không chép chi tiết ông biện cãi về hình dáng người vàng(23). Duy nhất có tờ Bẩm Phúc đại nhân (chép trong Bang giao hảo thoại hoặc Ngô gia văn phái của họ Ngô Thì) có đề cập đến hình trạng người vàng thời Mạc và thời Lê Trung hưng (mà ở đó rõ ràng có vai trò của Phùng Khắc Khoan) khá giống với câu chuyện của Phan Huy Chú. Hình trạng và ý nghĩa của người vàng thời Mạc là “đầu tóc rũ rượi như người tù, mặt mày lấm lem, mình cúi xuống”(24). Còn người vàng thời Lê Trung hưng được miêu tả “mặc áo chầu, đội mũ chầu, mặt ngửa lên là hình dạng của vua Lê, để cầu ơn ở Thượng quốc”(25). Hẳn Bẩm Phúc đại nhân cũng lấy cảm hứng từ chính sự kiện nhà Lê Trung hưng có tranh biện với nhà Minh về hình trạng người vàng (mà ban đầu nhà Lê Trung hưng chế tác là: người vàng đứng tự do, mặt nghiêm trang nhưng nhà Minh không chấp nhận, cuối cùng thoả hiệp bằng hình người vàng cúi đầu!). So với sự mô tả hình trạng người vàng trong sử liệu Trung Hoa, ta thấy có mấy điểm đáng chú ý sau:
- Tờ bẩm bỏ qua không miêu tả hình trạng người vàng thời Lê sơ. Điều này có thể do nguyên nhân khách quan (không có thông tin, tư liệu về hình trạng người vàng, đặc biệt thời Trần là đương nhiên; còn thời Lê sơ cũng đã quá xa, có thể không tiếp cận được) nhưng cũng có thể có nguyên nhân chủ quan (không muốn đánh đồng người vàng thời Lê sơ với thời Mạc: một hình ảnh không lấy gì làm đẹp qua đó thể hiện ngầm ý phò chính thống và thiện cảm với nhà Lê sơ của tác giả tờ bẩm). Khả năng bởi nguyên nhân chủ quan là có cơ sở bởi lúc bấy giờ không khó tiếp cận các sử liệu Trung Hoa như Nguyên sử, Minh sử, Minh thực lục, v.v… để tham khảo và truy xét.
- Tờ bẩm đề cập đến hình trạng người vàng thời Mạc gần giống sử liệu Trung Quốc mà không hề kiêng hèm, giảm nhẹ. Vì sao? Vì người viết có thông tin, tư liệu hay còn bởi nhà Mạc vốn bị xem là “nguỵ triều”, bị mang nhiều tiếng xấu (bán nước, hàng giặc, cắt đất, tự trói mình,…). Lưu ý là người viết tờ bẩm là cựu thần nhà Lê (kẻ thù không đội trời chung với nhà Mạc). Bài biểu cũng thể hiện ý định kiến với nhà Mạc khi gọi triều đại này là: “cướp ngôi của họ Lê, là bầy tôi cướp ngôi vua”, “bọn thoán đoạt”, “nguỵ Mạc”, v.v… Ở đây, người viết đã coi trọng tính chất chính thống/ phi chính thống nên không coi nhà Mạc có tư cách chính thống thể đại diện cho dân tộc. Và vì vậy không hề nương tay với nhà Mạc khi mô tả hình trạng người vàng nhà Mạc đem tiến cống.
- Tờ bẩm miêu tả hình trạng người vàng thời Lê trung hưng gần giống với hình dạng ban đầu khi nhà Lê Trung hưng dự định mang tiến cống và có phần trang trọng (mặc áo chầu, đội mũ chầu, mặt ngửa lên) mà khác biệt với hình trạng người vàng được sử liệu Trung Quốc miêu tả (cúi mặt, khắc chữ vào lưng). Điều đó thể hiện thiện cảm nhất định của tác giả với nhà Lê Trung hưng (dù sao vẫn là triều đại “chính thống”) và trên hết là ý thức tự tôn dân tộc được truyền cảm hứng từ chính thực tế hình trạng người vàng lúc ban đầu nhà Lê Trung hưng đem sang tiến cống với thâm ý rõ ràng (mà nhà Minh nhận ra) và không chấp nhận sự hình trạng người vàng do nhà Minh chèn ép nhà Lê Trung hưng phải làm. Có lẽ đây chính là một trong những cơ sở chính, trực tiếp để người cháu bên họ ngoại của dòng họ Ngô Thì là Phan Huy Chú (hẳn có đọc rất kĩ tờ Bẩm Phúc đại nhân) viết nên câu chuyện đi sứ khá nổi tiếng về Phùng Khắc Khoan nêu trên.
Thứ ba, sở dĩ tác giả quan tâm đến hình dạng người vàng như vậy là bởi vấn đề người vàng thế thân này là thế thân cho ai. Phan Huy Chú cho rằng người vàng là để đền mạng cho Liễu Thăng thời Lê sơ. Ông viết: “Xét: thời Lê sơ thông hiếu với Trung Quốc, có người vàng thay mình để đền mạng Liễu Thăng, nhà Minh định làm cống phẩm”(26). Thực tế không phải như vậy. Người vàng này là thế thân cho bản thân Quốc vương (qua dòng chữ khắc đằng sau bức tượng). Lệ này có từ thời Nguyên (áp dụng cho nhà Trần). Duyên do là bởi nhà Nguyên đòi vua Trần “nhập cận”, nhưng vua Trần nhiều lần lấy cớ bệnh tật để từ chối. Cuối cùng, nhà Nguyên nghĩ ra một “chiêu” cũng rất độc đó là vua Trần phải đúc người vàng thay mình vào chầu. Tờ chiếu của vua Nguyên gửi sang nhà Trần nói rõ: “Nếu quả không thể tự mình sang chầu, thì hãy gom vàng thay cho thân mình, lấy 2 hòn ngọc để thay cho mắt mình, lại phụ thêm hiền sĩ, phương kĩ, con gái, thợ thuyền mỗi hạng hai người, để thay cho thổ dân. Nếu không theo thì hãy sửa sang thành trì mà đợi sự phán xử của ta”(27). Đó là gốc gác của 4 chữ “đại thân kim nhân” (代 身 金 人) mà các đời sau đều dùng và hiểu theo ý “thay mình vào chầu”. Tờ Bẩm Phúc đại nhân cũng nói rõ tượng vàng là chỉ vua Lê (cụ thể là vua Lê Thế Tông). Như vậy, dù vin vào thuyết “đền mạng Liễu Thăng”, nhưng với nhiều tư liệu mà Phan Huy Chú đã đọc, hẳn ông vẫn hiểu rằng người vàng thế thân là thế cho Quốc vương. Vì thế, ông cần ra sức biện bạch cho nhà Lê sơ và Lê Trung hưng (còn nhà Mạc bị xem là “nguỵ triều”, cần phải phê phán). Ở chỗ này, quan điểm của Phan Huy Chú thống nhất với quan điểm của tác giả tờ Bẩm Phúc đại nhân và hầu hết các sử gia thời trung đại, đó là “phò chính thống”. Tuy nhiên, cao hơn tư tưởng “phò chính thống” là tinh thần yêu nước, niềm tự hào dân tộc và ý thức bảo vệ quốc thể.
3. Kết luận
Nếu không tra xét lại sử Việt Nam và Trung Hoa, hẳn ta không thể hiểu rõ bản chất, lai lịch, nguyên do dẫn đến câu chuyện biện cãi về “người vàng thế thân” của Phùng Khắc Khoan. Qua những nội dung “na ná” và có những chi tiết đặc thù như vậy, ta thấy rõ Phan Huy Chú (và các tiền bối của ông) có tham khảo sử sách, đặc biệt là sử Trung Hoa. Nhưng ông đã chắt lọc ở đó tinh thần ban đầu khá cứng cỏi, nguyện vọng thiết tha của triều Lê Trung hưng (trong đó có Phùng Khắc Khoan) gửi gắm trong hình trạng người vàng họ dự định tiến cống cho nhà Minh để viết nên câu chuyện về vị sứ thần tài năng và yêu nước. Đó là việc mà thể tài “nhân vật chí” (một dạng “truyện danh nhân”, chân dung danh nhân) cho phép ông có thể làm được. Và vì như vậy, trong rất nhiều tác phẩm, từ những bài thơ, câu chuyện cho đến những công trình nghiên cứu công phu, nghiêm túc về danh nhân này từ Loại chí trở đi, giai thoại người vàng ngửa mặt vẫn được nhắc đi nhắc lại với niềm tự hào và ca ngợi nhiệt thành (đặc biệt là ở thời hiện đại). Hẳn uy tín của sử gia, nhà bác học Phan Huy Chú đã trở thành “tấm vé bảo hiểm” cho những gì ông viết, trong đó có truyện về Trạng Bùng. Tuy nhiên, ở đây, ta cũng thấy rằng, giai thoại “người vàng ngửa mặt” đó cũng bảo lưu những hạt nhân lịch sử nhất định. Từ đó, ta càng tin rằng, không phải mọi giai thoại đều chỉ là sản phẩm của trí tưởng tượng. Và sự thực ở đây không chỉ có loại sự thật lịch sử, sự thật khách quan mà còn có loại sự thật tinh thần, sự thật chủ quan, đó là chủ nghĩa yêu nước nồng nàn của những công dân nước Việt được truyền từ vị sứ thần danh tiếng đến những người viết sử, viết truyện và kể cả những người nghiên cứu về ông.
Hà Nội, tháng 10/2012
Chú thích
(1) Phan Huy Chú, Lịch triều hiến chương loại chí, tập 1, Tổ phiên dịch Viện Sử học dịch, Nxb Giáo dục, Hà Nội, 2006, tr.310.
(2) Các ý kiến sớm nhất là ở cuối thời trung đại (giữa thế kỉ XIX), thậm chí cùng thời với Phan Huy Chú. Chẳng hạn, Đốc học, Cát sĩ Trần Huy Tích (1828 - ?), từ câu chuyện này cất bút làm thơ ca ngợi Phùng Khắc Khoan như sau: “Vào yết kiến, biện chuyện người vàng, lời không chịu khuất/ Rời bệ ngọc, về nghỉ ngơi làm thơ, bút nên khen” (金 人 入覲 詞 無 屈, 玉 橛 揚 休 筆 欲 仙) [Theo Trần Duy Phương, Phùng Khắc Đồng, Trạng Bùng - Làng Bùng, Nxb Văn hoá dân tộc, Hà Nội, 1998, tr.184-185]. Tiến sĩ Lê Duy Trung (1795 - 1863) trong bài thơ ca tụng Phùng cũng có viết: “Hai tượng đá quỳ ở đây làm việc hầu hạ/ Chứ không phải là tượng người vàng [ngửa mặt] đem đến hội khám ở ải Nam quan” (長 跪 雙 童 石 作 鬟/ 金 人 不 似 會 南 關) [Trần Duy Phương, Phùng Khắc Đồng, Tl đ d, tr.169-170]. Tuy nhiên, bài thơ của Nguyễn Duy Trung nói đúng bối cảnh của việc tranh biện về người vàng là ở Nam Quan, không phải ở Trung Hoa. Tiếp sau, thì có rất nhiều công trình ít nhiều khai thác chi tiết này. Cụ thể, xin xem: Bùi Duy Tân, Ngọc Liễn, Trạng Bùng Phùng Khắc Khoan, Ty Văn hoá thông tin Hà Sơn Bình, 1979; Trần Lê Sáng, Phùng Khắc Khoan: cuộc đời và thơ văn, Nxb Hà Nội, 1985; Trần Lê Sáng, Về sự nghiệp ngoại giao của cụ trạng Bùng Phùng Khắc Khoan, trong Phùng Khắc Khoan: Cuộc đời và Thời đại (Kỷ yếu Hội thảo khoa học “Danh nhân văn hoá Phùng Khắc Khoan), Sở văn hoá thông tin thể thao Hà Tây - ủy ban nhân dân huyện Thạch Thất, 1993, tr.66-71; Nguyễn Vinh Phúc, Phùng Khắc Khoan: Thời đại - Cuộc đời, trong Phùng Khắc Khoan: Cuộc đời và Thời đại, Tlđd, tr.14-21; Bùi Duy Tân (chủ biên), Thơ văn Trạng Bùng Phùng Khắc Khoan, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, 2007;v.v… Tiêu biểu có ý kiến của nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc. Ông cho rằng: “Kì tích của Phùng trong lần ngoại giao này chính là việc “người vàng” và “tước phong” cho vua ta (“…”). Từ đó trở về sau, nhà Minh phải chấp nhận mẫu người không cúi đầu” [Nguyễn Vinh Phúc, Phùng Khắc Khoan: Thời đại - Cuộc đời, Tlđd, tr.20],v.v…
(3) Ngoài ra có thể tham khảo thêm các sách như: Đại Việt thông sử (Lê Quý Đôn), Cổ kim bang giao bị lãm (Nhiều tác giả), Bang giao lục (Lê Thống), Lịch triều hiến chương loại chí (Bang giao chí),v.v…
(4) Toàn thư, Bản kỷ, quyển 17, tờ 55b-56a chép: “Bấy giờ bề tôi họ Mạc lắm qủy kế, tố cáo với nhà Minh rằng: Quân nhà Lê chính là họ Trịnh tranh cường, dấy binh đánh giết bề tôi thần phục của thượng quốc cùng con cháu họ Mạc, thực không phải là quân trung hưng của con cháu nhà Lê. Vì thế, nhà Minh nhiều lần sai sứ qua cửa Trấn Nam Giao1, mang điệp văn sang nước ta hẹn đến cửa quan hội khám xem có thực là con cháu nhà Lê hay không. Ngày 29, sai bọn Hộ bộ thượng thư kiếm Đông các học sĩ Thông quận công Đỗ Uông và Ngự sử đài đô ngự sử Nguyễn Văn Giai làm quan hầu mệnh đến cửa Trấn Nam Giao trước, trao đổi điệp văn thư từ với viên Tả giang binh tuần đạo Trần Đôn Lâm, lời lẽ phần nhiều khiêm tốn. Sau lại sai Hữu tướng Hoàng Đình Ái đem quân tiếp đến Lạng Sơn làm hậu ứng. Sai tộc mục là hoàng huynh Lê Ngạnh, Lê Lựu và bọn Công bộ thị lang Phùng Khắc Khoan cùng mang con ấn của An Nam đô thống sứ ty và hai tờ kiểu ấn mực của quốc vương An Nam trước, 100 cân vàng, 1000 lạng bạc cùng mấy chục kỳ lão lên cửa Trấn Nam Giao để chờ hội khám. Tháng 2, ngày mồng 1, Tả giang ninh tuần đạo, đề hình án sát sứ ty phó sứ Trần Đôn Lâm gửi điệp văn đòi vua phải đích thân đến cửa Trấn Nam Giao để hẹn hội khám”. Từ đây, chúng tôi trích nguồn từ nguyên bản Hán văn, nhưng đều dùng bản dịch Toàn thư của Viện Khoa học xã hội Việt Nam, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1993. Xem thêm Cương mục, quyển 30 tờ 13-14.
(5) Nguyễn Vinh Phúc, Phùng Khắc Khoan: Thời đại - Cuộc đời, Tlđd, tr.20.
(6) Trong sử nhà Minh chép về việc bang giao với Đại Việt lúc bấy giờ không có ai tên là Trần Đôn Lâm, chỉ có 1 nhân vật họ Trần là Trần Đại Khoa 陈 大 科 (1534 - 1601) mà sử nhà Minh hay nhắc đến với các chức vụ: Giang Bắc Tuần án, Phó đô ngự sử, Tuần phủ Quảng Tây, Tổng đốc Lưỡng Quảng, Binh bộ Tả thị lang. Tuy nhiên, về chức vụ thì ông này lại không hợp với chức vị được sử Việt mô tả về Trần Đôn Lâm. Trong khi đó, chức vụ này lại hợp với chức vụ của Dương Dần Thu (Tả Giang đạo binh tuần, Quảng Tây Án sát sứ ti Phó sứ), phụ trách việc “hội khám” với nhà Lê. Vậy phải chăng Trần Đôn Lâm chính là Dương Dần Thu chép nhầm sang?
(7) Xem thêm Cương mục, quyển 30, tờ 15.
(8) Xem thêm Cương mục, quyển 30, tờ 18b-19a.
(9) Xem thêm Cương mục, quyển 30, tờ 18-19.
(10) Có thể Toàn thư bỏ sót chăng? Việc này không phải là hiện tượng hiếm gặp. Nhưng điều đó cũng cho thấy vai trò của Phùng Khắc Khoan trong lần “hội khám” này là một ẩn số.
(11) Xem thêm Cương mục, quyển 30, tờ 18-19.
(12) Xem thêm Cương mục, quyển 30, tờ 18b-19a. Biểu của nhà Lê trung hưng dâng nhà Minh có đoạn: “…Nay xin tiến người vàng thay mình để chuộc tội trước…” [Phan Huy Chú, Lịch triều…, tập 2, Tổ phiên dịch Viện Sử học dịch, Nxb Giáo dục, Hà Nội, 2006, tr.562]. Xem thêm Bang giao lục (A.164).
(13) Bùi Duy Tân: “Bấy giờ trên đất nước ta, cuộc nội chiến đã gần như kết thúc, điều quan trọng hàng đầu về bang giao là mở lại những việc thông hiếu với đế chế Minh. Để thực hiện điều đó, triều Minh muốn có cuộc hội khám ở biên giới với vua quan nước Việt. Nhưng rồi việc không thành do yêu sách quá trịch thượng và ngang ngược của đại diện thiên triều. Nhà Lê bèn cử Phùng Khắc Khoan dẫn đầu đoàn sứ bộ sang Minh để thương thảo…” [Bùi Duy Tân (chủ biên), Thơ văn Trạng Bùng Phùng Khắc Khoan, tr.37].
(14) Minh sử (Sử nhà Minh): do nhóm Trương Đình Ngọc 张 廷 玉 (1672 - 1755) dựa trên sử sách nhà Minh mà biên soạn nên. Sách gồm 332 quyển, ghi chép lịch sử nhà Minh từ năm 1368 đến 1644.
(15) Nguyên văn “二 十 五 年, 遣 使 请 期, 寅 秋 示 以 四 月. 郕 期, 维 潭 至 关 外, 译 者 诘 以 六 事. 首 擅 杀 茂 洽, 曰: “复 仇 急,不 遑 请 命 ”. 次 维 潭 宗 派, 曰: “世 孙 也, 祖 晖, 天 朝 曾 锡 命”. 次 郑 松, 曰: “此 黎 氏 世 臣, 非 乱 黎 氏 也”. 然 则 何 宵 遁, 曰: “以 仪 物 之 不 戒, 非 遁 也”. 何 以 用 王 章, 曰: “权 仿 为 之, 立 销 矣”. 惟 割 高 平 居 莫 氏,犹 相 持 不 绝. 复 谕 之 曰: “均 贡 臣 也, 黎 昔 可 栖 漆 马 江, 莫 独 不 可 栖 高 平 乎?” 乃 听 命. 授 以 款 关 仪 节, 俾 习 之. 维 潭 率 其 下 入 关 谒 御 幄, 一 如 登 庸 旧 仪. 退 谒 寅 秋, 请 用 宾 主 礼,不 从,四 拜 成 礼 而 退. 安 南 复 定. 诏 授 维 潭 都 统 使, 颁 历 奉 贡. 一 如 莫 氏 故 事. 先 是, 黎 利 及 登 庸 进 代 身 金 人, 皆 囚 首 面 缚, 维 潭 以 恢 复 名 正, 独 立 而 肃 容. 当 事 嫌 其 倨, 令 改 制, 乃 为 俯 伏 状, 镌 其 背 曰: “安 南 黎 氏 世 孙, 臣 黎 维 潭 不 得 蒲 伏 天 门, 恭 进 代 身 金 人, 悔 罪 乞 恩”. 自是, 安 南 复 为 黎 氏 有, 而 莫 氏 但 保 高 平 一 郡” [Minh sử 明史, Quyển 321, Ngoại quốc truyện: An Nam].
(16) Dương Dần Thu (khoảng trước sau năm 1590): tự Nghĩa Thúc, hiệu Lâm Cao, đỗ Tiến sĩ năm Vạn Lịch thứ 2 (1574), có công bình định dân Miêu ở Quý Châu nên được thăng làm các chức Quảng Tây Án sát sứ ti Phó sứ, Tả Giang binh bị đạo, Tả giám quân,… Tác phẩm có Lâm Cao văn tập 4 quyển, nay vẫn còn. Lịch triều hiến chương loại chí (Bang giao chí) có chép: “Năm thứ 18 [1595] (ngang với năm Vạn Lịch thứ 23 nhà Minh), vua đã diệt được họ Mạc, sai Lê Tảo Dụng theo đường Yên Quảng đến Lưỡng Quảng, Tuần phủ Lưỡng Quảng là Đái Diệu xin [vua nhà Minh] sai quan khám xét, lại gửi thư cho viên Binh tuần đạo Tả Giang là Dương Dần Thu yêu cầu vua [Lê] ra cửa quan để khám” [Phan Huy Chú, Lịch triều…, tập 2, tr.602]. Như vậy, nhiều khả năng Dương Dần Thu chính là nhân vật Trần Đôn Lâm mà sử Việt chép.
(17) Nguyên văn: “一 恭 进 金 人 代 身. 据 称 莫 氏 以 僣 簒 烦 王 师, 宜 有 代 身. 黎 氏 正 派 恢 复 与 莫 事 体 有 间, 是 或 一 道. 不 思 莫 氏 袭 封 六 十 年, 朝 请 不 绝. 于 道 是 天 朝 之 贡 臣 也. 该 国 即 托 之 恢 复 自 应, 披 沥 伏 阙 请 命, 辄 自 兴 兵 擅 杀 并 其 族, 歼 之. 人 臣 无 擅, 擅 则 不 赦. 得 代 为 幸 尚 可 妨 命 乎? 且代 身 非 独 自 登 庸, 始 屡 朝 有 之. 今日 独 无, 有 如 天 威 赫 然 驳 诘, 令 执 奏 何 以 为 辞? 查 得 前 次 金 人 俱 造 成 囚 首 跪 缚 绑 献 之 状. 该 国 之 罪 视 莫 轻 重 有 间, 即 作 俯 伏 乞 恩 状, 凿: 安 南 黎 氏 世 孙 臣 黎 维 潭 不 得 匍 伏 天 门 恭 进 代 身 金 人 悔 罪 乞 恩 字 面, 庶 几 仰 霁 天 颜. 三 院 亦 使 为 婉 曲, 转 请 该 国 得 藉 手 函, 进 表 文 计, 孰 便 于 此 者. 其 速 图 之” [Dương Dần Thu 杨 寅 秋, Lâm Cao văn tập 临 皋 文 集, quyển 4, Khâm định tứ khố toàn thư 钦 定 四 库 全 书, bộ Tập số 6 集 部 六, sách 1131].
(18) Giai thoại có ghi rằng khi Phùng Khắc Khoan đến biên giới thì bị quan lại nhà Minh cản trở không cho vào “nội địa”, ông phải biện cãi chúng mới cho qua. Chúng tôi ngờ rằng điều này không có thật mà chỉ là một chi tiết “thử thách” tài năng sứ thần thường thấy trong các giai thoại về họ (chẳng hạn giai thoại về Mạc Đĩnh Chi mà nhiều giai thoại về Phùng Khắc Khoan có chịu ảnh hưởng rõ rệt). Thực tế, sau khi đã “hội khám” xong, chuyến đi sứ của Phùng Khắc Khoan cơ bản thuận lợi. Nó chỉ trở nên khó khăn khi mong muốn của Phùng Khắc Khoan cũng như nhà Lê Trung hưng không chỉ dừng lại ở chức Đô thống sứ mà nhà Minh phong cho vua Lê mà kết quả là nhà Minh cũng không chịu nhân nhượng. Phải đến năm 1647, khi nhà Minh sắp sụp đổ, họ mới “vớt vát” phong cho vua Lê làm An Nam quốc vương với mong muốn nhà Lê sẽ giúp họ kháng Thanh.
(19) Nguyên văn “俯 伏 乞 恩 状” [Dương Dần Thu 杨 寅 秋, Lâm Cao văn tập 临 皋 文 集, quyển 4, Khâm định tứ khố toàn thư 钦 定 四 库 全 书, bộ Tập số 6 集 部 六, sách 1131].
(20) Nguyên văn: “囚 服 面 縛” [Minh triều tiểu sử, Quyển 14, “Vạn Lịch kỉ”].
(21) Nguyên văn: “囚 首 跪 縛 綁 獻 之 狀” [Dương Dần Thu 杨 寅 秋, Lâm Cao văn tập 临 皋 文 集, quyển 4, Khâm định tứ khố toàn thư 钦 定 四 库 全 书, bộ Tập số 6 集 部 六, sách 1131].
(22) Nguyên văn: “囚首徒跣,匍匐叩头坛上,进降表” [Minh sử, Quyển 321, Ngoại quốc 2: An Nam].
(23) Như Toàn thư, Cương mục, Nam triều công nghiệp diễn chí, Hoan Châu kí, Công dư tiệp kí, Đại Việt lịch triều đăng khoa lục, Đại Nam nhất thống chí, Thoái thực kí văn, Nam Hải dị nhân liệt truyện,v.v…
(24) Nguyên văn: “囚 首 喪 面, 其 容 俯” [Bang giao hảo thoại, VHv.1831, tờ 23-24]. Theo giải thích của Hán điển (zdict.net) thì “囚 首 喪 面” có nghĩa là: “头 不 梳 如 囚 犯,脸 不 洗 如 居 丧” (đầu không chải như người tù, má không rửa như đang cư tang).
(25) Nguyên văn: “朝 衣 朝 冠, 其 容 仰, 為 黎 君 之 形, 以 求 恩 上 國” [Bang giao hảo thoại, VHv.1831, tờ 23-24].
(26) Phan Huy Chú, Lịch triều…, tập 2, tr.603.
(27) Nguyên văn: “若 果 不 能 自 覲, 則 积 金 以 代 其 身, 两 珠 以 代 其 目, 副 以 贤 士, 方 技, 子 女, 工 匠 各 二, 以 代 其 土 民. 不 然, 修 尔 城 池, 以 待 其 审 處 焉” [Nguyên sử, Quyển 209, Ngoại di 2 外 夷 二: An Nam 安 南].
(*) TS, Khoa Ngữ văn, Trường ĐHSP Hà Nội.
Bài viết được lấy trong cuốn sách
"Trạng Bùng Phùng Khắc Khoan thân thế- cuộc đời và sự nghiệp"
NXB Hội Nhà văn
THÔNG BÁO
- UBND huyện Thạch Thất thông báo về việc thay đổi lịch tiếp công dân định kỳ tháng 04 nắm 2025 của Chủ tịch UBND huyện!
- Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Thạch Thất thông báo Kết quả lựa chọn tổ chức hành nghề đấu giá tài sản!
- UBND huyện Thạch Thất ban hành Hướng dẫn Tổ chức lấy ý kiến Nhân dân và thông qua HĐND cấp xã, HĐND huyện về sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn huyện Thạch Thất!
- Hội đồng nhân dân huyện Thạch Thất thông báo về Nội dung, thời gian và công tác chuẩn bị tổ chức kỳ họp thứ 21 (Kỳ họp chuyên đề) HĐND huyện Thạch Thất khóa XX, nhiệm kỳ 2021-2026