DANH NHÂN VĂN HÓA - TRẠNG BÙNG PHÙNG KHẮC KHOAN DANH NHÂN VĂN HÓA - TRẠNG BÙNG PHÙNG KHẮC KHOAN

Thể tài thơ du ký của Phùng Khắc Khoan
Publish date 15/10/2013 | 02:58  | Lượt xem: 316

Trong nền văn học Việt Nam có rất nhiều sáng tác của các tác gia mang đậm màu sắc du ký. Đó là những bài thơ, bài văn, hồi ký, nhật ký… ghi chép lại cảnh vật, di tích, thắng cảnh và dấu ấn tiền nhân, nơi tác giả từng đi qua. Thể tài du ký ra đời chính là do sự chuyển dịch của chủ thể tác giả, nhu cầu tìm hiểu, ghi nhớ những vùng đất mới, những nét văn hóa, tập quán, cảnh vật mới lạ đã thôi thúc con người đi và xem - yếu tố hạt nhân sản sinh ra các tác phẩm du ký./p>

THỂ TÀI THƠ DU KÝ CỦA PHÙNG KHẮC KHOAN

 

 Tiến sĩ Nguyễn Tiến Thịnh

NXB Giáo dục Việt Nam

 

Trong nền văn học Việt Nam có rất nhiều sáng tác của các tác gia mang đậm màu sắc du ký. Đó là những bài thơ, bài văn, hồi ký, nhật ký… ghi chép lại cảnh vật, di tích, thắng cảnh và dấu ấn tiền nhân, nơi tác giả từng đi qua. Thể tài du ký ra đời chính là do sự chuyển dịch của chủ thể tác giả, nhu cầu tìm hiểu, ghi nhớ những vùng đất mới, những nét văn hóa, tập quán, cảnh vật mới lạ đã thôi thúc con người đi và xem - yếu tố hạt nhân sản sinh ra các tác phẩm du ký.

Theo sách Từ điển thuật ngữ văn học, thể tài du ký đã được định nghĩa chi tiết: “Du ký - một thể loại văn học thuộc loại hình ký mà cơ sở là sự ghi chép của bản thân mình đi du lịch, ngoạn cảnh về những điều mắt thấy tai nghe của chính mình tại những xứ sở xa lạ hay những nơi ít người có dịp đi đến. Hình thức của du ký rất đa dạng, có thể là ghi chép, ký, sự, nhật ký, thư tín hồi tưởng, miễn là mang lại những thông tin, tri thức và cảm xúc mới lạ về phong cảnh, phong tục, dân tình của xứ sở ít người biết đến”([1])… Như vậy, khái niệm về thể tài thơ du ký, tựu chung lại là những ghi chép mang tính chất ký, là kết quả sáng tác của chủ thể tác giả khi đến một nơi nào đó. Quan trọng hơn cả, khi nói đến “thể tài du ký” cần nhấn mạnh, chú trọng và hiểu nó ở góc độ đề tài, nội dung, cảm xúc, cảm hứng nghệ thuật của người viết, không phải chỉ được nhìn nhận duy nhất ở góc độ thể loại và cũng có nhiều điểm khác với vấn đề thể loại. Lược qui về thể tài du ký có các thể loại văn xuôi, ghi chép, nhật ký, hồi ký và cả bằng các thể thơ có ý nghĩa đề vịnh, cảm thán, kể chuyện, thuật chuyện về những chuyến đi đến các vùng đất mới.

Trước thời Phùng Khắc Khoan (1528 - 1613), nền văn học trung đại Việt Nam đã xuất hiện nhiều tác phẩm mang đậm sắc thái du ký như thơ đề vịnh, cảm tác, ngẫu hứng, thơ đi sứ, thơ tha hương, những ghi chép, ký sự, nhật ký... Có thể kể đến những sáng tác thơ ca mang màu sắc du ký nổi bật của nhiều tác giả như Hạnh An Bang phủ (Chơi phủ An Bang), Hạnh Thiên Trường hành cung (Chơi hành cung Thiên Trường) của Trần Thánh Tông; nhiều bài trong tập Giới Hiên thi tập của Nguyễn Trung Ngạn; Linh Sơn tạp hứng (Tạp hứng ở Linh Sơn) của Chu Văn An; Đông Triều thu phiếm (Mùa thu thả thuyền chơi ở Đông Triều) của Trần Nguyên Đán; Du Phật Tích sơn ngẫu đề (Đi chơi núi Phật Tích ngẫu nhiên đề thơ) của Phạm Sư Mạnh; Du Côn Sơn (Chơi Côn Sơn), Đề Tiên Du tự (Đề chùa Tiên Du) của Nguyễn Phi Khanh; Du Đông Đình họa Nhị Khê nguyên vận (Qua chơi Đông Đình, họa nguyên vần thơ của Nhị Khê) của Hồ Tông Thốc; Dục Thúy sơn (Núi Dục Thúy), Quá Thần Phù hải khẩu (Qua cửa bể Thần Phù), Đề Yên Tử sơn Hoa Yên tự (Đề chùa Hoa Yên ở núi Yên Tử) của Nguyễn Trãi; Quá Hưng Đạo Vương từ (Qua đền Hưng Đạo Vương), An Bang phong thổ (Phong cảnh An Bang) của Lê Thánh Tông; Hoàng Giang tức sự (Đề thơ tức cảnh ở bến Hoàng Giang) của Thái Thuận, Du Phổ Minh tự (Chơi chùa Phổ Minh), Quá Hữu Giang (Qua sông Hữu Giang) của Nguyễn Bỉnh Khiêm, v.v…

Đến Phùng Khắc Khoan (1528 - 1613), các sáng tác của ông đều bộc lộ tâm trạng, ý chí, khí phách một nhà nho hành đạo, một bề tôi trung, một bậc sĩ đại phu thời phục hưng và thể hiện được vẻ chân thực, nét tinh khôi của phong cảnh quê hương, đất nước. Ông đi qua nhiều miền trong nước và từng đi sứ sang Trung Hoa, đàm đạo với cả sứ thần các nước Hàn Quốc, Nhật Bản… Xét trong gần 500 tác phẩm văn thơ của Phùng Khắc Khoan được viết bằng cả chữ Hán và chữ Nôm thì thấy một phần không nhỏ thuộc thể tài du ký, viết nhân các chuyến du ngoạn, làm quan ở các vùng miền và những tháng ngày đi sứ. Khi qua thăm mỗi địa danh, nơi danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử, ông đều có làm thơ đề vịnh, bày tỏ tình cảm và suy tư của mình. Các bài thơ du ký của Phùng Khắc Khoan được sáng tác chủ yếu bằng chữ Hán, cơ bản nằm trong hai tập thơ lớn: Ngôn chí thi tập Mai Lĩnh sứ Hoa thi tập.

Ngôn chí thi tập (Tập thơ nói chí) là tác phẩm có thời gian sáng tác dài nhất (từ năm ông 16 tuổi đến năm 86 tuổi) và cũng có nhiều tác phẩm thuộc thể tài du ký, bao quát những đề tài có tính chất ghi chép, ký sự thấm đậm chất trữ tình. Tập thơ không chỉ bộc lộ lòng thương cảm đối với nhân dân trong buổi loạn lạc, niềm lạc quan trong cuộc đời mà còn ghi lại lý tưởng, cảm xúc của tác giả khi thăm thú, du ngoạn qua các địa phương, các nơi danh thắng. Trong cuộc đời làm quan, Phùng Khắc Khoan từng đi khắp các vùng miền Thăng Long, Sơn Tây, Hải Đông, Hải Dương, Kinh Bắc, Lạng Sơn, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình… Quanh vùng Thăng Long, ông từng qua thăm và có thơ du ký, mô tả, đề vịnh, phát biểu cảm nhận về chùa Phật Tích (Chùa Thầy), chùa Phát Am... Qua Ninh Bình, ông đề thơ ở Xích Thổ, Thiên Quan… Vào tới xứ Thanh Hoa, ông có thơ khi đến thăm thành Tây Đô, cảnh đẹp Lan Lăng, Thiên Lũng, miếu thờ vua Lê ở Lam Sơn và động đá Tráp Sơn… Qua Hà Tĩnh, ông đến thăm Vạn Lại, làm mười bài thơ đề vịnh cảnh núi La Sơn… Đến Quảng Bình, ông làm thơ với cảm hứng hào sảng khi qua chỗ dòng nước chảy mạnh và những miền đất lạ…

Cũng giống như lối thơ đề vịnh phong cảnh của nhiều tác gia khác, Phùng Khắc Khoan cũng có những sáng tác khi đến các địa danh văn hóa, lịch sử, nơi danh lam thắng cảnh. Trên đường vào Thanh Hóa, khi đến thành nhà Hồ ông viết bài thơ Tây Đô hiểu quá (Sáng sớm qua Tây Đô):

Tây vọng đô thành thự sắc khai,

Hiểu lai quá thử hứng tần thôi.

Ngọc câu thuỷ nhiễu trừng kim kính,

Thạch bích đài xâm phúc lục nhai.

Thảo mộc kinh thu trần cổ tích,

Giang sơn tùy bút nhập khâm hoài.

Tiền Hồ phụ tử kim hà tại?

Duy hữu thanh phong dữ ngã giai.

(Trông đô thành phía tây vừa lúc rạng đông,

Sáng sớm qua đây hứng cảm nhiều lần.

Ngòi nước vòng quanh, trong như gương đồng sáng,

Đá rêu bám, phủ lên cả con đường xanh.

Cỏ cây trải qua thu, phơi bày dấu xưa,

Non sông theo ngòi bút, cảm thấu tận tâm hồn.

Cha con họ Hồ xưa giờ nơi đâu?

Chỉ có gió mát cùng ta mà thôi)([2])

Bài thơ là cảm xúc của tác giả khi đến thành cũ nhà Hồ. Hào nước bao quanh tường thành giờ chỉ còn là “Ngòi nước vòng quanh”, bức tường thành vững chắc giờ hoang tàn, đang bị sự xâm lấn của sắc rêu, khiến tâm trạng nhà thơ trĩu nặng, cuộn trào những nỗi niềm hoài cảm. Phùng Khắc Khoan đang sống cùng quá khứ, ông dường như không kìm nén được suy nghĩ và xúc cảm của bản thân để một lần nữa lại nghẹn ngào, đau xót và đắm chìm trong tĩnh lặng: Cha con họ Hồ xưa giờ nơi đâu?/ Chỉ có gió mát cùng ta mà thôi… Có thể nói Tây Đô hiểu quá là tác phẩm được tạo tác từ cảm hứng trước những cột mốc bi hùng của lịch sử dân tộc. Bài thơ thể hiện xúc cảm trước di tích thành Tây Đô một thời và khát vọng của chí nam nhi, trách nhiệm của kẻ sĩ muốn an dân trị loạn, chấn hưng đất nước.

Khi đến đất Lan Lăng, Phùng Khắc Khoan ngỡ ngàng trước vẻ đẹp của đất trời, cảnh vật:

Giai hứng tần tần vị khách mang,

Lan Lăng nhân đối cảnh thành song.

Hậu nhân đạo ủng thiên đầu quất,

Phô luyện ba trừng nhất đới giang.

Vũ trụ khoan nhàn mê vọng nhãn,

Sơn xuyên thu thập mãn thi xoang.

Tri tâm tối ái hoàng hôn nguyệt,

Hữu ý thời lai chiếu ngã song.

                  (Lan Lăng đối cảnh)

(Hứng thú dạt dào làm cho khách bận rộn,

Ở đất Lan Lăng, người với cảnh đẹp thành một đôi.

Ngàn cây quất mọc bên đường như đón đợi khách đến,

Dải sông lặng sóng hình như tấm lụa.

Cảnh vũ trụ khoan nhàn làm mê mắt ngắm,

Núi sông thu gom đầy cả vào hồn thơ.

Bạn tri âm đáng yêu nhất là mặt trăng buổi tối,

Có lúc dụng ý chiếu vào cửa sổ ta)

       (Đứng trước cảnh ở Lan Lăng)

Quang cảnh ở Lan Lăng được Phùng Khắc Khoan đặc tả qua nhiều hình ảnh sinh động: “Ngàn cây quất mọc bên đường”, “Dải sông lặng sóng hình như tấm lụa”, những hình ảnh đó làm “mê mắt ngắm”. Nhưng dường như cảnh vật ở Lan Lăng lại đối nghịch với tâm trạng của thi nhân. Cảnh đẹp là thế nhưng trong lòng tác giả luôn trống trải, cô quạnh nơi xứ lạ và chỉ có vẻ đẹp của mặt trăng mới giúp nhà thơ vơi đi mọi niềm thương nỗi nhớ: “Bạn tri âm đáng yêu nhất là mặt trăng buổi tối”….

Khi qua xứ Thanh Hoa, Phùng Khắc Khoan còn đến thăm và có thơ đề ở động đá Tráp Sơn. Đúng là “hý đề”, ông thử nghiệm lối thơ “lục ngôn luật” (lục ngôn tứ cú, thơ 6 câu 4 dòng, đồng dạng với lối thơ Đường thi tứ tuyệt) và thả hồn mình để trải lòng với vẻ đẹp nơi đây:

Hải ngoại Bồng Hồ, Phương Trượng,

Nhân gian Câu Lậu, Thiên Thai.

Tá trung hữu tuyệt kỳ xứ,

Dẫn đắc quần tiên đáo lai.

(Hý đề Tráp Sơn thạch động)

  (Cảnh này giống như núi Bồng Hồ,

                             Phương Trượng ở ngoài biển,

Cảnh này giống như núi Câu Lậu,

                                 Thiên Nhai giữa nhân gian.

Trong núi này có những chỗ kỳ lạ tuyệt vời,

Thu hút được quần tiên thường đến chơi)

                         (Đề chơi vào động đá Tháp Sơn)

Đối tượng thẩm mỹ trong thơ du ký của Phùng Khắc Khoan không chỉ hướng đến vẻ đẹp của thiên nhiên, sự trang nghiêm cổ kính của các chứng tích lịch sử, mà còn hướng đến các ngôi đền, ngôi chùa - nơi mà thi nhân gửi gắm những tâm trạng, cảm xúc đa chiều. Ngoài việc tranh thủ ghi chép cảnh đẹp trên đường tòng binh, việc công vụ, việc nhà quan, nhiều khi Phùng Khắc Khoan còn đến vãng cảnh chùa, nhập thân vào chốn tâm linh. Ông có bài thơ khi đến chùa Phát Am:

Sơn thượng lâu đài khởi,

Hồ trung thế giới tàng.

Xuân thường thiên cổ tại,

Hoa hữu tứ thời hương.

Địa thiểu trần ai quýnh,

Thiên đa nhật nguyệt trường.

Đăng tiên ưng hữu lộ,

Hà tất vấn Lưu lang?

(Đề Phát Am tự)

(Lâu đài đứng sừng sững trên núi,

Trong bầu cất giữ cả một thế giới.

Xuân vẫn còn mãi ngàn năm,

Bốn mùa đều có hoa tỏa hương thơm.

Đất ít, bụi bặm xa hẳn,

Trời rộng, ngày tháng dài.

(Nơi đây) chắc có lối lên tiên,

Hà tất phải hỏi chàng Lưu làm gì?)

                  (Đề chùa Phát Am)

Phùng Khắc Khoan đã cho thấy cái tinh tế trong nghệ thuật tả cảnh của ông, cảnh vật xung quanh ngôi chùa Phát Am được ông phác họa như một bức tranh thủy mặc. Trong bốn câu thơ đầu, tác giả đặc tả ngôi chùa với những nét vẽ đầy thanh tao nhưng hết sức kỳ vĩ: Sơn thượng lâu đài khởi (Lâu đài đứng sừng sững trên núi); Xuân thường thiên cổ tại (Xuân vẫn còn mãi ngàn năm). Hai câu kết của bài thơ như bộc lộ nỗi buồn man mác của thi nhân, cảnh vật tĩnh mịch khiến cho lòng người thêm bâng khuâng, ngụ ý cho rằng nơi đây cũng đẹp tựa như cõi Thiên Thai, cần gì phải tìm hỏi Lưu Thần đâu xa: (Nơi đây) chắc có lối lên tiên/ Hà tất phải hỏi chàng Lưu làm gì?...

Trong dòng thơ du ký, Phùng Khắc Khoan còn có bài thơ Đăng Phật Tích sơn (Lên núi Phật Tích) hết sức độc đáo. Trước hết, bài thơ có sự phối hợp giữa thể thơ ngũ ngôn tuyệt với thất ngôn bát cú và có thêm lời đề từ như thực như hư: “Thời mộng đăng Phật Tích sơn, phú thi vân…” (Bấy giờ tôi mộng thấy mình lên núi Phật Tích, vậy có thơ rằng…). Điều này có nghĩa là Phùng Khắc Khoan đã có cuộc du ngoạn trong mơ và làm được bài thơ nhân chuyến du ngoạn trong mơ ấy:

Túc nhiếp thiên trùng thượng,

Thân cư đệ nhất tằng.

Hồi đầu siêu hạ phẩm,

Hoảng nhược Vũ Môn đăng.

Ngẫu nhân thừa hứng đáo nham tiền,

Ổn bộ vân cù thướng thản nhiên.

Điểu ngữ hoán nghênh tùng hạ khách,

Hoa dung tĩnh đối động trung tiên.

Túc siêu trần thế tam thiên giới,

Thủ trích tinh thần chỉ xích thiên.

Thi tảo thạch đài miêu ta cảnh,

Thi thành bút dĩ động sơn xuyên.

(Cất gót nghìn trùng tới,

Nơi đây đệ nhất tầng.

Ngoảnh đầu trông xuống thấp,

Ô! Vượt Vũ Môn chăng?

Bỗng đâu nảy hứng tới rừng thiền,

Nhẹ gót đường mây bước thản nhiên.

Chim dưới bóng thông chào đón khách,

Hoa trong hang núi lặng nhìn tiên.

Hái sao một với trời vin tới,

Gạt bụi ba nghìn cõi sấn lên.

Vách đá phủi rêu đề cảnh đẹp.

Thơ thành bút khuấy động sơn xuyên)

Bài thơ cho thấy rõ mỗi khi giao hòa với cảnh sắc thiên nhiên, đến với cảnh Phật cảnh tiên, Phùng Khắc Khoan trở nên một con người cởi mở, phóng khoáng, nhập thân trong cảnh đẹp núi non, trời đất. Có thể nói gắn với mỗi chuyến du ngoạn đến những nơi thắng tích hay một vùng đất mới ở khắp mọi miền đất nước, Phùng Khắc Khoan đều có thơ và có được những bài thơ hay.

Trên tư cách một sứ thần, một người lãnh trọng trách của triều đình và một chuyến đi mang tính công vụ sang Trung Hoa, Phùng Khắc Khoan đã viết nên tập Mai Lĩnh sứ Hoa thi tập (Tập thơ đi sứ Trung Quốc qua cửa quan Mai Lĩnh). Dõi theo các bài thơ có thể biết rõ chuyến hành trình đi sứ của ông đã qua các địa phương thuộc tỉnh Quảng Tây, qua trạm Xuyên Sơn (huyện Mã Bình), qua huyện An Nam (tỉnh Quý Châu), hồ Bà Dương, huyện Hồ Khẩu (tỉnh Giang Tây), huyện Vọng Giang, phủ An Khánh (tỉnh An Huy)... Các trước tác của ông trong Mai Lĩnh sứ Hoa thi tập luôn ẩn chứa những cung bậc tình cảm tha thiết, những suy tư trĩu nặng, những cảm xúc chân thực về tình yêu quê hương, đất nước. Như vậy, xét trong nội hàm thể tài du ký, Phùng Khắc Khoan có khá nhiều thi phẩm viết về cảnh vật thiên nhiên, những thắng tích, di tích lịch sử nơi nhà thơ đi qua. Có thể nói thiên nhiên Trung Hoa đã đi vào thi ca Việt Nam, đặc biệt là thơ ca trung đại Việt Nam một cách tự nhiên, sống động. Sau mỗi chuyến viễn du, từ phương Bắc trở về, các thi nhân đã viết nên những thi phẩm đáng chú ý về cảnh đẹp và con người Trung Hoa. Trong lần đi sứ sang nhà Minh vào năm Đinh Dậu (1597), ông cũng ghi lại chuyến hành trình ngàn dặm bằng các bài thơ trữ tình. Khi đi sứ Yên Kinh, ông bộc lộ cảm xúc trước vẻ đẹp của cảnh vật nơi đất khách:

Kỳ niên cung phụng sứ Yên Kinh,

Bão khán hoành đô cảnh vật thanh.

                 (Công quán tức sự - kỳ nhất)

(Tuổi già vâng lệnh đi sứ Yên Kinh,

Xem khắp đế đô thấy cảnh vật thanh tân)([3])

                (Thơ tức sự ở công quán - Bài 1)

Khi qua huyện An Nam thuộc tỉnh Quý Châu, Phùng Khắc Khoan bộc lộ xúc cảm với tất cả ý thức về vai trò, sự tự tin và uy thế của mình:

Huân phong tùy ngã tự nam lai,

Lĩnh vụ hành khan đáo xứ khai.

            (Đáo An Nam ngẫu thành)

(Gió huân ấm áp theo ta từ phương nam tới,

Mây mù núi sẽ thấy, ta đi đến đâu quang đến đó)

                   (Đến An Nam, bất chợt thành thơ)

Khi qua vùng hồ Bà Dương thuộc tỉnh Giang Tây, thi nhân mở lòng thả trí tưởng tượng trước cảnh sóng nước:

Vọng ngoại Lư San san hựu san,

Bà Dương hồ thượng đáo quan lan.

Tiếp thiên thủy chiếu phù dung kính,

Trục lãng hoa khai thược dược bàn…

               (Quá Bà Dương hồ)

(Trông ra phía ngoài núi Lư Sơn thấy

                                                 những núi là núi,

Nay đến hồ Bà Dương thấy sóng cuộn to.

Tiếp giáp với trời nước chiếu sáng hoa sen,

Sóng nối nhau thành bông như thược dược…)

                    (Qua hồ Bà Dương)

Cuộc đời và thơ văn Phùng Khắc Khoan luôn gắn liền với tinh thần lạc quan, yêu nước, thương dân của một nhà nho chính thống. Ông là một nhà thơ có bản lĩnh, là nhà ngoại giao xuất sắc của dân tộc. Thơ du ký của ông góp thêm vào dòng thơ du ký thời trung đại ở cả những bài thơ du ngoạn trong nước và cả những bài thơ cảm tác, đề vịnh trong chuyến đi sứ. Đúng với phong cách nhà nho, thơ du ký của Phùng Khắc Khoan in đậm trách nhiệm và phận vị của một bậc trọng thần, đồng thời bộc lộ xúc cảm trước cảnh đẹp đất trời và những di tích, danh lam thắng tích ở khắp mọi miền quê hương. Qua tìm hiểu thơ du ký của Phùng Khắc Khoan, chúng ta được đến với những địa danh, chứng tích lịch sử, những cảnh đẹp kỳ vĩ của thiên nhiên, nhưng đồng thời cũng thấu hiểu được ý chí, hoài bão của nhà ngoại giao tài ba suốt đời gắn bó với vận mệnh của quốc gia, dân tộc.

Tháng 8-2012

 

 


([1]) Lê Bá Hán - Trần Đình Sử - Nguyễn Khắc Phi (Chủ biên): Từ điển thuật ngữ văn học. NXB Giáo dục, H., 1992, tr.75-76.

([2]) Trạng Bùng Phùng Khắc Khoan, tác gia - tác phẩm (Bùi Duy Tân chủ biên). Sở Văn hóa - Thông tin Hà Tây xuất bản, 2000, tr.154-155. Các trích dẫn thơ trong bài đều theo sách này và trong một vài trường hợp, người viết có vi chỉnh đôi ba chữ.

([3]) Dẫn theo Phạm Thị Ngọc Anh: Tìm hiểu về thơ đi sứ của ác nhà thơ trung đại Việt Nam. Luận văn Thạc sĩ Ngữ văn, Trường Đại học Vinh, 2009, tr.40.

 

Bài viết được lấy trong cuốn sách

"Trạng Bùng Phùng Khắc Khoan thân thế- cuộc đời và sự nghiệp"

NXB Hội Nhà văn