DANH NHÂN VĂN HÓA - TRẠNG BÙNG PHÙNG KHẮC KHOAN DANH NHÂN VĂN HÓA - TRẠNG BÙNG PHÙNG KHẮC KHOAN

Sơ thảo đề cương bài giảng Tư tưởng Phùng Khắc Khoan
Publish date 15/10/2013 | 03:04  | Lượt xem: 1261

strong>1/strong>strong>. /strong>strong>Khái quát về thân thế và sự nghiệp/strong>strong> Phùng Khắc Khoan/strong>/p> p>Phùng Khắc Khoan (tự là Hoàng Phu, hiệu là Nghị Trai, Mai Nham Tử, người dân gọi là Trạng Bùng), danh sĩ, nhà hoạt động chính trị, nhà văn hoá lớn có cống hiến xuất sắc cho lịch sử dân tộc thế kỷ XVI - XVII./p>

SƠ THẢO ĐỀ CƯƠNG BÀI GIẢNG TƯ TƯỞNG PHÙNG KHẮC KHOAN

(trong Chương trình môn Lịch sử tư tưởng Việt Nam([1]))

 

Tiến sĩ Nguyễn Bá Cường

 

 1. Khái quát về thân thế và sự nghiệp Phùng Khắc Khoan

Phùng Khắc Khoan (tự là Hoàng Phu, hiệu là Nghị Trai, Mai Nham Tử, người dân gọi là Trạng Bùng), danh sĩ, nhà hoạt động chính trị, nhà văn hoá lớn có cống hiến xuất sắc cho lịch sử dân tộc thế kỷ XVI - XVII.

Ông sinh năm 1528 tại Phùng thôn (tục gọi là làng Bùng), xã Phùng Xá - huyện Thạch Thất, trấn Sơn Tây, thuộc tỉnh Hà Tây (cũ), nay là Thành phố Hà Nội. Đây là một làng quê văn hiến có truyền thống lâu đời với nhiều người đỗ đạt cao, nhân dân coi trọng học vấn, sống trọng tình nghĩa.

Ngay từ nhỏ, ông đã tỏ ra thông minh, có khí chất, được cha dạy dỗ kiến thức Nho học, đến năm 16 tuổi ông sang Hải Dương theo học thầy Nguyễn Bỉnh Khiêm. Tuy học giỏi nhưng mãi đến năm 1552, ông đi thi Hương đỗ Tam trường trên đất nhà Mạc. Ông không làm quan cho nhà Mạc mà đến năm 26 tuổi, vào Thanh Hoá giúp nhà Lê thực hiện công cuộc Trung hưng.

Phùng Khắc Khoan đỗ đầu khóa thi Hương ở Thanh Hóa (1557), đỗ thứ hai kỳ thi Tiến sĩ (Hoàng giáp) đời Lê Thế Tông (1580). Làm quan đến chức Thượng thư (bộ Công, bộ Hộ), tước Mai Quận công. Năm 1597, ông được vua cử đi sứ triều Minh. Bằng kiến thức uyên bác và tài ứng đối của mình, ông đã làm cho vua và triều thần nhà Minh cùng các sứ thần nước khác kính nể. Sự nghiệp ngoại giao của ông được khẳng định làm cao thế nước uy vua. 75 tuổi, ông xin về quê trí sĩ, sống gần gũi và gắn bó với đời sống nhân dân. Ông mất ngày 24 tháng 9 năm Quý Sửu (1613), thọ 86 tuổi. Nhân dân lập đền thờ và tôn làm phúc thần, đời đời thờ cúng.

Tác phẩm của Phùng Khắc Khoan bao gồm có cả chữ Hán và chữ Nôm trong đó có văn, thơ, bi ký, diễn ca kinh truyện và vãn ca. Tác phẩm chữ Nôm có Lâm tuyền vãn (tác phẩm Nôm duy nhất còn lại), Diễn nghĩa Kinh Dịch (đã mất). Tác phẩm thơ chữ Hán: Ngôn chí thi tập (tập nói lên chí hướng của nhà thơ); Huấn đồng thi tập (tập thơ dạy trẻ làm thơ); Đa thức tập (tập thơ biết nhiều); Mai Lĩnh sứ hoa thi tập (tập thơ đi sứ của Mai Lĩnh hầu); ngoài ra còn 2 bài Tựa viết cho 2 tập thơ Ngôn chíHuấn Đồng, nhiều bài văn bia,... Nội dung nổi bật trong các tác phẩm Phùng Khắc Khoan là quan niệm sống tích cực, một niềm ưu ái chân thành với ý thức trách nhiệm một nhà nho chân chính yêu nước thương dân, luôn tin tưởng ở tương lai, tin ở sức mạnh bản thân có thể đổi loạn thành trị, cứu nguy thành an, xây dựng nền thái bình thịnh trị cho đất nước.

Phùng Khắc Khoan để lại một sự nghiệp kinh bang tế thế. Trong con người ông, có một nhà chính trị tài ba, một nhà kinh tế, nhà quân sự, nhà ngoại giao tài giỏi, một nhà thơ có những đóng góp xuất sắc vào văn học dân tộc và đăc biệt là một nhà tư tưởng tiêu biểu của thế kỷ XVI - XVII.

 

2. Nội dung cơ bản trong tư tưởng Phùng Khắc Khoan([2])

2.1. Tư tưởng triết học  

Phùng Khắc Khoan chịu ảnh hưởng của cả Nho, Phật, Đạo. Song trong tư tưởng của ông, ảnh hưởng của Nho giáo (Tống Nho) được biểu hiện rõ nhất.

- Tư tưởng Tống Nho thể hiện trong các quan niệm của ông về: “Thiên lý”, “Nhân dục”, “Quả dục”,...

- Tiếp tục quan niệm của Nho giáo và tư tưởng bản địa, ông thừa nhận có mệnh trời nhưng lại khẳng định vai trò chủ thể của con người trước cuộc sống.

- Ông có cách nhìn biện chứng về thế giới: mọi vật luôn ở trạng thái vận động, tương tác lẫn nhau, luôn luôn có sự xuất hiện của vật này, sự mất đi của vật kia, tất cả trong một dòng chảy bất tận. Tuy nhiên, ông lại quan niệm sự phát triển diễn ra theo vòng tròn khép kín, chưa thấy được khuynh hướng vận động tiến lên của sự vật; thừa nhận mặt đối lập nhưng ông chưa thấy được điều kiện, tính phức tạp của sự chuyển hoá giữa các mặt đối lập ấy.

- Nhân sinh quan của Phùng Khắc Khoan biểu hiện ở nhiều phương diện nhưng rõ nhất ở tư tưởng lập chí của ông: Lúc nhỏ, đó là chí học hành để có công danh, lúc trưởng thành là chí cứu nước giúp đời, an nguy trị loạn. Tư tưởng lập chí gắn liền với niềm tin của ông vào vai trò chủ thể của con người trong xã hội, niềm lạc quan vào tiền đồ tương lai của dân tộc. Mặc dù tư tưởng lập chí của ông có những lúc nặng về công danh, khoa hoạn nhưng nhìn lại cả cuộc đời hành đạo năng nổ của ông thì tính tích cực bao trùm hơn cả.

2.2. Tư tưởng chính trị

- Về đường lối chính trị: Cũng như các nhà nho sống trong hoàn cảnh đất nước loạn lạc, ông luôn mơ ước về một xã hội lý tưởng: an bình thịnh trị, có vua sáng tôi hiền nhân dân có cuộc sống no đủ. Ông trăn trở để tìm ra một đường lối cứu nước đúng đắn mà theo ông, đó chỉ là con đường vương đạo, thực hành nền chính trị nhân nghĩa. Ông phản đối đường lối bá đạo, dùng chiến tranh để giành quyền bính cai trị quốc gia.

 Trong bối cảnh căng thẳng và mức độ gay gắt của mâu thuẫn giữa các vương triều lúc đó, đường lối chính trị nhân nghĩa mà Phùng Khắc Khoan nêu lên có tác dụng nhất định ổn định tình hình chính trị đất nước, nhà Lê Trung hưng dần dần được lòng dân và giành lại quyền bính từ họ Mạc.

 - Về xây dựng quốc gia

Phần lớn cuộc đời gắn bó với những thăng trầm của đất nước trong giai đoạn lịch sử dân tộc triều Lê - Trịnh, Phùng Khắc Khoan không chỉ tìm biện pháp cứu nước khỏi chiến tranh loạn lạc mà còn chú ý xây dựng phát triển đất nước. Để giải quyết các vấn đề xã hội, ông đưa ra những yêu cầu đối với người cầm quyền:

+ Vua phải quan tâm đến đời sống của nhân dân đặc biệt là tình hình sản xuất nông nghiệp, phải dùng nhân nghĩa để đối xử với dân;

+ Quan lại phải thường xuyên trau dồi đạo đức, phân biệt rõ nghĩa và lợi, trong sạch, không tham lam; phải trung thành với vua và hoàn thành tốt chức trách được giao phó.

Ông còn đặc biệt quan tâm, chú ý thực hiện các biện pháp ổn định, phát triển đất nước, chú trọng xây dựng nền kinh tế dân tộc, trong đó quan tâm đặc biệt đến nông nghiệp và thương nghiệp. Ông được coi là ông tổ của nghề dệt lượt, nghề làm cày bừa, tương truyền ông đem các giống cây lương thực từ Trung Quốc về cho nhân dân ta, giúp nhân dân đào mương tiêu nước cho các cánh đồng để phát triển nông nghiệp,…

2.3. Tư tưởng đạo đức

Tư tưởng đạo đức mà Phùng Khắc Khoan đề cập đến là đạo Nho. Ông khẳng định vai trò to lớn của đạo Nho trong việc giữ gìn trật tự xã hội, xây dựng nền bình trị quốc gia.

Nội dung của đạo Nho được ông coi trọng ở “trung”, “hiếu”, “nhân nghĩa”.

- “Trung” ở Phùng Khắc Khoan là chữ “trung” trong quan niệm của Nho gia chính thống (“trung thần bất sự nhị quân”). “Trung” cũng là chọn được vua sáng để phục vụ và hết lòng hết sức vì sự nghiệp của triều đại ấy.

- “Hiếu” ở Phùng Khắc Khoan là gắn liền với quan niệm công danh, lập chí thành đạt để đền ơn sinh thành của cha mẹ, đền đáp nợ nước và tình yêu thương che chở của nhân dân.

- “Nhân nghĩa” ở Phùng Khắc Khoan là phẩm chất cao nhất của đạo làm người, là đường lối chính trị và là cơ sở để xây dựng tất cả các mối quan hệ xã hội. “Nhân nghĩa” cũng là nội dung nhất quán, bao trùm trong tư tưởng của ông.

Cũng như Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm và các nhà nho sau này ở nước ta, Phùng Khắc Khoan là một nhà đạo đức hành động. Ông không chỉ bàn về đạo đức, đề cao đạo đức mà còn là người thực hiện đạo đức một cách tích cực trong cả cuộc đời và sự nghiệp của mình.

2.4. Tư tưởng ngoại giao

Một trong những thành công lớn nhất của Phùng Khắc Khoan được lịch sử ghi nhận là ở sự nghiệp và tư tưởng ngoại giao.

- Phùng Khắc Khoan đề cao hàng đầu tinh thần dân tộc, độc lập, tự chủ trong quan hệ ngoại giao. Ông cho rằng, phải lấy nhân nghĩa làm cơ sở cho quan hệ giữa các nước. Để thành công trong quan hệ ngoại giao, ông nhận thấy cần phải có sự khéo léo, tế nhị, có thái độ bình tĩnh, tự tin. Phát huy truyền thống hòa bình, hữu nghị của dân tộc, ông chú ý mở rộng quan hệ ngoại giao với các nước trong khu vực.

- Tư tưởng ngoại giao, những nguyên tắc ngoại giao mà ông đưa ra là dựa trên cơ sở đạo lý phong kiến, từ quan niệm của Khổng Mạnh. Tuy nhiên, thực chất và ý nghĩa của nó thì đã vượt lên trên giáo lý nhà nho. Tư tưởng ấy còn là sự kết tinh những giá trị tốt đẹp nhất trong truyền thống dân tộc, phù hợp với yêu cầu của cha ông ta về mối quan hệ cần có giữa nước ta và các nước láng giềng trong hoàn cảnh bấy giờ.

 

3. Một vài nhận định

- Phùng Khắc Khoan chưa vượt ra ngoài khuôn khổ của thời đại, tư tưởng của ông vẫn có những nét hạn chế nhất định: Thế giới quan triết học của ông nhìn chung vẫn là duy tâm, quan niệm về mệnh trời ảnh hưởng của Nho giáo; Tư tưởng biện chứng ảnh hưởng của Dịch truyện nên vẫn còn ở mức độ sơ khai; Nhân sinh quan của Phùng Khắc Khoan vẫn chịu ảnh hưởng của quan niệm công danh, khoa hoạn của Nho giáo. Đây là những hạn chế mang tính thời đại mà bất cứ nhà nho nào cũng gặp phải.

- Với những đóng góp hết sức quan trọng cho lịch sử tư tưởng dân tộc, ông được lịch sử ghi nhận xứng đáng.

Phùng Khắc Khoan có tài “tung hoành ngòi bút, phân biệt rạch ròi chính tà” (Dực Anh Tông Hoàng đế Tự Đức); “có được đại tài, học lực lại sung túc, đạo đức dày dặn, nhân nghĩa thấm nhuần, đã đủ bổ ích cho chính trị giáo hóa, ích lợi cho nhân dân ... tấm lòng ông quang minh chính đại, khí độ ông lại quảng đại, lại đủ xoay chuyển kiền khôn, chống đỡ vũ trụ” (Đỗ Uông - quan đồng triều với ông); “Văn chương nổi tiếng trùm đời, tùy thời thực hành chính sự; Minh quân lương tướng gặp nhau hòa hợp, lòng giữ được sự tín phục” (Nguyễn Văn giai - đỗ cùng khoa và làm quan đồng triều với ông).

- Tư tưởng của Phùng Khắc Khoan là kết tinh những giá trị tốt đẹp nhất của truyền thống gia đình, quê hương và dân tộc, từ cuộc đấu tranh của nhân dân ta để khắc phục loạn lạc, cát cứ, giữ vững hoà bình, tự chủ. Những tư tưởng của ông đã đáp ứng được yêu cầu nhất định của thời đại, đồng thời cũng gắn bó với ý chí thời đại và đời sống của nhân dân.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Hội nhà văn Việt Nam. Phùng Khắc Khoan - Hợp tuyển thơ văn, Nxb Hội nhà văn, Hà Nội, 2012.

2. Bùi Duy Tân (chủ biên). Trạng Bùng Phùng Khắc Khoan: tác gia - tác phẩm. Sở Văn hoá Thông tin Hà Tây, 2000.

3. Bùi Duy Tân. “Lược khảo văn bản tác phẩm Hán Nôm của Phùng Khắc Khoan (1528 - 1613)”. Tạp chí Hán Nôm, số 3/2001.

4. Nguyễn Tài Thư (chủ biên). Lịch sử tư tưởng Việt Nam, tập I. Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1993.

5. Trần Quốc Vượng. Văn hoá Việt Nam - Tìm tòi và suy ngẫm. Nxb Văn hoá Dân tộc, Hà Nội, 2000.

 

 


([1]) Môn học Lịch sử tư tưởng Việt Nam hiện đang giảng dạy cho sinh viên các ngành: Triết học, Giáo dục chính trị, Giáo dục công dân, Giáo dục quốc phòng - an ninh, Việt Nam học.

([2]) Trong khuôn khổ đề cương bài giảng, tạm thời chỉ nêu lên những nội dung tư tưởng. Các minh chứng qua thơ văn và cuộc đời của Phùng Khắc Khoan sẽ được bổ sung trong tập bài giảng chi tiết.

Bài viết được lấy trong cuốn sách

"Trạng Bùng Phùng Khắc Khoan thân thế- cuộc đời và sự nghiệp"

NXB Hội Nhà văn