DANH NHÂN VĂN HÓA - TRẠNG BÙNG PHÙNG KHẮC KHOAN
Phùng Khắc Khoan (1528 - 1613) đỗ đạt cao, giữ nhiều chức lớn. Ông được cả vua và chúa tin dùng, giao cho nhiều việc trọng, nhất là lần đi sứ sang Trung Quốc đời Minh. Trong trường hoạn lộ, ông là một quan to. Trên trường văn bút, ông là một bậc đại nho. Vậy mà đọc thơ văn ông, tôi ngỡ ngàng thấy ông cố gắng thoát ra sự ràng buộc bởi những từ chương quy phạm của thứ văn chương khuôn sáo; ngược lại, ông xuất sáo để sống thực con người mình - một con người sống ở làng quê, của làng quê. Ông là một ông Trạng quê./p>
ÔNG TRẠNG QUÊ NƠI THÔN XÓM KẺ BÙNG
Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên
Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội
Phùng Khắc Khoan (1528 - 1613) đỗ đạt cao, giữ nhiều chức lớn. Ông được cả vua và chúa tin dùng, giao cho nhiều việc trọng, nhất là lần đi sứ sang Trung Quốc đời Minh. Trong trường hoạn lộ, ông là một quan to. Trên trường văn bút, ông là một bậc đại nho. Vậy mà đọc thơ văn ông, tôi ngỡ ngàng thấy ông cố gắng thoát ra sự ràng buộc bởi những từ chương quy phạm của thứ văn chương khuôn sáo; ngược lại, ông xuất sáo để sống thực con người mình - một con người sống ở làng quê, của làng quê. Ông là một ông Trạng quê.
Bài “Lâm tuyền vãn” đáng là một sự kinh ngạc lớn, một đột biến của thơ Việt trung đại. Không kinh ngạc vui mừng sao được, khi cách đây bốn thế kỷ, một ông trạng vốn quen lối văn chương cử tử, thạo tay với những niêm luật đăng đối, lại đã làm cả một bài lục bát thật dài tả tỉ mỉ, chi tiết các thức nuôi trồng của đời sống dân dã bằng một lối nói khẩu ngữ dân gian.
Chọn nơi đất rộng chốn không
Mở vườn dăm mẫu vun trồng sinh hoa
Quanh tường dâu rậm nên là
Tằm nên tơ tốt đầy nhà lụa phơi
Phát kinh, phát cức trồng gai
Đan lưới đan chài dưỡng thú ngư hà
Trồng dưa chớ để mùa qua
Ngăn phên mắt cáo kẻo gà đạp kê
Quanh vườn thả đậu sừng dê
Mướp trâu dưa chuột bốn bề leo rong([1])
Bài thơ này nếu đúng là “Đào nguyên hành” (hay còn một tên gọi khác là “Ngư phủ nhập đào nguyên”) thì đã được Trạng Bùng viết ra vào thời gian ông bị biếm vào Nghệ An vì trái ý vua dưới thời Lê Trung Tông. Xa chốn kinh thành và cửa quan, ông sống giữa thiên nhiên, bên rừng suối, vui thú vườn tược. Đừng nghĩ đây là ông buồn bực, lấy cảnh làm khuây, tự động viên an ủi mình, chờ thời được vua vời lại. Ông nói rõ ngay khi vào bài thú lâm tuyền là “tiểu thần tiên”, khi con người được vô sự, nhàn nhã, được sống với mình, tự mình. Có lẽ đây là chí hướng của ông, của một nhà nho mang nặng gốc gác làng quê, biết rằng sinh ra ở đời thì phải nhập thế phò vua giúp nước theo bổn phận của một thần tử, nhưng thâm tâm vẫn thích được sống một cuộc đời giản dị, bình thường của người dân quê. Bài thơ mở đầu bằng chữ “tiên” và khép lại cũng bằng chữ “tiên” đủ cho thấy ông Trạng thực tâm với cuộc sống này. Điều này ông sẽ nhắc lại ở bài thơ chữ Hán “Khiển buồn” (“Giải buồn”): “Vô sự tức tiên na hữu thuật/ An tâm thị dược cánh hà phương (“Vô sự là tiên chi phải thuật/ An tâm ấy thuốc chẳng cần phương”). Không sống thực tâm không thể nhìn ngắm một cách chăm chú thích thú đến vậy với mỗi thứ cây trồng quanh mình, rộng ra là hòa được mình vào thiên nhiên vạn vật. Đó là lối sống giao hòa với tự nhiên đất trời của người nông dân.
Hành tỏi ai kẻ ưa ai,
Lá ngổ rã rượi tóc dài lả ra.
Nhăn nhắt hành ta, kiệu ta,
Thơm thanh hăng hẳng thì là mùi tui.
Xin hãy chú ý đến chữ “tui” ở đây. Đây là bằng chứng ông Trạng bị biếm vào đất Nghệ. “Tui” tiếng Nghệ là “tôi”. “Mùi tui” là “mùi tôi”, câu thơ là lời cây mùi tự nói về mình rất dí dỏm, tinh nghịch. Cả bốn câu này cũng như toàn bài đọc thật thích vì những từ ngữ sống động, linh hoạt, như mở ra trước mắt người đọc cả một khu vườn chen chúc cây cỏ “ngoài vườn mỗi thức mỗi tươi/ quanh nhà cảnh vật động người càng ra”. Nếu ta nhớ rằng đến tận thế kỷ 18 một câu thơ của Nguyễn Gia Thiều thuần nôm lọt vào giữa trùng điệp những câu chữ Hán “lau nhau ríu rít cò con cũng tình” vẫn được trân trọng đáng quý thì mới thấy hết cái chất “chân quê” của ông Trạng Bùng. Sau khi đã kể ra rất nhiều các thứ cây trồng, ông hạ hai câu “Ngày nhiều vật lạ của tươi/ Che chở nghìn đời dân ấm dân no”, đủ thấy cái thú lâm tuyền của ông không phải lánh đời, xa đời, không phải ngoảnh mặt với cuộc sống dân tình. Ông thật là một người có căn cốt dân quê Việt Nam mà địa vị chức tước, ngôi cao bổng hậu không thể làm phai nhạt hoặc biến chất. Bài “Lâm tuyền vãn” 185 câu lục bát quả là một sáng tạo độc đáo đột xuất của một ông Trạng cho văn chương Việt Nam thuần dân tộc tính.
Cái nhìn ấy, tấm lòng ấy ông giữ được cả trong thơ chữ Hán là loại thơ mà các nhà nho xưa làm thường để ngụ tính tình, bộc lộ tâm chí của mình, nghĩa là rất dễ công thức và khuôn sáo. Phùng Khắc Khoan tất nhiên cũng có loại thơ đó, như ông đã theo quy phạm của thời đại nói trong bài Tựa tập thơ Ngôn chí của mình: “Mà cái gọi là thơ thì không phải là láu lưỡi trong tiếng sáo, chơi chữ dưới ngòi bút thôi đâu, mà là để ngâm vịnh tính tình, cảm động mà phát ra chí ý nữa. Thế cho nên nếu chí mà ở đạo đức thì tất là phát ra lời lẽ hồn hậu, chí mà ở sự nghiệp thì tất là nhả ra khí phách hào hùng, chí ở rừng suối gò hang thì thích giọng thơ liêu tịch, chí ở gió mây trăng tuyết thì thích vẻ thơ thanh cao, chí ở nỗi uất ức thì làm ra lời thơ ưu tư, chí ở niềm cảm thương thì làm ra điệu thơ ai oán. Cứ xem thơ người xưa thì có thể thấy chí người xưa vậy.” Điều này ông thực thi rõ nhất trong tập Đa thức là tập thơ nói về các loài cây nhưng cốt tỏ ý chứ không tả thực, những cái cây được nói đến trong đó mất hết hình dáng cụ thể, trực quan, chỉ còn mang chở ý nghĩa tượng trưng cho đức tính con người theo quan niệm nho giáo. Nhưng khi ông nhìn về thôn quê, nhìn về người dân ở thôn quê, thì dù là làm thơ Nôm hay thơ Hán, ông vẫn rất thực trong mắt nhìn và lòng cảm, trí nghĩ. Như khi đi trên đường Hải Dương ông làm hai bài tứ tuyệt nhưng đó không phải là hai bài tả cảnh theo công thức hay mượn cảnh tỏ nỗi lòng, mà là hai bức ký họa trực cảnh. Ông thấy “Quán cũ gốc đa ngói tốc sạch/ Khóm tre trong xóm cụt lơ thơ”. Ông thấy “Đồng nội ma trơi sáng lập loè/ Vài túp nhà tranh đà dột nát”. Trước cảnh đó ông không thể kìm nổi một lời than chia sẻ “Đau lòng bạn cũ đám dân quê”. Một lời than cách năm thế kỷ vẫn còn vọng đến hôm nay, tưởng chừng như ông Trạng vừa xong một chuyến kinh lý về với một nỗi lòng đau đáu thương dân. Hay như khi nhàn vịnh cảnh Hồ Tây thì ông vẫn không vì cảnh mà quên người. Bài một tả cảnh hồ, nhưng ông có ngay bài hai nói về con người, về nơi sinh sống của con người ở quanh hồ.
Dưới tre thấp thoáng thấy phường thôn
Vài túp nhà chài dựa cạnh đồn
Thất thểu ông già say tuý luý
Thuyền lan một lá buộc đầu thềm
Ông là nhà nho, không phải kẻ nông phu, nhưng ông ý thức được cây bút mình như cái cày cái bừa (“lực đại canh sừ bút thị nô”), và để lập danh ở đời thì anh học trò chân trắng cũng phải cần cù cày xới trên trang sách như người nông dân cày xới trên cánh đồng. Câu thơ chữ Hán trên đây được dịch thành “Cày bừa sẵn bút vững vàng thay trâu” (Tham Tuyền dịch) là vừa sát ý vừa đã hiểu đúng tinh thần ông Trạng quê Phùng Khắc Khoan. Nhưng dịch thoát hơn thành “Khắp chốn cày bừa ấy bút xanh” (Trần Lê Sáng dịch) cũng làm nổi bật được tư tưởng và phẩm cách của ông Trạng ngay từ tuổi mới lớn. Bởi vì cái ý này được Phùng Khắc Khoan nói ra trong một bài tự thuật viết năm 16 tuổi, nghĩa là ngay khi bắt đầu đặt chân lên con đường hoạn lộ ông đã xác định rõ một tư thế và tâm thế vì dân. Điều này càng thể hiện rõ ở câu kết bài thơ “Khẳng tác ngang tàng nhất trượng phu” (“Há đâu lại làm một kẻ trượng phu ngang tàng”). Chữ “ngang tàng” ở đây được chú thích là “ngông nghênh, tự cao tự đại, xa cách người đời”. Một khi đã xác định được hướng đi cho cuộc đời mình như vậy thì dẫu có lâm cảnh khổ con người vẫn bình thản chờ thời và tin ở thời sẽ đến cho mình thi thố tài năng giúp đời. Bài thơ “Trừ tịch Nguyễn Thanh Trai kiến ký” (Đêm ba mươi tết gửi Nguyễn Thanh Trai”) có lẽ được làm vào thời Phùng Khắc Khoan chưa vinh hiển chăng. Ý tứ trong bài thì thấy như vậy.
Tệ bào ngỗ khách đáo thôn hi
Trịnh trọng phiền quân nãi nhĩ tư
Tài sĩ bần cư duy ngã chuyết
Hoác công bồi đốc phỉ vu trì
(Tấm áo dài rách làm khách khó chịu nên ít đến
Phiền ông đã trân trọng nhớ đến tôi
Người sĩ phu có tài mà sống cảnh nghèo,
chỉ có tôi là vụng
Ông trời bồi đắp cho tôi, chẳng phải chậm)
Ông tin ở cốt cách con người mình, tin rằng “Tự cổ cùng thông do tuế tiết/ Phong trần nhân phẩm quý tương tri” (Từ xưa lẽ cùng thông vẫn như thời tiết hàng năm/ Phẩm giá con người trong gió bụi, quý ở chỗ hiểu nhau). Ông khẳng quyết “nhà tranh có chí vẫn thành danh”. Và điều đáng quý là khi đã thành danh rồi ông vẫn không quên xuất thân của mình từ nhà tranh. Phùng Khắc Khoan từ lúc trẻ tay trắng đến khi đã thành ông quan to vẫn trung thành với lối sống và tư cách đã chọn: ở đâu, làm gì ông luôn nghĩ về dân, nghĩ cho dân. Từ trong thơ ra ngoài cuộc đời. Việc ông đi sứ mang hạt giống ngô, đậu về dạy dân gieo trồng, học cách dệt tơ về dạy dân làm, là kết quả tự nhiên và tất nhiên của một ý thức và một tấm lòng vì dân đã có được từ rất sớm.
Tìm hiểu cuộc đời Phùng Khắc Khoan tôi thấy có điều thú vị này: ông được tiên (Liễu Hạnh công chúa) chọn làm người đối đáp thơ văn và ông được người đời phong làm Trạng. Nói cách khác, cả cõi trời và cõi đất đều coi ông là người của mình. Đó thật là một điều kỳ lạ. Ông đã làm trọn bổn phận của mình trong vai trò một ông quan với chính quyền. Nhưng ông sống giữa lòng dân mà hai tiếng Trạng Bùng thân thuộc được gọi thay tên chính là vì ông đã sống một cuộc đời của đại quan vẫn như dân thường. Ông là ông Trạng quê. Tôi lại muốn trở lại bài “Lâm tuyền vãn” một lần nữa để thêm một lần vinh danh ông Trạng quê đã giữ lại cho muôn đời người dân Việt một mảnh vườn quê sum suê các thứ cây trồng, một khoảnh rừng có nhiều loài thực vật chen chúc sinh sống. Bởi vì mảnh vườn đó, khoảnh rừng đó nay đã vĩnh viễn mất đi nhiều thứ cây, nhiều hoa trái, và vẫn ngày càng đang bị phá hủy. Các thế hệ bây giờ và về sau nhờ đọc “Lâm tuyền vãn” mới biết được các thức trồng trọt của người Việt xưa mà luyến tiếc, mà nếu có công gây trồng lại thì cũng biết các giống để đi tìm.
Hà Nội, 8-2012
Bài viết được lấy trong cuốn sách
"Trạng Bùng Phùng Khắc Khoan thân thế- cuộc đời và sự nghiệp"
NXB Hội Nhà văn
([1]) Tất cả các trích dẫn trong bài đều dựa theo Phùng Khắc Khoan - Hợp tuyển thơ văn.
THÔNG BÁO
- UBND huyện Thạch Thất thông báo về việc thay đổi lịch tiếp công dân định kỳ tháng 04 nắm 2025 của Chủ tịch UBND huyện!
- Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Thạch Thất thông báo Kết quả lựa chọn tổ chức hành nghề đấu giá tài sản!
- UBND huyện Thạch Thất ban hành Hướng dẫn Tổ chức lấy ý kiến Nhân dân và thông qua HĐND cấp xã, HĐND huyện về sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn huyện Thạch Thất!
- Hội đồng nhân dân huyện Thạch Thất thông báo về Nội dung, thời gian và công tác chuẩn bị tổ chức kỳ họp thứ 21 (Kỳ họp chuyên đề) HĐND huyện Thạch Thất khóa XX, nhiệm kỳ 2021-2026