KINH TẾ - CHÍNH TRỊ KINH TẾ - CHÍNH TRỊ

Đồng chí Nguyễn Thị Tuyến, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy dự Lễ Kỷ niệm 70 năm Ngày giải phóng huyện Thạch Thất
Publish date 12/07/2024 | 07:30  | Lượt xem: 399

Trong không khí vui mừng, phấn khởi, tối ngày 11/7, tại vườn hoa Phùng khắc Khoan, Huyện ủy- HĐND- UBND- UB MTTQ huyện Thạch Thất long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 70 năm Ngày giải phóng huyện (13/7/1954 - 13/7/2024) và gắn biển công trình vườn hoa Phùng Khắc Khoan chào mừng kỷ niệm 70 năm Ngày giải phóng Thủ Đô Hà Nội (10/10/1954-10/10-2024).

Đ/c Nguyễn Thị Tuyến- Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy tặng hoa chúc mừng Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân huyện Thạch Thất

 

Tới dự có đồng chí Nguyễn Thị Tuyến- Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy; đồng chí Phan Văn Hùng- Phó Tổng Biên tập Báo Nhân dân, đồng chí Phùng Thị Hồng Hà- UVBTV Thành ủy- Phó Chủ tịch Thường trực HĐND TP Hà Nội; các đồng chí lãnh đạo các Cục, Vụ, Viện, các ban, Bộ, ngành TW; Đại biểu Quốc hội đơn vị Bầu cử số 8; lãnh đạo các Ban Đẩng, MTTQ, các đoàn thể chính trị- xã hội, các sở, ban, ngành, các quận, huyện, thị xã TP Hà Nội; lãnh đạo các huyện Lâm Hà- Lâm Đồng, Thành phố Hà Giang, huyện Lương Sơn tỉnh Hòa Bình.
Ở huyện Thạch Thất có đồng chí Lê Minh Đức- Thành ủy viên- Bí thư Huyện ủy, đồng chí Nguyễn Minh Hồng- Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy- Chủ tịch HĐND huyện, đồng chí Nguyễn Mạnh Hồng- Phó Bí thư Huyện ủy- Chủ tịch UBND huyện; đồng chí Đặng Minh Tân- UVBTV Huyện ủy- Chủ tịch UBMTTQ huyện; các đồng chí đảng viên Huy hiệu 70 năm tuổi đảng, cán bộ chủ chốt Huyện qua các thời kỳ; tướng lĩnh Quân đội, công an nhân dân đại biểu Thương binh, gia đình liệt sỹ, cùng toàn thể quý vị đại biểu khách quý và nhân dân trong huyện đã về dự buổi lễ.

Đại biểu tham dự Lễ kỷ niệm thực hiện nghi thức Chào cờ


Trong bài diễn văn kỷ niệm tại buổi lễ, đồng chí Bí thư Huyện ủy Lê Minh Đức nhấn mạnh: Sau khi Đảng cộng sản Việt Nam ra đời, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự chỉ đạo trực tiếp của tỉnh ủy Sơn Tây, ngày 15/6/1945 chi bộ Đảng cộng sản Đông dương huyện Thạch Thất được thành lập. Vừa mới ra đời, chi bộ đã lãnh đạo nhân dân nhất tề nổi dậy tổng khởi nghĩa và giành chính quyền huyện trong cách mạng tháng 8 năm 1945. Giành chính quyền chưa được bao lâu, thì giặc Pháp với dã tâm xâm lược, đã quay lại cướp nước ta một lần nữa.
Trong thời điểm ấy, mặc dù nhiều xã trên địa bàn huyện bị địch tạm chiếm, lập tề, chúng tổ chức hàng trăm đợt càn quét, vây bắt cán bộ, đảng viên, tra tấn, đánh đập nhân dân, nhưng không khuất phục được tinh thần yêu nước, bản lĩnh kiên cường cách mạng của quân và dân trong Huyện.  

Đồng chí Bí thư Huyện ủy Lê Minh Đức trình bày diễn văn kỷ niệm


Vừa kháng chiến, vừa kiến quốc, Huyện đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo nhân dân đẩy mạnh tăng gia sản xuất, khai hoang phục hóa, diệt “giặc đói”, “giặc dốt”, đồng thời tăng cường công tác xây dựng Đảng, củng cố Chính quyền, xây dựng lực lượng kháng chiến cứu quốc với 3 thứ quân: bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và dân quân du kích; đã có 919 thanh niên tình nguyện ra nhập bộ đội chủ lực, xung phong đi chiến đấu ở khắp các chiến trường. 
Đầu năm 1947 lực lượng vũ trang của huyện được thành lập, mỗi xã có từ 2- 3 đại đội chiến đấu, toàn Huyện huy động trên 5.000 người tham gia lực lượng dân quân du kích, vận động nhân dân đào đắp hàng trăm km giao thông hào, xây dựng hàng nghìn căn hầm bí mật để nuôi giấu cán bộ, bộ đội, dân quân du kích; thực hiện rào làng và tiêu thổ kháng chiến, tiêu biểu như các xã: Cẩm Yên, Hạ Bằng, Đồng Trúc, Cần Kiệm, Hương Ngải, Lại Thượng và các xã Yên Trung, Yên Bình. Huy động hàng vạn lượt người tham gia dân công hỏa tuyến và lực lượng phục vụ chiến đấu tại chỗ, quyên góp tiền, vàng và hàng trăm tấn lương thực ủng hộ kháng chiến.
Với phương châm tiến hành chiến tranh du kích kết hợp đấu tranh chính trị; du kích các xã đã phối hợp với bộ đội chủ lực tổ chức chống lại nhiều trận càn quét lớn của địch. Thực dân Pháp đi đến đâu cũng vấp phải sự chống trả quyết liệt của dân quân du kích. Tiêu biểu là trận chống càn diễn ra tại làng Cẩm Bào - xã Cẩm Yên ngày 9/5/1948; trận đánh ngày 26/1/1949 tại xã Hạ Bằng và Đồng Trúc; thực dân Pháp tổn thất nặng nề; ngày 11/3/1954 chúng tập trung 2 binh đoàn chủ lực, có pháo binh, xe tăng yểm trợ tấn công càn quét vào các xã Tân Xã, Hạ Bằng, Cần Kiệm, chiến sự diễn ra ác liệt trên toàn khu vực, quân và dân trong Huyện đã anh dũng đánh lui 11 đợt tấn công của địch, tiêu diệt hơn 200 tên địch, bắt sống 68 tên, phá hỏng 2 xe tăng và thu giữ nhiều vũ khí quân trang, quân dụng… 
Những chiến công oanh liệt và mất mát hy sinh của nhân dân trong huyện đã góp phần chia lửa với chiến trường chung của cả nước, làm nên chiến thắng Điện Biên phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu. Từ đó những địa danh “Cẩm bào mồ chôn giặc Pháp”, “Núi Nứa anh hùng”, “Hạ Bằng quật khởi” mãi mãi đi vào lịch sử truyền thống đấu tranh anh dũng của quê hương.
Kết thúc 02 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ huyện Thạch Thất có 2.221 Liệt sĩ; 1.461 Thương binh; 1060 Bệnh binh; 2188 Người nhiễm chất độc hoá học; 27 cán bộ lão thành, cán bộ tiền khởi nghĩa và 225 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng được vinh danh.
Đất nước bước vào thời kỳ đổi mới, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương và Thành phố, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Thạch Thất đã phát huy truyền thống quê hương văn hóa - anh hùng; sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, tiếp tục đổi mới phương thức làm việc, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, sâu sát, quyết liệt, hướng về cơ sở, đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội và đạt được những kết quả quan trọng. Đến năm 2023, tăng trưởng kinh tế trên địa bàn đạt 15,1%; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực; tổng thu ngân sách trên địa bàn Huyện đạt gần 1.400 tỷ đồng; thu nhập bình quân đầu người Huyện đạt 100 triệu đồng/người/năm. Công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực được tăng cường; cơ sở hạ tầng kỹ thuật được đầu tư nâng cấp; sự nghiệp văn hóa - xã hội có nhiều chuyển biến tiến bộ; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo; tỷ lệ hộ giàu, hộ khá giả tăng cao, tỷ lệ hộ nghèo tiếp tục giảm xuống, toàn Huyện chỉ còn 22 hộ nghèo, bằng 0,039%, hộ cận nghèo còn 1.680 hộ, bằng 2,95%. 
Với những chiến công và thành tích đạt được; Đảng và Nhà nước đã phong tặng: Nhân dân và Lực lượng vũ trang nhân dân huyện Thạch Thất; Nhân dân và Lực lượng vũ trang nhân dân 11 xã Hạ Bằng, Cần Kiệm, Đại Đồng, Cẩm Yên, Lại Thượng, Hương Ngải, Đồng Trúc, Tân Xã, Bình Yên, Phú Kim, Yên Trung - danh hiệu“Đơn vị anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân thời kỳ chống Pháp” và xã Yên Trung - danh hiệu“Đơn vị anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân thời kỳ chống Mỹ”, Đồng chí Đỗ Văn Châu - xã Hạ Bằng, đồng chí Minh Hà - xã Canh Nậu, Khuất Duy Tiến - xã Đại Đồng được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân; Đảng, Nhà nước đã tặng thưởng các tập thể, cán bộ, chiến sỹ và nhân dân trong Huyện 20.189 Huân chương, Huy chương các loại; 7.391 Bảng gia đình vẻ vang, Bảng vàng danh dự. Lực lượng vũ trang nhân dân Huyện được tặng thưởng Huân chương Quân công hạng hai... Trong công cuộc đổi mới, cán bộ và nhân dân huyện Thạch Thất vinh dự 02 lần được Nhà nước tặng Huân chương lao động hạng Nhì, hạng Ba; Nhân dân và cán bộ xã Đại Đồng được tặng thưởng Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới và nhiều tập thể, cá nhân trong Huyện đã được Đảng, Nhà nước, Chính phủ trao tặng các phần thưởng cao quý khác.

Đ/c Nguyễn Thị Tuyến- Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy phát biểu tại Lễ kỷ niệm


Thay mặt lãnh đạo Thành phố, đồng chí Nguyễn Thị Tuyến -Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy nhiệt liệt chúc mừng và ghi nhận, đánh giá rất cao những chiến công oanh liệt trong các cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc, cũng như những thành tựu trong sự nghiệp đổi mới mà Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân huyện Thạch Thất đã đạt được trong suốt 70 năm qua.
Trong niềm vui hân hoan, phấn khởi, tự hào, đồng chí Phó Bí thư Thường trực Thành ủy đề nghị Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân huyện Thạch Thất tiếp tục quán triệt và thực hiện tốt các mục tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội 13 của Đảng, Nghị quyết đại hội 17 Đảng bộ Thành phố và Nghị quyết đại hội 24 Đảng bộ Huyện; đặc biệt là Nghị quyết 15 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Kết luận số 80 của Bộ Chính trị về Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065; khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế, huy động các nguồn lực đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội của Huyện theo hướng nhanh, bền vững, văn minh, hiện đại.
Kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế với phát triển văn hóa - xã hội, bảo đảm tiến bộ và công bằng xã hội, phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử cách mạng của vùng đất và con người, nhất là các đặc trưng của văn hoá xứ Đoài, giá trị văn hoá tiêu biểu của huyện, tạo sự phát triển hài hòa và bền vững. Thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, quan tâm, chăm lo chu đáo cho các gia đình chính sách, người có công. Nâng cao chất lượng công tác giáo dục – đào tạo, công tác y tế, bảo vệ, chăm sóc sức khỏe Nhân dân. Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, gắn với đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ, đổi mới sáng tạo; xây dựng người Thạch Thất thanh lịch, văn minh, hiện đại.
Tiếp tục quán triệt sâu sắc, triển khai hiệu quả Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8 về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới và Chỉ thị 46-CT/TW của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm an ninh, trật tự trong tình hình mới. Tăng cường quốc phòng, an ninh; xây dựng thế trận lòng dân thực sự vững chắc ngay từ cơ sở. kịp thời dự báo, nắm bắt tình hình, bảo đảm ổn định an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, nhất là an ninh nông thôn, an ninh tôn giáo, dân tộc; chủ động phòng ngừa, đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, tuyệt đối không để hình thành điểm nóng phát sinh, tạo môi trường ổn định thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Đẩy mạnh công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; chú trọng công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí. Nâng cao năng lực lãnh đạo, quản lý, điều hành của cấp ủy, chính quyền các cấp; tiếp tục đổi mới phương pháp, lề lối làm việc, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, thực hiện chuyển đổi số. Chuẩn bị thật tốt các điều kiện, trong đó trọng tâm là chuẩn bị văn kiện và công tác nhân sự phục vụ việc tổ chức đại hội đảng bộ, chi bộ cơ sở và Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện lần thứ 25, nhiệm kỳ 2025-2030, gắn với tiếp tục thực hiện công tác sắp xếp, điều động, luân chuyển và đào tạo, bồi dưỡng cán bộ; thực hiện có hiệu quả Chỉ thị 24 của Thành uỷ về kỷ cương, kỷ luật và trách nhiệm giải quyết công việc trong hệ thống chính trị thành phố Hà Nội.


Ngay sau Lễ Kỷ niệm 70 năm ngày Giải phóng huyện, các đồng chí lãnh đạo Thành phố, lãnh đạo huyện đã thực hiện nghi thức gắn biển công trình vườn hoa Phùng khắc Khoan chào mừng kỷ niệm 70 năm ngày giải phóng Thủ đô (10/10/1954-10/10/2024).

Đồng chí Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Mạnh Hồng báo cáo công tác đầu tư xây dựng Dự án Vườn hoa Phùng Khắc Khoan


Phát biểu tại lễ gắn biển, đồng chí Nguyễn Mạnh Hồng- Phó Bí thư Huyện ủy- Chủ tịch UBND huyện nhấn mạnh: Việc hoàn thành dự án Vườn hoa Phùng Khắc Khoan vào dịp kỷ niệm 70 năm Ngày giải phóng huyện Thạch Thất và chào mừng kỷ niệm 70 năm Ngày giải phóng Thủ đô mang ý nghĩ to lớn thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn, tưởng nhớ về những cống hiến, đóng góp của các bậc tiền nhân, sự hy sinh to lớn của các thế hệ đi trước trong quá trình đấu tranh, bảo vệ, xây dựng, phát triển của huyện; khơi dậy lòng yêu nước truyền thống cách mạng, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, tự tôn dân tộc và tự hào về Thủ đô nghìn năm văn hiến./.

Một số hình ảnh đặc sắc chương trình nghệ thuật "Hào khí Thạch Thất anh hùng " tại Lễ kỷ niệm