TIN TỨC - SỰ KIỆN TIN TỨC - SỰ KIỆN

Cảnh báo đuối nước: Ẩn hoạ rình rập ở đập Quán Trăn
Ngày đăng 21/05/2025 | 09:30  | Lượt xem: 61

Dù đã được cắm biển cảnh báo quanh bờ đập Quán Trăn (xã Tân Xã, huyện Thạch Thất). Nhưng nơi đây vẫn trở thành “bể bơi tự phát” của nhiều thanh thiếu niên mỗi khi mùa hèn đến. Ít ai biết, đằng sau làn nước tưởng chừng yên ả ấy là nguy cơ đuối nước và bệnh tật luôn rình rập.

Đập Quán Trăn xã Tân Xã là một công trình thủy lợi quan trọng của huyện Thạch Thất, đóng vai trò tích trữ, điều tiết nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, đồng thời hỗ trợ giảm ngập úng cục bộ và góp phần ổn định nguồn nước tưới tiêu cho người dân các xã lân cận.

Đập Quán Trăn (xã Tân Xã, huyện Thạch Thất)


Tuy nhiên, những năm gần đây, đập lại được người dân - đặc biệt là thanh thiếu niên, học sinh trong khu vực sử dụng như một "địa điểm tắm mát lý tưởng". Một số người dân và trẻ em ở đây không biết hay phớt lờ những cảnh báo và nguy hiểm. Bên cạnh đó đập Quán Trăn cũng chưa từng được quy hoạch cho mục đích vui chơi, bơi lội.
Biển cảnh báo khu vực nguy hiểm "cấm bơi" đã được Ban Quản lý khu Công nghệ cao Hoà Lạc cắm quanh hồ, tuy nhiên một số người dân và học sinh vẫn phớt lờ xuống tắm. 
Được biết những năm gần đây, hầu như năm nào hồ Tân Xã nằm trong Khu công nghệ cao Hòa Lạc cũng xảy ra tai nạn đuối nước. Thế nhưng, bất chấp cảnh báo nguy hiểm, người dân, đặc biệt là trẻ em ở các xã lân cận vẫn cố tình bơi lội ở khu vực nguy hiểm dù đã có biển "cấm bơi".
Trước tình trạng tắm hồ tự phát gia tăng, Ban Quản lý Khu Công nghệ cao Hòa Lạc đã cắm biển cảnh báo tại nhiều vị trí quanh hồ, khuyến cáo người dân tuyệt đối không xuống khu vực nước sâu.
Thế nhưng, thực tế cho thấy biển cảnh báo vẫn chỉ là những tấm bảng đứng im lặng, trong khi các nhóm học sinh, thanh niên vẫn vô tư nhảy xuống hồ, bơi lội trong điều kiện không an toàn.
Nhớ lại sự vụ đâu lòng: Mùa hè năm 2013, một bé gái sống tại xã Tân Xã đã bị đuối nước ngay tại đập Quán Trăn. Vụ việc từng khiến cả khu vực chấn động. Người thân đã phải thuê thợ lặn tìm kiếm suốt nhiều giờ mới tìm thấy thi thể cháu bé dưới lớp nước sâu gần 20 mét.
Vụ đuối nước thương tâm xảy ra gần nhất vào sáng ngày 20/5/2025 vừa qua tại hồ Tân Xã cướp đi sinh mạng của 2 nam sinh viên trường FPT là một điển hình của tình trạng nói trên.       Trước đó vào mùa hè năm 2022, tại hồ Tân Xã cũng xảy ra vụ đuối nước, cướp đi sinh mạng của 1 nam sinh viên Trường Đại học FPT nằm trong Khu Công nghệ cao Hòa Lạc.
Liên tục các vụ đuối nước những tưởng là lời cảnh tỉnh "đánh thức" người dân về những nguy hiểm. Nhưng không, đến nay theo thông tin phóng viên có được, năm nào cũng vậy cứ đến dịp này, chuẩn bị bước vào mùa hè là một số người dân, đặc biệt là thanh thiếu niên, học sinh lại tiếp tục ra tắm tại đây. Những thói quen chủ quan và tâm lý "biết bơi" vẫn chưa đổi thay và nguy cơ đuối nước có thể xảy ra bất kỳ lúc nào.
Ngoài mối nguy đuối nước, điều đáng lo không kém là chất lượng nước tại đập Quán Trăn không hề đảm bảo cho bất kỳ hình thức tắm hay vui chơi nào bởi đây không phải hồ bơi.
Theo báo cáo kết quả xét nghiệm của Công ty Cổ phần Khoa học và Công nghệ NATEK về mẫu nước lấy tại đập Quán Trăn, các chỉ số môi trường như Coliform, BOD5, chất rắn lơ lửng, TSS phospho đều vượt ngưỡng cho phép - không phù hợp cho tắm bơi lội và vui chơi dưới nước.
Theo các bác sĩ cho biết tác hại của vi khuẩn Coliform có thể gây ra các rối loạn tạo nên chứng tiêu chảy gây mất nước, rối loạn máu, suy thận hay thậm chí là tử vong. Sự nguy hại của loại vi khuẩn này càng nghiêm trọng hơn ở người già và trẻ em do đây là những đối tượng có sức đề kháng yếu. Trong khi đó, các triệu chứng của bệnh thường không rõ ràng, chủ yếu là tiêu chảy và sốt nên người bệnh thường chủ quan bỏ qua. Việc này làm lỡ cơ hội điều trị bệnh kịp thời từ giai đoạn sớm.
Bên cạnh Coliform là chỉ số BOD5 cao có dấu hiệu của ô nhiễm hữu cơ trong nước, thường do nước thải sinh hoạt và công nghiệp gây ra. Chất rắn lơ lửng (TSS) cũng vượt chuẩn - dễ gây kích ứng da, nấm, viêm kết mạc nếu tiếp xúc lâu dài. Trẻ em và thanh thiếu niên - đối tượng thường xuyên bơi tại đây là nhóm chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất về sức khỏe.
Biển cảnh báo là cần, nhưng ý thức và trách nhiệm cộng đồng mới là rào chắn cuối cùng. Để ngăn bi kịch không tái diễn rất cần sự tăng cường giám sát, nhắc nhở của các cơ quan liên quan, đặc biệt là ý thức của người dân, cần quan tâm nhắc nhở con em mình không tắm ở những nơi nước sâu nguy hiểm và nguồn nước không đảm bảo để bảo vệ bản thân và gia đình bình an, mạnh khoẻ trước mùa hè oi bức.
Hãy nhớ đập Quán Trăn - một công trình thủy lợi phục vụ sản xuất – không phải nơi dành cho bơi lội. Dù đã có biển cảnh báo, nếu sự chủ quan còn tồn tại, tai nạn sẽ còn tiếp diễn. Một cái trượt chân, một phút thiếu suy nghĩ, có thể đổi bằng cả sinh mạng.
Mùa hè đã đến, hiểm họa đã hiện hình. Đừng để một phút "giải nhiệt" đánh đổi cả cuộc đời./.