DI TÍCH LỊCH SỬ DI TÍCH LỊCH SỬ

Đình Yên Thôn (25/5/2010)
Publish date 25/05/2010 | 02:47  | Lượt xem: 557

Tên thường gọi là đình Yên Thôn, xã Thạch Xá, huyện Thạch Thất. Từ xưa đến nay đều lấy tên làng để gọi, cho di tích đình của làng mình là đình Yên Thôn.  

Tên thường gọi là đình Yên Thôn, xã Thạch Xá, huyện Thạch Thất. Từ xưa đến nay đều lấy tên làng để gọi, cho di tích đình của làng mình là đình Yên Thôn.

 

Nhìn tổng thể khu di tích đình Yên Thôn gồm các công trình kiến trúc sau đây: ngôi đại bái, nhà Hậu cung, nhà Tả vu, Hữu vu và cổng đình với tường xây bao quanh. Hiện diện kiến trúc của hai thời Lê và Nguyễn được kế nhau kết hợp hài hoà thành tổng thể khu di tích. Thời Lê xây dựng ngôi nhà Đại bái và Hậu cung. Cấu trúc mặt bằng kiểu chữ đinh (J). Đây là hạng mục công trình được xây dựng sớm nhất vào thời Lê, đến thời Nguyễn làm thêm ngôi nhà Tả vu, Hữu vu, nằm song song nhau ở phía trước đầu hồi của ngôi Đại bái. Khu di tích nằm trên thửa đất ở giữa làng, phía trước là khoảng không gian thoáng đãng và đường trục chính. Xa xa là dãy núi Câu Lậu phủ kín màu xanh của cây rừng, có ngôi chùa Tây Phương cổ kính là danh lam đệ nhị trời Nam.

 

Vào đình Yên Thôn là cổng đình xây kiểu hệ thống tứ đại trụ. Bốn cột cao to đồ sộ, đắp hoa văn theo tích cổ. Hai cột trụ chính cao chừng 5 m, chia làm 3 phần đỉnh, thân, đế. Đỉnh đắp bốn chim phượng cách điệu hoa dành, tiếp là ô đèn lồng trang trí tứ linh ( long, ly, quy, phượng ) và tứ quý ( cúc, trúc, thông, mai ). Thân trụ hình hộp 50x50 cm trong lòng viết nhiều câu đối có ý nghiã bằng chữ Hán:

 

 Phiên âm:

Hộ quốc anh tài chiêm bái vọng.

Linh thần thắng cản ngưỡng di cao.

 

Dịch nghĩa:

Giúp nước anh tài phải thờ bái vọng.

Thần thiêng thắng cảnh, ngưỡng mộ càng cao.

 

Qua cổng vào sân đình chiều dài 29 m, chiều rộng 16 cm, nền đá lát gạch vuông sạch sẽ. Giữa sân có 2 ông voi chiến đứng chầu và nhiều cây hoa cảnh đẹp.

 

Hai phía sân là ngôi nhà Tả vu, Hữu vu chiều dài 13,7m., chiều rộng 5,25 m. Ngôi nhà 5 gian, hai mái chảy lợp ngói ri, đầu hồi xây bít đốc. Kiến trúc vì quá giang, trụ trốn cột. Đây là công trình kiến trúc được làm vào thời Nguyễn muộn, chức năng của ngôi nhà nay là nơi nghỉ ngơi, sắm lễ trước khi vào lễ Thánh.

 

Ngôi Đại bái là hạng mục công trình kiến trúc thời Lê nhà có chiều dài 19,70m, chiều rộng 10,85m được chia làm 3 gian, 2 dĩ, có 4 mái đao cong, lợp ngói ri cổ ( kiểu mũi hài). Bờ nóc, bờ guột đắp cổ rồng viền hoa chanh và những con giống bằng đất nung ở nhiệt độ cao sành sẫm nâu đen, nghệ thuật thời Lê.

 

Trong ngôi nhà Đại bái là hệ thống khung nhà, vì, kèo. Hệ thống cột cái và cột quân đều to cao đồ sộ, cột cái cao 4,5m, chu vi 1,70m, đường kính 0,55m, cột quân cao 3,40m, chu vi 1,55m, đường kính 0,50m, cột hiên cao 2,80m, chu vi 1,20m, đường kính 0,4m. Hàng cột chính có đấu vuông thót đáy trên đỉnh để khớp câu đầu tạo nên kiến trúc vì của khu nhà, trên thân cột có lỗ đục để lắp giá đỡ sàn. Đó là những đặc trưng tiêu biểu của kiến trúc ngôi nhà Đại bái đình Yên Thôn được xây dựng vào thời Lê Trung Hưng.

 

Kiến trúc của ngôi nhà Đại bái làm kiểu giá chiêng kẻ bẩy. Ở các khung rường cụt, đầu dư, thân kẻ, cột đội, kẻ góc, bẩy hiên… đều chạm khắc mây rồng, là lật rất tinh xảo. Mỗi bộ vì có 6 hàng chân cột trong 4 bộ vì chính có 8 đầu dư được chạm bong hình một con rồng ( độc long ) rất công phu. Mỗi con rồng mang dấu nét nghệ thuật của từng thời kỳ. Cổ xưa nhất là con rồng trên đầu dư vì thứ tư nét nghệ thuật gần phong độ thời Mạc được gặp rất ít nguyên bản như ở đình Đồng Trúc (Thạch Thất), chùa Cả - An Khánh (Hoài Đức). Còn phần lớn, rồng được chạm bong kênh mang phong cách nghệ thuật thế kỷ XVIII – XIX có nhiều lớp trang trí là do những lần tu sửa.

 

Hậu cung là công trình kiến trúc cổ kính cùng thời với ngôi Đại bái. Đặc biệt việc bài trí khán thờ trang nghiêm, bộ khám to đồ sộ nhiều lớp, nhiều tầng được tranh trí hoa văn tứ linh bong kênh sơn son thiếp vàng. Ba cỗ ngai thời Lê đặt trang trọng ở chính giữa. Đây là những cỗ ngai cổ ít thấy ở huyện Thạch Thất. Ngoài ra còn nhiều đồ thờ có niên đại sớm như: hạc, bình hương, choé, kiệu… bài trí khoa học tạo nên thế uy nghiêm.

 

Đình thờ Tam vị Thánh Tản là những người con có công với nước, có nghĩa với dân. Thánh Tản Viên biểu tượng người anh hùng văn hoá, là công thần bậc nhất thời đại Hùng Vương là người khai sáng trăm nghề cho muôn dân Việt cổ chúng ta. Do vậy việc thờ Tam vị trên làm Thành Hoàng làng, là tấm gương soi về truyền thống yêu nước, yêu lao động sáng tạo, thông minh cho các thế hệ.

 

Đình Yên thôn là công trình văn hoá có đầy đủ những tính chất đích thực cả nội dung và hình thức. Nó là một bảo tàng kiến trúc cổ thu nhỏ mang tính chất nghiên cứu giáo dục cao có ý nghĩa du lịch văn hoá.