DI TÍCH LỊCH SỬ DI TÍCH LỊCH SỬ

Đình Vĩnh Lộc (25/5/2010)
Publish date 25/05/2010 | 02:34  | Lượt xem: 470

Đền Vĩnh Lộc ở thôn Vĩnh Lộc, xã Phùng Xá, huyện Thạch Thất nhưng nhân dân quen gọi là quán Vĩnh Lộc có tên nôm là Nủa Bừa cách trung tâm TT Hà Nội khoảng 25 km.  

Đền Vĩnh Lộc ở thôn Vĩnh Lộc, xã Phùng Xá, huyện Thạch Thất nhưng nhân dân quen gọi là quán Vĩnh Lộc có tên nôm là Nủa Bừa cách trung tâm TT Hà Nội khoảng 25 km.

 

Di tích được xây dựng từ đầu thế kỷ XVIII nhưng đã qua nhiều lần trùng tu. Đền xây dựng trên khu đất đẹp bằng phẳng, cao ráo, cạnh làng. Đền kiến trúc kiểu chữ đinh gồm Tiền tế và Hậu cung, cửa phía trước trông hướng Nam, mặt tiền có ao rộng tạo cảnh quan thoáng mát cho di tích. Nhà Tiền tế gồm 5 gian xây trên đá ong, đầu hồi bít đốc tay ngai, đốc mái đắp hai con kìm ngậm nóc. Nét độc đáo là nhà Tiền tế tạo thành hai nấc gian giữa thấp xuống 0,30m so với các gian bên. Mặt tiền 3 gian giữa làm kiểu thượng giá chiêng, hạ kẻ chuyền. Bộ vì gian bên làm kiểu thượng chồng giường đấu đệm, hạ kẻ và bẩy. Đầu bẩy tạo hình đầu rồng đội kẻ thượng và chạm hình trúc hoá long.

 

Nhà Hậu cung 3 gian nối liền với Tiền tế, ba bề xây tường gạch đá ong, trổ cửa nách ra vào. Mái nhà Hậu cung lớp ngói mũi hài to bản, hình bầu, cong như cánh sen. Hai góc nhà phía sau Hậu cung tạo thành đầu đao cong. Các bộ vì kèo Hậu cung làm kiểu thượng giá chiêng, hạ kẻ suốt và kiểu vì chồng giường có đấu đệm và bẩy.

 

Nhà Tiền tế và Hậu cung có các mảng chạm khắc gỗ hình tượng rồng chầu là chủ yếu.

 

Hiện vật đền Vĩnh Lộc khá phong phú gồm hương án, sập gỗ, ngựa gỗ, cuốn thư, đại tự, ngai thờ, kiệu. Đền còn giữ được tấm bia đá có niên hiệu Cảnh Hưng 5 (1744) đến Tự Đức 35 (1882). Tấm bia Tự Đức 35 tấm bia lớn nhất cao 1m x 0,50m ghi về nghề rèn truyền thống của quê hương. Đặc biệt trong Hậu cung có thờ một hòn đá trắng cao 0,25m x 0,20m tượng trưng cho bầu thai sinh ra ba vị thành hoàng ở quán. Quán Vĩnh Lộc còn giữ 27 đạo sắc phong thần. Sắc sớm nhất ghi niên hiệu Cảnh Hưng 44 (1783).

 

Đền Vĩnh Lộc thờ ba vị thần hiệu Nam Hải đại vương, có tên là Vũ Vượng, Vũ Chiêu, vũ Huân. Theo thần phả thì thân sinh ba vị thần là Vũ Tự Diễn người Nam Nhuế, huyện Thanh Lâm, phủ Nam Sách, trấn Hải Dương. Sau khi vợ mất, ông đưa ba con từ Hải Dương đến chùa Phú Ổ, huyện Thạch Thất. Ông Vũ Tự Diễn đã mở trường dạy học, truyền dạy nghề thuốc ở trang Vĩnh Lộc. Khi giặc Minh tới xâm chiếm nước ta, ba ông Vũ Vượng, Vũ Chiêu,Vũ Huân đã tụ tập 200 binh dân ở chùa Sài Sơn đợi thời cơ. Được tin Lê Lợi khởi nghĩa, ba anh em họ Vũ liền tiếp tục chiêu mộ thêm dân binh tham gia cuộc kháng chiến chống quân Minh do Lê Lợi đứng đấu. Sau chiến thắng, ba ông được nhà vua ghi công trạng cho về trong coi hưởng lộc ở các trang Phú Ổ, Hữu Bằng, Vĩnh Lộc, huyện Thạch Thất. Sau ngày các ông mất, dân các trang liên lập đền, quán thờ làm phúc thần.

 

Hàng năm dân làng Vĩnh Lộc mở hội tưởng niệm ba vị thần họ Vũ vào ngày 7 tháng giêng âm lịch, có tổ chức rước kiệu từ đền ra đình và từ đình về đền. Dân quê gọi ba ông là Tam vị Nam Hải đại vương