DI TÍCH LỊCH SỬ DI TÍCH LỊCH SỬ

Đình Bách Kim - Thôn Bách Kim, xã Phú Kim, huyện Thạch Thất, Thành phố Hà Nội.
Publish date 28/12/2023 | 16:00  | Lượt xem: 412

Đình Bách Kim thuộc loại hình di tích Kiến trúc nghệ thuật. Theo lời kể của các cụ cao tuổi làng Bách Kim cho biết Đình Bách Kim thờ 3 vị họ Chu thời Bắc thuộc là Chu Cẩn, Chu Đào, Chu Khiêm.

Bấy giờ ở đất Ba Trung có người họ Chu, tính nết hiền lành được mọi người quý mến. Khoảng đời hiến Đế nhà Đông Hán, vợ chồng ông Chu sinh được 3 người con. Ông bà bèn đặt tên cho 3 người con: Anh cả là Tuấn, thứ hai tên là Hùng và người con thứ 3 tên là Liệt. Cả 3 chàng trai đều là những người anh hùng hào kiệt, khí phách hiên ngang khác xa người thường nhiều lắm. Đến năm Ngài Tuấn 15 tuổi, Ngài Hùng 13 tuổi, Ngài Liệt 10 tuổi, đều tìm thầy học đạo. Sau 10 năm, người con trưởng đã thông thạo văn chương, thấu hiểu đạo lý của ông Khổng ông Mạnh. Còn hai người em trai là Ngài Hùng và Ngài Liệt thì võ nghệ tinh thông kể về tài thao lược thì chẳng kém gì các danh tướng Tôn Vũ, Ngô Khởi Cả. Sau này Ba ngài đổi tên thành Ngài Tuấn đổi tên là Cẩn, Ngài Hùng đổi tên là Khiêm và Ngài Liệt đổi tên là Đàm. Thời vua nhà Hán có công đánh giặc Mạnh Hoạch và được phong làm đô Hộ. Khi đánh giặc thì dừng chân ở Nam Việt, tất cả những nơi đi qua đều ban bố ân đức, một chút tơ hào cũng không hề xâm phạm. Dân sinh nước Việt ta đều khâm phục ân đức của các Ngài liền tranh nhau mang thịt rượu ra đón rước. Bấy giờ quân đi đến địa đầu tổng Đại Đồng, huyện Thạch Thất, Phủ Quốc Oai, đạo Sơn Tây thì được tin quan chánh đô hộ cũ đã bị Mạnh Hoạch giết chết. Các ngài bèn cho lập 3 đồn lũy, một đồn đóng ở Kinh Đà, một đồn đóng tại An Lỗ và một đồn ngay đất Cẩm Bào… Một hôm ba Ngài đi đến trang Lại Hạ thấy địa thế ở đây có núi bao bọc, long hổ chầu về. Núi không cao nhưng cát đá pha chen, sông trong xanh mà giếng cũng trong. Ngài Cẩn bèn nói với Ngài Khiêm và Ngài Đàm rằng: Đất Thúy Lai không hơn đất ở trang Lại Hạ. Do vậy cho lập phó cung ở Thúy Lai, còn Lại hạ lập chánh cung để sau này anh em ta có thế dùng đến. Sau đó liên tiếp đến các vùng Đại Đồng, Hương Ngải, Kim Quan… đều lập hành cung ở đó. Khi các hành cung đã lập xong Ngài Cẩm bèn để hai em trai giữ Lại Hạ và các đồn khác.

Đình Bách Kim tọa lạc giữa làng, quay theo hướng Tây nhìn ra sông Tích núi Tản thuận theo phong thủy. Nhìn tổng thể, đình gồm các hạng mục: cổng, Đại Bái, Hậu cung, sân, Tả mạc, nhà kho, vườn ao. Xung quanh khuôn viên di tích có một phần tường bao.

Cổng:

Cổng đình chia làm ba cổng, ở giữa là cổng chính, hai bên là cổng phụ nhỏ. Cổng chính kết cấu mái kiểu chồng diêm, chính giữ bờ nóc đắp hình tượng lưỡng long chầu nguyệt; thân cổng đắp đôi câu đối.

Đại bái:

Từ cổng qua một khoảng sân rộng là tới đại bái. Tòa nhà ngang kết cấu 5 gian 2 chái. Nền đình lát gạch bát. Mái đình lợp ngói mũi hài và ngói di. Theo thời gian mái ngói đình Bách Kim phủ màu nâu trầm. Bộ mái đình xòe rộng với 4 mái đao cong như con thuyền lớn trong không gian. Hai mái chính rộng, lớn và kéo dài xuống thấp, hai mái đầu hồi che kín hai chái. Hai mái chính và hai mái hồi gặp nhau tạo thành bờ giải rồi nhẹ déo công về bốn phía tạo thành các góc đao. Với kết cấu góc đao khiên mái đình trở nên thanh thoát, bay bổng. Hai đầu bờ nóc đắp hai “con kìm” dưới dạng thủy quái Makara hóa rồng. tại khúc nguỷnh đắp nghê tư thế hướng về phía trước kiểm soát tâm hồn khách hành hương. Linh vật trang trí trên mái được đắp bằng chất liệu nề ngõa phong cách nghệ thuật thời Nguyễn.

Bộ khung kết cấu chịu lực chính của đại bái bằng gỗ. Hoành mái đình tiết diện tròn, các bước hoành phân chia theo tỉ lệ thượng tam hạ tứ theo kết cấu ngôi đình truyền thống. Lòng gian giữa rộng 4,5m, các gian bên rộng 2,7m, chái 1,2m. Tương ứng với 5 gian là sáu bộ vì đỡ mái.

Bộ vì gian giữa, hai bên kết cấu theo kiểu thượng giá chiêng, hạ kẻ, bẩy hiên” trên sáu hàng chân cột. Bộ vì nóc được liên kết như sau: một câu đầu lớn có lưng dạ phẳng tỳ lực lên đầu cột cái thông qua một đấu vuông thót đáy. Câu đầu được cắt khấc ở hai bên với độ rộng bằng bề rộng của đấu vuông này, cùng với đấu tạo thành mộng ngoàm chắc chắn. Ăn mộng qua hai đầu cột trốn là con rường được bào vỏ măng, tiếp đến là đấu kê hoa sen đỡ thượng lương qua đấu kê hình thuyền. Bên dưới câu đầu vì nóc là một khối gỗ hình tam giác gọi là nghé.

Vì nách, hiên bao gồm một kẻ ăn mộng từ đầu cột cái qua cột quân, cột hiên vươn tạo thành bẩy hiên đỡ tàu mái. Kẻ hợp lực với ván dong đỡ hoành mái. Trang trí trên bộ vì tiêu biểu là các mảng chạm khắc rồng cách điệu, hoa văn hoa lá trên các kẻ. Các mảng trang trí được kết hợp các kỹ thuật điêu khắc truyền thống chạm nổi, chạm bong kênh thể hiện bàn tay tài hoa của nghệ nhân xứ Đoài lưu truyền từ ngàn xưa tới nay.

Trên 4 câu đầu Đại bái cờn lưu giữ dòng lạc khoản chữ Hán ghi những lần di tích trùng tu, tôn tạo Đinh Dậu niên tứ nguyệt tam nhật tu tạo; Mậu ngọ niên nhị thập nhất tu tạo; Nhâm Tý niên trọng thu cát nhân tu tạo; Bính Sửu niên bát nguyệt thập nhị nhật.

Bốn góc mái đình có bốn kẻ góc (kẻ xó) xuyên mộng từ cột trốn chạy sang qua đầu cột quân kéo về góc mái đỡ đầu đao. Trong các cấu kiện kết cấu mái thì tàu mái là một cấu kiện đặc biệt nhất có chức năng như như một cây hoành cuối cùng có tác dụng gông giữ chống lực xô của toàn bộ kết cấu mái. Đối với mái đao cong, tàu mái cấu tạo phức tạp gồm nhiều tấm gỗ liên kết chặt chẽ với nhau đua góc mái vút lên cao và vươn ra xa.

Hậu cung:

Nối vào gian giữa đại bái là hậu cung. Phần mái hậu cung đình Bách Kim kết cấu độc đáo theo kiểu chồng diêm hai tầng tám mái đao cong, giữa hai tầng mái là vách thùng. Vì thế tuy mái đình được làm từ các vật liệu nặng, khô cứng như ngói, vôi vữa, gỗ nhưng vẫn toát lên dáng vẻ thanh thoát, bay bổng.

Bộ khung bên phía trong hậu cung cũng kết cấu gồm hai tầng và chia làm hai phần. Phía ngoài cung cấm nối liền với Đại bái có bộ vì thượng kết cấu giá chiêng chồng rường, bên dưới là cửa dẫn vào cung cấm. Trước kia cung cấm kết cấu kiểu Khám thờ gác lửng, ba mặt khám bưng kín bằng vách gỗ, mặt phía trước là cửa khám, hai bên có thang lên khám. Ngày nay, khám lửng không còn thay vào đó là ban thờ nhị cấp thờ tam vị Thành Hoàng.

Giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học thẩm mỹ của di tích:

Giá trị lịch sử:

Đình Bách Kim là một trong những di tích tiêu biểu của Thạch Thất thờ tam vị đại vương họ Chu. Các ngài là vị thần bảo trợ đời sống tâm linh của nhân dân xã Phú Kim nói riêng và nhiều vùng lân cận của Thạch Thất nói chung như: Hương Ngải, Đại Đồng…. Trải qua các triều đại phong kiến, các ngài đều được ban sắc phong thần.

Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, đình Bách Kim là nơi che dấu cán bộ cách mạng hoạt động bí mật, là nơi đóng quân của bộ đội và sơ tán của một số đơn vị trong quân đội.

Về giá trị văn hóa:

Trong kết cấu của làng xã cổ truyền đồng bằng Bắc Bộ thì đình làng là một yếu tố cấu thành không thể thiếu được. Đình làng được coi là ngôi nhà chung của làng, thờ thành hoàng- vị thần bảo trợ cho cuộc sống của cả làng, là công trình tôn giáo tín ngưỡng khác của làng, việc dựng đình được người dân chọn lựa kỹ từ thế đất, hướng, không gian đến quy mô, kết cấu kiến trúc. Vì thế, đến và tìm hiểu về ngôi đình cổ Bách Kim cũng giúp chúng ta hiểu thêm phần nào về mảnh đất xứ Đoài, về làng xã cổ truyền vùng đồng bằng Bắc Bộ.

Về giá trị kiến trúc nghệ thuật:

Đình Bách Kim lưu dấu một phần lịch sử diễn biến kiến trúc của ngôi Đình truyền thống Bắc Bộ. Mỗi tòa kiến trúc đều mang dấu ấn nghệ thuật kiến trúc cổ từ thế kỷ XVIII-XIX. Tòa đại bái tiêu biểu với 4 mái đao cong, kiểu kiến thức liên kết của bộ vì và nghệ thuật chạm khắc độc đáo với các bức chạm rồng thật sống động. Bộ mái tòa hậu cung đình kết cấu chồng diêm hai tầng tám mái đao cong kết hợp với bộ mái đao cong của tòa nhà đại bái tạo thành từng lớp cao thấp đan xen tạo nên những nét kiến trúc đặc sắc riêng của ngôi đình làng quê Bắc Bộ.  

Với những giá trị nổi bật Đình Bách Kim đã được UBND thành phố Hà Nội công nhận là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp Thành phố tại quyết định số 345/QĐ-UBND ngày 17/01/2018./.