DANH NHÂN VĂN HÓA DANH NHÂN VĂN HÓA

Nguyễn Tử Siêu
Publish date 14/05/2010 | 09:02  | Lượt xem: 955

Lương y Nguyễn Tử Siêu ( 1887-1965 ) có các bút danh Nguyễn An Nhân, Liên Tâm lão nhân, Hoa Cương. Nguyên quán xã Hương Ngải, huyện Thạch Thất, ngoại thành Hà Nội. Trú quán: Số 8 đường Yên Phụ, phường Trúc Bạch, quận Ba Đình - Hà Nội.      

 

SƠ LƯỢC VỀ TIỂU SỬ LƯƠNG Y NGUYỄN TỬ SIÊU

Lương y Nguyễn Tử Siêu ( 1887-1965 ) có các bút danh Nguyễn An Nhân, Liên Tâm lão nhân, Hoa Cương. Nguyên quán xã Hương Ngải, huyện Thạch Thất, ngoại thành Hà Nội. Trú quán: Số 8 đường Yên Phụ, phường Trúc Bạch, quận Ba Đình - Hà Nội.

Xuất thân trong một gia đình nho học, thân sinh đỗ Cử nhân, bào huynh đỗ Tú tài Hán học, bản thân đã qua tam trường vào năm cuối chế độ thi cử cũ, chuyển sang thi cử bằng quốc văn. Do đó lương y Nguyễn Tử Siêu hoạt động trong lĩnh vực viết văn dạy học và làm nghề đông y.Về viết văn, chuyên về lịch sử, tiểu thuyết, thời gian 20 năm ( 1925-1945 ) đã xuất bản hơn 20 cuốn với nội dung cổ vũ lòng yêu nước, chống cường quyền ngoại xâm, tiêu biểu như cuốn Tiếng sấm đêm đông, Hai bà đánh giặc, Vua bà Triệu, Vua Bố Cái, Đinh Tiên Hoàng, Việt Thanh chiến sử, Trần Nguyên chiến kỷ....Có những cuốn bị thực dân Pháp và chính quyền đương thời tịch thu, cấm lưu hành, bản thân tác giả bị quản thúc ở nguyên quán. Trong thời gian bị quản thúc, Ông vừa viết văn, vừa dạy học, vừa làm nghề Đông Y và viết, dịch hơn 20 cuốn sách Đông Y mang bút danh Nguyễn An Nhân, đó là những tác phẩm y dược học quí. Tiêu biểu như các bộ: Y học tùng thư, Sách thuốc trẻ em, Sách thuốc phụ nữ, Châm cứu sơ bộ thực hành và các sách dịch như Hoàng Đế nội kinh, Ngoại cảm thông trị, Khôn hoá Thái chân, Tân châm cứu học...đã được nhiều người tìm đọc và áp dụng, sau này đã trở thành những lương y có tài năng, có tiếng tăm. Cuốn Tử Siêu Y Thoại là tác phẩm cuối cùng của tác giả.Ngoài công việc viết văn, viết và dịch sách Đông Y, Dược học và hành nghề đông y, Ông từng tham gia Chủ tịch mặt trận Liên Việt tỉnh Sơn Tây, Phó chủ tịch Uỷ ban kháng chiến hành chính tỉnh Sơn Tây, ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Hội Đông Y Việt nam các khoá 1 và 2 ( 1957- 1965 ).

Trịnh Vân Hải
( Trích
TỬ  SIÊU Y THOẠI )

 

CON ĐƯỜNG VÀ SỰ NGHIỆP

1.Con đường văn nghiệp

Sinh ra trong một gia đình nho học - bố đỗ cử nhân, bản thân anh thanh niên Nguyễn Trọng thoát muốn gắng gỏi theo con đường khoa cử để thi thố với đời.Song đất nước ta bị giặc Pháp đô hộ, xã hội ở vào hoàn cảnh giao thời. Nho học dần dần mất chỗ đứng, thế là ý định của Nguyễn Trọng thoát không toại nguyện. Thái độ xuất xứ của con người này như thế nào?

 

Với vốn kiến thức có được, Nguyễn Trọng Thoát không hề chán nản, mà chở về quê làm những công việc có ích cho đời theo cách hợp lý nhất là dạy học, bốc thuốc, viết báo, viết sách. Năm 1927, cuốn tiểu thuyết “ Đỉnh núi cành mai ” ra đời. Có lẽ bút danh Nguyễn Tử Siêu có từ đây. Một loạt tác phẩm kể cả sáng tác và dịch thuật ra đời trong thời gian này, như “ Biển tình nổi sóng ” (1927), “Cái nạn văn chương” (1928), “ Gươm cứu khổ” (1928) .v.v …

 

Viết báo như một phương thức hoạt động của Nguyễn Tử Siêu để thể hiện ý chí của mình. Truyện lịch sử “Tiếng sấm đêm đông” được đăng tải nhiều kỳ trên báo loa. Rồi Nguyễn Tử Siêu làm chủ bút tờ Tân Thanh tạp chí. Báo bị thực dân Pháp đóng cửa. cuốn “ Tiếng sấm đêm đông” bị kiểm duyệt. Một số tác phẩm lịch sử khác như “ Vua Bố Cái ” (1929), “ Đinh Tiên Hoàng ” (1929), “ Lê Đại Hành” (1929)…. Ra đời. Tác giả bị liên lụy, kẻ thù theo dõi, cấm viết, quản thúc về quê. Những việc làm ấy cho ta thấy, ngòi bút báo chí Nguyễn Tử Siêu đã động viên, khích lệ, cổ động được tinh thần yêu nước của bạn đọc trong cảnh dân ta sống lầm than nô lệ. Ngòi bút tranh đấu góp phần xác định vị trí nhà báo yêu nước Nguyễn Tử Siêu trong những thập kỷ 20, 30 ở thế kỷ này.

 

Theo đạo nho, viết văn là để xây dựng cái đạo làm người. Thì ở mảng tiểu thuyết luân lý. Nguyễn Tử Siêu muốn ca ngợi những phẩm chất cao đẹp trong truyền thống của dân tộc nhu trung nghĩa, hiếu hạnh, liêm khiết làm làm lẽ ứng sử ở đời. Như ý kiến của các nhà nghiên cứu văn học xác định, tiểu thuyết của Nguyễn Tử Siêu của hai mảng đề tài: Tiểu thuyết luân lý và tiểu thuyết lịch sử.

 

Tiểu thuyết lịch sử của Nguyễn Tử Siêu cũng nằm trong dòng chảy văn học yêu nước ở những năm 20, 30 của thế kỷ XX.

 

Sự thực lịch sử của mỗi dân tộc vốn có giá trị tiềm ẩn lâu bền trong cái gốc đạo đức của cả cộng đồng. Người nào biết khai thác mặt tích cực trong những hiện tượng, chi tiết đến bản chất lịch sử ấy sẽ đem lại ý nghĩa lớn cho tác phẩm của mình. Trong hoàn cảnh nước ta lúc này, người cầm bút có lương chi không được tự do viết. Họ phải khéo léo tìm đến mảng đề tài nào hợp pháp nhất, mà vẫn giữ được vị thế của người cầm bút. Có lẽ với phương kế ấy,Nguyễn Tử Siêu đã tìm trong những đề tài lịch sử cho nguồn cảm hứng sáng tạo của mình để xây dựng nhân vật. Chỉ đọc tên những tác phẩm của Nguyễn Tử Siêu chúng ta cũng thấy ý nghĩa đó. Như " Vua bố cái " đại vương, " Đinh Tiên Hoàng ", " Lê Đại Hành ", " Hai Bà Trưng ", " Bà Triệu Ẩn "...

 

2. Con đường y học

Đến nay, chúng ta nhìn vào số lượng đồ sộ tác phẩm y học của Nguyễn Tử Siêu càng thấy sức làm việc bền bỉ, nghiêm túc có trách nhiệm của một con người trước cuộc đời. 43 tác phẩm, gồm 71 cuốn đủ cả biên soạn, dịch thuật, tổng kết kinh nghiệm, như là cuốn “Tử siêu y thoại ”, do nhà xuất bản khoa học xã hội ấn hành năm 1990, người đọc càng thấy cái tâm và cái đức của lương y trước thân mệnh con người như thế nào. Lương y Nguyễn Tử Siêu đã kế tục đạo đức của Thiền sư Tuệ Tĩnh, của Đại y tôn Hải Thượng Lão Ông và bao nhiêu danh y Trung Quốc khác để tạo ra đạo đức trong lễ sống hàng ngày của mình.

 

Viết sách chưa đủ, ông còn trực tiếp đào tạo những lớp người kế tục sự nghiệp y học dân tộc, đội ngũ đông đảo ấy đã có những đóng góp lớn cho nền y học Việt Nam sau ông.

 

3. Nguyễn Tử Siêu, một nhà sư phạm

Cả cuộc đời mình, Nguyễn Tử Siêu đã gắn bó với ba việc lớn tạo ra vẻ đẹp tâm hồn con người là viết văn, làm thuốc, dạy học.

 

  • Từ 1932 đến 1944, khi bị giặc Pháp quản thúc ở Hương Ngải, Nguyễn Tử Siêu đã mượn ngôi chùa giữa của làng ngồi dạy học cho lớp trẻ ở địa phương.

 

  • Tuy khối lượng sách của ông để lại không thấy tên mục giáo khoa. Nhưng xét về mặt nội dung( theo lời kể của người đã được đọc ) về cuốn Ẩm thực chỉ nam ( Sách dạy nấu ăn ) hoặc cuốn dạy võ Tàu hẳn nằm trong hệ thống giáo khoa cho mọi người.

 

  •  Trong mảng folklore ở làng Ngái, ít nhiều chúng ta được nghe kể lại về nhân vật Nguyễn Tử Siêu là một người mẫu mực, nghiêm cẩn, tận tình, chu đáo, dung dị trong tác phong người thầy giáo của quê hương.

 

 DANH MỤC CÁC TÁC PHẨM CỦA NGUYỄN TỬ SIÊU

A.  VỀ VĂN HỌC VÀ KHẢO CỨU

1. ĐỈNH NÚI CÀNH MAI. Nhà in Long Quang – Hà Nội – 1927

2. GƯƠM CỨU KHÔ (dịch). Nhật Nam thư quán – Hà Nội – 1928

3. BỂ TỈNH NỔI SÓNG (dịch). Nhật Nam thư quán – Hà Nội – 1928

4. BÓNG ĐIỆP HỒN HOA (dịch). Nhà in Nhật Nam – Hà Nội – 1928

5. CÁI NẠN VĂN CHƯƠNG (dịch). Nhà in Nguyễn Kính - Hải Phòng – 1928

6. BIA CỦA AI. Nhà in Nhật Nam – Hà Nội – 1928

7.SỐNG CHẾT VÌ TIỀN. (dịch). Nhà in Nguyễn Kính - Hải Phòng – 1928

8. SƯ HỔ MANG.  Nhà in Nhật Nam – Hà Nội – 1928 – 1929

9. TIẾNG SẤM ĐÊM ĐÔNG. Nhà in Nhật Nam – Hà Nội – 1928( sách bị cấm)

10. BẠN ĐỜI XƯA. Nhà in Nguyễn Kính - Hải Phòng – 1929

11. HAI BÀ ĐÁNH GIẶC. Nhà in Nhật Nam – Hà Nội – 1929

12. LÊ ĐẠI HÀNH. Nhật Nam thư quán – Hà Nội – 1929

13. VUA BỐ CÁI. Nhật Nam thư quán – Hà Nội – 1929

14. ĐINH TIÊN HOÀNG. Nhà in Nhật Nam – Hà Nội – 1929

15. VUA BÀ TRIỆU ẨN. Nhà in Nhật Nam – Hà Nội – 1929, 1936

16. VỢ AI. ( sách bị cấm )

17. NHÂN DUYÊN MỘNG (dịch). Nhà in Nhật Nam – Hà Nội

18. HÁN SỞ TRANH HÙNG (dịch). Nhà in Văn Hồng Thịnh – Hà Nội

19. LÝ NAM ĐẾ.  Nhà in Nhật Nam – Hà Nội ( sách bị cấm )

20. MAI HẮC ĐẾ. Nhà in Nhật Nam – Hà Nội ( sách bị cấm )

21. NGŨ HOA KIẾM (dịch). Nhà in Nhật Nam

22. HẢI ĐƯỜNG HỒN.

23. GÁI ANH HÙNG.

24. TỤC GÁI ANH HÙNG.

25. TRẦN NGUYÊN CHIẾN KỶ. Nhà in Nhật Nam – Hà Nội – 1935 – 1936

26. VIỆT THANH CHIẾN SỬ. Nhà in Nhật Nam – Hà Nội – 1936

27. HỒ HẢI DUYÊN VĂN.

28. VIỆT NAM LỊCH ĐẠI ANH HÙNG CỨU QUỐC SỬ CA. Tạp chí văn hoá tùng biên – Hà Nội – 1950

29. SỰ NGHIỆP VĂN CHƯƠNG CỦA NGUYỄN TRÁI. Tạp chí văn hoá tùng biên – Hà Nội – 1950

30. ANH HÙNG MẠT LỘ.

31. TÔN TRUNG SƠN CÁCH MẠNG SỬ.

32. GIA LỄ CHỈ NAM. Nhà in Nguyễn Kính - Hải Phòng – 1928

33. TẢ TRUYỆN CHÚ GIẢI ( dịch ). Tạp chí văn hoá tùng biên – Hà Nội – 1950

34. THUỶ HỬ (dịch). Nhà xuất bản Thép – Hà Nội – 1957 – 1958

B. VỀ Y HỌC

1. Y HỌC TÙNG THƯ (soạn 1931) 14 quyển

2. KHOA THUỐC TRẺ EM (soạn 1932) 2 quyển

3. KHOA THUỐC ĐÀN BÀ (soạn 1933) 2 quyển

4. TÍNH DƯỢC GIẢI NGHĨA (soạn 1933 - 1937) 2 quyển

5. Y HỌC TOÀN THƯ (soạn 1939) 4 quyển

6. SÁCH THUỐC SỞI ĐẬU (soạn 1940) 1 quyển

7. SÁCH THUỐC ĐÂU MẮT (soạn 1941) 1 quyển

8. SÁCH THUỐC GIA TRUYỀN KINH NGHIỆM (soạn 1941) 2 quyển

9. SÁCH DẠY XEM MẠCH (soạn 1942) 1 quyển

10. SÁCH THUỐC THƯƠNG HÀN (soạn 1942) 1 quyển

11. NHẬT HOA Y HỌC (soạn 1942) 2 quyển

12. SÁCH THUỐC HẢI THƯỢNG (dịch 1942) 2 quyển

13. HOÀNG ĐẾ NỘI KINH TỐ VẤN (dịch 1953) 1 quyển

14. PHỤ KHOA (soạn 1953) 1 quyển

15. NHI KHOA (soạn 1953) 1 quyển

16. HẢI THƯỢNG KHÔN HOÁ THÁI CHÂN (dịch 1964) 1 quyển

17. HẢI THƯỢNG QUYỀN THU (dịch 1962) 1 quyển

18. HẢI THƯỢNG NGOẠI CẢM THÔNG TRỊ (dịch 1963) 1 quyển

19. CHÂM CỨU SƠ BỘ THỰC HÀNH (soạn 1956) 1 quyển

20. PHƯƠNG PHÁP THĂM BỆNH (soạn 1957) 1 quyển

21. ĐÔNG Y BẢO GIÁM (dịch 1950) 1 quyển

22. HOÀNG ĐẾ NỘI KINH LINH KHU (dịch 1960) 1 quyển

23. TỬ SIÊU Y THOẠI (soạn 1964) 7 quyển

24. SÁCH THUỐC NGOẠI TRỊ (soạn 1963) 1 quyển

25. THUỐC NAM CHỮA BỆNH (soạn 1963) 1 quyển

26. CHÂM CỨU LƯỢC GIẢI (soạn 1962) 1 quyển

27. CHÂM CỨU HỌC (soạn 1962) 1 quyển

28. TÂN CHÂM CỨU HỌC (dịch 1960) 1 quyển

29. CHÂM CỨU HỌC GIẢNG NGHĨA (dịch 1960) 1 quyển

30. CHÂM CỨU LÂM SÀNG TRỊ LIỆU HỌC (dịch 1961)

31. CHÂM CỨU HỌC THƯỜNG THỨC (dịch 1961)

32. CÁC BỆNH Ở PHỔI (soạn 1964)

33. SÁCH THUỐC PHỔ THÔNG (soạn 1964)

34. CHÂM CỨU ĐẠI THÀNH (dịch 1958)

35. ĐÔNG Y THỰC NGHIỆM (soạn 1958)

36. NGUYÊN TẮC TRỊ LIỆU CỦA ĐÔNG Y ( soạn 1957)

37. BỆNH HOẮC LOẠN (soạn 1957)

38. CHÂM CỨU CA PHÚ TUYÊN GIẢI (dịch 1960)

39. CHÂM CỨU KINH NGOẠI KỲ HUYỆT (dịch 1960)

40. NỘI KHOA NGOẠI CẢM BỆNH ( dịch 1952)

41. NỘI KHOA NỘI THƯƠNG BỆNH ( dịch 1952)

42. Y HỌC TOÁT YẾU ( soạn 1951)

43. BẢN THẢO CƯƠNG MỤC ( dịch 1958)

Nguồn:  - " Nguyễn Tử Siêu - Tác phẩm chọn lọc" - Nhà xuất bản Hội nhà văn, Hà Nội 1998; Internet; BQT

Cập nhật ngày 14 tháng 05 năm 2010