CÁC KỲ ĐẠI HỘI ĐẢNG BỘ CÁC KỲ ĐẠI HỘI ĐẢNG BỘ

ĐẢNG BỘ HUYỆN THẠCH THẤT: DẤU ẤN MỘT NHIỆM KỲ (kỳ 3)
Publish date 17/07/2020 | 21:44  | Lượt xem: 749

Lĩnh vực văn hóa- xã hội có nhiều chuyển biến tiến bộ, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng cao  

Nhận thức rõ vị trí, vai trò của lĩnh vực văn hóa - xã hội trong quá trình phát triển, nhiệm kỳ 2015- 2020, các cấp ủy đảng, chính quyền và toàn hệ thống chính trị của huyện đã có nhiều chủ trương, biện pháp hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai các nhiệm vụ thuộc lĩnh vực công tác này, thu được nhiều kết quả tiến bộ.

Trong nhiệm kỳ qua, Huyện ủy đã tập trung chỉ đạo xây dựng các thiết chế văn hóa và bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa. Trong 5 năm có 46 di tích được tu bổ, tôn tạo, chống xuống cấp với kinh phí 110 tỷ đồng, trong đó ngân sách nhà nước 75,3 tỷ đồng và nguồn vốn xã hội hóa 34,7 tỷ đồng. Đến nay toàn huyện có 208 di tích văn hóa, trong đó 99 di tích đã được xếp hạng gồm: 01 di tích quốc gia đặc biệt, 34 di tích xếp hạng cấp quốc gia và 64 di tích xếp hạng cấp tỉnh, thành phố. 100% các thôn có nhà văn hóa, điểm sinh hoạt cộng đồng. Các loại hình văn hóa phi vật thể như: múa rối nước; cồng chiêng; hát chèo được quan tâm bảo tồn; các câu lạc bộ văn hóa, văn nghệ, hát dân ca, câu lạc bộ thơ… được duy trì, hoạt động ngày càng phong phú, đa dạng.

Toàn cảnh đình Đại Đồng

Phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa tiếp tục được triển khai sâu rộng và đạt nhiều kết quả tích cực. Đến năm 2020 tỷ lệ gia đình đạt và giữ vững danh hiệu văn hóa ước đạt 88,5% (tăng 2% so với mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXIII); tỷ lệ làng, thôn đạt và giữ vững danh hiệu văn hóa là 80% (tăng 4% so với mục tiêu); có 90,5% cơ quan, đơn vị giữ vững và đạt đơn vị văn hóa (tăng 0,5% so với mục tiêu).

Việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, mừng thọ, lễ hội và việc thực hiện Chỉ thị số 11- CT/TU của Thành ủy về nếp sống văn minh trong việc cưới, Đề án Tang văn minh, tiến bộ trên địa bàn huyện tiếp tục được tập trung chỉ đạo và có nhiều chuyển biến tích cực; nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân được nâng lên, hầu hết các đám cưới diễn ra trang trọng, tiết kiệm, lành mạnh, không tổ chức linh đình, dài ngày; các hủ tục lạc hậu trong việc tang như lăn đàng, chống gậy, yểm bùa, bắt tà trừ ma, phạt mộc, phúng lễ chín đã được bãi bỏ, tỷ lệ hỏa táng tăng 35,7% so với năm 2015; việc tổ chức mừng thọ cho người cao tuổi được các cấp ủy, chính quyền quan tâm, tổ chức gặp mặt, mừng thọ đầu xuân hàng năm; công tác quản lý lễ hội Chùa Tây Phương, lễ hội truyền thống gắn với các di tích văn hóa làng, xã được tăng cường, bảo đảm thực hiện đúng quy định; góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của quê hương.

Rối nước huyện Thạch Thất tham gia liên hoan nghệ thuật Rối nước Thủ đô năm 2019

Đồng thời chỉ đạo thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về văn hóa, thể thao, du lịch, công tác thông tin truyền thông, thông tin điện tử; hoạt động của các dịch vụ viễn thông, Bưu chính huyện đã đáp ứng tốt cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ chính trị trên địa bàn Huyện và nhu cầu phục vụ sản xuất kinh doanh, đời sống sinh hoạt của nhân dân. Công tác ứng dụng công nghệ thông tin được triển khai thực hiện đồng bộ; bảo đảm đầu tư nâng cấp mạng nội bộ (mạng LAN) kết nối ổn định với mạng WAN của Thành phố; hệ thống Camera giám sát tại bộ phận một cửa của huyện và các xã, thị trấn được kết nối Internet tạo thuận lợi cho việc kiểm tra, giám sát, nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ phận một cửa từ huyện đến cơ sở; 100% văn bản được trao đổi dưới dạng điện tử (trừ văn bản bảo mật); thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả đối với 130 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 cấp huyện và 30 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 cấp Thành phố; 100% hồ sơ được tiếp nhận, giải quyết và trả kết quả qua phần mềm một cửa điện tử dùng chung 3 cấp của Thành phố. 

Tiết mục của đội Chèo xã Đại Đồng

Tập trung phát triển văn hóa mới, con người mới thông qua các phong trào thi đua, các cuộc vận động như ”Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, ”Xây dựng người Thạch Thất thanh lịch văn minh”. Quan tâm, chăm lo xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh trong cộng đồng dân cư và các cơ quan, đơn vị; triển khai thực hiện có hiệu quả 2 bộ quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức và ứng xử nơi công cộng; đồng thời tăng cường công tác giáo dục đạo đức con người, đạo đức công dân, giáo dục truyền thống lịch sử địa phương cho các tầng lớp nhân dân, nhất là học sinh trong các trường học trên địa bàn. Chú trọng việc xây dựng gia đình tiến bộ, hạnh phúc, văn minh; xây dựng thôn, làng, cơ quan, đơn vị văn hóa; thực hiện tốt nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội, mừng thọ.

Công tác thông tin, tuyên truyền được quan tâm, chú trọng; bảo đảm duy trì và nâng cấp 391 tháp loa, 1.700 loa, đầu tư xây mới cột thu phát sóng Đài phát thanh huyện, kết nối với hệ thống Đài truyền thanh các xã, thị trấn; chỉ đạo tăng cường công tác tuyên truyền trên Cổng giao tiếp điện tử, trang Website Đài huyện, tuyên truyền miệng, cổ động trực quan và các hình thức đa dạng, phong phú khác; chất lượng, hiệu quả công tác thông tin, tuyên truyền được nâng lên, phục vụ đắc lực nhiệm vụ chính trị của huyện và đáp ứng công tác thông tin, tuyên truyền trong thời đại mới.

Môn thi đẩy gậy trong Hội thi các môn thể thao dân tộc 

Màn đồng diễn tại Đại hội Thể dục thể thao huyện Thạch Thất

Phong trào TDTT quần chúng tiếp tục phát triển sâu rộng; tỷ lệ người dân thường xuyên tham gia luyện tập thể dục thể thao đạt 45,1% (tăng 12,1% so với năm 2015); tỷ lệ gia đình thể thao đạt 29% số hộ (tăng 6,7% so với năm 2015); toàn huyện hiện có 210 Câu lạc bộ thể thao quần chúng. Phong trào “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại” ở các xã, thị trấn và phong trào rèn luyện thân thể trong các trường học được quan tâm; nhiều địa phương có phong trào thể dục thể thao phát triển mạnh. Số vận động viên đạt thành tích cao trong các giải thi đấu cấp quốc gia, thành phố tiếp tục tăng, trong nhiệm kỳ qua đạt 669 Huy chương cấp Thành phố, 333 Huy chương cấp Quốc gia và 211 Huy chương Quốc tế.

Thư viện trường Tiểu học Đồng Trúc

Xác định giáo dục là quốc sách hàng đầu, nhiệm kỳ qua, Huyện ủy tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo phát triển giáo dục và đào tạo cả về số lượng và chất lượng. Tập trung chỉ đạo, bảo đảm quy mô trường lớp được duy trì và phát triển. Hiện toàn huyện có 77 trường học công lập, trong đó Mầm non 26 trường, Tiểu học 27 trường , THCS 24 trường và 09 trường tư thục, trong đó Mầm non 07 trường, Tiểu học 01 trường, THCS 01 trường. Quan tâm công tác đào tạo, bồi dưỡng, kịp thời kiện toàn củng cố, sắp xếp, bố trí đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên đáp ứng tốt cho công tác giảng dạy học tập trong các trường học. Quan tâm, đầu tư xây dựng các trường học theo hướng đạt chuẩn quốc gia; đồng thời đẩy mạnh công tác xã hội hóa giáo dục, huy động các tổ chức, cá nhân tự nguyện đóng góp để xây dựng trường lớp, mua sắm, bổ sung trang thiết bị, với số tiền 10,8 tỷ đồng, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo trên địa bàn huyện. Đến năm 2020 có thêm 30 trường đạt chuẩn quốc gia, nâng tổng số trường học đạt chuẩn quốc gia toàn huyện 62/77 trường, đạt tỷ lệ 80,5% (vượt 0,5% mục tiêu). Chất lượng giáo dục toàn diện cũng ngày càng được nâng cao và đồng đều hơn giữa các trường học; công tác phổ cập giáo dục đạt kết quả tích cực, 23/23 xã đạt chuẩn giáo dục Mầm non trẻ 5 tuổi, phổ cập giáo dục Tiểu học đạt mức độ 3, THCS mức độ 2; tỷ lệ chuyển lớp Tiểu học đạt 99,8%; THCS đạt 99,5%; tỷ lệ hoàn thành chương trình Tiểu học đạt 99,8%; xét tốt nghiệp THCS đạt 99,6%; tốt nghiệp THPT đạt 99%; bậc Tiểu học nhiều năm liền không có học sinh bỏ học… đồng thời chỉ đạo tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục đại trà, công tác bồi dưỡng học sinh giỏi tiếp tục được quan tâm đầu tư đạt kết quả tích cực.

Việc ứng dụng khoa học, công nghệ, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực được Huyện ủy quan tâm chỉ đạo, lồng ghép trong các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo trong lao động, sản xuất, học tập và công tác quản lý góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, hiệu quả quản lý xã hội; tiếp tục chỉ đạo, làm tốt công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập; thực hiện có hiệu quả công tác đào tạo, dạy nghề và giới thiệu việc làm cho lao động, nhất là lao động khối nông thôn; góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

Bên cạnh đó, công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân được quan tâm. Mạng lưới y tế cơ sở tiếp tục được kiện toàn, củng cố và tăng cường; chất lượng đội ngũ y, bác sỹ được nâng cao, tinh thần, thái độ phục vụ nhân dân có nhiều đổi mới. Số bác sỹ trên vạn dân tiếp tục tăng lên, đạt 6,8 bác sỹ/vạn dân (mục tiêu đề ra là 5 bác sỹ/vạn dân). Cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế được đầu tư đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu khám chữa bệnh của nhân dân.

Công tác phòng chống dịch bệnh được chủ động, tích cực, không để dịch lớn xảy ra trên địa bàn; các hoạt động y tế dự phòng, nâng cao sức khỏe nhân dân được triển khai đồng bộ và đạt hiệu quả rõ rệt; tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ cho trẻ dưới 01 tuổi đạt từ 99,6-99,8%. Việc phối hợp với các bệnh viện chuyên khoa tuyến trên được tăng cường, chất lượng khám chữa bệnh cho nhân dân tiếp tục nâng lên. Bệnh viên Đa khoa huyện được công nhận Bệnh viện hạng 2. 100% số xã duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí xã đạt chuẩn Quốc gia về y tế; tỷ lệ đối tượng được nhập vào phần mềm quản lý sức khỏe toàn dân đạt 94,06% dân số; Tỷ lệ trẻ em dưới 05 tuổi bị suy dinh dưỡng cân nặng/tuổi giảm còn 7,5% (mục tiêu Đại hội là  dưới 8,0%).

Công tác quản lý nhà nước về y, dược tư nhân được kiểm tra, kiểm soát đảm bảo chặt chẽ, kịp thời phát hiện và xử lý các trường hợp vi phạm hành nghề y dược theo quy định. Công tác kiểm tra, kiểm soát đảm bảo ATTP được tăng cường; từ năm 2016 đến nay, trên địa bàn huyện không xảy ra ngộ độc thực phẩm đông người.

Huyện ủy cũng tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện tốt Nghị quyết số 21-NQ/TW về công tác Dân số trong tình hình mới; chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tập huấn, tư vấn, vận động, tổ chức truyền thông, thực hiện tốt các chiến dịch tăng cường tuyên truyền vận động lồng ghép cung cấp dịch vụ về dân số, triển khai hiệu quả đề án “Tầm soát, phát hiện sớm một số tật, bệnh bẩm sinh thông qua sàng lọc, chẩn đoán trước sinh và sơ sinh giai đoạn 2016 - 2020”, tỷ lệ sàng lọc sơ sinh đạt 95,5%, tỷ lệ sàng lọc trước sinh đạt 86,3%; tỷ số giới tính khi sinh giảm từ 121 trẻ trai/100 trẻ gái năm 2015 xuống còn 108,1 trẻ trai/100 trẻ gái năm 2019; tỷ lệ người sinh con thứ 3 trở lên giảm 0,3%/năm; tỷ suất sinh thô giảm 0,27‰/năm. Các mô hình điểm nâng cao chất lượng dân số như: mô hình tư vấn khám sức khỏe tiền hôn nhân, mô hình chăm sóc sức khỏe vị thành niên, mô hình chăm sóc sức khỏe người cao tuổi… được triển khai sâu rộng, hiệu quả; công tác Dân số - KHHGĐ trên địa bàn huyện đạt nhiều kết quả, chất lượng dân số được nâng lên.

Các đồng chí lãnh đạo huyện thăm, tặng quà Mẹ VNAH Nguyễn Thị Tàu  

Công tác đảm bảo an sinh xã hội được chú trọng. Huyện ủy đã chỉ đạo thực hiện tốt các chế độ, chính sách cho các đối tượng đảm bảo đầy đủ, kịp thời đúng quy định. Trong nhiệm kỳ qua đã tiến hành lắp đặt máy điều hòa nhiệt độ cho 09 bà Mẹ Việt Nam Anh hùng, đạt 100%; tu sửa 167 nhà ở cho hộ chính sách với kinh phí trên 9,5 tỷ đồng, thực hiện chế độ bảo trợ xã hội và người cao tuổi cho 7.620 lượt đối tượng, cấp 259.500 lượt thẻ BHYT cho người có công, hộ nghèo, bảo trợ xã hội và trẻ em dưới 6 tuổi. Đến nay mức sống của người có công với cách mạng đã được nâng lên bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của nhân dân địa phương nơi cư trú; trên địa bàn huyện không còn hộ chính sách có nhà ở dột nát, xuống cấp.

Huyện cũng triển khai thực hiện có hiệu quả “Đề án đào tạo nghề, giải quyết việc làm, đảm bảo an sinh xã hội và giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020”; đã tổ chức đào tạo nghề cho 25.355 lao động, đạt 123,5% mục tiêu Đại hội; nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo toàn huyện đạt 65,7%, tăng 0,2% so với mục tiêu Đại hội và tăng 10,4% so với năm 2015; giải quyết việc làm ổn định cho 29.704 lao động, đạt 126,4% mục tiêu, tỷ lệ lao động có việc làm đạt trên 98,5%.

Biểu diễn Cồng - Chiêng của đồng bào Mường ba xã miền núi huyện Thạch Thất

Công tác giảm nghèo bền vững được cấp ủy, chính quyền từ huyện đến xã, thị trấn thường xuyên quan tâm; tổ chức đào tạo nghề, giải quyết việc làm, tạo điều kiện để các hộ được vay vốn ưu đãi phát triển kinh tế, thực hiện đầy đủ các chế độ chính sách ưu đãi hộ nghèo, tặng bò sinh sản cho hộ nghèo... đã giúp cho nhiều hộ phát triển sản xuất, cho thu nhập và thoát nghèo. Giai đoạn 2016 - 2020 đã hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo vay vốn ưu đãi từ ngân hàng chính sách xã hội với kinh phí 126 tỷ đồng; vận động nguồn vốn xã hội hóa để xây mới, tu sửa 181 nhà ở xuống cấp cho hộ nghèo với kinh phí 7,64 tỷ đồng; hỗ trợ tiền điện hàng tháng cho 5.635 lượt hộ nghèo với số tiền 4,1 tỷ đồng… Kết quả toàn huyện giảm 2.568 hộ nghèo theo tiêu chí giai đoạn 2016 - 2020, tỷ lệ hộ nghèo còn 0,58%.

Có thể nói những kết quả đạt được trong 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXIII về lĩnh vực văn hóa- xã hội là rất đáng ghi nhận. Thành công đó sẽ tạo nên xung lực mới, sức sống mới, khí thế thi đua mới trong toàn Đảng bộ và nhân dân trong nhiệm kỳ mới 2020-2025./.

 

Thu Thủy