LÀNG NGHỀ TRUYỀN THỐNG LÀNG NGHỀ TRUYỀN THỐNG

Làng nghề mây giang đan xuất khẩu xã Bình Phú
Publish date 05/03/2013 | 08:03  | Lượt xem: 643

Xã Bình Phú, huyện Thạch Thất- Thành phố Hà Nội có diện tích đất tự nhiên 471 ha, được chia làm 9 thôn với 2439 hộ (số liệu năm 2012). Nơi đây nổi tiếng với các làng nghề mây giang đan xuất khẩu, năm 2001, UBND tỉnh Hà Tây đã công nhận 03 làng nghề truyền thống của xã Bình Phú, đó là làng nghề mây giang đan xuất khẩu Bình Xá, Phú Hòa và Thái Hòa...

Làng nghề mây giang đan xuất khẩu xã Bình Phú

 

Xã Bình Phú, huyện Thạch Thất- Thành phố Hà Nội có diện tích đất tự nhiên 471 ha, được chia làm 9 thôn với 2439 hộ (số liệu năm 2012). Nơi đây nổi tiếng với các làng nghề mây giang đan xuất khẩu, năm 2001, UBND tỉnh Hà Tây đã công nhận 03 làng nghề truyền thống của xã Bình Phú, đó là làng nghề mây giang đan xuất khẩu Bình Xá, Phú Hòa và Thái Hòa.

 

Các làng nghề mây giang đan xuất khẩu ở xã Bình Phú có từ xa xưa, phát triển mạnh nhất vào những năm đầu của thập niên 90, thị trường chủ yếu là các nước Đông Âu. Thời gian đó, cả làng ai ai cũng đan mây, đan giang, tre để xuất khẩu, từ người già cho đến trẻ nhỏ. Sản phẩm thì có đủ loại: quạt lá đề, mành tre, ấm ủ, rổ, rá…Từ sau năm 1991 đến nay là khoảng thời gian khó khăn, thách thức đối với sự tồn tại và phát triển của làng nghề.

 

Chúng tôi tìm đến nhà nghệ nhân Đặng Văn Pho tại làng nghề Bình Xá. Ông Pho đang hoàn thiện nốt sản phẩm quạt lá đề có chữ để trưng bày tại Hội chợ triển lãm làng nghề và sinh vật cảnh huyện Thạch Thất năm 2013. Sản phẩm trưng bày của ông lần này quạt lá đề, một chiếc đan chữ “Tây Phương cực lạc”, một chiếc đan chữ “làng nghề Bình Phú”.

 

Ảnh: Nghệ nhân Đặng Văn Pho đang hoàn thiện chiếc quạt lá đề có chữ

 

Ông Pho tâm sự: Quạt lá đề có chữ cần phải có tay nghề cao mới đan được, mà nhiều lắm mỗi ngày cũng chỉ đan được 3 chiếc nếu có nan sẵn. Gia đình ông đan quạt lá đề từ năm 1964, nhưng đan nhiều nhất là vào những năm đầu thập niên 90, mỗi ngày đan hàng trăm chiếc quạt. Nhưng từ cuối năm 1991, người dân không đan quanh năm nữa mà chỉ đan theo đơn đặt hàng nhỏ lẻ vì chủ yếu khách hàng đặt để làm quà biếu tết, quà mừng thọ, quà cho những người con đi xa quê hương. Trong gia đình ông, nghề đan dần mai một, ông Pho có 4 người con, họ đều đi học, đi làm ở Hà Nội, không ai tiếp nối nghề đan quạt lá đề của ông. Họ đi làm những công việc mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn, ổn định hơn.

 

Rời nhà nghệ nhân Đặng Văn Pho, chúng tôi đến cơ sở sản xuất mành tre của ông Nguyễn Khắc Đồng tại làng nghề Thái Hòa. Cơ sở sản xuất của ông Đồng đang trong thời vụ sản xuất. Theo ông Đồng, cơ sở của ông chỉ sản xuất mành tre xuất khẩu sang các nước châu Âu, và tiêu thụ trong nước. Cơ sở có 30 nhân công, chủ yếu là người trong xã, sản xuất một ngày trung bình 200 sản phẩm, mỗi năm khoảng 1 triệu sản phẩm.

 

Ảnh: Cơ sở sản xuất mành tre xuất khẩu của ông Nguyễn Khắc Đồng

 

Làng nghề Phú Hòa đã có nhiều thay đổi, nhiều cơ sở sản xuất đồ mộc, đồ gỗ mỹ nghệ mọc lên. Chỉ còn khoảng 70 hộ gia đình vẫn giữ nghề mây giang đan xuất khẩu, nhưng đây không còn là nghề chính của họ nữa mà chỉ làm theo đơn đặt hàng nhỏ lẻ, cũng như ở làng nghề Bình Xá và Thái Hòa.

 

Theo báo cáo của UBND xã Bình Phú, giá trị sản xuất của nghề mây giang đan xuất khẩu xã Bình Phú ngày càng ít, số hộ làm nghề trong những năm gần đây giảm, hiện nay mỗi làng nghề chỉ còn 70- 80 hộ đan theo đơn đặt hàng, chủ yếu là người già và trẻ em, lao động chính đã chuyển sang làm mộc, đi làm tại các khu công nghiệp. Trong dự án phát triển công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp của xã, nội dung trọng tâm là phát triển nghề mộc, cơ kim khí.

 

Thiết nghĩ, để làng nghề mây giang đan xuất khẩu có thể khôi phục và phát triển mạnh mẽ như trước đây, cần tìm được đầu ra ổn định, mở rộng tiêu thụ tại thị trường trong nước, đa dạng hóa sản phẩm, nâng cao chất lượng, mẫu mã. Khi có đầu ra ổn định, làng nghề mây giang đan Bình Phú chắc chắn sẽ đứng vững và phát triển.

VHTT