DI TÍCH LỊCH SỬ
Trong truyền thống của mình, người Việt Nam luôn đề cao các quan hệ gia đình, họ hàng, dòng tộc. Điều này thể hiện qua câu tục ngữ “ một giọt máu đào hơn ao nước lã” mà qua bao đời nay mọi người đều đã thuộc nằm lòng, coi đó là nguyên tăc úng xử cần được tôn trọng. Ở Việt Nam, dòng họ là một thiết chế xã hội quan trọng, trực tiếp góp phần tạo nên kết cấu làng xã và rộng hơn nữa là đất nước. Đã có nhiều dòng họ nổi tiếng gắn liền với lịch sử hình thành, phát triển của dân tôc, luôn đồng hành cùng dân tộc trong sự nghiệp chinh phục thiên nhiên, xây dựng và bảo vệ tổ quốc.
Trên địa bàn huyện Thạch Thất có nhiều dòng họ lớn đã có công đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc qua các thời kỳ, có thể nhắc đến như: họ Đỗ ở Kim Quan, Họ Nguyễn Đăng ở xã Phùng Xá, Họ ….Tiêu biểu trong các dòng họ đó, chúng ta có thể nhắc đến dòng họ Vũ xã Phùng Xá.
Nhà thời họ Vũ là nơi phụng thờ Phùng Lĩnh Hầu Vũ Đình Dung. Là 1 vị Tiến sĩ có công với triều đình ông tận trung với nước, có nghị lực học hành thi cử cao, nên nhân dân tôn thờ ông tại nhà thờ họ Vũ, xã Phùng Xá, huyện Thạch Thất, thành phố Hà Nội. Căn cứ các tiêu chí xếp loại di tích tại điều 28 Luật Di sản văn hóa và điều 13 Nghị định số 98/2010/NĐ- CP ngày 21/9/2009 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Di sản văn hóa và Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Di sản thì Nhà thời họ Vũ thuộc loại hình Lịch sử lưu niệm danh nhân.
Nhà thờ họ Vũ tọa lạc trong cùng một khuôn viên với quán. Phía trước là con đường dẫn du khách tới di tích quán và nhà thờ, cùng giếng đá ong cổ, bức bình phong, sân vườn và bái đường.
Giếng: Giếng hình trò, kích thước to rộng, có bó vỉa bao quanh miệng, phía dưới so với nền mặt sân là hệ thống đá ong- một thổ sản của vùng quê Thạch Thất và xứ Đoài, được xếp lớp xuống đáy. Người làng kể lại rằng, xưa kia giếng nước đá ong này là nơi cung cấp nước cho làng, nước quanh năm trong xanh hầu như không bao giờ cạn.
Bức bình phong:
Qua giếng chừng 1m là tới bức bình phong, đối diện với bái đường. Bình phong được xây một cách giản lược gồm hai trụ vuông, bên trên là hai chậu cảnh, phần chính giữ là một tiết diện phẳng có chạm thủng ở giữa hình chữ “Thọ” cách điệu, hai bên là hai cánh gà, phía trước bức bình phong là hòn non bộ gồm một chậu lớn, bốn chân theo kiểu chân quỳ dạ cá, phần chính giữa là hình mặt trời và lão mai- tượng trung cho sự thanh khiết cùng những viên đá xếp cao dần thể hiện cho sự hiên ngang chính khí của người quân tử. Đây là biểu tượng chính cho chủ thể phụng thờ Phùng Lĩnh Hầu Vũ Đình Dung.
Bái đường:
Từ bức bình phong qua khoảng sân lát gạch Bát Tràng kích thước 30x30cm là tới bái đường. Tòa bái đường gồm 3 gian 2 dĩ kết cấu theo kiểu tường hồi bít đốc tay ngai trụ biểu. Mái lợp ngói ri. Hai bên là hai trụ biểu được tạo tác đơn giản. Phía trên cùng là hình vuông, xung quanh gờ trang trí hoa sen, phía dưới thắt cổ bồng. Tiếp đến là tiết diện hình chữ nhật, soi gờ kẻ chỉ, ở giữa là ô trống để trơn, hai đầu hồi là hai đấu đinh. Các bờ dải thoải dần xuống phía dưới theo hình tay ngai. Phần ngoài cùng là hai cánh gà và hai trụ biểu.
Từ sân lát gạch Bát Tràng kích thước 30x30cm bước qua bậc tam cấp là tới bái đường. Ngăn cách giữa hiên và bái đường là hệ thống cửa bức bàn sơn màu đỏ nhạt. Vào bên trong là các bộ vì đỡ mái được làm theo hai kiểu. Hai bộ vì giữ làm theo kiểu “thượng giá chiêng chồng rường, hạ kẻ bẩy” trên bốn hàng chân cột. Hai bộ vì hồi được làm theo kiểu “thượng chồng rường hạ kẻ bẩy” trên bốn hàng chân cột, nền lát gạch màu đỏ.
Nhà thờ họ Vũ là một di tích lịch sử lưu niệm danh nhân. Di tích có quy mô kiến trúc khiêm tốn. Đây là nơi thờ tự Tiến sĩ Phùng Lĩnh Hầu Vũ Đình Dung. Đồng thời, cũng là nơi tỏ lòng thành kính của dân làng đối với nhà khoa bảng để lại dấu ấn đậm nét trong lịch sử thời Lê. Di tích có nhiều giá trị lịch sử, văn hóa, nghệ thuật. Đây là nơi diễn ra các sự kiện khoa bảng của làng, đồng thời đây cũng chính là nơi mà người xưa đã tạo lên kiểu thức kiến trúc truyền thống, góp phần trong việc bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc.
Về giá trị lịch sử:
Nhà thờ họ Vũ nằm trong địa danh lịch sử. Đây là quê hương của Trạng Bùng Phùng Khắc Khoan và của những vị hiển danh văn khoa thời Lê. Là một làng cổ, vùng quê văn hiến, nghề cơ kim khí phát triển. Không những thế xã Phùng Xá có lịch sử lâu đời, một vùng “Địa linh nhân kiệt” của xứ Đoài.
Về giá trị kiến trúc nghệ thuật:
Nhà thờ họ Vũ là nơi phụng sự và thực hiện các nghi lễ tưởng niệm nhà khoa bảng thời Lê. Trải qua thời gian, di tích vẫn còn tồn tại trên nền đất cũ, trong không gian thoáng đạt, phía trước là giếng đá ong cổ. Nhà thờ họ Vũ còn lưu giữ được cơ bản kiến thức, sắc thái, kết cấu kiến trúc giai đoạn giữa thời Nguyễn, với các bộ vì “ thượng giá chiêng chồng rường, hạ kẻ bẩy”, “ thượng chồng rường hạ kẻ bẩy”, trên bốn hàng chân cột.
Về giá trị văn hóa, khoa học:
Phùng Xá là cộng đồng dân cư cổ, là vùng “văn hiến của xứ Đoài, cùng với sự hình thành và phát triển của làng xã, hàng ngàn năm qua các thế hệ con người Phùng Xá đã xây dựng lên truyền thống văn hóa tốt đẹp. Những giá trị trong đời sống tinh thần của nhân dân làng Bùng còn lưu giữ được tính cần mẫn trong lao động, nhân hậu trong cách ứng xử, trọng văn hiến, thi thư, dám mạnh dạn mở mang, tìm tòi, chuộng kỹ nghệ, vì quyền lợi của mình gắn với xã hội. Đó là biểu hiện truyền thống của nhân dân làng Bùng. Một trong những nhân cách đáng quý của người Phùng Xá là truyền thống đoàn kết, tương thân tương ái trong cộng đồng làng xã.
Nhà thờ họ Vũ là nơi Thờ Tiến sĩ Phùng lĩnh Hầu Vũ Đình Dung là nhà khoa bảng, vị phó sứ tài danh cùng sự hiện diện của kiến trúc chính là điểm hội tụ và ảnh xạ giá trị tại di tích này.
Nhà thờ họ Vũ là nơi lưu giữ những sinh họat tín ngưỡng của cộng đồng mang tính tryền thống của dân tộc ta. Để bảo tồn và phá huy giá trị di tích nhân dân địa phương mà trước hết là dòng họ cần chủ động xây dựng các phương án chống xuống cấp cho di tích, phối hợp, phối hợp với chính quyền địa phương và ngành văn hóa các cấp tổ chức tuyên truyền về truyền thống lịch sử của dòng họ nêu cao tấm gương Tiến sĩ Phùng lĩnh Hầu Vũ Đình Dung trước cộng đồng. Từ đó giáo dục lòng yêu quê hương đất nước của nhân dân địa phương./.